Chàng trai Hà Thành và tham vọng đưa cổ phục Việt vươn xa

Chủ nhật, 22/01/2023 14:58 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đã hơn 5 năm đến với nghề dựng cổ phục Việt, đến nay nhà thiết kế trẻ (NTK) Nguyễn Đức Lộc vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc của quyết định “đưa chân” vào một lĩnh vực đầy mới mẻ mà anh xem như gắn với số phận của mình.

Nhìn lại chặng đường ấy, NTK 9X thấy hài lòng nhưng anh thừa nhận còn muốn làm nhiều hơn thế để cổ phục Việt được quảng bá, lan tỏa và được đứng ở đúng vị thế của nó trong dòng chảy lịch sử văn hóa.

Cơ duyên và số phận

Nói về nghề phục dựng cổ phục Việt, NTK trẻ Nguyễn Đức Lộc chia sẻ, với anh nó dường như là số phận và sự an bài từ trước. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Đức Lộc kể rằng từ bé anh đã yêu thích lịch sử và trong suốt những năm học trên ghế nhà trường anh rất mê đọc sách. Thêm vào đó, ông ngoại vốn là thợ may có tên tuổi nên anh quá quen với chuyện may vá, rồi những thiết kế. Anh từng tự cắt, may cho mình những bộ quần áo mình thích. Chính những năm tháng mê mẩn với sách và may vá ấy là cơ duyên để NTK 9X đến với cổ phục sau này.

chang trai ha thanh va tham vong dua co phuc viet vuon xa hinh 1

Hình ảnh trang phục trong phim "Phượng Khấu" do Ỷ Vân Hiên thực hiện. Ảnh: NSX

Đức Lộc kể lại, lớn lên anh theo học ngành quay phim tại trường Cao đẳng Truyền hình và rồi vào công tác tại một đài truyền hình lớn. Đi làm một vài năm nhưng “mọi thứ không đâu vào đâu” - anh nói, bởi niềm đam mê lịch sử và thời trang trong anh quá lớn, cứ thôi thúc anh tìm hiểu.

Đúng thời điểm ấy, cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức xuất hiện (năm 2014) và có sức loa tỏa mạnh mẽ. Nhiều hội nhóm tập hợp những người cùng đam mê văn hóa dân tộc ra đời, trong đó có “Đại Việt Cổ Phong”. Với mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác nhất, fanpage “Đại Việt Cổ Phong” hoạt động tích cực, tạo thành một diễn đàn để những người trẻ yêu văn hóa cổ Việt Nam nói chung, yêu cổ phục Việt nói riêng, cùng chia sẻ kiến thức, tình yêu với lĩnh vực này. Đức Lộc kể, anh đọc “Ngàn năm áo mũ” một mạch và đến lúc đó anh thực sự “ngộ” ra con đường của mình, để rồi quyết định từ bỏ truyền hình, chính thức theo đuổi cổ phục. 

Những tháng ngày rong ruổi

Ngày đầu đến với cổ phục với Đức Lộc là quãng thời gian mệt mỏi nhưng đầy hứng khởi. Để biến ước mơ thành sự thật, Lộc đi nhiều. Một mình lặn lội đến nhiều làng nghề, gặp các nghệ nhân để tìm hiểu về văn hóa dân tộc, đặc biệt là những trang phục cổ. Tại đây, anh học mọi thứ có thể thu lượm được. “Việc đầu tiên, tôi tìm đến là những học giả nghiên cứu về cổ phục. Người am hiểu chuyên sâu về vấn đề này, cả nước cũng chỉ còn vài người. Tôi xót xa cho một nền cổ phục của Việt Nam, số lượng học giả còn lại như vậy là quá ít”, Lộc chia sẻ.

Anh cũng hiểu rằng, việc tìm hiểu này cần phải cả một quá trình rất dài, không thể nóng vội. Ngoài việc mầy mò, tự đọc, tự học thông qua những cuốn sách của các học giả đi trước đã viết, rồi dành thời gian gặp các học giả đi trước để trao đổi, được họ truyền lại những kiến thức. “Rồi tôi bắt tay vào một công việc cũng không kém quan trọng khác: Đó là những chuyến đi thực tế, đi điền dã ở các làng nghề dệt vải. Tại đây, tôi được gặp các nghệ nhân học cách họ dệt vải. Học để mình biết quy trình, công đoạn, chất lượng, nguyên liệu, vải để phân biệt, cách nhuộm thủ công ra sao? Gặp các nghệ nhân cổ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc”, nhà thiết kế 9X bộc bạch.

Những chuyến “ngày đàng” tới các làng nghề dệt vải Vạn Phúc, La Khê, làng lụa Nha Xá (Hà Nam), làng lụa Mỹ A (Quảng Nam, Đà Nẵng), làng lụa Mạ Châu (Quảng Nam)… và nhất là được gặp mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ là chắt nội của vua Minh Mạng, đã mang lại cho Đức Lộc “sàng” kiến thức và kinh nghiệm.

chang trai ha thanh va tham vong dua co phuc viet vuon xa hinh 2

Ỷ Vân Hiên là đơn vị sản xuất toàn bộ trang phục cảnh đại hôn (hôn lễ lớn) giữa Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu trong MV của Hòa Minzy - Ảnh: NSX

Tự tin mở lối đi riêng - Kinh doanh văn hóa

Từ những gì thu lượm được, quyết định mở lối đi riêng về cổ phục của Đức Lộc trở nên rõ ràng hơn: Kinh doanh văn hóa. Đây quả là ý tưởng táo bạo, bởi làm văn hóa đã khó, kinh doanh văn hóa còn khó hơn. Nhưng anh nghĩ rằng, “văn hoá, kinh tế vừa song song và bao hàm lẫn nhau. Văn hoá phải có kinh tế, ngược lại kinh tế cũng phải có văn hoá. Kinh tế và văn hoá cùng bổ trợ, giúp nhau thăng hoa”. Công ty Ỷ Vân Hiên ra đời năm 2018 từ quyết tâm như thế của chàng trai 9X.

Sau khi thành lập, đại dịch COVID-19 ập đến tưởng chừng sẽ làm khó Ỷ Vân Hiên, nhưng Đức Lộc lấy chính khoảng thời gian này để nghiền ngẫm, tìm hướng đi mới, đầu tư cho các thiết kế vừa đảm bảo tính lịch sử văn hóa vừa hợp với xu hướng của giới trẻ. Lộc chia sẻ, Công ty anh hướng đến nghiên cứu, phục dựng những giá trị văn hoá truyền thống, đưa chúng trở lại đời sống hiện đại trong hơi thở, sức sống mới nhưng vẫn giữ nguyên bản giá trị lịch sử. Anh xác định, mỗi một sản phẩm đến tay khách hàng chính là mình quảng bá văn hoá, kể câu chuyện về lịch sử. Việc xác định đúng hướng đi giúp Ỷ Vân Hiên nhanh chóng tìm được chỗ đứng.

“Cách đây vài năm khi tôi bắt tay vào làm áo dài lập lĩnh 5 thân, xã hội có rất ít người biết về chiếc áo dài cổ này. Người ta chưa mua, chưa may nhiều. Nhưng hiện tại, nhiều người tìm may áo dài 5 thân. Giờ đây, xu hướng cổ trang lên ngôi, rất nhiều người may, mặc trang phục cổ này từ tín ngưỡng hầu đồng, đến nghệ sĩ sân khấu, cùng với một loạt MV âm nhạc, giải trí đi theo. Đó là những tín hiệu vui. Khi chúng ta sử dụng chiếc áo dài cổ, đó là đang quay lại giá trị lịch sử văn hoá truyền thống của người Việt. Tôi tự tin mình là một trong những người tạo ra xu hướng”, nhà thiết kế 9X nói.

chang trai ha thanh va tham vong dua co phuc viet vuon xa hinh 3

Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Đức Lộc trong trang phục Việt cổ do chính anh phục dựng. Ảnh: Đức Cường

Tham vọng đưa cổ phục Việt vươn xa

Sau 4 năm thành lập, Ỷ Vân Hiên trở thành đơn vị phỏng dựng cổ phục nổi tiếng trên thị trường thời trang Việt. Từ điện ảnh, MV âm nhạc, sân khấu, sàn diễn thời trang, đám cưới, dịp lễ Tết,... cổ phục Ỷ Vân Hiên xuất hiện khắp nơi. Một năm qua, NTK Nguyễn Đức Lộc đã giành được nhiều hợp đồng, nổi bật là thiết kế phục trang cho dự án phim cổ trang “Phượng Khấu”, thiết kế phục trang trị giá “bạc tỷ” cho MV ca nhạc của các ca sỹ Hòa Minzy và Bùi Lan Hương. Thậm chí, hồi đầu năm 2022, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung đã diện trang phục của Ỷ Vân Hiên để trình quốc thư lên Tổng thống Israel. Ngoài ra, Ỷ Vân Hiên còn may cổ phục cho các lãnh sự quán nhiều nước, góp phần lan tỏa cổ phục.

Dù gặt hái được vô số thành công, nhưng NTK Nguyễn Đức Lộc thừa nhận mong muốn rất lớn của anh là có thể khôi phục toàn bộ hệ thống cổ phục Việt Nam qua các triều đại. Ước mơ của NTK 9X không chỉ phát triển cổ phục Việt trong nước mà còn khát khao làm được điều gì đó để đưa văn hoá truyền thống của đất nước vươn ra thế giới, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc đã làm.

chang trai ha thanh va tham vong dua co phuc viet vuon xa hinh 4

Một số mẫu cổ phục Việt do NTK trẻ Nguyễn Đức Lộc thực hiện - Ảnh: Đức Cường

Bên cạnh đó, NTK Nguyễn Đức Lộc cũng cho biết, hiện nay vì thiếu thốn về tư liệu khảo cứu và cũng rất hiếm trường lớp đào tạo giảng dạy về vấn đề trang phục Việt cổ một cách chi tiết, nên một trong những tâm huyết của anh là có thể cho ra mắt giáo trình giảng dạy về trang phục cổ dân tộc Việt Nam trong tương lai, để tạo điều kiện cho những thế hệ đi sau có hứng thú và đam mê với những trang phục cổ có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu.

Còn nhiều điều NTK Nguyễn Đức Lộc muốn làm, với mục tiêu phục hưng văn hoá truyền thống, đưa cổ phục trở lại với đời sống hiện đại. Nhìn sự quyết tâm và nhiệt huyết của Nguyễn Đức Lộc, chúng tôi tin rằng anh sẽ làm bằng được, bởi như anh từng nói: “Chúng tôi không phỏng dựng một trang phục nào đó để rồi mang vào bảo tàng hay chỉ để trưng bày…”.

Hoài Đức

Bình Luận

Tin khác

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ I – 2024

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ I – 2024

(CLO) Tối 20/5, tại TP Hải Phòng, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024.

Đời sống văn hóa
Hưng Yên: Đình Đại Hạnh được xếp hạng di tích quốc gia

Hưng Yên: Đình Đại Hạnh được xếp hạng di tích quốc gia

(CLO) Bộ VHTT&DL vừa có quyết định xếp hạng di tích quốc gia Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Đời sống văn hóa
Lần đầu tiên khai mạc Tuần lễ Festival Huế tại điện Kiến Trung

Lần đầu tiên khai mạc Tuần lễ Festival Huế tại điện Kiến Trung

(CLO) Chương trình khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 được dàn dựng công phu, mới lạ, kết hợp hiệu ứng âm thanh, công nghệ chiếu sáng tiên tiến và pháo hoa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa
Đức Tăng Thống Myanmar đến thăm Việt Nam mùa Phật đản

Đức Tăng Thống Myanmar đến thăm Việt Nam mùa Phật đản

(CLO) Mới đây, tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài Tăng thống - Tiến sĩ Sayadaw Sandimar Bhivamsa - Bậc Đại Thiện Trí Cao Thượng, Bậc Đại Xiển Dương Chánh Pháp Cao Thượng; cùng Tăng đoàn Myanmar đã đến thăm và chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Phật đản.

Đời sống văn hóa
Nghệ sĩ góp tiếng nói để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

Nghệ sĩ góp tiếng nói để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

(CLO) Chiều 20/5, tại TP Hải Phòng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao Hải Phòng tổ chức Toạ đàm “Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024.

Đời sống văn hóa