Cuộc đời nhiều màu sắc của “người phát kiến” nên “đế chế” Microsoft

Thứ năm, 18/10/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nói đến Microsoft, người ta thường liên tưởng ngay tới “ông hoàng công nghệ” Bill Gates. Tuy nhiên, chủ nhân của ý tưởng thành lập nên đế chế công nghệ này lại là Paul Allen - người vừa ra đi ở tuổi 65, để lại phía sau một cuộc đời đầy màu sắc.

Tình bạn hiếm có nhưng truân chuyên

Điểm nhấn lớn nhất trong cuộc đời của Paul Gardner Allen - tên đầy đủ của Paul Allen (1953-2018) - có lẽ là mối quan hệ đặc biệt với “ông hoàng công nghệ” Bill Gates. Nói là đặc biệt bởi sống hơn 60 năm cuộc đời nhưng hai con người tài năng này đã có tới nửa thế kỷ đồng hành bên nhau, cùng nhau chia sẻ mọi hỉ nộ ái ố, cùng khởi hành và cùng chạm đích, làm nên thành công lớn, gắn bó tưởng như chẳng gì có thể chia cắt họ được, nhưng rốt cuộc, khi đã cùng chạm tới đỉnh vinh quang rồi, hai người họ lại hai ngả chia đôi, thậm chí còn có thời gian không muốn nhìn mặt nhau.

Bill Gates và Paul Allen gặp nhau lần đầu ở trường Lakeside School. Lúc bấy giờ, Allen 15 tuổi, học lớp 9 và Gates 12 tuổi, học lớp 7. Những sở thích thơ trẻ, đặc biệt là việc thích mày mò, khám phá máy tính đã nhanh chóng đưa hai cậu bé lại gần nhau, thân thiết với nhau. Họ đã cùng nhau sử dụng máy điện báo Telepyte của trường để phát triển kỹ năng lập trình, cùng đọc tạp chí Fortune để “tìm hiểu những bài học kinh doanh cơ bản” và cùng nuôi chung ước mơ rằng sẽ có một ngày họ sẽ tạo ra một chiếc máy vi tính cá nhân. Đam mê chung đã kết nối họ, khát vọng chung đã đưa họ đi chặng đường dài.

7 năm sau, đầu năm 1975, khi Allen 22 tuổi và Gates 19 tuổi, Allen thuyết phục Gates bỏ học ở Harvard để thành lập một công ty riêng. Bản thân Allen thời điểm đó cũng đã quyết định bỏ dở đại học để  “bắt tay vào việc lớn”. Không mất quá nhiều thời gian, Allen đã nhận được cái gật đầu đồng ý của Gates. Những ngày đầu khởi nghiệp, dường như giữa họ không có một thỏa thuận cụ thể nào ngoài việc Allen tự mô tả bản thân như một “người ý tưởng”, còn Bill Gates là cộng sự hiện thực hóa những ý tưởng đó. “Việc lớn” bắt đầu từ việc tìm kiếm một cái tên ý nghĩa cho công ty và “Microsoft” là “từ khóa” được cả hai nhất trí lựa chọn sau nhiều bức thư trao đi đổi lại. Tuy nhiên, khi ấy, “Microsoft” được viết theo dạng “Micro-soft” có dấu gạch ngang ở giữa với nghĩa “vi tính” và “phần mềm”. Tuy nhiên sau đó, Allen cho rằng dấu gạch ngang nên được bỏ đi và cái tên “Microsoft” chính thức được đăng ký vào tháng 11/1976 ở bang New Mexico, khởi đầu cho một “đế chế” công nghệ hùng mạnh sau này.

Được sự điều hành bởi hai bộ óc tài năng, say nghề và nhiều ý tưởng, khăng khít và đầy ăn ý, không mấy ngạc nhiên khi Microsoft phát triển “như diều gặp gió”, đi từ thành công này tới thành công khác. Trong đó, rực rỡ nhất có lẽ là việc năm 1981, IBM sử dụng hệ điều hành 16 bit MS-DOS 1.0 của Microsoft cho loại máy tính cá nhân mới của hãng và loại máy tính này bán rất chạy, thậm chí còn khiến các nhà sản xuất khác cũng vào cuộc.

Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chẳng biết câu “lúc bình yên, người ta thường quên những lời trong giông bão” có đúng với “hoàn cảnh” của Allen và Gates hay không nhưng năm 1983, hai năm sau thành công rực rỡ trên và trước khi Microsof tiếp tục với một thành công rực rỡ không kém - Windows 1.0 ra đời, cho phép người dùng sử dụng chuột để điều khiển máy tính thông qua màn hình thay vì phải gõ các lệnh MS-DOS- Allen bỗng phát hiện mình đang âm thầm bị bỏ ra ngoài cuộc chơi của Microsoft, bởi chính người bạn tâm phúc Bill Gates của mình.

Trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Idea man” (Người phát kiến) sau này, Allen cho biết tất cả những rạn nứt giữa ông và Gates bắt đầu từ việc giữa họ nảy sinh tranh cãi về việc thuê hay không thuê Steve Ballmer, một người bạn của Bill Gates từ Harvard về làm mảng bán hàng và marketing. Allen đã phải miễn cưỡng đồng ý để Bill Gates thuê Ballmer với điều kiện Ballmer sẽ nắm giữ không quá 5% cổ phần. Tuy nhiên, sau lưng Paul Allen, Bill Gates vẫn để Ballmer sở hữu 8,75%.Thêm nữa, trong hồi ký, Allen cũng ấm ức việc Gates đề nghị chia doanh thu 6-4 với Allen vì ông cho rằng mình làm nhiều hơn Allen. Không dừng lại ở đó, trong “Idea man”, Allen kể lại, khi nỗi bàng hoàng khi bị bác sĩ chuẩn đoán ông bị bệnh ung thư còn chưa hết trong ông, ông nghe được rằng Gates và Steve Ballmer đang cùng nhau nói về sự “thiếu đóng góp” của ông cho công ty và lập kế hoạch để pha loãng vốn cổ phần bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn cổ phiếu cho các nhân viên khác.

Ấm ức, phẫn uất chồng chất. Nhưng Allen chọn cách im lặng và ra đi. Một quyết định gây ngỡ ngàng với nhiều người lúc đó. Bởi thời điểm đó uy tín và vị thế của Allen trong doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng này đã là quá lớn. Với nhiều người trong giới công nghệ thời bấy giờ, Allen là “nhà tiên tri”, “cỗ máy ý tưởng” của Microsolf trong khi Gates, chỉ là “con người của hành động”, một nhà quản trị khéo léo biết biến những ý tưởng thành sản phẩm thị trường.

Đôi bạn chí thân ngày nào đã xa nhau bởi những ấm ức ấy. Mãi tới những năm gần đây, trong họ mới có chút thay đổi. Bill Gates cho biết ông vẫn tôn trọng tình bạn vốn có với Allen và trân trọng những gì Allen đã đóng góp cho Microsoft. Với ông, từ những ngày đầu gặp Allen tại Lakeside School và tạo ra Microsoft cho đến các hoạt động từ thiện lúc xế chiều, Paul Allen luôn là người bạn thân yêu, đối tác tuyệt vời nhất của ông. “Máy tính cá nhân sẽ không thể ra đời nếu thiếu Paul Allen. Tôi rất đau lòng vì sự ra đi đột ngột của người bạn lâu năm và thân yêu nhất của tôi”, tỷ phú Bill Gates nói với ABC News ngày ông nhận được hung tin người bạn đồng hành của mình ngày nào ra đi mãi mãi.

Báo Công luận
Ông Paul Allen
Nhiều niềm đam mê nhưng cô độc

Rời khỏi Microsoft trong ấm ức nhưng điều an ủi với Paul Allen là túi tiền của ông không hề sụt giảm mà ngày càng dày thêm theo chiều tăng không ngừng giá trị cổ phiếu của hãng. Ông thậm chí trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, ông xếp thứ 21 với khối tài sản lên tới 20,3 tỷ USD.

Chỉ có điều lạ là vô cùng giàu có nhưng Paul Allen không lập gia đình. Tiền bạc và quỹ thời gian rảnh rỗi ông dành cho những niềm đam mê cá nhân hết sức xa xỉ và làm từ thiện. Âm nhạc có lẽ là niềm đam mê lớn nhất của Allen. Allen thậm chí còn là một nghệ sĩ guitar cừ khôi đã nhiều lần biểu diễn cùng Mick Jagger và Bono. Ông cùng ban nhạc The Underthinkers đã cho ra mắt album mang tên “Everywhere at once” vào năm 2003. Ông là nhà tài trợ Dự án Âm nhạc Trải nghiệm, thuê kiến trúc sư Frank Gehry thiết kế và xây dựng Bảo tàng Văn hóa Đại chúng để tưởng nhớ nghệ sỹ guitar huyền thoại Jimi Hendrix, vốn là thần tượng của ông. Allen cũng rất yêu thích điện ảnh. Ông từng đổ tiền để mua lại rạp chiếu phim ưa thích là The Cinerama.

Thể thao cũng là một niềm say mê lớn khác của Allen. Allen sở hữu hai đội tuyển thể thao chuyên nghiệp là Portland Trailblazer của giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA và Seattle Seahawks của giải Bóng bầu dục NFL. Ông cũng có cổ phần trong đội bóng đá Seattle Sounders FC. Ngoài thể thao, Paul Allen còn từng khiến nhiều người phải ngưỡng mộ khi sở hữu một bộ sưu tập máy bay chiến đấu gồm 31 chiếc thuộc nhiều dòng khác nhau, có giá trị như Spaceship – One, Nakajima Ki-43... Allen cũng rất hứng thú với lĩnh vực kinh doanh hàng không. Chính ông đã đổ vốn vào việc chế tạo tàu vũ trụ SpaceShip-One, loại phi thuyền tư nhân đầu tiên đưa con người đi du lịch vũ trụ…

Báo Công luận
 Ông Paul Allen nổi tiếng đam mê thể thao, trong đó có bóng bầu dục.
Vị tỷ phú này còn được biết đến khi sở hữu tới hai chiếc du thuyền. Trong đó, chiếc Octopus, từng giữ vị trí du thuyền lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 126m. Nó nổi tiếng với chi phí bảo trì “khủng”, lên tới 20 triệu USD/năm. Ngoài ra còn một du thuyền khác mang tên Tatoosh có sức chứa 20 người cùng 30 thành viên đoàn thủy thủ. Nó được trang bị đầy đủ tiện nghi với rạp chiếu phim, hồ bơi, sân bóng rổ, phòng thu âm, phòng tập thể dục, sân đỗ trực thăng.

Để thỏa mãn niềm đam mê với khoa học viễn tưởng, năm 2004, Allen còn cho xây dựng Bảo tàng The Science Fiction, trưng bày và tái hiện những đồ vật từng xuất hiện trong nhiều bộ phim kinh dị, khoa học viễn tưởng nổi tiếng.

Bên cạnh đó, như một sự đua tranh âm thầm với Bill Gates, Paul Allen cũng làm từ thiện rất mạnh. Trong suốt nhiều thập kỷ, Allen đã dành hơn 2 tỷ USD cho một loạt các lợi ích, bao gồm cả sức khỏe đại dương, vô gia cư và nghiên cứu khoa học tiến bộ. Allen từng hiến nhiều triệu USD cho trường nhạc thuộc Đại học Tổng hợp bang Washington và nhiều dự án kiến trúc. Tuy nhiên, lĩnh vực mà Allen hiến nhiều tiền nhất lại là y học, đặc biệt là những nghiên cứu về ung thư.  Năm 2003, ông cùng người em gái Jo Allen Patton lập ra Viện Allen chuyên về nghiên cứu não.

Hà Anh

Tin khác

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

(CLO) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc không nhằm mục đích kìm hãm nền kinh tế hoặc sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Thế giới 24h
Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

(CLO) Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học Mỹ đã bị bắt vào thứ Bảy (27/4), khi họ tuyên bố sẽ tiếp tục phong trào nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Israel với Hamas.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

(CLO) Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne sẽ thúc đẩy các đề xuất nhằm ngăn chặn sự leo thang trong xung đột giữa Israel và Hezbollah trong chuyến thăm Lebanon vào Chủ nhật (28/4).

Thế giới 24h
Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

(CLO) Quốc hội Iraq hôm thứ Bảy (27/4) đã thông qua luật hình sự hóa các mối quan hệ đồng giới với mức án tối đa 15 năm tù.

Thế giới 24h
Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

(CLO) Nếu Mỹ tịch thu tài sản và tiền mặt bị đóng băng của Nga ở phương Tây, Nga cũng sẽ tịch thu tài sản của các công dân và nhà đầu tư Mỹ ở Nga, theo ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, tuyên bố vào thứ Bảy (27/4).

Thế giới 24h