Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô:

Chúng tôi tự hào sẽ đứng vững được trên đôi chân của mình

Thứ năm, 23/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2020, báo Tuổi trẻ Thủ đô chạm mốc 35 năm xây dựng và trưởng thành. Đó là một hành trình không ngừng nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của tờ báo.

Trong cuộc trò chuyện thân tình, nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng – Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô không giấu giếm niềm tự hào trong dịp chào đón tuổi mới.

Chúng tôi vẫn thấy mình đầy năng lượng của tuổi trẻ

+ Khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020) thì báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng bước sang tuổi thứ 35. Ông từng ví von rằng, tuổi 35 ấy đang mở ra một chặng đường mới. Chặng đường đó có “trải hoa hồng” không, thưa Tổng Biên tập?

- Đúng là bước vào năm thứ 35, báo Tuổi trẻ Thủ đô đang mở ra chặng đường mới đầy hứa hẹn trước mắt. Đây là năm thứ hai báo chính thức tự chủ 100%. Dù vẫn còn đó rất nhiều thách thức và khó khăn nhưng với những kinh nghiệm, bản lĩnh, sự đồng lòng, tập trung, quyết chí của tất cả cán bộ, phóng viên, nhân viên, chúng tôi tự hào sẽ có thể đứng vững được trên đôi chân của mình. Điều đó càng chứng tỏ bằng sự năng động, bản lĩnh của mình, báo Tuổi trẻ Thủ đô thích ứng nhanh với xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Đó là một khoảng thời gian đủ khẳng định sự trưởng thành, bước vào độ chín, chúng tôi cùng nhìn lại và đi tới để tiếp tục vinh dự góp một phần sức trẻ cho những mùa xuân đất nước.

Tổng Biên tập Nguyễn Mạnh Hưng trong chuyến từ thiện vùng sâu vùng xa.

Tổng Biên tập Nguyễn Mạnh Hưng trong chuyến từ thiện vùng sâu vùng xa.

+ 35 tuổi vẫn nghĩ mình có “sức trẻ”, tôi rất thích sự lạc quan này. Tờ báo đã đi qua những chặng đường nghề nghiệp tươi trẻ ấy như thế nào, thưa ông?

- Với chúng tôi, từ năm 1985 đến nay là cả một quá trình dài, các thế hệ cán bộ, phóng viên đã nỗ lực ngay khi tờ báo mới ra đời. Tôi chính thức nhận nhiệm vụ phụ trách tờ báo vào tháng 9 năm 2017, cũng là lúc bắt đầu có chủ trương tiến tới cơ chế tự chủ. Và bởi thế, ngay từ đầu, tôi đã xác định, báo Tuổi trẻ Thủ đô như một doanh nghiệp nhỏ, phải đi bằng đôi chân của mình, điều quan trọng nhất là gắn trách nhiệm và làm việc bằng cái tâm của mình. Từ năm 2017, Báo Tuổi trẻ Thủ đô tự chủ 90%, năm 2018 là 95% cho đến năm 2019 thì báo đã tự chủ 100% về tài chính. Về nội dung, chúng tôi xác định tập trung theo hướng triển khai báo điện tử và xây dựng lại hệ thống báo điện tử với việc ra đời thêm chuyên trang điện tử mới là Tuổi trẻ và Pháp luật. Dấu ấn đặc biệt nhất là năm 2019, tờ báo đã xuất bản thêm một chuyên đề “Thanh niên Khởi nghiệp- Làm giàu”, một tuần một kỳ, mỗi kỳ khoảng gần 2 vạn, để phát hành đến thanh niên ba khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hiện nay, chúng tôi có báo in Tuổi trẻ Thủ đô phát hành 1 tuần 3 kỳ, Tuổi trẻ và Đời sống 1 tuần 2 kỳ, tờ Chuyên đề 1 tuần 1 kỳ và 2 trang điện tử. Tất cả mục tiêu đều hướng đến làm sao tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận cho anh em. Sự mở rộng và phát triển từng ngày ấy cũng chính là lý do vì sao chúng tôi vẫn thấy mình đầy năng lượng của tuổi trẻ.

+ Thưa ông, với năng lượng ấy, trong năm 2020, tờ báo đã có những kế hoạch gì cho hành trình tiếp bước?

- Năm 2020 chắc chắn sẽ là một năm bận rộn với chúng tôi, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra tăng 15% so với năm ngoái. Mỗi năm chúng tôi đều đặt ra nhiệm vụ vượt chỉ tiêu chứ không thể dừng lại hay bằng lòng với hiện tại nên ngay từ bây giờ chúng tôi đã phải chạy đua với thời gian rồi. Tờ báo luôn xác định, tập trung xây dựng nội dung thật tốt trên các ấn phẩm, đặc biệt phải ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đa dạng phương thức truyền thông cùng các xu hướng phát triển mới là bước đi tất yếu - một thực tế khách quan của Tuổi trẻ Thủ đô trên con đường chinh phục sự hài lòng của bạn đọc trẻ Thủ đô và công chúng, đồng thời tự chủ kinh tế, đưa thương hiệu của báo đi lên bằng sự tự lực cánh sinh, biến khó khăn thành cơ hội. Đặc biệt, báo tiếp tục mang đến cho bạn đọc một thông điệp lan tỏa ý nghĩa của sức trẻ thông qua chuyên đề “Thanh niên Khởi nghiệp – Làm giàu”. Điều này không chỉ thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 – 2021 mà còn thể hiện sự chung tay, góp sức của tuổi trẻ Hà Nội với các vùng xa xôi của Tổ quốc.

Phát triển bền vững hay không là ở sự chân thành với nhau

+ Tôi nghe phóng viên nói rằng, ông rất kĩ tính và thậm chí rất nghiêm khắc khi rèn nghề. Áp lực của người đứng đầu hay là bởi tính “cầu toàn” của một người đã trải qua những năm tháng vui buồn trong nghề viết?

- Có lẽ là từ cả hai. Tôi kỹ tính đối với tất cả mọi vấn đề trong điều hành, quản lý và nội dung. Tôi “siết” ngay từ việc đăng ký đề tài, báo cáo hàng tuần và hàng ngày trước 8 giờ sáng. Những đề tài nóng, điều tra thì đều phải báo cáo cụ thể, trước khi văn phòng xuất giấy giới thiệu. Thế nên luôn có sự thống nhất từ Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập với các phóng viên, phòng ban, văn phòng thường trú. Sau khi đã thống nhất, anh em đi làm rất tự tin, đàng hoàng và Tổng Biên tập không can thiệp bất cứ điều gì về nội dung sau đó. Có những lỗi mà phóng viên thường xuyên mắc phải, tôi sẽ yêu cầu văn phòng chuẩn bị máy móc trực tiếp Tổng Biên tập tập huấn kỹ năng luôn cho phóng viên. Còn về vấn đề đạo đức nghề nghiệp, tôi luôn luôn nhắc nhở phóng viên tại giao ban tòa soạn hằng tuần, ngay cả khi viết bất cứ điều gì lên mạng xã hội phải cân nhắc kĩ. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn nhắc nhở phóng viên mảng điều tra, bạn đọc về sự an toàn cho bản thân, an toàn cho gia đình, vợ con khi tác nghiệp ở những “điểm nóng”. Với việc rèn giũa đó, điều mà phóng viên của tôi đạt được chính là sự tự tin khẳng định bản thân trong tác nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô.

+ “Hãy làm người tử tế khi còn trẻ” – đó là một tiêu đề ông viết trên trang cá nhân, là chuyện để răn mình, răn người, răn phóng viên chăng?

- Cũng có thể nói như vậy. Có một tối đầu Đông, tôi ngồi trà đá vỉa hè cùng vài đồng nghiệp trẻ. Các cậu ấy hỏi tôi, bác đã làm nghề lâu năm bác nghĩ thế nào về mấy đồng nghiệp trẻ? Tôi trả lời rằng: “Hãy làm người tử tế khi còn trẻ”. Nghề báo là nghề đặc thù, thú vị, được đi nhiều, biết nhiều nhưng cũng là nghề nhọc nhằn gánh từng con chữ, nắn từng con chữ chính là nắn cho bản thân mình khỏi những cám dỗ và điều quan trọng là khi làm không hổ thẹn với lương tâm. Nghề báo trên thế giới nói chung chỉ có một đạo duy nhất là “sự thật” nhưng nỗi khổ tâm của người làm nghề nhiều khi phải đối mặt những điều không như mình nghĩ, không như mình thấy… nhất là trong bối cảnh quản lý xã hội nhốn nháo, bất chấp, đạp lên nhau để sống với những mưu hèn, kế bẩn, nịnh bợ xô ghế, xoa tay để leo lên… Nhỏ mà tử tế, lớn lên sẽ tự chủ, tự lập, tự tin.

+ Tôi được đồng nghiệp kể về ông, không chỉ là một lãnh đạo ngồi trên “ghế nóng” mà còn là một đàn anh trong nghề được vị nể?

- Tôi chỉ dám nhận mình là người chân thành với anh em nên được yêu quý. Tôi có một điều rất vui là đối với anh em không phải chỉ riêng công việc mà kể cả việc gia đình, đối ngoại, quan hệ thì gọi Tổng biên tập lúc nào cũng được. Điều ấy dường như đã thành lệ, tạo cho anh em sự gắn kết, chia sẻ. Tất nhiên, tòa soạn nào đều có người này người kia nhưng cơ bản là mình phải gắn kết được mọi người lại với nhau. Tôi là người hay chiêm nghiệm, hơn 20 năm làm báo thì mình được gì? Cái lớn nhất tôi thấy mình đạt được là đi đến tỉnh nào cũng có anh em chiến hữu. Tôi thường nói với anh em rằng, món quà lớn nhất mà các em tặng cho tôi chính là mỗi người làm tốt phần việc của mình. 35 năm chúng tôi có được như hôm nay là nhờ vào tinh thần đoàn kết, phát triển bền vững hay không là ở sự chân thành với nhau.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Bảo Minh (Thực hiện)

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo