Doanh nghiệp hoạt động chưa có doanh thu vẫn “mạnh dạn” đăng ký thầu 4 dự án quy mô hơn 14.000 tỷ đồng

Thứ ba, 29/12/2020 14:18 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà vườn cây ăn quả - Khu 5 thuộc Khu đô thị Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chỉ có duy nhất một nhà đầu tư tổ chức nộp hồ sơ là Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Thiên Ninh Thuận.

Nâng vốn điều lệ để đăng ký dự thầu?

Dự án Khu nhà vườn cây ăn quả dự kiến thực hiện trong 8 năm, là khu nhà vườn trồng cây ăn quả, duy trì và phát triển các hoạt động nông nghiệp đô thị với quy mô 98,78 ha. Tổng chi phí thực hiện dự án 1.737 tỷ đồng, trong đó có hơn 400 tỷ là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngoài dự án trên, Công ty Thuận Thiên Ninh Thuận còn đăng ký thực hiện tất cả các dự án còn lại trong gói thầu Khu đô thị Đầm Nại, bao gồm: Khu đô thị vườn phát triển mới phía Tây Nam Đầm Nại (Khu 4.2) có tổng chi phí 4.857 tỷ đồng, Khu đô thị mới ven bờ Tây Bắc Đầm Nại (Khu 1) có tổng chi phí 3.610 tỷ đồng và Khu đô thị vườn phát triển mới phía Tây Nam Đầm Nại (Khu 4.1) có tổng chi phí 3.990 tỷ đồng.

Công ty cổ phần đầu tư Thuận Thiên Ninh Thuận được thành lập ngày 12/6/2017, đặt trụ sở tại Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, ngành nghề chính theo đăng ký ban đầu là Dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Công ty Thuận Thiên Ninh Thuận có vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Phạm Nguyễn Thanh Nhàn (nắm 60% vốn điều lệ), ông Phạm Hải Long và ông Trần Xuân Khiên (sinh năm 1975) nắm 40% vốn điều lệ còn lại. Ông Khiên giữ chức vụ Tổng giám đốc đồng thời là người đại diện trước pháp luật của Công ty.

Bất ngờ, ngay sau khi thành lập được hai tháng, Thuận Thiên Ninh Thuận đã nâng vốn điều lệ lên gấp hơn 3 lần là 1.000 tỷ đồng tại thời điểm ngày 25/08/2017. Tỷ lệ cổ đông nắm giữ vốn điều lệ và cơ cấu tổ chức không thay đổi.

Công ty bắt đầu thay đổi ngành nghề kinh doanh chính từ Dịch vụ lưu trú ngắn ngày sang lĩnh vực Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê từ tháng 9/2019. Đồng thời cơ cấu cổ đông của công ty có biến động, ba cổ đông sáng lập đều giảm tỷ lệ sở hữu, cổ đông sáng lập nắm số vốn điều lệ lớn nhất trước kia là bà Phạm Nguyễn Thanh Nhàn chỉ còn nắm giữ 5%, ông Phạm Hải Long nắm 5%, tổng giám đốc Trần Xuân Kiên giữ 10% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại lên tới 80% không được công bố thông tin.

Tới ngày 13/11/2020, tức là chỉ sau thời điểm Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Ninh Thuận thông báo về việc đăng ký đầu tư gói thầu Dự án Khu đô thị Đầm Nại duy nhất một ngày (12/11/2020), công ty Thuận Thiên Ninh Thuận bất ngờ nâng số vốn điều lệ của mình lên tới 2.300 tỷ đồng. Cổ đông nắm giữ 80% vốn điều lệ vẫn chưa được công bố.

Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh trong vài năm qua, công ty vẫn “im thin thít” không hề phát sinh doanh thu. Lỗ thuần không đáng kể, tăng giảm chênh lệch qua các năm cũng không nhiều, cao nhất là năm 2018 chỉ có 118 triệu đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Thuận Thiên Ninh Thuận vẫn xấp xỉ gần 1.000 tỷ đồng, tức là bằng vốn góp của các cổ đông.

Một hạt nhân trong hệ sinh thái lớn

Cùng có tên kết thúc bằng hậu tố “Ninh Thuận”, ngoài Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Thiên Ninh Thuận, ông Trần Xuân Khiên và nhóm cổ đông trên còn đồng thời đại diện cho các công ty khác như: Công ty TNHH Đại An Ninh Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư Thịnh Hưng Ninh Thuận.

Điều này cho thấy, công ty Thuận Thiên Ninh Thuận chỉ là một hạt nhân trong hệ sinh thái lớn cùng với các công ty còn lại.

Đại An Ninh Thuận và Thịnh Hưng Ninh Thuận có thể nói là 2 pháp nhân anh em song sinh bởi cả 2 doanh nghiệp này cùng được thành lập vào ngày 10/8/2018 và có trụ sở đăng ký kinh doanh giống với Thuận Thiên Ninh Thuận. Ngành nghề đăng ký hoạt động kinh doanh là Kinh doanh bất động sản.

Cơ cấu cổ đông ban đầu đều có sự tham gia góp cổ phần từ phía Công ty mẹ Thuận Thiên Ninh Thuận: 35% ở Đại An Ninh Thuận và 51% ở Thịnh Hưng Ninh Thuận, nhưng sau đó dần dần thoái sạch vốn chỉ còn lại nhóm 3 cổ đông chính trên.

Ngoài ra, cá nhân ông Trần Xuân Khiên còn đứng đại diện pháp luật kiêm Giám đốc cho Công ty TNHH Phát triển Khoáng sản Duy Tân Wolfram Bình Thuận (Duy Tân Volfram Bình Thuận). Đây là công ty duy nhất có ngành nghề kinh doanh chính khác với nhóm công ty trên là khai thác khoáng sản, chế biến thăm dò khoáng sản, mỏ quặng.

Duy Tân Volfram Bình Thuận được thành lập vào tháng 8/2016, có trụ sở đặt tại Quận 10, TP.HCM. Công ty có vốn điều lệ 31 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2 pháp nhân tổ chức nắm cổ phần là Công ty TNHH Thanh Tâm với 90,3% và Công ty TNHH Phát triển Khoáng sản Duy Tân góp 9,7% vốn điều lệ.

Cũng giống với nhóm 3 công ty anh em trên, Duy Tân Volfram Bình Thuận cũng chưa hề phát sinh doanh thu trong suốt quá trình kinh doanh. Có lẽ, công ty chỉ phát sinh các chi phí tối thiểu cần thiết để duy trì hoạt động mang tính "cầm chừng" bởi số lỗ thuần chỉ rơi vào khoảng 2 -3 triệu đồng/năm. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu là 30,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý chính là cổ đông chỉ góp chưa tới 10% cổ phần của Duy Tân Volfram Bình Thuận lại không phải là cái tên xa lạ. Công ty Khoáng sản Duy Tân là một trong những doanh nghiệp hoạt động có “tai tiếng” trong ngành khai thác và nạo vét khơi thông luồng lạch; khai thác cát, đá, sỏi, đất sét.

Sai phạm chồng sai phạm của Khoáng sản Duy Tân được ghi nhận vào thời điểm tháng 8/2017 với việc nạo vét luồng dẫn, khu neo đậu tránh trú bão ở bờ Nam và Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cư dân địa phương.

UBND tỉnh đã có nhiều công văn đình chỉ, tạm dừng thi công và yêu cầu Công ty phải thực hiện đúng cam kết, đảm bảo tiến độ và yêu cầu bồi hoàn cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công. Ngoài ra Sở Xây dựng tỉnh còn phối hợp với Cục Hải quan tỉnh làm rõ kiểm tra khối lượng cát xuất khẩu, các điều kiện xuất khẩu cát nhiễm mặn của Công ty Duy Tân tận thu từ dự án.

Công ty Duy Tân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và nạo vét khơi thông luồng lạch từ những năm 2000. Tiền thân là Công ty với tên gọi TNHH Phát triển Khoáng Sản Duy Tân.

Công ty liên tục thay đổi trụ sở trong đăng ký kinh doanh và đã từng thay đổi mô hình kinh doanh từ TNHH sang Công ty cổ phần tại thời điểm 21/9/2017 với cơ cấu: Công ty cổ phần Kim khí – Xây dựng Việt Nga (nắm 36%), ông Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Mạnh Tấn mỗi người nắm 7%, số cổ phần còn lại 50% của Tổng giám đốc kiêm người đại diện Nguyễn Minh Tân (sinh năm 1954). Tổng số vốn điều lệ là 65 tỷ đồng.

Tới tháng 3/2018, sau lùm xùm về việc sai phạm ở dự án nạo vét bờ Nam và Bắc Cửa Việt, Công ty tiếp tục quay lại hình thức hoạt động TNHH với tên mới là Xuất nhập khẩu khoáng sản Duy Tân. Ông Nguyễn Minh Tân (sinh năm 1954) vẫn là người đại diện trước pháp luật kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên, nhưng tất cả các cổ đông cũ đều đã thoái vốn. Ông Tân tăng tỷ lệ nắm cổ phần lên 70% vốn điều lệ, 30% vốn còn lại do pháp nhân mới là bà Tô Thị Hồng Hai đóng góp.

Gia Hân

Tin khác

Hà Nội: Nhà hàng, quán nhậu “vỡ trận” dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Nhà hàng, quán nhậu “vỡ trận” dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, ghi nhận tại các nhà hàng, quán nhậu ở Hà Nội luôn trong trạng thái đông nghịt khách vào giờ cao điểm, nhiều nơi kín chỗ với công suất 100%. Giá cả vẫn được cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giữ ổn định dù chịu áp lực lớn từ giá đầu vào tăng mạnh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đề xuất gây tranh cãi mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng, Bộ Công Thương nói 'cần thiết'

Đề xuất gây tranh cãi mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng, Bộ Công Thương nói "cần thiết"

(CLO) Bộ Công Thương cho rằng, việc đưa ra quy định mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng là cần thiết và phù hợp.

Thị trường - Doanh nghiệp
Cổ phiếu Tesla tăng kỷ lục 15%, Elon Musk có thêm 14,5 tỷ USD

Cổ phiếu Tesla tăng kỷ lục 15%, Elon Musk có thêm 14,5 tỷ USD

(CLO) Cổ phiếu Tesla tăng kỷ lục 15% giúp tỷ phú Elon Musk có thêm 14,5 tỷ USD chỉ sau 1 đêm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thị trường dịp lễ 30/4 - 1/5: Giá thực phẩm ổn định, sức mua giảm

Thị trường dịp lễ 30/4 - 1/5: Giá thực phẩm ổn định, sức mua giảm

(CLO) Trong dịp lễ 30/4 - 1/5, do sức mua thấp, lượng hàng hoá đổ về các chợ truyền thống giảm nhẹ, giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây đều ổn định.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

(CLO) Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng của các văn phòng gia đình Trung Quốc đang chậm lại do hậu quả từ vụ bê bối rửa tiền trị giá hàng tỷ USD năm ngoái và việc kiểm tra chặt chẽ hơn đối với những cá nhân nộp đơn mới.

Thị trường - Doanh nghiệp