Cử tri muốn chất vấn gì Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông?

Thứ sáu, 03/04/2015 23:08 PM - 0 Trả lời

Cử tri muốn chất vấn gì Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông?



(Bộ trưởng đối thoại trực tiếp trên kênh truyền hình VTC2 sáng ngày 16/8. Ảnh VNN).

Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cùng Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công Thương và Thống đốc NHNN trả lời chất vấn tại Quốc hội từ 17-19/11/2009.

Thủ tướng Chính phủ cũng dành một buổi để đối thoại, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng TT&TT trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội kể từ khi Bộ TT&TT được quyết định thành lập năm 2007. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói đây là một cơ hội để thông tin cho ĐBQH và nhân dân cả nước hiểu hơn về ngành, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, thách thức ngành đang phải đối mặt để có tiếng nói đồng thuận trong phát triển. Đồng thời, qua chất vấn, Bộ nắm bắt nguyện vọng, tâm tư của đồng bào cả nước đối với ngành và việc chuẩn bị trả lời chất vấn cũng là dịp Bộ rà soát, nắm bắt tình hình công việc tốt hơn.

Trước thềm cuộc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tại Quốc hội tuần tới, Báo BĐVN ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH và cử tri. Phần lớn ĐBQH mà nhóm phóng viên Báo BĐVN tại Quốc hội tiếp xúc ngày 12/11/2009 đều cho biết hoặc không có ý định chất vấn Bộ trưởng hoặc sẽ chất vấn tùy vào không khí buổi chất vấn với lý do “đây là lĩnh vực chuyên sâu” hoặc “ít bức xúc so với lĩnh vực khác”.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng phản ánh mối quan tâm chung của ĐBQH và thậm chí đưa ra những gợi mở giúp Bộ trưởng TT&TT xử lý những vấn đề khó khăn trong quản lý hiện nay.

Bao giờ có quy hoạch dùng chung hạ tầng viễn thông?

Ông Phan Thảo Nguyên, PGĐ Trung tâm thông tin  và quan hệ công chúng VNPT: Dưới góc độ doanh nghiệp viễn thông, tôi muốn hỏi là Bộ TT&TT, Chính phủ sẽ có chỉ đạo, phối hợp như thế nào để quy hoạch lại toàn bộ hạ tầng viễn thông, cụ thể là việc sử dụng chung hạ tầng cho tất cả doanh nghiệp, vừa đảm bảo mỹ quan vừa không lãng phí tài nguyên quốc gia.

 
Ông Phan Thảo Nguyên.
Toàn bộ hệ thống cáp viễn thông hiện nay rất lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị. Trạm thu phát sóng (BTS) cũng vậy, mọc tràn lan. Thực tế, cả hạ tầng mạng cáp và hạ tầng BTS nếu có quy hoạch và chỉ đạo giữa các ngành sẽ không khó khăn trong việc dùng chung. Cái khó khăn nhất hiện nay là làm sao phối hợp đồng bộ để triển khai việc đó. Ví dụ, việc xây dựng trạm BTS nếu có quy hoạch, một doanh nghiệp viễn thông đứng ra xây trạm BTS có cột ăng ten cao, sau đó cho doanh nghiệp khác thuê lại chỗ. Như vậy, về kỹ thuật thì rất đơn giản nhưng rất khó thực hiện trong thực tế nếu không có chính sách điều phối vĩ mô.

Tương lai báo giấy sẽ đi về đâu?

 
 Ông Huỳnh Dũng Nhân.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (TP.HCM): Tôi có hai điều thắc mắc chính muốn gửi đến Bộ trưởng TT&TT. Thứ nhất là trước đây, người dân gửi tin, bài đến cơ quan báo chí qua đường bưu điện không phải dán tem nhưng hiện nay tại sao lại phải dán tem? Một con tem không đáng giá bao nhiêu nhưng nó thực sự là nguồn động lực khuyến khích người dân, nhất là những người dân nghèo tham gia vào các diễn đàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều thứ hai là xu hướng báo in Việt Nam sẽ đi về đâu trước sự bùng nổ của báo điện tử và các website tin tức khác nhưng không phải là báo điện tử. Bộ có định hướng gì đối với phát triển báo in trong bối cảnh cạnh tranh với báo điện tử?

Tôi nhận thấy gần đây xuất hiện nhiều website hoạt động như báo điện tử nhưng đăng tải những nội dung rất vô trách nhiệm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống trong giới trẻ, làm rối loạn thông tin thị trường. Mong rằng Bộ TT&TT sớm chấn chỉnh việc này.

Tương lai quản lý Internet như thế nào?

Bà Lê Thị Mộng Phượng, nhà xã hội học (Hà Nội): Hiện nay, Internet là vấn đề nóng bỏng nhất. Trên Internet có đủ thứ, như một thế giới hoang dã không có tính định hướng. Con trai tôi 15 tuổi và tôi luôn phải ngồi canh cháu học gì, đọc gì trên Internet. Nhưng như vậy đã đủ yên tâm chưa? Tôi xin khẳng định là chưa vì cháu còn phải đi học, giao lưu, tiếp xúc ngoài xã hội. Tôi nghĩ chưa bao giờ môi trường xã hội đầy rẫy ô nhiễm như hiện nay, mà phần lớn xuất phát từ Internet. Người ta sử dụng Internet để làm mại dâm, lừa đảo…

Ở nhiều nước đã có các biện pháp bảo vệ giới trẻ, đặc biệt trẻ vị thành niên trước nội dung Internet độc hại. Họ thậm chí còn đánh giá website để cho phép lứa tuổi nào được truy cập. Vì vậy, tôi rất muốn hỏi Bộ trưởng TT&TT về tương lai quản lý Internet như thế nào? Bộ trưởng suy nghĩ gì về game online, chúng ta được gì? mất gì?

Truyền hình cũng cần phải trả phí tần số

Ông Đinh Phong (Ủy viên UBMTTQ TP.HCM): Điều tôi muốn hỏi là Bộ TT&TT sẽ quy hoạch phát thanh, truyền hình như thế nào? Truyền hình, phát thanh là những loại hình báo chí nhưng sử dụng đến tài nguyên quốc gia là tần số. Không có nước nào như nước mình, tỉnh nào cũng có đài truyền hình, thậm chí cả huyện cũng có đồng nghĩa với việc tiêu tốn tài nguyên quốc gia.

 
 Ông Đinh Phong
Tôi đề nghị đã đến lúc đấu giá tần số cho phát thanh, truyền hình và có quy hoạch chứ không cấp tràn lan nữa. Nếu lấy lý do phát thanh, truyền hình của nhà nước để tránh việc đấu giá thì Bộ cũng phải xem xét lại nội dung truyền hình có phục vụ cho các mục tiêu của nhà nước, nhu cầu của người dân hay không? Như tôi hiện nay thường xuyên theo dõi phát thanh và truyền hình, thấy quá nhiều thông tin mang tính quảng cáo, PR bắt người xem truyền hình phải chịu đựng.

Quản lý đại lý Internet phải thay đổi

Ông Nguyễn Văn Dũng, giảng viên (ĐH Bách khoa Hà Nội): Việc quản lý kinh doanh Internet công cộng còn rất nhiều bất cập mà theo tôi cần phải chỉnh sửa. Tại khu dân phố của tôi, hầu hết các quán Internet đều không ghi lại nhân thân của người sử dụng dịch vụ, chẳng có ai lập sổ thông tin khách hàng cả. Nếu cơ sở nào làm đúng như quy định, việc vắng khách là đương nhiên. Nếu quy định trẻ dưới 14 tuổi đến dịch vụ Internet công cộng phải có người lớn đi kèm, các phụ huynh không có đủ thì giờ để đi theo con em họ. Mà nếu có đi theo con, thì làm sao các phòng Internet lại có chỗ để đi kèm theo một người? Còn việc quy định các quán kinh doanh Internet công cộng phải cách xa trường học 200m trở lên càng không thực tế. Khi các em cố tình vào các quán Internet thì khoảng cách 200m có là gì?

Chế độ cho nhân viên bưu chính muốn nghỉ hưu sớm

Phương Linh, nhân viên (Phường 5, Thị xã Đông Hà, Quảng Trị): Theo lộ trình đến 2013, Nhà nước sẽ không còn bù lỗ cho bưu chính nữa, Bưu chính phải tự cân đối thu chi, trong khi đó tại các tỉnh miền Trung điều kiện kinh tế xã hội phát triển chậm, tỉ lệ dịch vụ bưu chính công ích cao hơn tỉ lệ dịch vụ kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng tự cân bằng thu chi của các đơn vị bưu chính. Vậy Bộ có đề xuất cơ chế, chính sách nào hỗ trợ cho doanh nghiệp bưu chính, đặc biệt là các tỉnh nghèo của miền Trung?

Hiện nay, một số CBCNV, đặc biệt là khối bưu chính có nguyện vọng muốn về hưu sớm. Vậy Bộ có chủ trương, chính sách nào để giải quyết chế độ cho đối tượng này theo tinh thần của Nghị định về việc sắp xếp lại lao động khi đổi mới doanh nghiệp?

Phân định ranh giới giữa viễn thông và điện lực

Phạm Hữu Sơn, hưu trí, (25 Phạm Hùng TP. Rạch Giá, Kiên Giang): Tôi nhận thấy Việt Nam đã mở cửa nhiều cho ngành kinh doanh viễn thông, mang lại cho người dân nhiều lựa chọn, đơn vị nào tốt, giá rẻ, chất lượng cao tôi dùng, không còn độc quyền như trước. Nhưng bên cạnh cái được, mặt trái đó là gì? Các ngành cạnh tranh đua nhau giảm giá để lấy thị phần cho nên nhiều khách hàng dùng sim khuyến mãi hết bỏ, số thuê bao thực kém nhiều so với thuê bao ảo, mặc dù các mạng đã áp dụng nhiều biện pháp như sau một tháng không sử dụng sẽ bị khoá. Nhiều đối tượng lợi dụng dùng nhiều sim ăn cắp cước viễn thông, chống phá nhà nước, thậm chí bôi xấu danh dự của nhiều đồng chí lãnh đạo và quần chúng tốt.

Tôi chỉ kiến nghị Bộ TT&TT quy định về giá cước cố định cho một loại hình dịch vụ để các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng, quản lý chặt số lượng thuê bao tránh lãng phí tài nguyên quốc gia. Phân định ranh giới giữa viễn thông và điện lực đừng để bên điện lực lấy cớ hành lang an toàn để dỡ hạ tầng của viễn thông như tình trạng Điện lực Lâm Đồng nhổ cột của viễn thông mà báo BĐVN đã nêu vừa qua.

Tin khác

Nhớ về quá khứ để trân quý hơn giá trị của hoà bình!

Nhớ về quá khứ để trân quý hơn giá trị của hoà bình!

(CLO) Hôm nay, vùng đất Điện Biên, Tây Bắc chiến trường năm xưa, rực rỡ cờ hoa, hân hoan trong không khí tưng bừng của đại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước đó, trên khắp dải đất hình chữ S, tinh thần Điện Biên Phủ đã thấm đẫm, lan toả trong mỗi người dân Việt. Nhắc nhớ lại bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ, là để mỗi người trong chúng ta, thêm trân quý hơn giá trị vô giá của hoà bình.

Góc nhìn
Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

(CLO) Lịch sử dân tộc đã chứng minh: Muốn chống lại một đội quân xâm lược lớn mạnh hơn về lực lượng và phương tiện chiến tranh thì không thể chỉ trông cậy vào đội quân thường trực mà phải huy động toàn dân đánh giặc. Và chiến dịch Điện Biên Phủ chính là biểu hiện sinh động cho sự vận dụng tài tình đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Góc nhìn
Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn