Kon Tum:

Độc đáo nghề “nuôi” ong rừng trong hốc cây của người Xê Đăng

Thứ ba, 06/09/2022 09:24 AM - 0 Trả lời

(CLO) Để có được những giọt mật vàng óng ánh, sánh mịn, người Xê Đăng ở Kon Tum đã đục từng hốc nhỏ trên những thân cây già cỗi rồi dụ ong rừng vào sinh sống.

Mỗi năm cứ đến mùa xuân, người Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum lại vào rừng chọn những thân cây mục rỗng già cỗi, khoét từng hốc rộng để dụ từng đàn ong rừng về sinh sống.

Dựa vào đặc tính của ong rừng, người Xê Đăng thường đục lỗ ở những thân cây lớn, gần suối, nơi có không khí ẩm ướt. Miệng tổ đặt ngược theo hướng suối chảy, cũng không được ở trên cao, bởi gió nhiều thì ong không vào. Khi có những hốc cây, ong rừng sẽ tự về làm tổ chứ không cần bắt ong chúa để "dụ" như cách nuôi truyền thống.

doc dao nghe nuoi ong rung trong hoc cay cua nguoi xe dang hinh 1

Người dân phấn khởi thu hoạch những sáp ong trong gốc cây

Khi đã đục khoét lỗ cho ong làm tổ, người Xê Đăng dùng thanh gỗ, bùn đất bịt kín lối hang, chỉ chừa vài lỗ nhỏ để lũ ong mật tìm về làm tổ. Cứ như vậy, mùa xuân họ dẫn dụ ong về làm tổ trong hốc cây và cứ đến mùa hè người dân bắt đầu thu hoạch những giọt mật vàng ươm, sánh mịn.

Theo đó, bà con Xê Đăng chỉ chọn những thân cây mục rỗng từ trước, không đục cây lành lặn. Cách làm này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhiều gia đình có những tổ ong trên thân cây được đục từ đời ông, đời cha, giờ con cháu vẫn bảo vệ và chăm sóc. Để tránh sự nhầm lẫn, trên mỗi tổ ong đều viết tên của hộ dân.

Để mục sở thị kỹ nghệ nuôi ong độc đáo này, chúng tôi đã có dịp cùng theo chân anh Dip (người dân tộc Xê Đăng, trú tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) lên rừng thăm những tổ ong anh đang chăm sóc. Trong ba lô của anh Dip có các vật dụng như bao nilon đựng mật, rìu và dao dùng để mở cửa tổ ong.

doc dao nghe nuoi ong rung trong hoc cay cua nguoi xe dang hinh 2

Khi đã đục khoét lỗ cho ong làm tổ, người Xê Đăng dùng thanh gỗ, bùn đất bịt kín lối hang, chỉ chừa vài lỗ nhỏ để lũ ong mật tìm về làm tổ

Anh Dip cho hay: “Hiện tôi đang sở hữu 15 tổ ong nằm rải rác trong rừng sâu. Trong số đó, có hơn một nửa tổ ong do tôi tự đục, còn lại là mua từ những người trong làng. Mỗi lần đi rừng, tôi thường ghé để kiểm tra lượng mật ong có được trong tổ. Lúc lấy mật phải chừa lại một ít để ong tiếp tục làm thêm, không được lấy hết”.

“Do là mật nguyên chất, ong lấy phấn của hoa rừng, cây dược liệu, đặc biệt là hoa của cây sâm Ngọc Linh nên giá trị mỗi lít mật lên tới 600.000-800.000 đồng. Mỗi tổ ong có thể thu được từ 2 -3 lít mật. Nhờ nghề nuôi ong rừng trong hốc cây này mà mỗi năm tôi không phải làm gì nhiều cũng kiếm được mấy chục triệu đồng", anh Dip phấn khởi nói.

doc dao nghe nuoi ong rung trong hoc cay cua nguoi xe dang hinh 3

Mỗi tổ ong trong 1 hốc cây có thể thu được từ 2 -3 lít mật mỗi mùa

Tương tự anh Dip, ông A Dục (63 tuổi, trú tại xã Măng Ri) cũng đang sở hữu hàng chục tổ ong được nuôi trong thân cây nằm rải rác khắp những cánh rừng trên đỉnh Ngọc Linh. Trong số này, có đến 40 tổ đã được tạo từ nhiều năm về trước chỉ có khoảng 10 tổ ông mới làm.

“Ngày trước còn khỏe, tôi làm cả trăm tổ trong thân cây để nuôi ong. Sau này khi sức khỏe dần yếu đi tôi đã bán lại cho đám thanh niên trong làng. Cứ khoảng tháng 3-4 tôi đi thăm ong và tháng 5-6 sẽ đi lấy mật. Đối với việc nuôi ong rừng trong hốc cây, tuyệt đối không được dùng khói hoặc đốt lửa xua đuổi, để tránh làm ong bỏ tổ đi mà phải dùng tay nhẹ nhàng gỡ sáp ong”, ông Dục chia sẻ.

Theo ông Dục, mật ong ở Măng Ri đều được người dân trong xã đặt hết, thu không đủ bán. Nuôi ong rừng trong gốc cây, mỗi năm chỉ được khoảng 2 - 3 tháng thu mật, nhưng ngược lại mật lại chất lượng và bán được giá cao.

doc dao nghe nuoi ong rung trong hoc cay cua nguoi xe dang hinh 4

Đều đặn cứ vào đầu năm người dân sẽ đi đục hốc để làm tổ đón ong về. Đến tháng 3 - 4, bà con sẽ đi thăm ong rồi tháng 5 - 6 lấy mật

Theo đại diện UBND xã Măng Ri, toàn xã có hơn 500 hộ dân và đa số bà con đều có những hốc nuôi ong trên rừng. Hầu hết các hộ trong xã nuôi ong trên rừng để thêm nguồn trang trải cuộc sống hoặc đơn giản lấy được loại mật ong tốt cho gia đình sử dụng.

Nhận thấy giá trị mật ong rừng cao, bà con Xê Đăng đã biết bảo vệ và nhân rộng, chăm sóc những đàn ong rừng làm tổ trong thân cây. Mỗi năm, người làm ít thì thu được vài chục lít mật, nhiều đến cả trăm lít. Người dân chỉ chọn những cây mục rỗng từ trước. Sau đó đục mở rộng ra, không đục cây lành lặn nên không ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Bình Luận

Tin khác

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Ở độ tuổi 97 nhưng cụ Cao Xuân Thọ (xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn hừng hực khí thế khi kể lại những ngày tham gia phá bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Đời sống
Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

(CLO) Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông khiến gần 80 người thương vong.

Đời sống
120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) 120 giàn pháo hoa được lực lượng chức năng thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá lắp đặt trước bờ biển đối diện sân khấu Quảng trường biển Sầm Sơn để chuẩn bị cho Lễ hội du lịch biển năm 2024.

Đời sống
Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

(CLO) Thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên xác nhận, sau khi lực lượng chức năng địa phương này đã tìm được thi thể thứ 4 của vụ tai nạn vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 27/4.

Đời sống
Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

(CLO) Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đời sống