(CLO) Trong quá trình thi công Dự án kè sông Kỳ Cùng đoạn qua thị trấn Na Sầm thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, nhà thầu bị tố làm nứt nhà dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, Dự án kè sông Kỳ Cùng đoạn qua thị trấn Na Sầm có tổng dự toán công trình 50 tỷ đồng do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn) làm chủ đầu tư, khởi công từ ngày 09/9/2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 09/9/2021.
Đây là công trình cấp bách, chống sạt lở bờ sông, bảo đảm an toàn cho các công trình dân dụng, tính mạng của các hộ dân sinh sống sát bờ sông Kỳ Cùng. Vì thế, Chủ đầu tư đã chỉ định thầu. Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư, Tư vấn và Xây dựng Bạch Đằng có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, trước những dấu hiệu thi công “ẩu” của doanh nghiệp, đang khiến dư luận hoài nghi về chất lượng công trình này.
Phản ánh tới phóng viên báo Nhà báo và Công luận, các hộ dân trên địa bàn bức xúc cho biết: Nhà thầu thi công công trình làm nứt nẻ nhà ở của chúng tôi, nhưng chủ đầu tư không có ý kiến gì. Cuộc sống hàng ngày của người dân luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ, không biết nhà có thể sụt lún bất kể lúc nào.
Bà Triệu Minh Đào và ông Hoàng Văn Sự ở Khu I, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) phản ánh: Từ đầu tháng 3/2021, nhà thầu thi công công trình đào hố chôn cống, và hố ga (hố thoát nước) gần giáp nhà chúng tôi đang ở, gây thiệt hại đến hai gia đình chúng tôi như: Nứt, nẻ tường, nền, móng nhà; Nứt, nẻ chạy dài dọc suốt từ nóc nhà đến nền nhà. Rạn nứt lên đến 12m2 phía trong nhà đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của cả gia đình.
Ngày 06/3/2021 chúng tôi đã lập “Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản”, biên bản này được lập có sự chứng kiến của ông Nguyễn Phúc Hưng - Phó Chỉ huy trưởng phụ trách kỹ thuật công trình “Dự án kè sông Kỳ Cùng đoạn qua thị trấn Na Sầm” của Công ty Cổ phần Đầu tư, Tư vấn và Xây dựng Bạch Đằng. Tuy nhiên, đại diện nhà thầu không chịu ký vào biên bản và từ đó đến giờ họ cũng không quay lại để giải quyết sự việc.
Cũng theo bà Đào, hiện tại phía trong phòng ngủ của gia đình tôi đã bị nứt toác, nên chúng tôi phải chuyển các con, cháu lên nhà khác ở. Sau nhiều lần phản ánh, đại diện Nhà thầu cũng đến kiểm tra và xác nhận có sự việc này, nhưng họ không tiến hành khắc phục hoặc đền bù.
Xác nhận sự việc, lãnh đạo thị trấn Na Sầm (Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết, có một số hộ dân bị ảnh hưởng nứt, nẻ nhà do nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư, Tư vấn và Xây dựng Bạch Đằng thi công công trình kè sông Kỳ Cùng trên địa bàn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thì chính quyền địa phương cũng không nắm được, vì hiện tại các hộ dân đang trong quá trình đối thoại với nhà thầu thi công.
Để có cái nhìn khách quan về sự việc, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Vinh - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn), ông Vinh cho biết: “Có sự việc nhà thầu thi công làm ảnh hưởng, nứt nẻ nhà dân tại công trình kè chống sạt lở đoạn qua thị trấn Na Sầm. Hiện tại, tôi đã chỉ đạo cho anh em làm việc với người dân để thỏa thuận việc đền bù, đồng thời chấn chỉnh biện pháp thi công, bảo vệ nguyên vật liệu để đảm bảo chất lượng công trình”. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến các văn bản, giấy tờ liên quan đến sự việc trên thì ông Vinh trả lời là “tôi chỉ chỉ đạo qua điện thoại”.
Ở diễn biến khác, ngày 30/3/2021, mục sở thị công trình cùng đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Lạng Sơn) cho thấy, các biện pháp thi công cơ bản như việc che chắn nguyên vật liệu, che đậy các “hố tử thần”… không được nhà thầu khắc phục triệt để. Sắt, thép, cấu kiện vẫn ngâm trong nước, trộn lẫn với bùn đất... Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm công trình đang thi công 100% lao động không có các bảo hộ an toàn lao động; hàng loạt nguyên vật liệu như sắt thép, cấu kiện, rọ đá để ngổn ngang không được che chắn và trộn lẫn với bùn đất; các hộp sắt chờ từ kè bê tông nằm ngâm trong nước đã trở nên hoen gỉ, làm cho chất lượng nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng và xuống cấp trầm trọng; các hố đào để xây cống thoát nước dài hơn 2m, rộng 1,2m, sâu khoảng hơn 1m nằm bên cạnh đường dân sinh không hề được che đậy, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông...
Trước những bất cập nêu trên, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn; Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Lạng Sơn) cùng các cơ quan ban ngành liên quan sớm vào cuộc thanh, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời biện pháp thi công của nhà thầu. Đồng thời, khắc phục hậu quả việc nứt nẻ nhà ở của người dân.
(NB&CL) Hai nhà máy nước được đầu tư hơn 14 tỷ đồng để phục vụ cho hơn 300 hộ dân vùng tái định cư ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian rồi hư hỏng, xuống cấp và dừng hoạt động nhiều năm nay khiến người dân chịu… khát.
(CLO) Bên cạnh những hàng hóa có tem nhãn rõ ràng đúng quy định, thì không ít hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng ngoại nhập không dán tem nhãn phụ tiếng Việt,… Đó là những gì mà phóng viên ghi nhận được tại các cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị LAMASON 10K trên địa bàn TP. Hà Nội.
(CLO) Trước những sai phạm nghiêm trọng tại Sở Tài nguyên & Môi trường; Văn phòng Đăng ký đất đai và các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Bạc Liêu, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu kiến nghị chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
(CLO) Thanh tra tỉnh Bạc Liêu xác định, qua thanh tra tại các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Bạc Liêu với tổng số tiền sai phạm kiến nghị thu hồi nộp NSNN và chuyển trả cho người sử dụng là 19.521.257.698 đồng. Trong đó, chuyển trả cho người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất chênh lệch thừa lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai nghĩa vụ tài chính 7.084.584.901 đồng.
(CLO) Ngày 28/8/2024, báo Nhà báo và Công luận đăng bài: “Thừa Thiên Huế: Trạm cân trái phép, ô tô hết hạn đăng kiểm vẫn ngang nhiên hoạt động tại huyện Nam Đông” phản ánh tình trạng các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng (cây keo, tràm) hoạt động trái phép và nhiều xe ô tô tải hết hạn đăng kiểm, vẫn ngang nhiên lưu thông, trước sự “ngó lơ” của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.