Báo chí Việt Nam và cuộc đua Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức

Chuyển đổi số: Chìa khóa phát triển của báo chí?

Thứ hai, 21/06/2021 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tại sao tôi đặt dấu chấm hỏi cho câu chuyện chuyển đổi số của báo chí. Vì rằng, trong guồng quay của công nghệ số, việc chuyển đổi và coi đó là chìa khóa thành công của báo chí hiện đại không còn là trào lưu mà đã trở thành xu thế tất yếu.

LTS: Chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược. Xác định sự cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ con người, để không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ đã ban hành một Chương trình chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong bối cảnh chung ấy, để tồn tại và phát triển, báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng cũng không thể nằm ngoài công cuộc chuyển đổi số. Thậm chí, chuyển đổi số đã, đang trở thành “cuộc đua ngầm” để nắm bắt xu thế, trở thành người tiên phong của các tòa soạn. Cuộc đua ấy đã, đang diễn ra như thế nào? Sẽ diễn tiến ra sao và cái đích lớn nhất của cuộc đua này là gì? Chuyên đề “Báo chí Việt Nam và cuộc đua Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức ” sẽ đi tìm câu trả lời cho vấn đề báo chí mới mẻ này.

Theo các chuyên gia, không có một mô hình chuyển đổi số (CĐS) chung cho tất cả. Dựa trên những chuẩn mực nền tảng, mỗi ngành nghề và mỗi đơn vị có những nhu cầu và cách thức CĐS riêng và độ thành công cũng rất khác biệt.

1. Khi Internet lan tỏa đột phá, biên giới của phương tiện truyền thông được nới rộng vô tận làm thay đổi hoàn toàn thế giới tin tức. Thế giới và độc giả đang thay đổi. Báo chí phải đối mặt với những thách thức mới trong khi người tiêu dùng tin tức đang tìm kiếm cách thức mới để có được thông tin.

Khác với điện tử hóa tờ báo, CĐS là số hóa toàn bộ hoạt động của tờ báo, mà trang web chỉ là một loại hình xuất bản của tờ báo. Vì thế, để CĐS thành công, mỗi bộ phận phải có chương trình CĐS riêng nằm trong kế hoạch tổng thể của tờ báo. Tùy tình hình và điều kiện, người ta có thể CĐS riêng từng bộ phận nhưng hiệu quả thật sự chỉ có được khi toàn bộ được CĐS để tất cả bộ phận số hóa có thể liên thông, cùng hoạt động nhịp nhàng như các thành phần của một chiếc đồng hồ.

Báo Công luận

Thực tế, hầu hết cơ quan báo chí cả ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài hiện nay, CĐS rõ nhất mới dừng lại ở bộ phận tòa soạn trong công việc “bếp núc” chuyên môn. Tiên tiến nhất là việc hình thành các tòa soạn hội tụ ở một số không nhiều tờ báo - nhưng tòa soạn hội tụ này cũng chủ yếu phục vụ phần nội dung. Ở các bộ phận còn lại như công tác bạn đọc, cộng tác viên, hành chính quản trị thường được số hóa một phần và chỉ trong phạm vi bộ phận. Vì thế, nhiệm vụ của đội ngũ CĐS của tờ báo là hoàn thiện các phần việc đã số hóa của các bộ phận và kết nối chúng lại trong một tổng thể chung cả tờ báo. Như vậy, có 2 điều mà một cơ quan báo chí muốn CĐS cần là nhận thức rõ yêu cầu CĐS và thành lập một đội ngũ chuyên trách tiến hành CĐS cho tờ báo.

Các cơ quan báo chí Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc CĐS. Thứ nhất, có được sự nhất quán chung và cơ sở pháp lý. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình CĐS số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thứ hai, các cơ quan báo chí đều là cơ quan của Nhà nước dưới sự tập trung quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nên có sự thống lĩnh chung từ cơ quan cao nhất. Thứ ba, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí sẽ nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước để tiến hành nhiệm vụ CĐS, đặc biệt là giảm nhẹ nỗi đau đầu nhất của các đơn vị trong tiến trình CĐS là kinh phí thực hiện.

2. Trong một thế giới phẳng về mặt thông tin, chính độc giả - người hưởng thụ thông tin, người giúp các sản phẩm truyền thông báo chí lan truyền nhanh chóng - sẽ là nhân tố quyết định tác phẩm báo chí nào là quan trọng và cơ quan báo chí nào là hữu ích trong dòng chảy thông tin hằng ngày trên môi trường kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt “Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của Chương trình đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

sdas

Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Đại diện Cục Báo chí – Bộ TT&TT, cho biết: Thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có tỷ lệ khoảng 70/30, trong đó gần 70% thị phần thuộc về công ty nước ngoài như Facebook, Google... Chỉ trong 10 năm trở lại đây, các cơ quan báo chí mất khoảng 50% thị phần quảng cáo. Đây là thách thức rất lớn đối với sự tồn tại của báo chí trong nước.

Năm 2019, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm. Tổng doanh thu báo chí in là 3.508 tỷ, giảm 3,9% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo 1.227 tỷ, giảm 5,6% so với năm 2018. Tuy nhiên, năm 2019 tổng doanh thu của báo chí điện tử đạt 1.415 tỷ, tăng 13% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo tăng 13,2%. Điều này cho thấy, báo chí kỹ thuật số, đa phương tiện triển khai trên môi trường Internet hé mở lối ra về nguồn thu cho báo chí trong nước.

Thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vì vậy phải đổi mới công nghệ với giải pháp nào? Và quan trọng nữa, là với ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo nên “Big Bang” ở lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng hiện nay báo chí đang là người đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn. Hoặc là họ đã bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu”.

Những yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số cũng đòi hỏi sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí. Cần có chiến lược chuyển đổi số của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan báo chí (ví dụ với các báo in, quá trình số hóa thể hiện ở việc đầu tư phát triển báo điện tử, áp dụng tòa soạn điện tử trong quy trình xuất bản nội bộ…).

Do vậy, các cơ quan báo chí cần xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, có sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản báo in (hay phát thanh, truyền hình) và điện tử.

Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản xuất báo chí dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí (trong đó có những trải nghiệm số)... Báo chí tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, lan tỏa và chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong đời sống xã hội.

3. “Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhấn mạnh điều này trong Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối năm 2019 tại Hà Nội.

Với tư cách là một ngành, nghề luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đồng thời là một thành phần, một nhân tố hữu cơ của xã hội, của đời sống con người, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Câu hỏi cần giải đáp là báo chí sẽ thực hiện chức năng “thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như thế nào? Số phận những tờ báo, những thông tin trên báo chí được sản xuất theo quy trình cũ sẽ ra sao nếu như luôn bị “chậm chân” so với các tin tức trên internet, mạng xã hội, blog...?

Thực tiễn sinh động và không kém phần phức tạp trên đòi hỏi báo chí cần tham gia tích cực, chủ động vào quá trình này nếu không muốn bị loại bỏ hay chạy theo cuộc sống hiện đại đang vận hành theo những quy luật của chuyển đổi số. Trước những vấn đề mới nảy sinh, phải chăng báo chí cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các vấn đề một cách đúng đắn, phân tích có lý, có tình, có giá trị định hướng dư luận và nhất là phải kịp thời, đúng lúc, không rơi vào thế bị động trước tốc độ của internet.

“Tiếng nói” đó phải trở thành chủ đạo, có sức thuyết phục cao, đủ sức đẩy lùi, lật tẩy những tiếng nói sai trái, lệch lạc, phản động, cơ hội, vô trách nhiệm đã và đang phát tán, tương tác trên internet, mạng xã hội... Qua đó, báo chí mới có thể tiếp tục là người bạn đồng hành, vừa góp phần định vị (định hướng) cho cuộc hành trình của cuộc sống và con người đương đại trước tác động của chuyển đổi số.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã vẽ lại bản đồ chu trình sản xuất, phân phối, lan truyền thông tin theo mô hình mạng tổ ong với rất nhiều điểm nút kết nối ngang hàng. Mỗi cơ quan truyền thông là một điểm nút. Mỗi độc giả cũng là một điểm nút góp phần hình thành các dòng chảy thông tin liên tục. Trong mô hình đó, các loại hình truyền thông, các phương thức sản xuất, phát hành nội dung và hoạt động của cơ quan báo chí cũng phải thay đổi.

Tuy nhiên, trong vòng xoáy thay đổi liên tục đó, vẫn có những giá trị bất biến đối với các cơ quan báo chí. Đó là vai trò trung tâm trong hoạt động thông tin, truyền thông; vai trò dẫn dắt, định hướng các dòng thông tin chủ lưu, chính thống giữa hàng loạt các thông tin đang được lan truyền mạnh mẽ qua các điểm nút phát tán của môi trường trực tuyến mà trong số đó, có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, tin giả và các thông tin có thể đe dọa tới sự an toàn của chính những người tiếp nhận, các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Đó là tính chính xác, khách quan, công bằng, đúng tôn chỉ mục đích và đạo đức nghề nghiệp khi cơ quan báo chí giữ các vai trò quan trọng trên.

Để có thể phát huy được những giá trị bất biến của nghề báo, các nhà báo và cơ quan báo chí buộc phải chủ động gia nhập vào nền công nghiệp nội dung và truyền thông hiện đại. Trong quá trình đó, chuyển đổi số vừa là thách thức, vừa là chìa khóa và công cụ để các cơ quan báo chí khẳng định bản lĩnh của mình trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện.

Khánh An

Tin khác

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo