Biển Đông - Khát vọng hòa bình!

Cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế

Thứ năm, 10/10/2019 09:52 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chiếu theo những quy định đã được ghi rõ trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đối với những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Bài liên quan

Và cho tới nay, mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982. Đồng thời, mọi hành động thăm dò và khai thác của quốc gia khác mà không được sự đồng ý và thỏa thuận của Việt Nam là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Hoạt động dầu khí Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế

Theo TTXVN, trên thực tế, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa và vùng biển Việt Nam từ trước năm 1975. Ngay từ năm 1969 - 1970, chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng 12.000 km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát từ, trọng lực hàng không ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam (khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai, Thổ Chu và Tư Chính - Vũng Mây do Công ty Ray Geophysical Mandrel thực hiện).

Tiếp đó, trong hai năm 1973, 1974, chính quyền miền Nam Việt Nam hợp tác với các Công ty Western Geophysical và Geophysical Services Inc. (Hoa Kỳ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74 - HS (3.373 km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gồm các lô dầu khí hiện nay là 141, 142, 143 và 144; dự án WA74 - PKB (5.328 km) khảo sát ven biển Phú Yên - Khánh Hòa.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng cục Dầu khí (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện nay) được thành lập năm 1975. Kể từ đó, hoạt động dầu khí được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính - Vũng Mây...

Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tham gia UNCLOS 1982 vào năm 1996, theo chỉ đạo của Chính phủ ta, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã điều chỉnh phạm vi hoạt động và chỉ tiến hành các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Các hoạt động dầu khí tại Việt Nam đều nằm trên vùng thềm lục địa của Việt Nam, kéo dài từ Vịnh Bắc Bộ đến cực Nam - khu vực giáp ranh giới với Campuchia và Thái Lan, phù hợp với luật pháp quốc tế.

can tro hoat dong dau khi cua viet nam la vi pham luat phap quoc te hinh 1

Nhà giàn DK1. Ảnh: Đăng Huỳnh

Cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế

Việt Nam luôn khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình.

Ðiều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế. Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Ðông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trước việc liên tục trong khoảng thời gian mấy tháng trở lại đây, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở nam Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Đồng thời, các lực lượng chức năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo Điều 56 của UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển, trong các quyền, có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Bởi vậy, việc Việt Nam tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại khu vực bãi Tư Chính là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam và nếu không được phép của Việt Nam đều là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.

Với tư cách một quốc gia có chủ quyền, thời gian tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính là do Việt Nam toàn quyền quyết định. Chiểu theo các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không quốc gia nào có quyền yêu cầu Việt Nam ngừng công việc thăm dò các mỏ dầu ở khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó có bãi Tư Chính.

Ngày 3/10 mới đây, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật tình hình và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam về nhóm tàu Hải Dương 8 trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với phát biểu ngày 18/9 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/9/2019. Khu vực mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này”.

Từng trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam luôn coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, luôn thiện chí và sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ quốc tế bằng các giải pháp chính trị. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Trên cơ sở đó, Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và mong muốn các quốc gia khác thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.

                PV

Tin khác

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay dài ngày, đặc biệt là trên địa bàn TP Điện Biên Phủ diễn ra chuỗi các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên lượng người và phương tiện tăng đột biến.

Tin tức
Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(CLO) Ngày 1/7 tới đây, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành. Hiện, Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành các nghị định, thông tư để triển khai thi hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tin tức
Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức