Đại biểu Quốc hội kiến nghị nghiên cứu ban hành Luật về cổ phần hóa

Thứ hai, 28/05/2018 15:04 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt tới tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước ở vị trí “khóa đuôi”

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 cho thấy một thực trạng đáng buồn.

“Lẽ ra, doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, nhưng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của khu vực này lại đang ở vị trí “khóa đuôi”, đại biểu ví von.

Báo Công luận
 Đại biểu Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cung cấp những con số đáng chú ý: Hệ số ICOR của khu vực doanh nghiệp nhà nước luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác. Năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp gần 2 lần so với mức chi trên 5 đồng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cao gấp hơn 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

“Hơn nữa, mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp nhà nước không chỉ ở mức thấp, mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian, từ 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống còn 10% và 4,6% năm 2016. Ngân sách Nhà nước cũng đã nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế nhà nước, tốc độ tăng thu chỉ đạt mức trung bình 3%/năm trong giai đoạn 2011- 2016” đại biểu cho biết.

Theo đại biểu, điểm rất cần lưu ý là xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tức là nó diễn ra ngược chiều với xu thế chung.

“Điều này cho thấy, những yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước chủ yếu là vấn đề nội tại của khu vực này, chứ không phải do những tác động từ môi trường bên ngoài” đại biểu nhận định.

Đồng tình với những đánh giá, nhận định của Đoàn giám sát về một số nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp tại các doanh nghiệp nhà nước nhưng đại biểu Vũ Tiến Lộc vẫn cho rằng đây chưa phải là những nguyên nhân sâu xa nhất.

“Những kết quả yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI tồn tại trong một thời gian dài và phổ biến không chỉ ở nước ta, mà ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả các nền kinh tế có trình độ quản trị tiên tiến nhất, đã cho thấy nguyên nhân gốc rễ nằm ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển của doanh nghiệp”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao áp đảo thì những nỗ lực cải cách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước như hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của doanh nghiệp, xác lập các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, hay tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại những kết quả như mong muốn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần quyết liệt đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, theo đại biểu, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước thời gian qua lại diễn ra rất chậm chạp và rất hình thức.

“Những sự chậm trễ, thậm chí là những trì hoãn những nỗ lực cải cách như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng và cải cách nền kinh tế nói chung” đại biểu nói.

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách quyết liệt như đã và đang thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, cắt bỏ “giấy phép con” và điều kiện kinh doanh thời gian qua.

“Nếu được như vậy, động lực phát triển tại các doanh nghiệp sẽ được khơi dậy và tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị, Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật về cổ phần hóa. Đây sẽ là khung khổ chính sách để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia được vào quá trình thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp.

Bịt những “lỗ hổng” trong quản lý vốn Nhà nước

Phát biểu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình cao với báo cáo giám sát, nêu ra những kết quả đạt được cũng như những “lỗ hổng” trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra 3 dạng làm thất thoát vốn Nhà nước đó là kinh doanh kém hiệu quả, làm mất vốn, mua bán tài sản làm thất thoát và định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa.

Báo Công luận
 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu

Theo đại biểu, việc kinh doanh kém hiệu quả, làm mất vốn có 3 lý do là trình độ quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp yếu kém, lý do mang tính chủ quan hơn vì động cơ cá nhân nên lãnh đạo doanh nghiệp quyết định đầu tư dù biết dự án không hiệu quả để hưởng lợi…

“Đó là những thủ đoạn nhằm hợp pháp hóa việc rút tiền từ doanh nghiệp Nhà nước”, đại biểu nêu rõ.

Theo đại biểu, dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm “chưa có ai bị mất chức, đi tù vì quản lý yếu kém, để doanh nghiệp lỗ”. Trong khi doanh nghiệp lỗ nhưng quản lý doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lương cao, cơ chế trả lương cho doanh nghiệp bất hợp lý khi lãi thì trả theo mức lãi nhưng khi doanh nghiệp lỗ thì không giảm xuống. Theo đại biểu, chính vì nguyên nhân này mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa.

“Những vấn đề thất thoát, lỗ của doanh nghiệp thì ai cũng biết, tuy nhiên, chúng ta có cả một bộ máy thanh tra kiểm tra kiểm soát nhưng lại không phát hiện ra những vấn đề này. Rõ ràng ở đây về chính sách pháp luật chúng ta cũng phải xem xét đến những lỗ hổng, việc quy định trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với những hoạt động của doanh nghiệp”, đại biểu nêu quan điểm.

Đề cập đến thực trạng doanh nghiệp nhà nước mua bán tài sản theo công thức “mua giá cao, bán giá thấp” mặc dù đã có tổ chức đấu giá độc lập nhưng vẫn xảy ra tình trạng này, đại biểu nhấn mạnh đến việc Báo cáo giám sát cũng đã chỉ ra việc định giá và đấu thầu thực ra chỉ là hình thức.

Theo đại biểu những tổ chức tư vấn, định giá khi tư vấn định giá sai lại không chịu trách nhiệm gì. Trong khi đó, khi doanh nghiệp thua lỗ, bán tài sản lại là một cơ hội làm ăn cho một nhóm người mà người ta dùng hình ảnh là “kền kền ăn xác thối”.

Vì vậy theo đại biểu, việc bán tài sản nhà nước cần được thanh tra, kiểm tra và công việc này cũng cần được tiến hành với các tổ chức định giá, thẩm định giá, đấu giá.

Đề cập đến việc thất thoát tài sản nhà nước thông qua đất đai, việc chuyển quyền sử dụng đất từ nhà nhước sang tư nhân không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách đất đai mà chúng ta đang áp dụng đi trái ngược lại nguyên lý cơ bản về kinh tế đất, cơ chế thị trường.

Cho rằng, chúng ta đã không thành công nếu chưa nói là thất bại trong quản lý về đất đai nên đã để xảy ra “tình trạng hỗn loạn như trên”, đại biểu nói thêm, ngay cả trong dự thảo Luật đơn vị hành chính đặc biệt, xây dựng các đặc khu, chúng ta vẫn đề xuất chính sách miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất từ 15 đến 30 năm. Đại biểu e ngại rằng chính sách này không những có thể không làm thu hút tốt những nhà đầu tư cạnh tranh mà có thể làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh giữa các đặc khu.

Thế Vũ

Tin khác

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

(CLO) Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Tin tức
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích…

Tin tức
Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức