Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng thêm các chuỗi đô thị vệ tinh để “chia lửa” cho Hà Nội, TPHCM

Thứ hai, 08/11/2021 13:08 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho rằng cần phải xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm các cực tăng trưởng mới để, “chia lửa” cho Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Sáng nay (8/11), tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. 

Đưa ý kiến tại thảo luận, đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết, ông đánh giá cao sự chuyển hướng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 quyết đoán và kịp thời của Chính phủ trong những tháng gần đây, đã giúp cho cả nước bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa phục hồi nền kinh tế. 

dai bieu quoc hoi de nghi xay dung them cac chuoi do thi ve tinh de chia lua cho ha noi tphcm hinh 1

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 8/11.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho biết, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do đại dịch là thảm hoạ, nhưng cũng gợi ý cho về một cách tiếp cận mới cho quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá nước nhà. Theo ông Lộc, không thể phủ nhận vai trò của các “siêu đô thị” như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các “đại công trường” ở miền Đông Nam Bộ, trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá những năm qua. 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, nếu các siêu đô thị và các đại công trường đó vẫn ôm vào lòng mình các ngành công nghiệp, mà chủ yếu là gia công lắp ráp, với giá trị gia tăng thấp, sử dụng một lực lượng lao động thủ công khổng lồ với thu nhập thấp như hiện nay thì, một mặt, sẽ tiếp tục gây quá tải cho không gian đô thị và đời sống dân sinh, mặt khác, lại cạnh tranh thu hút đầu tư, chèn lấn sự phát triển của các địa phương khác nghèo hơn, đang phải mưu sinh chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. "Mô hình này cũng không bảo đảm phát triển bền vững bao trùm, và khó có khả năng chống chịu trước những cú sốc rồi sẽ xảy ra thường xuyên hơn như  thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và các xung đột khác... ", ông Lộc phát biểu.

Từ vấn đề nêu trên, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng: Rất cần phải xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm các cực tăng trưởng mới để, một mặt, có thể “chia lửa” cho thủ đô Hà Nội, cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, để các nơi này tập trung hình thành một cơ cấu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiện đại, thông minh, có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò dẫn dắt, lan toả được sự phát triển, đưa đô thị và công nghiệp về  với nông thôn, để phân bổ lại không gian kinh tế và thị trường lao động theo hướng an toàn và có hiệu quả hơn. "Để con cháu chúng ta có thể ly nông, bất ly hương, có việc làm và làm giàu ngay chính trên quê hương mình, mà không phải cuốn về các nơi đô thành chật chội", ông Lộc nhấn mạnh.

Để thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi, là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù.

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Quốc hội đang bàn và quyết định cơ chế đặc thù cho  các địa phương và Chính phủ đã có dự kiến áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công. Ông Lộc đặt vấn đề: Sao không ban hành cơ chế đặc thù cho đầu tư, kinh doanh toàn xã hội trong 2 năm phục hồi nền kinh tế, theo các nội hàm, có thể là: rút gọn thủ tục, quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện tối đa trên nền tảng trực tuyến, và không ban hành bất cứ chính sách nào có thể làm phát sinh thêm gánh nặng về thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. 

“Nhất cử, lưỡng tiện” – việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm phục hồi kinh tế , cũng là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá được kỳ vọng trong những năm tiếp theo", ĐBQH Vũ Tiến Lộc nêu rõ.

Về sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ cần dành nguồn lực tài khoá lớn hơn cho quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ cấp bù lãi suất để yểm trợ cho hệ thống ngân hàng. Và khi chủ trương bù lãi suất 2-3% được áp dụng thì sẽ là sự kết hợp tuyệt vời giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Tôi cũng hoan nghênh Bộ Tài chính đã có đề xuất nâng quy mô gói hỗ trợ lãi suất lên 10 lần so với mức hiện nay, từ 2-3 ngàn tỷ, lên 20-30 ngàn tỷ đồng. Và tôi hy vọng gói hỗ trợ lãi suất sẽ tiếp tục được bổ sung thêm. Gói hỗ trợ này, nếu được thông qua và triển khai nhanh sẽ là mũi tên trúng được hai đích, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, tức là giúp Chính phủ đạt được mục tiêu kép , trong bối cảnh khó khăn".

E ngại việc phân bổ dàn trải, giải ngân bằng mọi giá các gói đầu tư công, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần tập trung vào các dự án trọng điểm cấp quốc gia và được Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, cần dành để bổ sung cho Quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ hỗ trợ lãi suất. "Tôi cũng đề nghị, trong đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Nhà nước đừng làm một mình mà hãy tận lực khai thác khả năng đối tác công tư, để cùng làm với dân, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích và... các cơ quan nhà nước, đừng vì quá lo an toàn cho mình mà, đẩy hết rủi ro và khó khăn về cho người dân và doanh nghiệp. Và đây chính là chiếc chìa khoá vàng để khơi thông được mọi nguồn lực ở nơi dân", ông Lộc nêu rõ.

Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm vẫn cứ phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để phát huy được sức mạnh của toàn dân, không để nền kinh tế nước ta “lỡ nhịp”, “lỡ thì” với thiên hạ.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất, chứ không phải các gói hỗ trợ về tiền bạc, sẽ định hình tương lai của nền kinh tế nước nhà".

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh cần đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư

Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh cần đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư

(CLO) Nhận định thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh mới chỉ ở mức trung bình trong khi giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn so với bình quân cả nước, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị ba địa phương lưu ý đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tin tức
Thu hồi đất công, đất xen kẹt cần bảo vệ được tài sản của Nhà nước và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp

Thu hồi đất công, đất xen kẹt cần bảo vệ được tài sản của Nhà nước và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp

(CLO) Liên quan đến dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Tài chính, các địa phương cần đề xuất phương án, trình tự thủ tục trong thu hồi đất công, đất xen kẹt, bảo vệ được tài sản của Nhà nước và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.

Tin tức
Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật với Ban Thường vụ Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015

Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật với Ban Thường vụ Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015

(CLO) UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 và các ông: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong.

Tin tức
Hà Nội yêu cầu kiểm tra xử lý đơn thư tại chung cư 43-45, ngõ 130 Đốc Ngữ

Hà Nội yêu cầu kiểm tra xử lý đơn thư tại chung cư 43-45, ngõ 130 Đốc Ngữ

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng các diện tích xây dựng trong khu chung cư 43-45, ngõ 130 Đốc Ngữ, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.

Tin tức
Hà Nội yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh

Hà Nội yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh

(CLO) UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 1354/UBND-KGVX về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Tin tức