Dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu có chiều hướng lắng dịu

Thứ sáu, 04/06/2021 07:09 AM - 0 Trả lời

(CLO) Dịch bệnh có dấu hiệu “giảm nhiệt” cho phép Liên minh châu Âu tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Theo đó từ mùa Hè này, du khách Nhật Bản sẽ được phép đi du lịch tại EU mà không cần giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: AFP

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: AFP

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/6 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 425.487 trường hợp mắc COVID-19 và 9.023 ca tử vong. Tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu đến sáng 4/6 là 172.842.381 ca, trong đó có 3.715.110 người tử vong.

Ngày 3/6, thế giới có 102/209 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia, vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Đại dịch sau gần 2 năm xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn thế giới cũng đã ghi nhận 155.776.028 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.351.186 ca và 89.454 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Nhìn chung, số ca mắc COVID-19 và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên, châu Á và khu vực Mỹ Latinh tiếp tục là những vùng dịch còn nghiêm trọng.

Tại châu Âu, Đức đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ 4 nếu số ca mắc mới bất ngờ tăng giống như hồi mùa Thu năm 2020.

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết ông đã bắt đầu thảo luận với các chuyên gia và Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nhằm sớm phát hiện những nguy cơ và tìm ra chiến lược để tránh một làn sóng lây nhiễm mới. Sự thận trọng của Đức dựa trên thực tế là sau giai đoạn tỷ lệ nhiễm mới tương đối thấp hồi mùa Hè năm ngoái, nhưng sau đó tình hình dịch bệnh nhanh chóng chuyển sang giai đoạn xấu trong tháng 9 và tháng 10, khiến Đức phải áp đặt một số biện pháp phong tỏa trong tháng 11 và sau đó phải nhiều lần gia hạn biện pháp này, thậm chí phải áp đặt “phong tỏa cứng” trong nhiều tháng qua.

Hiện Chính phủ liên bang Đức có kế hoạch tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, vốn là cơ sở pháp lý để đề ra các quy định về tiêm chủng hay chi phí xét nghiệm. Tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh lần đầu tiên được Quốc hội liên bang phê chuẩn ngày 25/3/2020, được gia hạn hồi tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực tới cuối tháng 6 này.

Trong khi đó, Italy đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người trên 12 tuổi sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) hồi tuần trước đã phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.

Sau sự khởi đầu chậm chạp vào đầu năm, do các vấn đề về tổ chức lẫn thiếu nguồn cung, chương trình tiêm chủng của Italy đã được đẩy mạnh. Số liệu của Bộ Y tế nước này cho thấy hơn 35 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân, với 12,4 triệu người (gần 23% dân số hiện đã được tiêm đủ liều). Cho đến nay, Italy đã ghi nhận hơn 126.000 ca tử vong do COVID-19.

Các ca mắc COVID-19 tại Italy đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây và nhiều biện pháp hạn chế chống dịch đã được dỡ bỏ, mặc dù lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cùng với các hạn chế đối với việc ăn uống trong nhà và quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Dịch bệnh có dấu hiệu “giảm nhiệt” cho phép Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Theo đó từ mùa Hè này, du khách Nhật Bản sẽ được phép đi du lịch tại EU mà không cần giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong cuộc họp ngày 3/6, Hội đồng châu Âu đã nhất trí với đề xuất của đại sứ 27 nước EU đưa Nhật Bản vào danh sách các quốc gia mà du khách, thậm chí chưa được tiêm chủng ngừa COVID-19, có thể được nhập cảnh vào khối này. Như vậy, theo danh sách được cập nhật thường xuyên của EU thì công dân 8 quốc gia được nhập cảnh vào khối này bao gồm Nhật Bản, Australia, Israel, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

Do đại dịch COVID-19, EU đã đóng cửa các biên giới kể từ tháng 3/2020 đối với các chuyến du lịch không thiết yếu. Từ một năm nay, EU thiết lập và cập nhật thường xuyên một danh sách rất hạn chế các quốc gia có cư dân được phép đến châu Âu căn cứ vào tình hình dịch tễ của đất nước và tiến trình của chiến dịch tiêm chủng, số lượng các xét nghiệm được thực hiện cũng như độ tin cậy của dữ liệu. Các quốc gia được xem xét khi có tỷ lệ mắc COVID-19 dưới 75 ca/100.000 người trong 14 ngày gần nhất.

Kể từ tháng 5 vừa qua, EU cũng quyết định cho phép những du khách đến từ các nước thứ ba đã được tiêm chủng được nhập cảnh đi du lịch tại châu Âu. Những người này phải được tiêm một liều vaccine cần thiết đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu phê duyệt (gồm các vaccine Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson) ít nhất 14 ngày trước khi đến EU.

Các quốc gia thành viên EU cũng có thể chấp nhận những du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 khẩn cấp vốn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận gồm vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc.

Tại châu Á, ngày 3/6, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) lần đầu tiên triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm từ 12 tuổi trở lên. Theo đó, trẻ em sẽ sớm được quay trở lại trường học và nhịp sống bình thường.

Đối với trẻ trên 12 tuổi sẽ có thể tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, song những người trên 18 tuổi vẫn tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc. Hong Kong cũng đã mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em trên 16 tuổi từ tháng 4 vừa qua. Tính tới nay, Hong Kong đã ghi nhận 11.849 ca mắc COVID-19, trong đó có 210 ca tử vong.

Tại bang Queensland của Australia, chính quyền bang tiếp tục đóng cửa với bang Victoria và tăng cường thiết lập thêm các trung tâm tiêm chủng vào cuối tuần tới.

Theo chính quyền bang Queensland, bang Victoria được coi là một điểm nóng về COVID-19, do đó những người từng lưu lại bang này không được phép vào Queensland, ngoại trừ cư dân của Queensland, những người cũng phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn được chỉ định khi quay lại bang này.

Lệnh hạn chế trên được đưa ra sau khi số ca mắc COVID-19 tại Melbourne gia tăng nhanh chóng, buộc chính quyền phải phong tỏa thành phố cho tới ngày 10/6 tới. Những người từ bang Victoria đã tới Queensland trước khi lệnh đóng cửa được áp dụng tuần trước cũng sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy tắc phong tỏa của bang Victoria. Những hạn chế này bao gồm: chỉ rời khỏi nhà khi đi mua sắm thực phẩm và vật dụng thiết yếu, khi đi làm việc và học tập, chăm sóc người già và người bệnh, đi tập thể dục, đi tiêm chủng hoặc đi xét nghiệm.

T.Toàn

Tin khác

Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

(CLO) Các ca mắc ho gà trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều xuất hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến lịch được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Sức khỏe
Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe