Dấu ấn của Quốc hội đổi mới
dau an cua quoc hoi doi moi hinh 1

Trong nhìn nhận của báo giới, đại biểu và cử tri cả nước, dấu ấn sâu đậm nhất Quốc hội khóa XIV để lại đó là sự không ngừng đổi mới, có những thích ứng linh hoạt, phù hợp với xu thế, để nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới sự chuyên nghiệp, gần dân, sát dân và vì dân. Quốc hội đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động.

Dấu ấn ấy, tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân” ấy đã, đang được tiếp nối và phát triển tại Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026). 

Ngay trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Với tinh thần và tư tưởng xuyên suốt đó, tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp theo tinh thần tiếp tục đổi mới và sáng tạo, vừa tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước”.

dau an cua quoc hoi doi moi hinh 2

Để có thể có được một kỳ họp “tiếp tục đổi mới và sáng tạo, vừa tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng”, ngay từ Phiên họp thứ Tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã một lần nữa nhấn mạnh: "Đối với nội dung, chương trình, thời gian và phương thức tổ chức Kỳ họp thứ Hai, những nội dung nào thực sự cần thiết, cấp bách và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng, bảo đảm sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình kỳ họp… Chỉ chấp nhận những nội dung đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng các quyết sách".

Về việc lựa chọn các chủ đề chất vấn và người trả lời chất vấn, trên cơ sở đề nghị của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai và vấn đề nổi lên qua các phiên thảo luận tại các tổ liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã lựa chọn 12 lĩnh vực và mỗi lĩnh vực gồm một số vấn đề quan trọng nhất để thảo luận kỹ lưỡng với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội để chọn ra 6 vấn đề.

dau an cua quoc hoi doi moi hinh 3

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 6 nhóm vấn đề này và chọn ra 5 nhóm vấn đề trình Quốc hội xem xét quyết định. Từ đó, Quốc hội đã biểu quyết và lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề để chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, gồm: nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế; nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; nhóm vấn đề về kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch; nhóm vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Điểm đáng chú ý là 4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này, có tới 3 lĩnh vực liên quan đến vấn đề xã hội, chỉ có một nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế (trước đây thường là 2 vấn đề xã hội và 2 vấn đề về kinh tế). Như nhìn nhận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Quốc hội lựa chọn rất tinh tế, tựu chung lại có hai vấn đề mà đại biểu Quốc hội cũng như đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, đó là vấn đề phòng, chống dịch như thế nào, tác động đến vấn đề kinh tế - xã hội ra làm sao”.

Trước đó, để phục vụ công tác giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ đạo khẩn trương tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ để gửi tới các Cơ quan soạn thảo phối hợp với các Cơ quan thẩm tra có báo cáo giải trình, dự kiến tiếp thu bước đầu. Tài liệu kỳ họp cơ bản đầy đủ, được cập nhật theo buổi họp tại mục Văn kiện tài liệu trên App Quốc hội, đồng thời gửi qua hệ thống e-Office và cập nhật trên Trang thông tin nội bộ Intranet của Văn phòng Quốc hội.

dau an cua quoc hoi doi moi hinh 4

Cách thức chất vấn và trả lời chất vấn cũng là một trong những yếu tố căn bản làm nên thành công của các buổi chất vấn. Có lẽ chính vì vậy, ngay buổi sáng ngày 10/11 khi Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu lựa chọn vấn đề tâm đắc nhất, trọng tâm, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng trong vòng 1 phút, Bộ trưởng trả lời trong phạm vi 3 phút theo tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh: Các đại biểu cần sử dụng quyền tranh luận một cách đúng đắn, thực sự là tranh luận, chứ không phải tranh thủ đặt câu hỏi; tập trung tranh luận với Bộ trưởng, không tranh luận giữa các đại biểu với nhau. Trong quá trình trả lời chất vấn, các phó thủ tướng và thành viên khác của Chính phủ có thể cùng tham gia trả lời chất vấn và Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn trực tiếp những người liên quan.

dau an cua quoc hoi doi moi hinh 5

Tôi thấy không khí chất vấn rất sôi động, có những Đại biểu Quốc hội tham gia lần đầu tiên vào Quốc hội nhưng bắt nhịp rất nhanh, trưởng thành rất nhanh. Bằng chứng là chất vấn rất trúng, rất thẳng thắn, ngắn gọn” - nhận định của Đại biểu Quốc hội khóa XIII, ông Lê Như Tiến, về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế có lẽ cũng là cảm nhận chung của nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, báo giới cả nước về phiên chất vấn, trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XV. 

2,5 ngày thực hiện chất vấn với 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn; 171 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, những vấn đề then chốt của từng lĩnh vực như chính sách và giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới; việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19; chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới… đều được phân tích, mổ xẻ đi đến cùng, nhận được sự tán thành, đánh giá cao. 

Điều rất thú vị là trong phát biểu kết luận sau 2,5 ngày Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, mà nhiều tờ báo ví von là “Chủ tịch Quốc hội chấm điểm”, từng phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ đã được Chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét kỹ lưỡng. 

dau an cua quoc hoi doi moi hinh 6

Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tuy lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã nắm vững các nội dung, trả lời hết tất cả các câu hỏi, phần trả lời cơ bản đi đúng vào nội dung chất vấn và làm hài lòng đa số các đại biểu tham gia chất vấn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung “nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn và thỏa đáng, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể cho thời gian tới”; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn “mới giữ cương vị đứng đầu ngành Giáo dục đào tạo không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách”; Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: “Đã nhiều kinh nghiệm, nắm chắc thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý với tinh thần cầu thị, trả lời đầy đủ, thẳng thắn, đa số các câu hỏi của đại biểu đều được Bộ trưởng có phương án cụ thể để xử lý và đề xuất định hướng trong thời gian tới”.

Thành công ấy càng trở nên đặc biệt ý nghĩa khi phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: cả nước đang bước vào thời kỳ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Như Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chia sẻ với báo giới: Phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi không những để Quốc hội thực hiện vai trò, nhiệm vụ giám sát trực tiếp các hoạt động của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, mà quan trọng hơn, qua chất vấn sẽ cùng Chính phủ nhìn nhận rõ hơn các vấn đề đặt ra trong 4 lĩnh vực đã chọn nhằm có những giải pháp khắc phục kịp thời. Đây cũng là những lĩnh vực được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm khi dịch COVID-19 đã và đang làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

dau an cua quoc hoi doi moi hinh 7

Năm 2021 này, Quốc hội Việt Nam tròn dấu mốc 75 năm. 75 năm ấy, Quốc hội đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động.

Mỗi một kỳ họp Quốc hội đi qua, đều để lại thêm những dấu ấn mạnh mẽ về một Quốc hội không ngừng đổi mới về mọi mặt. Trong đó cùng với việc đổi mới phương thức điều hành, đổi mới nội dung các phiên họp các Ủy ban của Quốc hội, đổi mới về công nghệ thông tin… sự đổi mới và làm giàu thêm chất lượng hoạt động chất vấn, như nhìn nhận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: làm cho hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức hoạt động giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu, mà còn là một dịp để tương tác, bổ trợ cho hoạt động giám sát khác, cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.

Và trên hết là tạo nên dấu ấn sự lan tỏa, cảm hứng hành động sáng tạo của một Quốc hội do dân và vì dân.

dau an cua quoc hoi doi moi hinh 8
dau an cua quoc hoi doi moi hinh 9
dau an cua quoc hoi doi moi hinh 10

Tin khác

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.