Chậm thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán thể hiện tính kỷ luật chưa nghiêm

Thứ hai, 08/04/2024 09:30 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động và đóng góp tích cực của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), song các ý kiến cho rằng, việc tồn tại tỷ lệ lớn các kiến nghị, kết luận kiểm toán chưa được thực hiện thể hiện việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách chưa nghiêm.

Kết luận, kiến nghị kiểm toán có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước

Khẳng định kết luận, kiến nghị kiểm toán có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, cũng như công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trên khía cạnh pháp luật, KTNN là cơ quan nhà nước hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; có chức năng kiểm tra tài chính công, tài sản công; thực hiện kiểm tra việc chi tiêu và đánh giá xác nhận báo cáo tài chính của các cơ quan thuộc lĩnh vực công.

cham thuc hien kien nghi ket luan kiem toan the hien tinh ky luat chua nghiem hinh 1

Kết luận, kiến nghị kiểm toán có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, cũng như công tác giám sát của Quốc hội

Thực tiễn hoạt động của KTNN cũng đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong xu thế đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước theo mô hình quản lý công mới - với mục tiêu đổi mới toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, tăng cường quản trị công hiệu quả, hiệu lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thích ứng với bối cảnh, điều kiện, tình hình mới.

Tuy nhiên, khi các kết luận, kiến nghị kiểm toán không được thực thi, chấp hành nghiêm túc sẽ khiến cho các quy định pháp luật - nền tảng để phát triển Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa không đạt được tính hiệu lực, hiệu quả. Hay nói cách khác là mục tiêu giúp cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia không thể đạt được.

Thậm chí, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tồn tích số lượng lớn kiến nghị xử lý tài chính của KTNN, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực rất lớn.

Việc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn để lại hậu quả với chính đơn vị được kiểm toán. Điển hình là vụ việc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - hiện đang được cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý liên quan đến việc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong nhiều năm liền, có dấu hiệu gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) và hàng loạt sai phạm khác.

Theo đó, nhiều dấu hiệu sai phạm tại đơn vị này đã từng được KTNN chỉ ra qua kiểm toán. Đơn cử như việc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia cho thuê đất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính; không tiến hành đấu giá và công khai mức giá cho thuê đất, sai nguyên tắc trong sử dụng tài chính công, tài sản công.

Từ phát hiện qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Khu Liên hợp thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các tập thể và cá nhân có liên quan; đồng thời chấn chỉnh những vi phạm được chỉ ra. Tuy nhiên, đơn vị vẫn “chây ỳ” không thực hiện, buộc các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc để làm rõ, xử lý.

Các chuyên gia cho rằng, việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện, thực hiện không đúng, đủ kiến nghị kiểm toán một mặt khiến cho các đơn vị được kiểm toán không thể thu hồi tiền sử dụng sai mục đích về cho NSNN, mặt khác bản thân đơn vị, các cá nhân, tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, thậm chí là trước pháp luật.

PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - khẳng định, KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất của quốc gia, có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và xác minh tính đúng đắn, trung thực cũng như độ tin cậy của các thông tin về tài chính, ngân sách. Các kết luận, kiến nghị của KTNN phải được các cơ quan liên quan, các đối tượng được kiểm toán tôn trọng, chấp hành và thực hiện.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, KTNN không có quyền áp đặt các đơn vị chấp hành thực hiện theo kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, bản thân mỗi đơn vị cần phải thấy rằng, được KTNN chỉ ra, kiến nghị chấn chỉnh, đó là điều tốt cho chính đơn vị, địa phương, để từ đó chủ động, nghiêm túc sửa đổi theo kiến nghị kiểm toán.

“Dù muốn, dù không, với các quy định pháp luật hiện hành, nếu các đơn vị cố tình chây ỳ, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về hành chính hoặc pháp luật hình sự” – ông Phong nhấn mạnh.

Những nguyên nhân khiến kiến nghị kiểm toán bị “treo” thực hiện

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, việc nhận diện rõ các nguyên nhân này cũng chính là yêu cầu được Quốc hội đặt ra khi tổ chức Phiên giải trình tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, từ đó có giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; nâng cao tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố đã nhận diện 14 nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó, có một số nguyên nhân lớn như: Nhà thầu chưa thống nhất được với chủ đầu tư về thực hiện kiến nghị kiểm toán; dự án đang trong giai đoạn triển khai chưa quyết toán hoàn thành nên chưa thực hiện; doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, “nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt của đơn vị được kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức” - ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

cham thuc hien kien nghi ket luan kiem toan the hien tinh ky luat chua nghiem hinh 2

Kiểm toán viên KTNN khu vực V thực hiện kiểm toán tại địa bàn

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng. Trong đó, có nhóm nguyên nhân thuộc về khách quan, tức là kiến nghị kiểm toán rất đúng, thời điểm đưa ra kiến nghị rất xác đáng nhưng sau đó do biến động tình hình, đặc biệt là các đối tượng phải thực hiện kiến nghị có sự thay đổi như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc một số chủ thể cải tổ, sắp xếp, thay đổi bộ máy, biên chế, con người… khiến việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán khó khăn, thậm chí không còn khả năng thực hiện được.

Nhấn mạnh việc các đơn vị được kiểm toán không thực hiện một cách quyết liệt, triệt để là yếu tố chính khiến các kết luận, kiến nghị chưa được thực thi, ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra, trong một số trường hợp kiến nghị của KTNN chưa đảm bảo chặt chẽ. Điều đó trở thành cái cớ cho đối tượng kiểm toán “vin” vào để không thực hiện kiến nghị đó, thậm chí không thực hiện cả những kiến nghị khác.

“Khi KTNN đưa ra kiến nghị là hoàn toàn đúng pháp luật song quá trình tổ chức triển khai thực hiện lại vướng ở chính sách pháp luật khác. Điều đó cho thấy có phần trách nhiệm từ cả hệ thống của chúng ta trong việc hoàn thiện chính sách luật pháp” - ông Lâm bày tỏ.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ: Nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291,2 tỷ đồng, chiếm 58,5%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN chiếm 2,28%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 14,3 %; nhóm nguyên nhân khác chiếm 24,9%.

Những nguyên nhân khiến kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài đã được KTNN lượng hóa một cách có hệ thống trên cơ sở phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đơn vị được kiểm toán. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nêu rõ, qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31/3/2023 là 108.180,2 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN là 45.552 tỷ đồng; còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định). KTNN đã phân loại 04 nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị, với 15 nguyên nhân cụ thể.

Đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, nguyên nhân chưa thực hiện chủ yếu là do quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải chờ để sửa đổi đồng bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị do đơn vị chưa báo cáo tình hình thực hiện nên KTNN chưa nắm bắt được kết quả thực hiện; trong khi đó, trước năm 2023, Chính phủ chưa có một đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách.

Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc tồn tích số lượng lớn số kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn, trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư, phát triển rất lớn.

Còn theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, các kiến nghị về cơ chế, chính sách từ niên độ kiểm toán năm 2019 trở về trước đến nay vẫn chưa được thực hiện chính là một trong những “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, với những cơ chế, chính sách không đúng quy định của Nhà nước và thực tiễn thì cần được làm rõ và có hướng xử lý phù hợp; bởi “nếu đã sai mà không thực hiện ngay thì sẽ tiếp tục sai trong những năm sau”.

Thẳng thắn nhìn nhận việc để tồn đọng kiến nghị kiểm toán, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, các địa phương đều khẳng định sẽ tập trung quyết liệt để xử lý triệt để các kiến nghị “treo”.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời là đơn vị được kiểm toán, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ đang và sẽ tiếp tục quyết liệt tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ để sớm hoàn thành các nội dung theo kết luận, kiến nghị của KTNN. Đối với các kiến nghị về cơ chế, chính sách, Bộ giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị rà soát, xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành đối với các chính sách còn thiếu, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn.

Bộ cũng tích cực xử lý các thủ tục pháp lý như: Khẩn trương và kịp thời phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh các phương án tài chính, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong việc thực hiện quyết toán các dự án để làm cơ sở thực hiện kết luận kiểm toán. “Đối với các nhà thầu không phối hợp thực hiện kiến nghị kiểm toán, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các dự án do Bộ quản lý, cho đến khi thực hiện xong toàn bộ kiến nghị” - ông Lâm nêu rõ.

Nhấn mạnh việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là nhiệm vụ quan trọng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, UBND Thành phố đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, Thành ủy đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, đánh giá trực tiếp việc thực hiện nội dung này tại các cấp ủy Đảng, các đơn vị. Trên cơ sở kết luận của các đoàn kiểm tra, giám sát cũng như phân tích, nhận diện rõ các kiến nghị tồn đọng, Thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai, khắc phục những tồn tại trong tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán.

PV

Bình Luận

Tin khác

Hà Tĩnh điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 24 vị trí cán bộ chủ chốt

Hà Tĩnh điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 24 vị trí cán bộ chủ chốt

(CLO) Sáng ngày 4/5, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức lễ công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đợt 1 năm 2024 gồm 24 ông, bà.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc

(CLO) Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số bài học kinh nghiệm, trong đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Tin tức
Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An thông qua tại Kỳ họp thứ 7

Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An thông qua tại Kỳ họp thứ 7

(CLO) Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Tin tức
Bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát giới hạn 4-4,5% trong mọi tình huống

Bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát giới hạn 4-4,5% trong mọi tình huống

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.

Tin tức
Tập trung cứu chữa gần 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

Tập trung cứu chữa gần 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa gần 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Long Khánh, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân.

Tin tức