Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh...

Thứ năm, 27/12/2018 08:23 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của nhà báo Phùng Huy Thịnh thì những lần đi lấy tin ấy là những lần phải đối mặt cái chết trong gang tấc, những lần suýt bị địch bắt sống và cả những lần chứng kiến bom đạn, hy sinh... đã là những kỷ niệm không thể quên được. Giờ đây khi đã chuẩn bị bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cứ mỗi dịp tháng 12 về, người phóng viên chiến trường lại bùi ngùi, xúc động về một thời làm báo hào hùng, sôi nổi, gian khó và cũng rất đỗi vinh quang của thế hệ ông.

Càng khó khăn càng có thêm quyết tâm, động lực

Trong buổi sáng đầu đông, tôi may mắn được trò chuyện với hai sinh viên khóa 15, Văn khoa Tổng hợp (nay là Khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Đó là nhà báo Phùng Huy Thịnh và Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô. Qua cử chỉ, ánh mắt, cách nói chuyện và nội dung câu chuyện của họ, tôi- một người sinh ra trong hòa bình, đã phần nào hiểu thêm được về đời lính, về chiến tranh, về tình bạn sâu nặng, ân tình kéo dài suốt gần nửa thế kỉ giữa hai người lính già ấy. Thú thật, trước khi gặp nhà báo Phùng Huy Thịnh, tôi đã nghe một nữ phóng viên từng là cấp dưới của ông ở báo Hànộimới nói rằng: “Ông là người đàn ông quyến rũ nhất, lịch thiệp nhất và được nhiều em gái mê nhất của báo một thời”. Và hôm nay đây, người ngồi đối diện tôi- Huy Thịnh cao lớn, phong độ, vẫn với giọng nói ấm áp và “lửa” nghề vẫn luôn hừng hực cháy.

Báo Công luận  Nhà báo Phùng Huy Thịnh (bên phải) trong những năm công tác tại Campuchia

Quay ngược về thời gian của 47 năm về trước khi họ - những chàng trai mộng mơ, hào sảng tuổi mười chín theo tiếng gọi của “đường ra trận mùa này đẹp lắm!” (thơ Phạm Tiến Duật) đã tạm xa trường, lớp, thầy cô, bạn hữu, xa phố phường Thủ đô đông đúc, nhộn nhịp để lên đường nhập ngũ với tư thế hiên ngang, tâm hồn rạo rực và đầy khí thế. So với nhiều sinh viên theo lệnh Tổng động viên thời ấy thì Huy Thịnh là một người may mắn, bởi không chỉ được lành lặn trở về mà ông còn được “tiếp lửa” cho công việc làm báo yêu thích của mình ngay tại chiến trường.

Trong 5 năm khoác áo lính thì có đến 2 năm ông làm phóng viên chiến trường lần lượt cho báo Quyết thắng (thuộc Sư đoàn 325) rồi báo Chiến sĩ Giải phóng (thuộc Cục Chính trị, Quân đoàn 2). Đó là quãng thời gian mà người phóng viên trẻ được rèn luyện và trưởng thành với nghề. Nhiệm vụ của một người làm báo chiến trường đó không chỉ là việc đưa tin chính xác, nhanh nhạy và kịp thời mà còn phải bảo đảm được tính mạng của mình. Đó là một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng nói theo cách của Huy Thịnh thì càng khó khăn, nguy hiểm thì những người làm báo chiến trường lại càng có thêm quyết tâm, động lực.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh kể, suốt dọc đường chiến dịch, những phóng viên của báo Chiến sĩ Giải phóng đã động viên nhau, viết thật nhiều bài về cuộc sống trận mạc, tường thuật các trận đánh, chiến thắng của quân ta để gửi đến đồng bào cả nước. Ngày 30/4/1975, báo Chiến sĩ Giải phóng đã có số đặc biệt được in nhiều vạn bản, phát đến tận tay bộ đội và nhân dân.

 Bây giờ nhìn lại, Huy Thịnh bảo làm phóng viên chiến trường phải hội tụ nhiều tố chất. Đó là cái tầm để nhận định, cổ súy kịp thời cũng như rút ra bài học chiến trận; đó là tầm khái quát, có tri thức quân sự để tránh những nhận định sai sót. Tuy nhiên, theo ông thì viết về tấm gương chiến đấu thì cũng phải thật hồn hậu, không lên gân, cố sức, phải làm thế nào để nhân vật hiện lên thật giản dị bởi sự giản dị chính là điều kiện cần thiết của cái đẹp.

Bất cứ lúc nào cũng có thể “ăn” một phát đạn

 Hòa bình lập lại, giang sơn thu về một mối, Huy Thịnh quay về Hà Nội thực hiện nốt ước mơ dang dở trên giảng đường đại học rồi được giữ lại làm giảng viên tại trường. Thế nhưng, bảng đen, phấn trắng, những trang giáo án thơm mùi giấy trắng đã không níu được đôi chân và cả con tim ông để rồi nghiệp báo chí cứ bám chặt lấy người đàn ông gốc Hà thành này. Rồi với bản tính xông pha, quyết liệt, không ngần ngại gian khó, Huy Thịnh đã tham gia đoàn cán bộ-phóng viên (gồm 24 người) của TTXVN cùng một số cơ quan khác vào Thành phố Hồ Chí Minh theo học một lớp tiếng Khmer cấp tốc để chuẩn bị cho một sứ mệnh lịch sử. Đó là giúp nước bạn Campuchia xây dựng Hãng Thông tấn Quốc gia Saporamean Kampuchea (SPK)- tiền thân của AKP ngày nay, trong bối cảnh chính trị rất rối ren.

Đặt chân đến đất Campuchia, Huy Thịnh nhận lệnh của Tổng Giám đốc TTXVN, khi ấy là ông Đỗ Phượng là phải đi mũi cho anh em theo. Thế là ông cùng với đồng nghiệp và phía bạn khi thì Sao Koul – Trưởng ban Tin trong nước, khi thì Phó Tổng Giám đốc Su Mean, một phóng viên SPK và một lái xe, luôn đồng hành trên chiếc xe UAZ chứa hai phuy xăng, mỗi phuy 200 lít, rong ruổi tác nghiệp khắp đất nước chùa Tháp.

Đất nước Campuchia dưới sự tàn phá của chế độ diệt chủng Pol Pot hoang tàn và đổ nát mãi là hình ảnh không thể quên với nhà báo Phùng Huy Thịnh khi lần đầu tiên đặt chân đến đất nước này. Mọi thứ đều thiếu thốn, môi trường ô nhiễm. Ăn đói là chuyện thường, thậm chí phải ăn xoài trừ bữa. Nước múc dưới sông đục ngầu, lọc qua cát sỏi để uống. Thậm chí, nếu vào mùa khô, kiếm được một ngụm cũng không dễ dàng. Điều kiện tác nghiệp cũng hết sức khó khăn khi không có điện. Để gửi được bài về tổng xã, phóng viên, kỹ thuật viên quay mỏi tay lại nằm ngửa đạp ragônô phát điện.

Báo Công luận
Nhà báo Huy Thịnh 

Thế nhưng thách thức lớn nhất với những phóng viên chiến trường không phải thiếu thốn vật chất mà bởi những hiểm nguy luôn rình rập trên từng cung đường tác nghiệp, khi tàn quân Pol Pot vẫn còn và là những tay du kích bắn tỉa. Quốc lộ của bạn khi đó bị băm nát trong chiến tranh, xấu đến mức xe ôtô không khi nào đi được quá 20km/giờ. Và khi đi quá chậm thì bất cứ lúc nào cũng có thể “ăn” một phát đạn B40, B41 của đám tàn quân Pol Pot vốn rất thiện chiến. Phóng viên vì thế không chỉ có sổ, bút, mà lúc nào cũng mang theo bên mình hai khẩu súng AK và K54, cùng ba băng đạn. “Một lần đi làm tin bầu cử hội đồng nhân dân ở Kampong Cham. Đường xấu, chiếc xe Volga chỉ đi được 15km/giờ nhưng sợ Pol Pot tấn công nên phải đi với tốc độ 60km/h, ngồi trong mà đầu bật lên trần xe biêu thành cục. Tại điểm bầu cử ở Kampong Chhnang năm 1982, đoàn cán bộ Thông tấn xã sau khi làm tin xong rút ra bìa rừng thì tàn quân Pol Pot lợi dụng trời tối nã súng cối vào doanh trại”, nhà báo Phùng Huy Thịnh xúc động chia sẻ.

Từng là bộ đội chiến đấu trực tiếp với kẻ địch trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở chiến trường Bình- Trị- Thiên nhưng theo ông cảm nhận thì ngay cả lúc đạn pháo bay rát bên tai, ông vẫn không có cảm giác gai người như khi ở Campuchia.  Bởi, trong chiến tranh ở Việt Nam, kẻ thù ở phía trước mặt, sau lưng là đồng đội. Khi trận chiến tạm dừng, mình yên tâm vì bên cạnh là anh em đồng chí. Nhưng ở Campuchia thì khác. Trên những đoạn đường tác nghiệp, thật khó đoán chắc ai không phải là tàn quân Pol Pot.

Dù lúc nào cũng trong tâm thế nơm nớp lo âu, nguy hiểm rình rập nhưng những phóng viên TTXVN vẫn can trường, dũng cảm để giúp bạn. Ông nói, khó khăn và nguy hiểm nhưng chính những hoàn cảnh ấy đã càng gắn kết những người bạn Việt Nam- Campuchia thân thiết như anh em. “Đối mặt với sự hy sinh từng giờ từng phút, nhưng chúng tôi vẫn giúp bạn rất nhiệt tình. Mình và bạn chia sẻ, có ăn cùng ăn, chén nước chia đôi, một tình cảm anh em rất đỗi tự nhiên, thân thiết”, nhà báo Phùng Huy Thịnh bồi hồi nhớ lại.

Chỉ trong vòng mấy năm, hoàn toàn từ con số không, SPK đã trở thành một hãng thông tấn hoàn chỉnh, với đầy đủ các bộ phận cần thiết, thực hiện rất tốt chức năng thông tấn trong việc cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo và các cơ quan báo chí ở Campuchia. Giờ đây, AKP đang không ngừng lớn mạnh và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong khu vực. Có được những thành công ngoài mong đợi ấy, có lẽ không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của TTXVN, trong đó có những đóng góp của những phóng viên như Phùng Huy Thịnh./.

Hà Linh

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo