Chống vi phạm bản quyền: Cần tinh thần chủ động của các cơ quan báo chí

Thứ năm, 11/04/2024 10:34 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vi phạm bản quyền báo chí diễn ra ở nhiều hình thức, ở nhiều loại hình báo chí khác nhau, từ báo điện tử, truyền hình cho đến sử dụng hình ảnh khi chưa được sự đồng ý. Trong sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí không bị sao chép hay sử dụng sai mục đích càng cần phải làm quyết liệt hơn.

Các hình thức, cách thức đánh cắp tác phẩm báo chí ngày càng tinh vi

Sự bùng nổ của mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích cho việc chia sẻ thông tin, nhưng đồng thời cũng nảy sinh vô vàn vấn đề tiêu cực, trong đó vi phạm bản quyền báo chí là một vấn đề nhức nhối.

Thực tế hiện nay, với tính năng dễ đăng ký, dễ sử dụng rất nhiều Fanpage hay các kênh trên Tiktok của các cá nhân, người sáng tạo nội dung được thành lập ngày một nhiều. Họ tự do sao chép tài nguyên của các cơ quan báo chí, tự ý xâm hại công sức, thành quả lao động của người làm báo. Các tác phẩm báo chí bị cắt ghép, thay đổi tít tạo ra thông tin mang tính tiêu cực, độc lạ, thiếu chuẩn mực xã hội. Mục đích cuối cùng của việc này tăng tương tác đối với độc giả tạo ra kênh có nhiều lượt đăng ký, được nổi tiếng và từ đó thu hút quảng cáo nhiều hơn từ các nhãn hàng, các doanh nghiệp.

chong vi pham ban quyen can tinh than chu dong cua cac co quan bao chi hinh 1

Tại Báo điện tử Dân trí, đơn vị này đã nhiều lần chủ động tìm kiếm phát hiện, đấu tranh, phối hợp sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhưng tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn ngày ngày diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí nhận định: Vấn nạn này bùng phát mạnh nhất trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, từ năm 2021 – 2023, báo đã tổ chức theo dõi và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Các hình thức, cách thức vi phạm ngày càng tinh vi. Có rất nhiều bài viết, tin ảnh, được đội ngũ phóng viên biên tập viên xây dựng, làm kỳ công nhưng sau khi đăng tải trong một thời gian ngắn đã sớm xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.

Hiện nay các nền tảng vi phạm ngày càng nhiều, trong đó chủ yếu là Facebook, Youtube, Tiktok. Một số nền tảng video ngắn cũng khai thác thông tin, hình ảnh đã đăng tải trên cơ quan báo chí. Đã có nhiều video ngắn theo dạng cắt cúp thông tin, ảnh từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau để tổng hợp thành video riêng. Thực tế cho thấy hiện nay có hàng loạt các Fanpage có lượng người theo dõi lớn với hàng triệu thành viên, thường xuyên thêm thắt, bóp méo thông tin báo chí đăng nhằm mục đích định hướng dư luận theo chiều hướng khác. Những bức ảnh được gắn logo của cơ quan báo chí cũng bị cắt bỏ, thêm thông tin logo của trang fanpage đó và họ coi sản phẩm này như của chính họ sản xuất.

Như năm 2023, bài viết “Khu tập thể tồi tàn, khát ánh sáng mặt trời nằm ngay cạnh hồ Gươm” của Báo điện tử Dân trí sau khi đăng tải đã bị hàng loạt trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh nhưng cắt hết logo. Một kênh Fanpage khác sau khi đăng 1 tiếng đã thu hút 23.000 lượt yêu thích, 2.300 bình luận và hơn 200 lượt chia sẻ. Ngoài ra, bài viết còn bị một số đối tượng đăng lên mạng xã hội về bất động sản nhằm mục đích kinh doanh bất động sản.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh nhận định: Những bài viết, những bức ảnh của cơ quan báo chí được cắt ghép, chỉnh sửa và đăng tải lên trên những trang có hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt theo dõi, lượng xem sẽ thu hút doanh thu quảng cáo lớn, những doanh thu này chính là dựa trên mồ hôi công sức, sự sáng tạo của người làm báo, của các tòa soạn báo chí. Được biết, dù đã có các quy định pháp luật về bản quyền báo chí với nhiều lần sửa, tùy vào mức độ vi phạm, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên ý thức tuân thủ bản quyền ở nhiều đối tượng vẫn chưa được cao. Nhiều độc giả tiếp nhận thông tin nhưng không có những kiến thức, kỹ năng để phân biệt đâu là thông tin chính thống, thông tin không có bản quyền.

Báo chí cần phải đấu tranh để thu về nguồn lợi tài chính xứng đáng

Từ thực trạng đó, Tổng Biên tập Báo Dân trí Phạm Tuấn Anh cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp để hạn chế tình trạng các nền tảng mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí trong đó nhấn mạnh vào tinh thần chủ động của các cơ quan báo chí. Ông cho rằng, các cơ quan báo chí cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài của bên mình bị lấy mà chưa được sự đồng ý.

Ngoài ra, cần chủ động đấu tranh công khai, trực diện các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền trên báo chí. Bên cạnh đó, có thể ủy quyền cho bên thứ 3 (luật sư, tổ chức hành nghề luật, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép) nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo cách chuyên nghiệp nhất. Đặc biệt là việc hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước.

chong vi pham ban quyen can tinh than chu dong cua cac co quan bao chi hinh 2

Ở một góc độ khác, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập báo Thanh Niên cho rằng: “Dù không phải toàn bộ, nhưng hiện tượng này không thể phủ nhận đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng. Nơi chúng tôi hằng ngày phải trả nhuận bút cho phóng viên tương xứng với chất lượng lao động của họ, trả phí bản quyền các bản tin thông tấn trong và ngoài nước, cũng như vô số chi phí khác”.

Với kinh nghiệm từ thực tiễn, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đề xuất việc hình thành một liên minh bản quyền báo chí. Cụ thể vấn đề này ông cho rằng, liên minh phải đảm bảo được rằng, đây phải là liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. Liên minh phải kết nối với cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông. Đồng thời, liên minh phải thống nhất được những “luật chơi” có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “bảo chứng” cũng như đứng ra làm “trọng tài” phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài.

Ngoài ra, cần phát huy tính chất “hiệp hội” của liên minh để một số chế tài không nhất thiết thông qua cơ quan quản lý nhà nước mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe. Hoạt động của liên minh không chỉ mang tính “hướng nội” giữa các thành viên mà cần bao gồm mục tiêu giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động chính sách về bản quyền báo chí…Ông Toàn cho rằng, việc hình thành liên minh phải bắt đầu ngay, bắt đầu bằng việc xây dựng đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đề xuất lộ trình khả thi.

Đồng tình với ý tưởng của Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, trong bối cảnh nghệ 4.0, vấn đề bản quyền đang ngày càng trở nên cấp bách. Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang đến, lan tỏa những điều tốt đẹp, tạo nên hiệu ứng tích cực cho cộng đồng, đặc biệt với xu hướng tương tác nhanh, liên kết nhiều người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng tồn tại nhiều tiêu cực cần phải giải quyết.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết: Phần lớn các trang mạng xã hội khai thác các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí mà không thực hiện nghĩa vụ bản quyền. Tác phẩm báo chí là một trong những loại hình đã được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, các sản phẩm mang tính độc quyền của các tác giả, các chủ sở hữu. Bất kỳ ai sao chép một phần hay toàn bộ cũng phải có sự đồng ý, đây là nguyên tắc bất di bất dịch.

“Ngoài việc áp dụng các quy định pháp luật, việc ký kết giữa các bên, chúng ta cần các hiệp hội, các tổ chức đại diện cho các cơ quan báo chí, họ thay mặt để bảo vệ quyền và lợi ích. Đứng ra yêu cầu các bên khi khai thác sử dụng phải trả tiền bản quyền theo đúng các quy định. Thực tế, những đơn vị vi phạm bản quyền vẫn nhận những món lợi nhuận khổng lồ trong khi nguồn thu của các cơ quan báo chí không còn. Chúng ta cần phải đấu tranh để thu về nguồn lợi tài chính mà chính chúng ta đã phải bỏ ra, thực tế người làm báo đã rất vất vả, bỏ công sức để có được những tác phẩm báo chí” - bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.

Lê Tâm

Bình Luận

Tin khác

Ra mắt 'Kí họa trong chiến hào' của phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm

Ra mắt "Kí họa trong chiến hào" của phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm

(CLO) Trong số các ấn phẩm xuất bản nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của NXB Kim Đồng có một cuốn đặc biệt, đó là "Kí họa trong chiến hào" như là nhật ký chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ kiêm phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm.

Nghề báo
Báo Tuyên Quang thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Báo Tuyên Quang thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 6/5, Báo Tuyên Quang phối hợp với tổ chức doanh nghiệp đến thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Nghề báo
Đại lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tác nghiệp với niềm vinh dự và tự hào!

Đại lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tác nghiệp với niềm vinh dự và tự hào!

(CLO) Trong không khí nhớ về những ngày hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhà báo, phóng viên đã có mặt tại Điện Biên để gặp gỡ những nhân vật lịch sử, lắng nghe những câu chuyện ý nghĩa; thông tin kịp thời, nhanh chóng những sự kiện, chương trình đặc sắc chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Báo Nhà báo & Công luận ghi lại những chia sẻ của các đồng nghiệp đang tác nghiệp nơi đây.

Nghề báo
'Dưới lá cờ Quyết Thắng': Những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên

"Dưới lá cờ Quyết Thắng": Những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên

(CLO) Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đã được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức và diễn ra tại 5 điểm cầu gồm: Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và thành phố Hồ Chí Minh vào lúc tối 5/5, được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1.

Nghề báo
Cuộc đua xe đạp về Điện Biên Phủ 2024: Gần 15 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội

Cuộc đua xe đạp về Điện Biên Phủ 2024: Gần 15 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội

(CLO) Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ-2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân” hoàn thành mục tiêu kép khi đạt chất lượng cao về chuyên môn và dành kinh phí gần 15 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội.

Nghề báo