Báo giấy: Ai còn nhớ?

Điều thú vị từ cuộc gặp với ông chủ sạp báo 71 Hàng Trống

Thứ sáu, 21/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Giữa cuộc sống ồn ào nơi phố thị, lặng trong không gian vẫn có những tiếng sột soạt của người lật giở từng trang giấy theo thời gian. Nơi ấy chính là những sạp báo in tại 71 Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Câu chuyện về nghề, về lịch sử của những tờ báo in giữa chúng tôi và ông bà chủ sạp báo Long Hoa – một trong những sạp báo tồn tại suốt 30 năm qua giữa lòng Thủ đô nghìn năm văn hiến như giúp chúng tôi cảm nhận được những giá trị nhân văn, giá trị tốt đẹp của báo in với hàng vạn độc giả.

Ký ức một thời

Trong cái nắng như đổ lửa giữa tháng 5 Hà Nội, những dòng người vội vã băng nhanh qua con phố Hàng Trống. Chúng tôi dừng chân gần trụ sở của tòa soạn báo Nhân Dân, nghe đâu đó bên tai vang lên tiếng “cho anh 2 tờ Tuổi trẻ, Thanh niên đi em”. Đó là tiếng của một người đàn ông trung niên cưỡi trên con xe đạp đã bạc màu đứng gần sạp báo in Long Hoa - 71 Hàng Trống để mua báo. Một người đàn ông cầm 2 tờ báo cùng chiếc làn nhựa nhanh tay đưa cho người mua và chào hỏi bằng một nụ cười thân thiện. Sau này, chúng tôi mới biết, hơn 20 năm qua người đàn ông đó hằng ngày vẫn đến đây mua hai tờ báo Tuổi trẻ và Thanh niên tại sạp báo Long Hoa để đọc tin tức hằng ngày. 

Bà Hoa trả lời phỏng vấn báo Nhà báo và Công luận.

Bà Hoa trả lời phỏng vấn báo Nhà báo và Công luận.

Ngồi bên sạp báo, cầm tờ báo Tuổi Trẻ trên tay, chúng tôi bắt đầu câu chuyện với ông bà chủ sạp báo lâu đời có tiếng tại số 71 Hàng Trống này. Bà Hoa, vợ ông Long đã gần 60 tuổi – chủ sạp báo Long Hoa là một viên chức Nhà nước về hưu. Hằng ngày, bà Hoa ra phụ hàng giúp cho ông Long từ sớm.

Bà Hoa vui khi có người trò chuyện, nhất là những câu chuyện về công việc suốt 30 năm qua của vợ chồng bà đó chính là bán báo. “Ngày trước làm gì có được ki ốt ngồi như bây giờ đâu chú, hai vợ chồng còn ngồi ở vỉa hè cũng gần tòa soạn báo Nhân Dân kia kìa. Ngày nào hai vợ chồng cũng có mặt ở đây từ 5h sáng để đón báo từ các nhà in được người ta chở đến. Trước ít đầu báo nhưng bán thích lắm; những tờ báo tin tức hằng ngày như Tuổi trẻ, Thanh niên nếu không mua nhanh qua quá giờ sáng là gần như hết...”, bà Hoa kể.

Sạp báo Long Hoa 71 Hàng Trống.

Sạp báo Long Hoa 71 Hàng Trống.

Những sạp báo tại 71 Hàng Trống cũng nhuốm màu thời gian, những người gắn bó với nghề bán báo như vợ chồng ông Long, bà Hoa trên đầu đã đôi màu tóc nhưng sạp báo thì vẫn thế. Những chồng báo vẫn được chủ nhân của nó xếp ngay ngắn, trật tự và người bán thì vẫn tươi cười, nhiệt tình với khách hàng. Bán báo in thì nhu cầu nắm bắt tâm lý khách hàng là điều đặc biệt quan trọng, bà Hoa cho biết: “Ngày trước chúng tôi làm sạp ngay vỉa hè, người mua báo họ đọc nhiều nhất là báo có lượng tin tức lớn hằng ngày như báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Người thích đọc tin pháp luật, thế giới như Công an nhân dân, An ninh thế giới. Giới trẻ thì họ yêu thích tờ Thể thao văn hóa hơn còn những tờ như Tuổi Trẻ đời sống, Đời sống và Pháp luật hay Xa lộ pháp luật có nhiều bài báo hay về đời sống – xã hội nên bán cũng rất tốt...”.

Ông Long trò chuyện cùng phóng viên.

Ông Long trò chuyện cùng phóng viên.

Chúng tôi còn được nghe câu chuyện của ông bà chủ sạp báo Long Hoa kể lại khi chứng kiến những bạn đọc tranh luận nảy lửa, giành giật tờ báo đến 3 - 4 tiếng đồng hồ chỉ vì một bài báo mà cả hai đang theo dõi dang dở. Đó là một bài báo đăng trên tờ báo giấy “Gia đình và Pháp luật” viết dài kỳ về một câu chuyện gia đình có nhiều mâu thuẫn được tác giả kể lại vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, vì là tờ báo ra có số lượng ít nên bạn đọc tìm mua phải đi từ sớm, người đến sau chỉ có thể ngậm ngùi nhìn người đến trước đọc bài báo yêu thích.

Tình yêu nghề gắn mãi với thời gian

Câu chuyện về nghề bán báo xưa còn vang trong phố phường Hà Nội bởi tiếng rao báo như một nét đẹp mà không thể quên lãng. Nhưng nghề bán báo giờ khác xưa nhiều quá, tiếng rao báo cũng ít dần đi bởi con người đang bước vào thời đại mới, thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. “Bây giờ ai trên tay cũng có chiếc điện thoại vào mạng, rồi cả máy tính bảng; Họ đọc tin tức nhanh hơn và tiện hơn chứ không còn phải chạy qua sạp mua báo giấy đọc nữa...”- ông Long ngậm ngùi than thở về cái nghiệp bán báo 30 năm qua.

Ông Long bán báo cho khách quen.

Ông Long bán báo cho khách quen.

Sạp báo Long Hoa cũng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian nhưng hai vợ chồng ông Long, bà Hoa vẫn vậy, vẫn hằng ngày chăm chút từng tờ báo in, xếp sắp chúng một cách trật tự, ngay ngắn để khách hàng đến có thể dễ quan sát, lựa chọn tờ báo mình yêu thích. Bây giờ, ngoài bán báo hai vợ chồng ông bà bán thêm cả sim thẻ điện thoại, một ít thuốc lá, đồ thủ công mỹ nghệ cho du khách thăm phố cổ... để tăng thêm thu nhập.

Báo Công luận
Những sạp báo tại 71 Hàng Trống.

Những sạp báo tại 71 Hàng Trống.

“Đơn giản vì tôi đã gắn bó với nó quá lâu rồi. Một ngày xa sạp báo là nhớ lắm. Nhưng cũng nghĩ mình già rồi, làm suốt 30 năm bây giờ ngại thay đổi. Bán báo cũng nhiều cái hay, thú vị lắm...”, ông Long chia sẻ. Đó có thể là lời nói thật lòng của một người yêu nghề, gắn bó và dường như không thể quên khi xa cách. Chỉ có cảm giác yêu thì khi đi xa người ta mới nhớ, đôi khi là không thể nói nên lời.

Hà Nội nay cũng chỉ còn vài sạp báo như tại số 71 Hàng Trống đã dần thưa khách bởi bạn đọc giờ đây đã có báo điện tử để cập nhật tin tức hằng ngày. Ông Long trong câu chuyện với chúng tôi cũng dẫn ra một so sánh: “Trước đây mùa World cup sáng nào tôi cũng bán hết veo báo Thể thao Văn hóa, rồi đến những tờ báo mà có bài viết liên quan đến bóng đá. Lúc ấy người đọc họ tìm đến đông như trẩy hội ấy. Nhưng bây giờ thì khác rồi, họ lên báo điện tử đọc dễ hơn, rồi xem video nữa chứ mấy ai ra đây mua báo bóng đá đâu...”.

Một khách đến mua báo trò chuyện với chủ sạp báo kiot 2, 71 Hàng Trống.

Một khách đến mua báo trò chuyện với chủ sạp báo kiot 2, 71 Hàng Trống.

Có thể thấy, sự sụt giảm của báo in là do lượng người đọc, những người quan tâm đến tờ báo in rồi đến với sạp báo của ông Long đa phần là trung niên và người già; còn người trẻ thì rất ít, họ có mua cũng là mua về cho cha, cho ông họ.

Văn hóa đọc có lẽ là một nét đẹp không thể phai mờ của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nó đã đi sâu vào tiềm thức, vào cuộc sống của con người để tạo nên những giá trị cốt lõi, nhân văn của cuộc sống.

Khách hàng đến mua báo tại 71 Hàng Trống.

Khách hàng đến mua báo tại 71 Hàng Trống.

Trước thời buổi kinh tế thị trường, sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến những sạp báo in Hà Nội, trong đó có sạp báo của vợ chồng ông Long, bà Hoa nhưng qua thời gian nó vẫn tồn tại. Bằng tình yêu nghề, những sạp bán báo in có lẽ sẽ không bao giờ bị mất đi mà luôn được chủ nhân của nó duy trì. Đó như một ngọn lửa cháy âm ỉ tạo nên một bức tranh cuộc sống muôn màu nơi phố phường Hà Nội.

Quốc Trần

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(NB&CL) Báo chí không chỉ đồng hành cùng công cuộc bảo vệ Tổ quốc, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, ngay trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo