Cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái tản mạn về Tết Sài Gòn xưa

Thứ năm, 03/02/2022 16:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khi bàn về văn hóa Tết xưa của người Sài Gòn, ta dễ dàng nhận ra rằng, người Sài Gòn xưa có cách đón Tết mà suy cho cùng vẫn từ dòng chảy chung của văn hóa nước Việt.

Non sông gấm vóc nước Việt là một khối thống nhất từ Nam chí Bắc; văn hóa của nước Việt cũng là một khối thống nhất, tuy nhiên tùy vùng miền trong tương đồng có sự dị biệt. Khi bàn về văn hóa Tết xưa của người Sài Gòn, ta dễ dàng nhận ra rằng, người Sài Gòn xưa có cách đón Tết mà suy cho cùng vẫn từ dòng chảy chung của văn hóa nước Việt.

Tôi nhớ ngày xưa khi ở ngoài miền Trung vào lễ cúng đất trời ngày Nguyên đán, bao giờ ba tôi cũng giữ lại một cặp chân gà, qua đó, đặng xem bói về năm mới làm ăn hanh thông như thế nào. Ngày ấy, tôi nghĩ đó là phong tục của người miền Trung nhưng khi đọc lại những trang du ký, bút ký của người nước ngoài đến miền Bắc từ thế kỷ 17, tôi thấy họ cũng kể đến tục bói chân gà trước khi khởi sự một việc làm gì đó hoặc trong ngày Tết nhất.

Ở trong Nam, tôi còn biết thêm những cách bói ngày Tết không giống ngoài Trung, ngoài Bắc. Chẳng hạn, trong ngày Tết, nam thanh nữ tú, ông già bà cả vui vẻ dạo chơi trong làng, lúc ấy người ta tình cờ bước vào một rạp hát/giàn hát nào đó, gặp trên sân khấu đang diễn ra cảnh gì, có thể là cảnh đoàn tụ, chia tay, đỗ trạng nguyên… Từ đó, họ đoán xem năm mới của mình sẽ như thế nào, đó là “bói tuồng”.

cung nghe si nhiep anh tam thai tan man ve tet sai gon xua hinh 1

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái.

Ở Sài Gòn, ở phương Nam nắng, người ta rất chuộng về dưa hấu. Ngày Tết, dù giàu dù nghèo cũng chưng cặp dưa hấu trên bàn thờ ông bà Tổ tiên. Sau khi cúng xong, người ta hạ trái dưa hấu xuống và xẻ ra để xem ruột dưa hấu đỏ sắc màu ra sao, có đỏ thắm, có ngon hay không để từ đó, đoán năm tới vạn sự ra làm sao, đó là “bói dưa hấu”.

Và có một điều thú vị nữa, chắc ít ai biết đến như thông tin mà tôi đọc trong tập san Sử Địa “Đặc khảo về phong tục Tết Việt Nam và các lân bang”, in năm 1967 tại Sài Gòn. Trong đó, cụ Vương Hồng Sển - một nhà nghiên cứu uyên bác của Sài Gòn cho biết một chi tiết rất thú vị: “Tết đến lại có dịp vặn máy hát thức xem đèn dầu, tim bằng cỏ bấc trổ bông báo điềm lành và nhờ đêm thanh tịnh nên cổ nhân canh chừng mới biết được “con thú gì ra đời”: gà gáy đem lại sự thăng bình hay chuột túc còn bày điềm sang năm mới sung túc” (tr. 31).

cung nghe si nhiep anh tam thai tan man ve tet sai gon xua hinh 2

Múa lân Tết Sài Gòn xưa. Ảnh: TL.

cung nghe si nhiep anh tam thai tan man ve tet sai gon xua hinh 3

Múa lân Tết Sài Gòn nay. Ảnh: Tam Thái

Ngoài ra, còn có một vài chi tiết cho biết người Sài Gòn ăn Tết cũng giống như miền Trung, miền Bắc: “Dẫu sao cũng lúa gạo chứa đầy mái đầy thùng, cá mắm cả lu… Mỗi dịp Tết đến, dẹp đèn chong leo lét, lấy trong tủ cây đèn họng ba mươi Huê Kỳ ra thắp, hy vọng sang năm mới trong nhà trong cửa sáng suốt hơn năm rồi”. Ta biết, người Sài Gòn xưa thắp đèn dầu bằng dầu mù u, hoặc dầu cá, thậm chí bằng mỡ chuột và họ xem “hoa đèn” - theo Đại từ điển tiếng Việt (1999): “Đầu bấc đèn đã cháy thành than và được ngọn lửa nung đỏ”, là lúc ấy họ xem cái bấc đèn/hoa đèn đã cháy như thế nào để đoán công việc trong năm tới.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Phong tục Tết cổ truyền của 3 miền là vậy. Về câu đối đỏ, ta hẳn nhớ đến bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

Vào dịp Tết nhất, có những ông đồ ngồi viết thư pháp trên giấy đỏ bằng mực tàu, thiên hạ mua đem về treo trong nhà như lời chúc tốt đẹp. Chi tiết thú vị này, trước đây ở Sài Gòn xưa cũng có, và bây giờ cũng không mất đi. Khi xem hình ảnh trong tập sách Tết Sài Gòn của nghệ sĩ Tam Thái, tôi thấy anh chụp khá nhiều hình ảnh ông đồ thời hiện đại vẫn là cốt cách của ông đồ ngày xưa. Trong làng nhiếp ảnh, Tam Thái là nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc đã từng đoạt giải Cúp vàng ảnh nghệ thuật Việt Nam (năm 2007), Cúp vàng ảnh nghệ thuật thế giới (năm 2008) và nhiều giải thưởng sáng giá khác. Xem hình Tết do anh chụp, ta thấy nét đẹp của Tết Sài Gòn xưa không mất đi, vẫn còn lại đến bây giờ. Khi nhà thơ Vũ Đình Liên thở dài:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Đó là nói lên sự thay đổi, du nhập trong buổi giao thời của văn hóa Đông - Tây, văn hóa Pháp - Việt, những tưởng sẽ có sự thay đổi, tưởng rằng dấu ấn văn hóa cổ truyền đó sẽ mất, nhưng không, nay vẫn còn đó. Sức văn Việt Nam không bao giờ mất. Nói như thế, một phần còn do nghệ sĩ Tam Thái đã cho tôi xem khá nhiều hình ảnh về những cửa hàng, những góc phố, những nơi vẫn còn bày bán thư pháp của các ông đồ thời hiện đại. Có một điều ở Sài Gòn, những ông đồ này còn rất trẻ, trên những tấm thiệp đó là những chữ viết theo lối thư pháp chúc tụng về mùa Xuân, ngày Tết.

cung nghe si nhiep anh tam thai tan man ve tet sai gon xua hinh 4

Cây nêu Tết Sài Gòn nay. Ảnh: Tam Thái

Với tư cách là người đã thực hiện, biên soạn tập sách Tết Sài Gòn, Tam Thái tâm tình: “Ngày xưa tại Sài Gòn, nhà nào đón Tết cũng có 3 thứ: cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Nêu là cây tre dài, róc hết nhánh, chừa lại ngọn, ngày đưa ông Táo về trời là bắt đầu thượng nêu, trên cây nêu treo ngọn đèn dầu phộng để ông bà thấy đường về nhà, lại có giỏ cau trầu chiếc khánh đất nung nhạc rung theo gió. Dưới cây nêu vẽ hình cung tên bằng vôi trắng để xua đuổi ma quỷ, vào giờ giao thừa và mùng một, đốt pháo trên cây nêu đón mừng năm mới vui tươi may mắn, ma quỷ nghe pháo nổ cũng khiếp sợ mà bỏ đi”.

Tết xưa của Sài Gòn, nay còn lại gì nữa? Anh cho biết, không thể thiếu một sinh hoạt rất độc đáo: chợ hoa và cho tôi xem bức tranh Chợ hoa Nguyễn Huệ năm 1956. Ta thấy gì? “Hai bên đại lộ chính là dạng ki-ốt bán phim ảnh, hàng thủ công mỹ nghệ, báo chí, hoa xuân trong các ảnh này chủ yếu có 3 loại hoa, thược dược, cúc, vạn thọ, có lẽ của làng hoa Gò Vấp. Áo dài cổ cao và cứng dài phủ gót thời ấy, phụ nữ Sài Gòn đi ra đường chủ yếu vẫn mặc áo dài”. Nét vui xuân đón Tết của Sài Gòn xưa là đi Chợ hoa ngắm hoa, mua hoa thì nay vào mỗi dịp Tết ở phố đi bộ đã cũng có Đường hoa. Sự duy trì này, cho ta thấy một dòng chảy văn hóa của Sài Gòn không đứt quãng.

cung nghe si nhiep anh tam thai tan man ve tet sai gon xua hinh 5

Chợ hoa Tết Sài Gòn xưa. Ảnh: Tam Thái

Khi khảo sát Tết xưa của Sài Gòn qua hình ảnh, ta còn thấy đôi điều quyến rũ như chợ Tết ở Gò Vấp năm 1956, nghệ sĩ Tam Thái nhận xét: “Chợ họp ngoài trời, 99% là phụ nữ, tất cả đều đội nón lá và phần lớn đều bận áo bà ba đen, đa số đi bộ, trong khu vực chợ chỉ có đôi chiếc xe xích lô và xe đạp. Gò Vấp thời điểm này còn là vùng nông thôn vắng vẻ và có nhiều người Bắc đến di cư và khi nói đến Gò Vấp, chúng ta không thể quên làng hoa Gò Vấp, đây là một cái tên còn lại trong ký ức và bây giờ không còn nữa”.

Và, tất nhiên ta cũng không thể quên nghệ thuật múa lân sư, Tam Thái cho biết đó là: “Ba linh vật huyền thoại tượng trưng cho sự thịnh vượng và phát đạt, Tết Sài Gòn ở nhà nghe tiếng tùng tùng, cắc của trống, ra đường lại gặp ngay lân sư rồng, cuộc múa có suốt 3 ngày Tết, kéo dài đến hết tháng Giêng. Trong dịp khai trương đầu năm của các cửa hàng, khách sạn, múa rồng cần có chỗ rộng rãi vì có đến đôi chục người, có khi cả hàng trăm võ công phục vụ. Múa lân ít hơn, có 4 nhân vật chính người múa, lắc đuôi, đánh trống và ông địa.

cung nghe si nhiep anh tam thai tan man ve tet sai gon xua hinh 6

Dưa hấu ở chợ Bá Chiểu Tết Sài Gòn nay. Ảnh: Tam Thái

Múa rồng chỉ mới phát triển mạnh ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1940, nhưng múa lân thì đã có từ thời Lê Văn Duyệt. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 30 đội lân tập trung chủ yếu ở quận 5 và quận 11… Tết Sài Gòn thường xuất hiện các “đội lân hẻm phố” và “thần tài cơ hội” đi gõ cửa từng nhà. Còn đối với các đội lân danh tiếng muốn mời đến trong dịp Tết phải đăng ký trước cả tháng. Các đội lân theo truyền thống không đòi hỏi “vật giá” mà tùy lòng “lì xì” của chủ nhà. Lì xì ít thì treo thấp, còn muốn lân biểu diễn “mai hoa thung” thêm hấp dẫn cho nở mặt với người xem thì treo cao với bao lì xì nặng hơn… Thành tích leo cao thuộc về lân Lưu Hoán Phi, lên đỉnh chiếc cột tre 15 mét, tương đương với một ngôi nhà 4 tầng”.

Bàn về Tết của người Sài Gòn xưa là một chuyên đề cần nghiên cứu chu đáo, bài bản và lâu dài. Ở đây, khi tìm về ngày tháng xa xưa đó cùng nghệ sĩ Tam Thái, cho phép tôi chỉ nêu một cách tản mạn như đang trò chuyện thân mật cùng nhau. Tết đến rồi kìa. Nào, ta hãy mở lòng ra đón Tết và rất vui khi biết trong ngày Tết hiện đại hôm nay vẫn còn đó hương vị Tết xưa…

Lê Minh Quốc

Bình Luận

Tin khác

Phố phường Hà Nội rực sắc đỏ trong dịp lễ 30/4 và 1/5

Phố phường Hà Nội rực sắc đỏ trong dịp lễ 30/4 và 1/5

(CLO) Những ngày này, nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội được trang trí rực rỡ cờ hoa, băng rôn để chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).

Đời sống văn hóa
Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

(NB&CL) Hàng ngàn hiện vật quý giá về một thời “mưa bom bão đạn” đã được Thượng tá công an Đào Hà dày công sưu tầm, lưu giữ. Nhưng Đào Hà không dành bộ sưu tập đó cho riêng mình, ông mong muốn chúng mang đến những giá trị văn hóa, lịch sử cho cộng đồng.

Đời sống văn hóa
Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

(CLO) Du khách có cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của một chợ phiên vùng cao ngay tại thủ đô Hà Nội trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay.

Đời sống văn hóa
Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

(CLO) Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

(CLO) Triển lãm ảnh “Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới” trưng bày 70 hình ảnh, tư liệu quý hiếm về 2 sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Đời sống văn hóa