Gắng lên, Sài Gòn!

Thứ năm, 08/07/2021 10:29 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong giãn cách, trong đại dịch chắc chắn cuộc sống của người dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn... Nhưng, hãy gắng lên nào, Sài Gòn ơi!

Tôi có đọc được ở đâu đó bài báo, ở đó tác giả viết rằng: Sài Gòn đã thấm mệt. Mệt là lẽ đương nhiên, khi trái mọi dự đoán, diễn biến quá bất thường của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến Sài Gòn- TP.HCM liên tiếp vượt qua tất cả những kịch bản ứng phó Covid-19, số ca nhiễm liên tục tăng cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải yêu cầu Thành phố cần có giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch.

1. Đợt dịch thứ tư ở TP.HCM bùng phát tối 26/5 khi phát hiện ca nhiễm liên quan điểm sinh hoạt Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp, tính đến nay, đã ngót nghét gần một tháng rưỡi. Nhưng ngay thời điểm 26/5 ấy, không một công dân nào của TP.HCM có thể ngờ rằng thành phố của mình lại phải trải qua những đợt sóng Covid khốc liệt, dữ dội đến thế.

Từ 3 ca ban đầu, chỉ năm ngày sau, thành phố đã ghi nhận 133 ca cộng đồng; 21/22 quận huyện xuất hiện ca nhiễm. Đến ngày 14/6, từ chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng với gần 600 ca nhiễm, dịch bắt đầu xâm nhập các bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư... với gần 1.000 ca nhiễm. Số ca Covid-19 hằng ngày tại TP.HCM từ đó tăng trên đà 3 con số. 

Dịch không chỉ ở thành phố mà còn lan rộng ra Long An, Bình Dương, Đồng Nai; một số tỉnh xa như Tiền Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Quảng Ngãi... Với 714 ca nhiễm được công bố hôm 3/7, số ca bệnh tại TP.HCM vượt 5.000 - đây là tình huống nghiêm trọng trong kịch bản ứng phó thành phố đặt ra vào giữa tháng 5. Và đến nay (tính tới ngày 6/7) TP.HCM ghi nhận 7.385 ca Covid-19, cao nhất cả nước, dù đã trải qua 36 ngày giãn cách xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thăm hỏi, động viên công nhân làm việc tại Công ty Nissei Electric Vietnam (ở Khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Ðức). Ảnh: TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thăm hỏi, động viên công nhân làm việc tại Công ty Nissei Electric Vietnam (ở Khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Ðức). Ảnh: TTXVN

Đánh giá về tình hình dịch tại TP.HCM, các chuyên gia dự báo, số ca mắc tại TP.HCM sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới do các yếu tố, bao gồm việc F1 được truy vết cách ly đến thời điểm phát bệnh; chiến lược xét nghiệm diện rộng toàn TP.HCM với quy mô lớn... Còn trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo chống Covid-19 của TP.HCM hôm 2/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng: “vẫn còn phức tạp, tính chất khó lường, nhất là về số lượng”.

2. Cách đây gần một tháng, ngày 10/6, thời điểm làn sóng dịch lần thứ 4 chưa đạt tới mức “đỉnh” tại TP.HCM - tại Hội nghị trực tuyến “TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép””, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã đưa ra số liệu cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...

Tại Hội nghị, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết, khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy, trong đợt dịch lần thứ 4 này, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; 50% doanh nghiệp bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch.

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời, nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp khó khăn một thì những đối tượng yếu thế như người lao động tự do còn khó khăn gấp bội. Qua khảo sát ban đầu từ trung tuần tháng 6/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, từ TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện, toàn TP.HCM có khoảng 230.000 người thuộc diện người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, riêng người buôn gánh bán bưng, bốc vác, bán vé số là hơn 70.000 người.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến quá phức tạp như hiện nay, những con số đáng quan ngại ấy chắc chắn còn gia tăng và tạo áp lực không hề nhỏ cho xã hội, cho chính quyền, cho ngân sách Nhà nước. Và một khi sự cứu trợ không kịp thời hay không đủ, thì nói như nhà báo Đức Hiển, “giống như người ốm, không được cấp cứu và điều trị kịp thời, những người yếu thế sẽ khó gượng dậy và chịu nhiều di chứng. Di chứng ấy, tất cả chúng ta đều phải gánh chịu. Phố xá Sài Gòn và các đô thị khác làm sao vui khi nhiều người trong lòng nó dần kiệt sức?”.

Báo Công luận

3. Nhưng rõ ràng, không nên và không thể để Sài Gòn và các đô thị khác của cả nước dần kiệt sức, khi chúng ta biết rằng, chúng ta còn có thể tìm ra được giải pháp. Người Việt xưa nay vốn có truyền thống không lùi bước trước khó khăn, thậm chí xem khó khăn là “lửa thử vàng”. Và thực tế, trong những làn sóng dịch Covid-19 trước đó, Việt Nam chúng ta đã được xem là “hình mẫu chống dịch của thế giới”. Truyền thống ấy, phẩm chất ấy là tiền đề để Việt Nam nói chung, Sài Gòn - TP.HCM nói riêng vững tin hơn vào những cuộc chiến đấu khốc liệt hơn nữa với dịch Covid-19 phía trước.

Thế nên, dù mệt, dù đâu đó có thể có dấu hiệu kiệt sức nhưng TP.HCM, như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch chiều ngày 6/7 vừa qua, “TP.HCM phải có giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để, hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa, kéo dài. Phải tiếp tục siết chặt tay nhau, chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn thời gian ngắn để sớm quay trở lại cuộc sống bình thường”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM phải tổ chức nghiêm giải pháp đã đề ra và thống nhất ở mức cao hơn hiện nay để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế hoàn toàn các ổ dịch. Không để tình trạng giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay. Thành phố cũng phải rất khẩn trương, chu đáo thực hiện tất cả quy định cần thiết nhằm hạn chế người đi lại, tụ tập trong thành phố; yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.

Còn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sau cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 07 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 4/7/2021, trong thông báo kết luận đã chỉ rõ: Là Trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều Khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên; tuy nhiên, khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, chặt chẽ hơn kể cả toàn thành phố; kể cả các giải pháp mạnh như: tiếp tục giãn cách xã hội, phong tỏa rộng, cách ly chặt chẽ, thần tốc xét nghiệm, sàng lọc nhanh chóng F0 để cách ly điều trị, nhất là những nơi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như chợ đầu mối, khu công nghiệp và khu tập trung đông người…

Những ngày qua, Ban Chỉ đạo chống Covid-19 TP.HCM đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đặc biệt là Chỉ thị 10, các chợ đầu mối không đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 như chợ Bình Điền, Hóc Môn... tạm ngừng hoạt động. .

Nhưng, diễn biến tình hình dịch Covid-19 những ngày qua cho thấy, rP.HCM phải quyết liệt thần tốc, chủ động hơn nữa trong việc chống lại đại dịch. Việc TP.HCM quyết định giãn cách toàn thành phố trong 15 ngày theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 được xem là biện pháp cần thiết...

Năm xưa, chúng ta đã có một chiến thắng 30/4 từ chiến dịch giải phóng Sài Gòn với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Và giờ đây, nhất định, với tinh thần quyết liệt, với những quyết sách dứt khoát, linh hoạt, sáng tạo, hoàn toàn có thể nuôi niềm tin rằng, chúng ta sẽ chiến thắng trước đại dịch…

Trong giãn cách, trong đại dịch chắc chắn cuộc sống của người dân Thành phố sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn... Nhưng, hãy gắng lên nào, Sài Gòn ơi!

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn