Có một Sài Gòn đầy gian lao nhưng cũng thấm đượm tình người!

Thứ năm, 02/09/2021 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Quá mệt mỏi, kiệt quệ, không ít người khao khát được trở về quê hương để mưu cầu một cuộc sống yên bình. Song, cũng không ít người tuy đã bị tổn thất nghiêm trọng trong đợt dịch vẫn sẵn sàng bám trụ lại Sài Gòn – nơi đã cưu mang họ, chung sức chung tâm cùng Thành phố vượt qua đại dịch.

Sự kiện: COVID-19

Kiệt sức vì dịch, nhiều người tháo chạy khỏi Thành phố

Một ngày giữa tháng 8, vợ chồng anh Trần Thanh Liêm (35 tuổi) và chị Lê Thị Thảo (32 tuổi) loay hoay với mớ hành lý lỉnh kỉnh trong căn phòng trọ nóng nực, rộng chưa đến 10m2 ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM).

Tay bấu chặt ngực, nước mắt chị Thảo rơi lã chã, chị nhớ con.

Năm 2015, vợ chồng anh Liêm dắt díu nhau vào TP.HCM làm công nhân với mức lương vài triệu đồng mỗi tháng. Đứa con lên 2 tuổi, anh chị gửi lại quê cho ông bà ngoại chăm sóc.

Thế mà, 4 “làn sóng” Covid-19 đã vắt kiệt sức rồi xô ngã họ… Chiếc tivi, tủ lạnh cùng các vật dụng đáng giá khác lần lượt “đội nón ra đi”, đổi lại những gói mỳ tôm để anh chị sống qua ngày.

Hơn 5 năm gắn bó với mảnh đất này, nếm đủ thứ đắng cay ngọt bùi, nhưng đây là lần đầu tiên đôi vợ chồng quê Bình Định quyết định rời bỏ chốn đô thị phồn hoa để về lại nơi họ từng sinh ra. Họ chấp nhận từ bỏ hết những cố gắng trong quá khứ để mưu cầu một cuộc sống yên bình.

co mot sai gon day gian lao nhung cung tham duom tinh nguoi hinh 1

Ngày 15/8, hoang mang trước việc TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội, người dân đổ xô chạy xe máy về quê nhưng bị lực lượng chức năng chặn lại. Ảnh: Kỳ Hoa

Ba tháng mất việc vì TP.HCM liên tục giãn cách, anh Liêm phải mượn bạn 1 triệu đồng để cùng vợ đi xét nghiệm SARS-CoV-2. Ít tiền còn dư lại, người chồng mua xăng dự trữ và làm lộ phí để cùng vợ vượt quãng đường cả ngàn cây số hồi hương.

Song, lưu thông đến giao lộ quốc lộ 1 - Phan Văn Hớn (quận 12, TP.HCM), vợ chồng anh Liêm cùng hàng trăm người dân ở các tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình định về quê bằng xe máy bị lực lượng chức năng chặn lại. Họ được vận động quay trở về nơi ở để đảm bảo công tác chống dịch.

Không riêng vợ chồng anh Liêm, nhiều người đã mất trắng những thành quả nhiều năm “cày cuốc” ngay trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này. Dù từng làm ở các công ty lớn, nhỏ, giờ đây trong căn phòng trọ lạnh lẽo, họ phải tận dụng những thùng đồ ăn được gửi từ quê lên, hay các đợt cứu trợ của mạnh thường quân…

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, nước ta có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, đợt dịch Covid-19 lần này thể hiện rõ nét sự điêu đứng của các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp phía Nam như “ngồi trên đống lửa” khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn ngủ tại chỗ). Họ phải căng mình gồng gánh các khoản chi phí khi duy trì sản xuất, lẫn những rủi ro về nguy cơ bùng phát ổ dịch bất cứ lúc nào.

co mot sai gon day gian lao nhung cung tham duom tinh nguoi hinh 2

Ông Nguyễn Ngọc Luận “đi từng ngõ, gõ từng phòng”, trao từng phần quà cho những người đang cần sự giúp đỡ. Ảnh: Kỳ Hoa

Còn bên trong các bệnh viện dã chiến, lực lượng y, bác sĩ làm việc tất bật, không ngừng nghỉ với cuộc chiến giành giật sự sống cứu các bệnh nhân Covid-19 khi mà TP.HCM ghi nhận thêm hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày trong đợt dịch lớn nhất này. Có những khi họ chỉ ngủ 4 tiếng một ngày hoặc ít hơn nếu có những trường hợp khẩn cấp. Thật xót xa khi nhìn những vết hằn cắt trên mặt, trên tay của các chiến sĩ áo trắng lộ ra khi cởi bỏ lớp khẩu trang, đồ bảo hộ sau nhiều giờ làm việc liên tục.

“Tôi sẽ ở lại đây với TP.HCM”

Người TP.HCM lâu nay được nhắc đến với tính hào sảng, bao dung, chấp nhận người lưu dân tứ xứ. Họ giúp người một cách tự phát, không màng đến tăm tiếng, không chỉ trong đại dịch mà xem như việc thường ngày.

Hàng trăm “bếp ăn 0 đồng”, “phiên chợ 0 đồng”, “gian hàng 0 đồng”… đồng loạt “mọc” lên tại TP.HCM, hỗ trợ người nghèo, những người bị kẹt lại hay tiếp lửa cho lực tượng tuyến đầu đang chiến đấu với kẻ thù vô hình - Covid-19.

“Bao năm nay, trong tôi là TP.HCM trẻ, TP.HCM khỏe, TP.HCM rộng lớn, TP.HCM phát triển, TP.HCM bao dung… TP.HCM ôm vào lòng khách thập phương, TP.HCM đỡ đần dân tha hương tứ chiến, kể cả tôi. Đối với tôi, một người không sinh ra và lớn lên tại TP.HCM nhưng TP.HCM cho tôi trưởng thành hơn, cho tôi nhiều ý chí hơn, cho tôi thành công hơn trong cuộc sống... Tôi đã chọn TP.HCM là quê hương thứ 2 sau Buôn Ma Thuột. Tôi sẽ ở lại đây với TP.HCM”, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận (CEO MeetMore Coffee) trải lòng.

Công ty dừng sản xuất do dịch bệnh căng thẳng, ông Luận liền miệt mài triển khai chương trình “bữa cơm có cá” và “bó rau yêu thương” để hỗ trợ những ai cần giúp đỡ. Hơn 28 chuyến đi với hơn 50 tấn rau củ quả các loại, 6 tấn cá nục mua từ Quảng Bình và Đà Nẵng, 10 tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm… đều được ông Luận “đi từng ngõ, gõ từng phòng”, trao tận tay cho những mảnh đời khó khăn, đang cố gắng bám trụ giữa tâm dịch.

Thay vì đi vào khu vực trung tâm TP.HCM hay tổ chức các “bếp ăn 0 đồng”, ông Luận cùng cộng sự chọn đi ra những khu vực xa hơn như: quận Bình Tân, Bình Chánh, huyện Củ Chi, Hóc Môn… vì cho rằng những nơi này chưa có nhiều mạnh thường quân ghé đến.

Hằng ngày, 3 chiếc xe với đầy ắp lương thực của công ty ông chạy theo các hướng đến những khu cách ly chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ.

Có hôm tôi định nghỉ ngơi để lấy lại sức thì nhận được thông tin về khu xóm với 40 bà con khuyết tật, ung thư ở phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM. Họ bị thất nghiệp đã hơn 2 tháng nay. Không thể chờ thêm, tôi quyết định đến ngay để hỗ trợ. Có những người khuyết tật cầm gói quà không nổi đến run tay, khiến tôi không kìm được xúc động”, ông Luận chia sẻ.

Cuộc hành trình thiện nguyện này ít nhiều đã bào mòn sức khỏe của ông Luận. Ngày ngày trong bộ đồ bảo hộ, ông cùng cộng sự len lỏi khắp nẻo đường TP.HCM, lan tỏa và thắp lên hy vọng, niềm tin cho những ai đang mệt nhoài trong “cơn bão” Covid-19.

co mot sai gon day gian lao nhung cung tham duom tinh nguoi hinh 3

Người dân Quảng Nam được hỗ trợ về quê bằng những chuyến bay 0 đồng – Nguồn: Hội đồng hương Quảng Nam.

Cũng là chủ một công ty chuyên về giải pháp phần mềm, công nghệ, ông Phạm Thanh Vi (founder SOSmap.net) thời gian qua chỉ kịp ngủ vài giờ mỗi ngày. Đau đáu trước việc các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện mất nhiều thời gian để tiếp cận với những người khó khăn, hoặc những người đang cần sự giúp đỡ loay hoay tìm sự hỗ trợ, ông Vi đã sáng lập ra SOSmap.

Ứng dụng hoạt động bao gồm hai phần chính gồm người cho và người cần nhận. Người dân có hoàn cảnh khó khăn và đang cần hỗ trợ nhu yếu phẩm có thể vào website SOSmap.net điền các thông tin cần hỗ trợ. Thông tin sẽ được xác minh và hiển thị trên bản đồ cứu trợ. Các đội nhóm của SOSmap sau đó sẽ liên hệ hoặc kết nối với các tổ chức hỗ trợ người khó khăn.

Bản đồ có những dấu đỏ là điểm có người cần hỗ trợ kèm với đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, mô tả hoàn cảnh và lý do cần hỗ trợ để người cho, các nhóm thiện nguyện có thể dễ dàng tìm thấy họ. Khi việc hỗ trợ hoàn thành thì app cũng sẽ cập nhật trạng thái “Đã hỗ trợ” để các nhóm khác không hỗ trợ trùng”, ông Vi mô tả cách thức hoạt động của SOSmap.

Đến nay, SOSmap hiển thị hơn 15.000 người cần nhận, khoảng 2.000 người cần cho và hơn 2.500 người đã được hỗ trợ, chủ yếu tập trung ở TP.HCM.

TP.HCM cách ly nhưng… không cách lòng

Đặc biệt, trong đợt dịch lần này, nhu cầu về bình oxy trở thành vấn đề cấp thiết đối với các bệnh nhân, người đang cách ly tại nhà. Ông Hoàng Tuấn Anh - người sáng lập “ATM gạo” trước đó đã cấp tốc triển khai “ATM oxy” để hỗ trợ kịp thời việc điều trị, hy vọng nối dài sự sống cho các bệnh nhân.

Mỗi ngày 24 đường dây nóng ở các quận, huyện của “ATM oxy” nhận hơn 1.000 cuộc gọi từ bệnh nhân, người nhà của F0 đang điều trị tại nhà. Có những cuộc gọi vào lúc nửa đêm, các tình nguyện viên thức trắng không ngủ để mang bình oxy đến hỗ trợ người cần. 

Tuy nhiên, vì số lượng bình oxy còn hạn chế (khoảng 1.000 bình) lại phải luân phiên bơm nạp oxy nên hiện “ATM oxy” mới chỉ cung cấp được khoảng 300 lượt/ngày. “Thật buồn khi có ngày có 2 ca đã mất trước khi chúng tôi đến. Giá như chúng tôi có thể làm nhanh hơn chút nữa…”, ông Tuấn Anh bày tỏ sự tiếc nuối.

co mot sai gon day gian lao nhung cung tham duom tinh nguoi hinh 4

“ATM oxy” góp phần kéo dài sự sống cho bệnh nhân, người đang cách ly tại nhà. Ảnh: Kỳ Hoa

Hiện, mô hình trạm “ATM oxy” được triển khai ở 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Lực lượng thành Đoàn, quận Đoàn sẽ hỗ trợ tối đa trong việc vận chuyển, tiếp tế trực tiếp tới những trường hợp cần. Mô hình cũng nhận được sự chung tay hỗ trợ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Ông Tuấn Anh cho biết đang tăng tốc nâng số lượng bình oxy lên 3.000 trong thời gian ngắn. Theo đó, ông vừa phải đặt mua vừa kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng.

Bên cạnh những nỗ lực giúp đỡ những người dân đang cố bám trụ lại, TP.HCM cho biết sẽ tạo điều kiện để người dân được về quê bằng các kênh chính thức nếu các địa phương có kế hoạch cụ thể. Qua đó, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe, cũng như để người dân về trật tự, an toàn. Nhiều chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay miễn phí đã lần lượt “giải cứu” người dân đang bị “mắc kẹt” tại TP.HCM được trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Đơn cử, tỉnh Quảng Nam đã đón hơn 2.500 người sinh sống, làm việc tại TP.HCM gặp khó khăn về địa phương.

Có những lần màu áo bảo hộ xanh lan phủ khắp bến xe, sân ga, sân bay tại TP.HCM, nhiều người mang cảm xúc lẫn lộn khi sắp rời thành phố. Họ nhớ quê - nơi sinh ra họ, nhưng họ cũng thương nhớ TP.HCM - nơi cưu mang họ.

Còn những người đang ở TP.HCM, vẫn thốt lên “nhớ TP.HCM quá đỗi”…

TP.HCM ra mắt Trung tâm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19

Ngày 15/8, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã tổ chức trực tuyến lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19”.

Trung tâm có chức năng tiếp nhận các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp các địa phương và Sở Y tế rà soát đối tượng, nắm bắt khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của người dân nghèo, khó khăn, bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu cần được hỗ trợ của các bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị Covid-19, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Cũng trong ngày 15/8, sau khi thông tin về việc TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội thêm 1 tháng (đến ngày 15/9), Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Ðức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm.

Thường trực Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, TP. Thủ Ðức triển khai nhanh các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị thiếu đói. Gói hỗ trợ an sinh xã hội (bằng tiền mặt) lần này được thực hiện trong tháng 8 và 9/2021. Ðồng thời, các địa phương tổ chức để bà con tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Bên cạnh đó, tại buổi họp báo ngày 16/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Ðức cho biết, TP.HCM sẽ có nhiều gói hỗ trợ khác nhau tùy đối tượng. Trước mắt các gói sẽ kéo dài 3, 5 đến 7 ngày để đảm bảo cho người dân duy trì cuộc sống. Sau đó tùy tình hình TP.HCM sẽ bổ sung. Trung tâm an sinh điều phối, ghi nhận nhu cầu.TP.HCM sẽ tập trung mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực xã hội đóng góp để chăm lo cho người dân, phấn đấu sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực này.

Từ ngày 5 - 10/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã triển khai gói an sinh xã hội lần 2 hơn 900 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.

Kỳ Hoa

co mot sai gon day gian lao nhung cung tham duom tinh nguoi hinh 5
Bình Luận

Tin khác

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

(CLO) Thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên xác nhận, sau khi lực lượng chức năng địa phương này đã tìm được thi thể thứ 4 của vụ tai nạn vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 27/4.

Đời sống
Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

(CLO) Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đời sống
Lào Cai: Vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận cứu hộ nhiều động vật quý hiếm

Lào Cai: Vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận cứu hộ nhiều động vật quý hiếm

(CLO) Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận 8 cá thể Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình, đây là loài động vật nguy cấp bảo vệ vì quý hiếm.

Đời sống
Dự báo thời tiết 27/4/2024: Cả nước tiếp diễn trời nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 41 độ

Dự báo thời tiết 27/4/2024: Cả nước tiếp diễn trời nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 41 độ

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 27/4/2024, Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt (vượt 41 độ C).

Đời sống
PC Bắc Kạn: Nỗ lực giảm tổn thất điện năng

PC Bắc Kạn: Nỗ lực giảm tổn thất điện năng

(NB&CL) Những năm qua, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã tập trung nhiều giải pháp như đầu tư nâng cấp và cải tạo sữa chữa lưới điện, tính toán các chế độ vận hành lưới điện tối ưu, ứng dụng công nghệ thông tin đo đếm điện năng... với nỗ lực giảm tổn thất điện năng.

Đời sống