Châu Phi khó đạt mục tiêu 40% dân số tiêm vaccine COVID-19 năm 2021

Thứ sáu, 17/09/2021 06:56 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mục tiêu 40% dân số châu Phi được tiêm vaccine COVID-19 vào tháng 12/2021 khó đạt được khi châu lục này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 500 triệu liều vaccine.

Sự kiện: COVID-19

Ngày 16/9, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết, mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 40% dân số châu Phi vào tháng 12 này sẽ khó thành hiện thực trong bối cảnh châu lục này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gần 500 triệu liều vaccine.

chau phi kho dat muc tieu 40 dan so tiem vaccine covid 19 nam 2021 hinh 1

Người dân tại Tunis, Tunisia tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngày 15/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo bà Moeti, sự thiếu hụt này là do cơ chế phân bổ vaccine COVAX đã cắt giảm 150 triệu liều dự kiến sẽ được giao trong năm nay. Theo đó, cơ chế COVAX sẽ chỉ cung cấp 470 triệu liều vaccine cho châu Phi trong năm 2021, đủ để tiêm chủng cho 17% dân số.

Bà Moeti lưu ý rằng việc một số quốc gia sản xuất vaccine đưa ra lệnh cấm xuất khẩu và thực hiện tích trữ vaccine đang làm chậm việc cung sang châu Phi, châu lục hiện mới có khoảng 50 triệu người, tương đương với 3,6% dân số, được tiêm chủng đầy đủ.

Cùng với kêu gọi các quốc gia sản xuất vaccine mở cửa và hỗ trợ các nước châu Phi đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh cao, bà Moeti nhấn mạnh sự chậm trễ trong việc nộp đơn xin phê duyệt theo quy định đối với vaccine mới cùng với việc không thể tăng năng lực sản xuất tại các cơ sở sản xuất của cơ chế COVAX đã hạn chế việc giao hàng đến châu Phi.

Theo bà Moeti, COVAX và các nền tảng đa phương khác đã vận động các quốc gia giàu có để làm rõ về lịch trình tài trợ vaccine cho châu Phi, thậm chí ngay cả các nhà sản xuất cũng được khuyến khích đẩy nhanh quá trình phân phối.

Khoảng 95 triệu liều vaccine bổ sung sẽ đến châu Phi thông qua cơ chế COVAX trong tháng 9, đồng thời việc dự trữ vaccine nhiều hơn với thời hạn sử dụng lâu hơn sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống đại dịch ở châu lục này.

Bà Moeti cảnh báo rằng việc tiêm chủng chậm chạp ở châu Phi có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể rất dễ lây lan. Đến ngày 16/9, châu Phi đã có hơn 8 triệu ca nhiễm COVID-19 và 204.821 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.

Trước đó, trong một phát biểu tại trụ sở WHO tại Geneva hôm 14/9, đặc phái viên của Liên minh châu Phi (AU) Strive Masiyiwa đã hối thúc các quốc gia sản xuất dược phẩm dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu vaccine để tạo điều kiện cho châu Phi có thể tự giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh các nước giàu đã sẵn có nguồn cung vaccine.

Ông Strive Masiyiwa nhấn mạnh việc chia sẻ vaccine là hành động đẹp, song các nước châu Phi không nên dựa vào việc chia sẻ này, mà thay vào đó đặt mua vaccine từ các nhà sản xuất. Đặc phái viên AU tại WHO chỉ rõ các hãng sản xuất vaccine lớn có trách nhiệm về đạo đức trong việc đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng để chấm dứt đại dịch, song những công ty này lại không trao cho các nước chây Phi quyền tiếp vaccine hợp lý.    

Mới đây, AU đã thành lập Nhóm đặc trách mua vaccine phòng COVID-19 châu Phi (AVAT) để triển khai mua vaccine cho các nước thành viên trong một khuôn khổ song song với cơ chế COVAX. Ngoài ra, ông Masiyiwa cũng cho biết châu Phi đang xây dựng năng lực sản xuất riêng đồng thời kêu gọi việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, chỉ có 2% lượng vaccine ngừa COVID-19 đã tiêm trên toàn cầu được sử dụng tại châu Phi, dẫn đến hậu quả là chỉ có 2 quốc gia tại lục địa này đạt được chỉ tiêu của WHO về hỗ trợ tất cả nước tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm nay.

Một thống kê cho thấy, trong số 5,7 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, mới chỉ có 114 triệu liều được sử dụng tại châu Phi, nơi có tới 1,3 tỷ người sinh sống.

Theo Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), mặc dù số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 tại các nước châu Phi đang tăng mạnh, nhiều hãng dược phẩm lớn đã ưu tiên bán hơn 90% số vaccine của mình cho các nước giàu, với mức giá cao hơn 24 lần so với giá thực tế.

WHO đã đặt ra mục tiêu đảm bảo đến cuối năm 2021 sẽ có 40% dân số tại từng nước trên thế giới được tiêm vaccine đủ liều và đến giữa năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới hoàn thành tiêm chủng.

Tuy nhiên, với việc phân bổ vaccine hiện nay, châu Phi khó có thể đạt được mục tiêu này. Ông  John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, cho biết chưa tới 3,5% số người trong diện tiêm chủng tại châu lục này đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Theo thống kê của AFP, chỉ có 9 liều vaccine được tiêm trên mỗi 100 người tại châu Phi. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 118 liều trên 100 người tại Mỹ, hay 104 liều trên mỗi 100 người tại châu Âu. Châu Á, Mỹ Latinh và Caribe và Trung Đông lần lượt có 85, 84 và 54 liều trên mỗi 100 người dân.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe