Công tác nhân sự Đại hội Đảng: Kiên quyết loại bỏ cán bộ chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, ‘lợi ích nhóm’

Thứ năm, 14/05/2020 07:05 AM - 0 Trả lời

(CLO) Công tác nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, liên quan đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước. Bởi vậy, đây là sự kiện được người dân, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Không chọn những người cơ hội, tham vọng quyền lực

Trong bài phát hiểu khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “...Việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta.

Chúng ta đã trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự báo những năm sắp tới, thời cơ và thách thức đối với nước ta đều rất lớn. Do đó, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Vừa qua, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XII gần đây của Đảng, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau khi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị lần đầu, Tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các đồng chí Ủy viên Trung ương đều cơ bản nhất trí với dự thảo; cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm công tác nhân sự của các khóa trước. Tiểu ban Nhân sự đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị lần thứ hai trước khi trình Hội nghị Trung ương hôm nay.

Trong Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII; về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương. Tôi đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm? Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...”

Ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (ảnh st)

Ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (ảnh st)

Trao đổi với báo chí, ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cho hay, các dấu hiệu để nhận diện tham vọng quyền lực thường gắn với các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền như chạy bằng cấp, chạy phiếu bầu, luồn cúi, tìm mọi cách để vào được các cấp uỷ, các chức vụ, các vị trí để từ đó trục lợi. Đó là tham vọng quyền lực để trục lợi, để tham nhũng. Nhưng cũng có một kiểu tham vọng quyền lực khác nguy hiểm hơn đó chính là tham vọng quyền lực để chuyển hoá chế độ, thay đổi thể chế chính trị.

“Trục lợi về kinh tế và có cả những tham vọng quyền lực để thay đổi bản chất chế độ là điều hết sức nguy hiểm” – ông Quát nhận định.

Theo ông Quát, từ khoá XI, khoá XII, Đảng ta đã đưa ra một loạt các quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm, các quy định khác để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ. Qua đó thẩm tra, sàng lọc, lựa chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, lựa chọn. Việc quan trọng là thực hiện những quy định này trong thực tiễn, tránh những sai lầm trong công tác cán bộ. Có tiêu chuẩn nhưng làm thế nào để nhận diện và sàng lọc được cán bộ thì đó mới là điều khó.

Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “khó trăm lần dân liệu cũng xong”, ông Đào Duy Quát cho rằng, trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng đã nhấn mạnh tinh thần này “cứ hỏi dân, dân biết hết”. Do đó, công tác cán bộ phải được công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và giám sát. Cùng với đó khi quy hoạch và lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự thì cần các kênh giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội…

Đồng thời, thông qua các cơ quan kiểm tra, cơ quan thanh tra, uỷ ban kiểm tra các cấp cũng phải rà soát, phát hiện xem cán bộ có đủ các tiêu chuẩn không.

“Nếu có phát hiện những tì vết sẽ sàng lọc, tránh những việc mua chức, mua quyền. Đặc biệt là những cán bộ vào cấp cao có những biểu hiện tham nhũng, phe cánh, cục bộ, lợi ích nhóm” – ông Quát nêu. Đồng thời, ông cho rằng, chính trong các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh thì mới có thể làm tốt việc này.

Trách nhiệm của đại biểu giới thiệu

Cũng theo PGS.TS Đào Duy Quát: "Từng đại biểu một phải phải căn cứ vào đâu để giới thiệu, báo cáo trước đại hội và để cho đại hội chất vấn tại sao anh đánh giá thế này, đưa ra tất cả đại hội để người ta chất vấn từng người giới thiệu. Các đại biểu có quyền giới thiệu và bảo vệ giới thiệu, còn đại hội phải xem xét rất cẩn trọng".

Để làm tốt công tác giới thiệu đại biểu, nhiều ý kiến cho rằng người tiến cử phải có trách nhiệm với tập thể khi tiến cử người tham gia vào các cương vị lãnh đạo. Nếu tiến cử nhầm người, làm nguy hại đến lợi ích của đất nước phải chịu trách nhiệm. Chưa làm được điều này, sẽ chưa khắc phục được tình trạng tùy tiện, lợi ích nhóm trong quá trình chuẩn bị nhân sự.

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nhận định: "Cái khuyết điểm nó nằm ở cấp nào thì cấp ấy phải chịu trách nhiệm. Tôi lấy ví dụ, việc xác nhận về tài sản chẳng hạn, anh cứ công nhận những tài sản kể cả là không đúng, chẳng hạn mà anh không đi xác minh, có đơn kiện mà anh cũng không xác minh. Hay là vấn đề về bằng cấp, anh cũng không xác minh thì khi nó xảy ra sai sót ở đâu thì ở đó chịu trách nhiệm".

PV

Tin khác

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức
Ra mắt Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội tại Sầm Sơn (Thanh Hóa)

Ra mắt Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội tại Sầm Sơn (Thanh Hóa)

(CLO) Tối 27/4, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn.

Tin tức
Điện Biên Phủ - “Vành hoa đỏ”, “Thiên sử vàng” chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm

Điện Biên Phủ - “Vành hoa đỏ”, “Thiên sử vàng” chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm

(CLO) Đã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng của bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không chỉ tại Việt Nam mà còn vang vọng mãi đến muôn đời sau, khắp cả năm châu, bốn biển.

Tin tức
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang

(CLO) Ngày 27/4, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

(CLO) Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục quan tâm, theo dõi, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tin tức