Cận kề nỗi lo thất thoát tài sản công

Thứ ba, 22/05/2018 09:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng 21/5, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặc biệt lo ngại về tình trạng tài sản công thất thoát qua một số vụ việc vừa bị phát hiện.

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết toán số thu từ nhà đất (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất, thu bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước…) 123.793 tỷ đồng, tăng 62.664 tỷ đồng so với dự toán, trong đó chủ yếu là tăng thu từ nguồn sử dụng đất 49.619 tỷ đồng; tiền thuê mặt đất, mặt nước 9.765 tỷ đồng; thu từ việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sau khi trừ đi chi phí liên quan liên quan 9.262 tỷ đồng... 

Cũng tại Kỳ họp này, Bộ Tài chính cũng trình Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017. Theo đó, thu tiền sử dụng đất năm 2017 đạt 125.280 tỷ đồng, tăng 61.580 tỷ đồng so với dự toán; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước khoảng 27.000 tỷ đồng. Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước mấy năm gần đây cho thấy, nguồn thu từ đất đai tăng khá mạnh, cơ cấu các khoản thu từ đất đai trong tổng thu ngân sách tăng dần. Điều này chứng tỏ, việc khai thác nguồn lực tài sản công nói chung, nguồn lực từ đất đai nói riêng từng bước hiệu quả hơn. 

Tuy đạt được một số thành tựu, nhưng trong thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Uỷ ban Kinh tế đánh giá việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự. Do đó, ủy ban này đề nghị Chính phủ báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán tài sản nhà nước. Báo cáo trước Quốc hội ngày 21/5, Chính phủ cho biết đã phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý nhà, đất, phải xử lý hình sự. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Báo cáo nêu rõ, quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí. Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mạng, chuyển tiền còn bất cập. 

Báo Công luận
Nỗi lo thất thoát tài sản công. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, việc giao, cho thuê đất không qua đấu giá còn diễn ra; giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, chậm đưa đất vào sử dụng chưa được xử lý. Năm 2017, công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm 17.586 ha đất; thu hồi trên 175 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 49 đối tượng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thừa nhận còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với chuyển nhượng tài sản công. Cơ sở pháp lý đối với các giao dịch qua mạng còn lỏng lẻo cũng là hạn chế còn tồn tại, tạo kẽ hở pháp luật cho tội phạm và đã có trường hợp tội phạm được tiếp tay bởi cán bộ trong cơ quan chức năng. 

Ông Vũ Hồng Thanh nêu thực trạng: Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương. Như vụ chuyển nhượng trái phép nhiều tài sản công tại thành phố Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ, đã khởi tố bị can với 02 cán bộ nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Việc bán tài sản công theo hình thức đấu giá, niêm yết giá không chỉ bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, mà còn là điều kiện để Nhà nước thu hồi tối đa giá trị tài sản công đem bán, vì nhiều tổ chức, cá nhân cùng muốn mua thì giá trị tài sản được định giá cao hơn. 

Để khai thác, quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước, ngoài việc thực hiện nghiêm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, còn phải tuân thủ nhiều văn bản pháp luật khác, như Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản; Luật Đất đai; Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí. 

“Cần phải chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, nhất là các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, công tác quản lý và sử dụng đất công của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Có giải pháp để thị trường bất động sản vận hành ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án phát triển nhà ở, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng…”, đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh. Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị được báo cáo về kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng lãng phí và bài học rút ra của các cơ quan. 

Thậm chí, cơ quan này cũng đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ thực trạng trên. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ cũng như trong việc quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Có ý kiến đề nghị cần tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP hàng năm để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này. 

Cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý, trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, cần tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Đẩy nhanh việc cơ cấu lại khu vực này và xử lý các DNNN thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn. Xử lý nghiêm lãnh đạo các DNNN vi phạm quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán./.

Hoảng Phi

Tin khác

TS. Lê Duy Bình: “Gia tăng đầu tư tư nhân là dư địa lớn để nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững”

TS. Lê Duy Bình: “Gia tăng đầu tư tư nhân là dư địa lớn để nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững”

(NB&CL) Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng: Sau mỗi cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn. Nhưng việc hơn 200 nghìn DN rời thị trường cho thấy yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực nội sinh và bài học về quản trị rủi ro và xây dựng chiến lược để DN có sức chống chọi cao hơn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Trung Quốc cảnh báo nguồn cung điện mùa hè thắt chặt do nắng nóng

Trung Quốc cảnh báo nguồn cung điện mùa hè thắt chặt do nắng nóng

(CLO) Đầu tuần này, cơ quan quản lý năng lượng của Trung Quốc dự kiến phụ tải điện tối đa trong mùa hè sẽ tăng hơn 100 triệu kilowatt so với năm ngoái, đe dọa gây căng thẳng nguồn cung ở một số khu vực, đặc biệt là trong thời tiết khắc nghiệt.

Thị trường - Doanh nghiệp
Châu Âu đang 'mộng du' và phụ thuộc vào phân bón Nga

Châu Âu đang "mộng du" và phụ thuộc vào phân bón Nga

(CLO) Một trong những nhà sản xuất phân bón cây trồng lớn nhất cho biết châu Âu đang “mộng du” và trở nên phụ thuộc vào phân bón của Nga, giống như đã từng phụ thuộc vào khí đốt.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mới đầu hè, sản lượng tiêu thụ điện tăng kỷ lục

Mới đầu hè, sản lượng tiêu thụ điện tăng kỷ lục

(CLO) Trong tuần qua, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày đã được thiết lập. 

Thị trường - Doanh nghiệp
Thanh Hoá: Dịp lễ 30/4 - 1/5, giá hải sản tăng chóng mặt

Thanh Hoá: Dịp lễ 30/4 - 1/5, giá hải sản tăng chóng mặt

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, nhu cầu tiêu thụ lớn khiến giá hải sản tại một số nơi ở Thanh Hoá tăng đến 20-30%, có loại tăng gấp đôi.

Thị trường - Doanh nghiệp