Điều gì khiến Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ấn tượng nhất trong năm 2023?

Chủ nhật, 31/12/2023 06:36 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất ấn tượng khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 rất cao, nằm ngoài các dự báo trước đó.

Nhân dịp kết thúc năm 2023 và chào đón năm mới - năm 2024, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những lưu ý trong năm mới - năm 2024.

dieu gi khien thu truong bo ke hoach va dau tu an tuong nhat trong nam 2023 hinh 1

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

Một năm nhìn lại

Năm 2023 đã đi qua, nền kinh tế Việt Nam đã ghi dấu với mức GDP tăng 5,05%. Nhiều chỉ số kinh tế như FDI, đầu tư công, xuất nhập khẩu,... đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Nhìn lại năm 2023, Thứ trưởng có đánh giá thế nào?

- Từ những con số đã được thống kê có thể thấy rằng, năm 2023 là một năm đầy biến động, không chỉ thế giới, mà cả Việt Nam cũng bị tác động không hề nhỏ. Vì vậy, những kết quả chúng ta đã đạt được đã cho thấy những cố gắng, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong suốt năm qua.

Trong bối cảnh khó khăn trùng điệp, Việt Nam vẫn có những thành tựu đáng kể về kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Thứ nhất, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đây là một nội dung hết sức trọng tâm. Bởi lẽ, việc đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ xuyên suốt, mang tính dài hạn gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Có thể thấy, năm 2023, Việt Nam đối mặt với sức ép rất lớn trong việc điều hành kinh tế vĩ mô.

Ngay trong những tháng đầu năm 2023, thị trường tài chính thế giới có nhiều bất ổn, do tiếp diễn từ cuối năm 2022 kéo sang. Tuy nhiên, Việt Nam đã điều hành hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa, tiền tệ kết hợp với các chính sách vĩ mô khác, điều này đã mang lại kết quả tích cực.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng khoảng 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% do Quốc hội đặt ra. Đây là thành công lớn, tạo tiền đề hết sức quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu khác trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phục hồi và tăng trưởng một số ngành trọng tâm.

Điểm sáng thứ hai liên quan tới công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh hết sức phức tạp, khó lường từ cả bên trong lẫn bên ngoài, Chính phủ, của Thủ Tướng đã chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt và quyết liệt, nhanh chóng đưa ra các giải pháp kịp thời và hiệu quả.  

Từ đó đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua những khó khăn, đạt kết quả rất khả quan. Tôi cho rằng, thành quả của năm 2023 là rất đáng ghi nhận.

Cũng liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, đó là giải quyết các vấn đề tồn đọng của nền kinh tế. Đây chính là hạn chế những năm trước chúng ta đã chỉ ra nhưng chưa giải quyết được hết. Đơn cử như xử lý các dự án thua lỗ hay các tổ chức tín dụng đang phải tái cơ cấu lại.

Thứ ba, liên quan đến việc thực hiện các giải pháp mang tính cấp bách, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

Năm 2023 là năm tiếp tục thực hiện giải pháp, chính sách của chương trình phục hồi kinh tế. Nhiều chính sách sau khi thực hiện thành công đã được báo cáo với các cấp có thẩm quyền để tiếp tục kéo dài và gia hạn thời gian thực hiện.

Hiện tại, dù một số đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, nhưng đa phần doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Việc kéo dài thời gian thực hiện các chính sách như miễn, giảm thuế, lệ phí vẫn còn có hiệu quả.

Thứ tư, là đầu tư công. Năm 2023 là một năm đặc biệt so với những năm trước đây về đầu tư công. Một lượng vốn khổng lồ 600.000 tỷ được đưa ra, nhưng giải ngân nhanh, tháng sau cao hơn tháng trước, cả ở số tương đối lẫn tuyệt đối.

Tính đến cuối tháng 12, kết quả giải ngân đạt hơn 81% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu so với 11 tháng trước đó, riêng trong tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2023 có bước nhảy vọt rất lớn, từ 65% lên đến 81 %, cỡ khoảng tăng thêm được 16%.

Nếu như duy trì được tốc độ này trong phần thanh quyết toán của tháng 1/2024 đạt được hơn 10% nữa, rõ ràng mục tiêu giải ngân 95% đã được đề ra là có khả năng đạt được.

dieu gi khien thu truong bo ke hoach va dau tu an tuong nhat trong nam 2023 hinh 2

Đa phần doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. (Ảnh: VM)

Điểm sáng thứ năm cần nói tới liên quan tới mục tiêu dài hạn, đó là triển khai 3 đột phá của nền kinh tế, đó là đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong năm 2023, Việt Nam đã có những bước tiến hết sức quan trọng trong việc thực hiện 3 đột phá này.

Về thể chế, chúng ta đã thấy Quốc hội cả hai kỳ họp trong năm đã thông qua nhiều bộ luật quan trọng, cả luật mới và cả luật sửa đổi bổ sung đã tác động hiệu quả hơn đến sự vận hành của nền kinh tế.

Về đột phá hạ tầng cũng đạt được thành công lớn, đóng góp vào mục tiêu phấn đấu đạt 3.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2025 hướng tới 5.000 km năm 2030.

Về nguồn nhân lực, trong năm qua, chúng ta đã thấy được sự quan tâm, định hướng đầu tư ở Việt Nam của những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin như lĩnh vực chip bán dẫn hay lĩnh vực công nghệ mới như hydrogen…

Đây cũng là sức ép để chúng ta có những đột phá mới trong thời gian tới về đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của những ngành công nghiệp mới.

Đó là những điểm sáng cho thấy kết quả của năm 2023 phản ánh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà tôi vừa đề cập trong lĩnh vực kinh tế.

Còn một lĩnh vực nữa tôi muốn đề cập và đã có tác động tích cực với sự phát triển kinh tế xã hội nước ta, đó là thành tựu về ngoại giao. Đây là những kết quả nổi bật và có tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Đặc biệt, những thỏa thuận, những cam kết của những chuyến công tác cấp cao, của những hội nghị song phương và đa phương lớn của Việt Nam tham gia trong năm 2023, sẽ có tác động và có điểm rơi vào năm 2024 và những năm tiếp theo.

dieu gi khien thu truong bo ke hoach va dau tu an tuong nhat trong nam 2023 hinh 3

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất ấn tượng khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 rất cao, nằm ngoài các dự báo trước đó. (Ảnh: VM)

Điều khiến Thứ trưởng Trần Quốc Phương ấn tượng nhất

Thứ trưởng có dự báo thế nào về kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Và chúng ta cần phải lưu ý điều gì, để tiếp tục đà tăng trưởng như những năm vừa qua?

- Hiện tại, chúng tôi cũng đã có một số đánh giá sơ bộ về bối cảnh năm 2024. Theo đó, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức  hơn là những cơ hội.

Dù vậy, những bài học quý báu chúng ta có được trong năm 2023, Việt Nam có thể tự tin vượt qua những thách thức đó và tận dụng được thời cơ, đem lại những hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2024 có những điểm cần lưu ý.

Thứ nhất là các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Với những chính sách nào đã mang tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong năm 2023, chúng ta cũng nên xem xét việc mở rộng hoặc cân nhắc việc xây dựng thêm các chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ hai, những căng thẳng trên thế giới về giá năng lượng, đặc biệt là giá xăng dầu vẫn rất khó nắm bắt. Chúng ta cũng chưa lường hết được biến động của nó trong năm 2024 sẽ như thế nào.

Kèm theo đó, những tác động của các xung đột căng thẳng địa chính trị trên thế giới, có thể sẽ tác động tới tình hình tài chính tiền tệ, qua đó tác động về  lạm phát hay lãi suất tỷ giá. Điều này có thể tác động đến Việt Nam.

Và câu chuyện điều hành giá trong nước phải hết sức lưu ý. Đơn cử như việc điều hành lộ trình tăng các giá các mặt hàng Nhà nước kiểm soát cũng như giá dịch vụ công, chúng ta sẽ phải điều hành trong năm 2024 như giá giáo dục y tế giá xăng dầu, điện…

Về đầu tư công, năm 2023 là năm có lượng vốn kỷ lục. Trong khi đó, năm 2024, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với lượng vốn khoảng 640.000 tỷ đồng, thấp hơn 2023.

Với lượng vốn thấp hơn, để phát huy được tác động của đầu tư công với tăng trưởng, cần đòi hỏi ngay từ những tháng đầu năm phải quan tâm đến công tác giải ngân từ sớm. Tôi mong rằng, giải ngân đầu tư công hàng tháng hàng quý tối thiểu cũng phải bằng 2023.

Điều gì khiến Thứ trưởng ấn tượng nhất trong năm vừa qua?

- Trong năm 2023, số lượng doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới tăng rất mạnh. Cả nước có hơn 200.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua. Trong đó có 160.000 doanh nghiệp mới thành lập và hơn gần 59.000 doanh nghiệp quay lại thị trường. Đây là điều hết sức bất ngờ và nằm ngoài dự báo. Điều này thể hiện rõ sức sống của doanh nghiệp Việt Nam rất mạnh mẽ. Họ đang có niềm tin vào triển vọng đất nước. Họ chớp lấy mọi cơ hội để đầu tư và kinh doanh, qua đó đóng góp cho kinh tế - xã hội đất nước

 Như vậy đến nay chúng ta đã có khoảng 920.000 doanh nghiệp. Chúng tôi dự kiến sang 2024, Việt Nam sẽ đạt một mốc 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Đây cũng là một mốc hết sức ý nghĩa. 

Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình có nhiều khởi sắc

Kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình có nhiều khởi sắc

(CLO) Nhờ triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, nên nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 tỉnh Thái Bình có nhiều chuyển biến tích cực.

Kinh tế vĩ mô
Hà Nam: Tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh toàn cầu

Hà Nam: Tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh toàn cầu

(CLO) Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đề nghị Hội Doanh nhân trẻ Hà Nam không ngừng xây dựng tổ chức Hội mạnh về chất lượng, đông về số lượng, tập trung các điều kiện hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
Đặt mục tiêu có ít nhất 10 tỷ phú USD vào năm 2030, Việt Nam đang chuẩn bị những gì?

Đặt mục tiêu có ít nhất 10 tỷ phú USD vào năm 2030, Việt Nam đang chuẩn bị những gì?

(CLO) Đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Kinh tế vĩ mô
Xuất, nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại, báo hiệu nhu cầu phục hồi

Xuất, nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại, báo hiệu nhu cầu phục hồi

(CLO) Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong tháng 4 sau khi giảm tháng trước đó, báo hiệu sự cải thiện đáng khích lệ về nhu cầu trong và ngoài nước khi Bắc Kinh vượt qua nhiều thách thức trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang lung lay.

Kinh tế vĩ mô
PCI năm 2023: Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước

PCI năm 2023: Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước

(CLO) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức họp báo, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) năm 2023 và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Trong bảng xếp hạng PCI 2023, tỉnh Hưng Yên đạt 69,09 điểm (tính theo thang điểm 100), tăng 1,18 điểm so với năm 2022, xếp thứ 12/63 tỉnh.

Kinh tế vĩ mô