Đã có lúc du lịch “cháy tour”, nhưng vô vàn thách thức bủa vây

Thứ năm, 18/08/2022 10:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mặc dù ngành du lịch đang có đà phục hồi rất mạnh, thế nhưng, bản thân các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu lao động,...

Sự kiện: du lịch

Đã có lúc du lịch “cháy tour”

Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã có sự hồi phục về cả thị trường nội địa, lẫn số lượng du khách quốc tế tới Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong tháng 7/2022, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 352.000 lượt, tăng 49% so với tháng trước và gấp hơn 47 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế tới Việt Nam đạt 954.600 lượt, gấp 10 lần so với năm trước đó.

da co luc du lich chay tour nhung vo van thach thuc bua vay hinh 1

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng đầu năm, số lượng du khách nội địa đã đạt gần 61 triệu lượt người. Vào những dịp nghỉ lễ, ngành Du lịch đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch nội địa. Nhiều trung tâm du lịch kín khách, công suất sử dụng phòng lưu trú đạt từ 90-95%.

Những điểm du lịch nội địa được tìm kiếm nhiều nhất gồm TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... Một số điểm đến, du lịch có mức tăng trưởng hơn 75% gồm Hạ Long, Sầm Sơn, Đồng Hới, Cửa Lò, Hải Phòng, Ninh Bình…

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO của AZA Travel cho biết: Ngay sau quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch, số lượng du khách trong và ngoài nước mua các sản phẩm du lịch đã tăng chóng mặt.

Đặc biệt, trong giai đoạn cuối tháng 5, đến giữa tháng 6, đây là giai đoạn “cao điểm” của du lịch Việt Nam. Nhiều công ty trong tình trạng quá tải, vì số lượng khách, đa phần là khách nội địa quá lớn.

“Nhiều công ty lữ hành còn gặp phải tình trạng, vào những ngày cuối tuần không thể đón nhận được hết lượng khách nội địa. Bắt buộc phải tư vấn cho khách hàng chuyển sang các ngày khác, khi lượng khách vãng hơn”, ông Đạt cho biết.

Theo ông Đạt, nguyên nhân dẫn đến việc số lượng khách du lịch nội địa tăng đột biến trong tháng 5 và tháng 6, vì đây là thời điểm nghỉ hè của học sinh. Bên cạnh đó, sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, dường như người dân rất cần một chuyến du lịch để giải tỏa.

Ở thời điểm hiện tại, số lượng du khách nội địa đã không còn tăng đột biến như tháng trước, thế nhưng số lượng vẫn còn rất lớn.

“Từ nay đến cuối năm, du lịch nội địa có thể đi xuống, do đã qua giai đoạn cao điểm. Thế nhưng, đây lại là thời điểm tăng trưởng của du lịch quốc tế. Đa phần, du khách tới Việt Nam vào thời điểm cuối năm, đây cũng là một cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam”, ông Đạt cho biết thêm.

Nhiều thách thức với ngành du lịch

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, mặc dù ngành du lịch đang có đà phục hồi rất mạnh, thế nhưng, bản thân các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, các công ty du lịch đang gặp phải tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Hiện nay, tỷ lệ lao động trong ngành du lịch quay trở lại công việc chỉ đạt khoảng 50% - 60%.

Ông Đạt cho biết: Trong 2 năm đối mặt với đại dịch, ngành du lịch gần như tê liệt, nhiều người lao trong ngành bắt buộc phải tìm kiếm công việc khác để mưu sinh, đa phần là chuyển sang làm môi giới bất động sản, hoặc bán bảo hiểm, đây là 2 ngành ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

da co luc du lich chay tour nhung vo van thach thuc bua vay hinh 2

Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động du lịch trở lại bình thường, nhiều người vẫn không trở lại làm việc, vì các công việc thay thế trước kia tốt hơn, cho mức thu nhập cao và ổn định hơn. Cũng có một số người lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát, nên họ chưa sẵn sàng trở lại với công việc.

“Một trong những tác động của việc thiếu nhân sự, chính là việc chúng tôi không dám mở rộng, không dám nhận thêm khách hàng khi mua tour”, ông Đạt nói.

Thứ hai, ngành du lịch đang phải chịu tác động lớn từ việc giá xăng dầu lên cao, điều này kéo theo giá vé máy bay, giá tour du lịch tăng theo.

“Hồi tháng 5, tháng 6, giai đoạn cao điểm của du lịch nội địa, giá tour cao bất thường do chi phí nhiên liệu tăng cao. Giá vé máy bay đã tăng 50% so với trước, giá phòng khách sạn cũng tăng 30%, đó là chưa kể giá dịch vụ ăn uống, giá thuê ô-tô cũng có mức tăng rất mạnh”, ông Đạt nói.

Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, giá vé đã trở về mức bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu giá xăng có thể tăng trở lại, nhiều khả năng giá tour sẽ tăng theo.

Thứ ba, chuỗi cung ứng vẫn đang bị đứt gãy, trong đó tại các địa phương mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc, số lượng khách sạn, nhà hàng tạm thời đóng cửa vẫn còn nhiều. Chất lượng dịch vụ có thể kém hơn, do thiếu hụt nhân sự.

Cuối cùng, để phục hồi trở lại, các doanh nghiệp du lịch đang rất cần nguồn vốn, nhất là các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn vốn này đang rất khó tiếp cận.

Về du khách quốc tế, ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng: Việt Nam chỉ mới đón được hơn 600.000 lượt khách quốc tế, tương đương 7% mức trước đại dịch của 6 tháng năm 2019 vì cả khó khăn khách quan và chủ quan. Mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022, vì thế, còn rất nhiều thách thức.

Theo ông Bình, hiện nay, khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu còn hạn chế.

Mặc dù Chính phủ có tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế chính thức từ ngày 15/3/2022, đi kèm từng bước nới lỏng về quy định y tế đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam sau đó, tuy nhiên các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ.

Bên cạnh đó, Chính sách thị thực nói chung dù đã được tuyên bố cởi mở như trước dịch COVID-19, tuy nhiên những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch.

Ví dụ, khách quốc tế ít đi lại di chuyển, có xu hướng ở dài ngày tại một quốc gia trong khi thời gian miễn thị thực của Việt Nam chỉ tối đa là 15 ngày, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Đó là chưa kể, các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa”, cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước dịch.

Do đó, để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, đặc biệt phục hồi lượng khách quốc tế tới Việt Nam, ông Bình đề xuất Chính phủ lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế, đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước.

Ông Bình cũng đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng. Đồng thời, tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu từ 15 ngày lên 30 ngày.

Ngoài ra, ông Bình đề nghị áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Đối với các cải cách tới đây liên quan tới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, “đề xuất Chính phủ tăng cường các chương trình đối thoại, chia sẻ công - tư để doanh nghiệp nhận thức được tác dụng, hiệu quả và gia tăng sự ủng hộ, niềm tin với nỗ lực của ngành”, ông Bình nói.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Gen Z làm gì để giải nhiệt cuộc sống dịp nghỉ lễ?

Gen Z làm gì để giải nhiệt cuộc sống dịp nghỉ lễ?

(CLO) Kỳ nghỉ lễ sắp tới là cơ hội vàng để gen Z nghỉ ngơi sau những áp lực công việc, học tập và giải nhiệt cuộc sống khỏi nắng nóng, oi bức. Mỗi người đều có dự định cho riêng mình để xua tan căng thẳng mệt mỏi, cân bằng cuộc sống.

Đời sống
5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Nắng nóng khắp 3 miền

5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Nắng nóng khắp 3 miền

(CLO) Cơ quan khí tượng ghi nhận kiểu thời tiết nắng nóng và nắng nóng gay gắt phủ rộng khắp cả nước trong kỳ nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, đây là dạng thời tiết hiếm có trong 10 năm qua.

Đời sống
Triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”

Triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”

(CLO) Tối 25/4, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống
Nam Định: Tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2024

Nam Định: Tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2024

(CLO) UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phạm Đình Nghị chủ trì hội nghị.

Đời sống
Lãnh đạo Bộ Công an gửi Thư khen Công an tỉnh Thanh Hóa

Lãnh đạo Bộ Công an gửi Thư khen Công an tỉnh Thanh Hóa

(CLO) Ngày 25/4/2024, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; Trưởng Công an TP Thanh Hóa; Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và môi trường Công an TP Thanh Hóa về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với quy mô lớn.

Đời sống