Đã tới lúc Việt Nam cân nhắc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Thứ ba, 05/05/2020 17:42 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, hiện nay, các nước đều dự báo suy giảm kinh tế thì ở Việt Nam cũng cần cân nhắc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Phiên họp mở rộng Thường trực Ủy ban Kinh tế, ngày 5/5. Ảnh: quochoi.vn

Phiên họp mở rộng Thường trực Ủy ban Kinh tế, ngày 5/5. Ảnh: quochoi.vn

Để chuẩn bị báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, ngày 5/5, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kết quả những tháng đầu năm 2020.

Dự báo kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều thách thức

Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có báo cáo số 481/BC-CP trình Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, Chính phủ bổ sung một số kết quả nổi bật so với báo cáo trước.

Cụ thể, trong 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao của năm 2019, có 7 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo là khoảng 7,9%).

Ngoài ra, có 4 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, gồm tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,21% (số đã báo cáo là 0,4%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP (số đã báo cáo là 33,8%); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,93% (số đã báo cáo là 3,12%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (số đã báo cáo là 89%).

Trong 4 tháng đầu năm nay, do tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. GDP quý I chỉ tăng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08%. Khu vực công nghiệp tăng 5,28%; khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,27%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước…

Về một số chỉ tiêu vĩ mô, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân vẫn ở mức cao, tăng 4,9% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,96%. Đối với thu chi ngân sách nhà nước, dịch COVID-19 tác động rõ nét khi tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trong 4 tháng qua bằng 32,5% dự toán năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019...

Về lĩnh vực xã hội, trong quý I, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, ước đạt 75,4%, giảm 1,3%, thấp nhất trong 10 năm qua. Cả nước có trên 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận những tháng cuối năm kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với nền kinh tế.

Về các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thận trọng, triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với mọi tình huống.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời, cần bảo đảm cung cấp đủ các yêu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Cùng với việc phòng chống dịch, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Về trung và dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

Xem xét những vấn đề yếu kém nội tại

Gợi ý nội dung thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các đại biểu trao đổi về kết quả 2019 bên cạnh những kết quả tích cực cần xem xét một số vấn đề yếu kém nội tại, nhiều vấn đề lớn đặt ra như chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực hay giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kết quả những tháng đầu năm 2020 chủ yếu tập trung vào những vấn đề mới, vấn đề khác so với kết quả đã báo tại Kỳ họp thứ 8. Năm 2020 có đặc thù là tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội gắn với diễn biến, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.

Đối với tình hình năm 2020, với sự điều hành quyết liệt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị góp phần đạt được những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch được thế giới ghi nhận, nhờ đó góp phần vào tăng trưởng và ổn định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị có thêm đánh giá những khó khăn thách thức trong phòng chống dịch, những điểm tích cực và các vấn đề cần quan tâm trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kịch bản trong thời gian tới; tác động của COVID-19 đối với kinh tế - xã hội, các biện pháp cách ly ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu…

Vấn đề thu chi ngân sách, khi mà doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giá dầu giảm mạnh, chi nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội… đòi hỏi phải báo cáo Quốc hội để điều chỉnh chi ngân sách, xem xét điều chỉnh mức bội chi, vay nợ; cũng như kiểm soát lạm phát. Ngoài ra các tác động xã hội cũng là vấn đề cần quan tâm đánh giá, cho ý kiến.

Cần các giải pháp cụ thể

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bây giờ đã đến lúc nghĩ đến phục hồi kinh tế.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ghi nhận kết quả số liệu thống kê, song cũng cho rằng, Chính phủ cần bổ sung thêm phân tích, đánh giá, nhất là các giải pháp trong thời gian tới cần cụ thể hơn.

Ông Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, hiện nay, các nước đều dự báo suy giảm kinh tế thì ở Việt Nam cũng cần cân nhắc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là giảm bao nhiêu cần phải có dự báo, đánh giá, định lượng cụ thể không chỉ trong năm 2020 mà cho cả nhiệm kỳ, làm nền tảng cho giai đoạn sau. Do đó, Chính phủ cần xây dựng kịch bản kinh tế - xã hội tương ứng với dự báo thời gian dập dịch ở Việt Nam và trên thế giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Tiến Sinh phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Tiến Sinh phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm nhận diện cơ hội thách thức từ nay đến cuối năm. Trong đó, có các thách thức mới như thay đổi thói quen tiêu dùng, xu hướng đầu tư, liệu COVID-19 có dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu hay không.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh đến những cơ hội mới về kinh tế số và dịch huyển dòng vốn đầu tư, xuất khẩu trang thiết bị y tế và hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Do đó, Chính phủ cần có kịch bản trình Quốc hội thông qua, trên cơ sở đó Chính phủ chủ động điều hành.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua các ý kiến phát biểu cho thấy báo cáo của Chính phủ trình có những đổi mới về kết cấu, dành nhiều nội dung cho kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020, đồng thời lưu ý đến số liệu, tổng hợp nhiều hơn các nội dung báo cáo của các bộ, ngành và mong muốn các giải pháp cụ thể rõ ràng hơn.

Các đại biểu cũng thống nhất nhận định trong năm 2020 còn nhiều thách thức khó khăn. Trong Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ tập trung đưa ra giải pháp để cùng đưa đất nước phát triển đi qua thời kỳ dịch COVID-19 và Báo cáo thẩm tra tới đây của Ủy ban Kinh tế cũng thể hiện tinh thần này trước Quốc hội.

Thế Vũ

Thế Vũ

Tin khác

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay dài ngày, đặc biệt là trên địa bàn TP Điện Biên Phủ diễn ra chuỗi các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên lượng người và phương tiện tăng đột biến.

Tin tức
Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(CLO) Ngày 1/7 tới đây, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành. Hiện, Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành các nghị định, thông tư để triển khai thi hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tin tức
Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức