Đổi mới giáo dục phổ thông: “Ma trận” sách bủa vây học sinh

Thứ năm, 10/09/2020 09:45 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cứ đến đầu năm học, ngoài một bộ sách giáo khoa, học sinh lại “lạc” vào “ma trận” sách tham khảo, hướng dẫn, bài tập… mà không biết hiệu quả khi sử dụng đến đâu. Trong khi đó, nhiều giáo viên, chuyên gia lại cho rằng, học sinh lớp 1 không cần sách tham khảo, chỉ cần học sách giáo khoa là đủ.

Đủ thứ sách đè học sinh đầu năm học

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, năm nay, chương trình phổ thông mới được đưa vào triển khai, giảng dạy tại lớp 1, với 9 môn học (Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên & Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục Thể chất và Tiếng Anh) trong đó có 8 môn bắt buộc. Nhưng đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, khi học sinh chưa biết đọc, biết viết đã làm quen với… 9 lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội sẽ là một thách thức lớn. Ngành giáo dục những năm gần đây luôn khẳng định đã giảm tải chương trình, tăng thời gian cho học sinh thực hành, nhưng thực tế khi nhìn vào số sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 như vậy cũng đủ thấy lượng kiến thức đòi hỏi học sinh phải tiếp thu vẫn còn rất lớn, khó có thể nói là giảm tải.

Báo Công luận

Nhưng đây vẫn chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” khi học sinh lớp 1 ít ai nghĩ đến là ngoài 9 môn học và sách giáo khoa nói trên thì hầu như giáo viên tại các trường cũng đều “khuyến khích” mua sách tham khảo, sách bài tập, nâng cao, phát triển năng lực… Đơn cử như môn Toán lớp 1, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận có đến gần 20 cuốn sách dạng tham khảo như để học toán nhanh, học giỏi môn toán, hướng dẫn giải đề, kiểm tra, làm bài trắc nghiệm…

Ghi nhận của PV khi có mặt ở một số nhà sách trên địa bàn TP. Hà Nội, những ngày qua hầu hết đều gặp tình trạng đông kín người, chen lấn để cố mua được một số đầu sách theo gợi ý từ giáo viên. Ngay cả khi hiện tại đã qua ngày khai giảng, nhưng vẫn có nhiều phụ huynh vẫn đi tìm kiếm sách cho học sinh. Như trường hợp ông Trần Mạnh Quân (Đống Đa, Hà Nội), mấy hôm nay vẫn đi “lùng sục” nhiều cửa hàng sách chỉ để tìm cho được cuốn sách tham khảo Toán lớp 1 đúng như gợi ý của cô giáo. Thế nhưng đến hiện tại việc này vẫn… vô vọng. Ông Quân cho biết, năm nay cháu của ông vào lớp một, cho nên những ngày này, cả gia đình đều thảo luận về những thứ cần thiết phải mua. Có ý kiến cho rằng, nên mua hết sách để tạo điều kiện tối đa cho cháu được học tốt và phát triển bản thân. Nhưng cũng lại có ý kiến của cho rằng, học sinh lớp một thì chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ, không cần học nhiều.  “Tôi thì nghĩ, thời mình đi học chỉ cần có sách giáo khoa cũng thành người. Nhưng vợ tôi lại cho rằng, cái thời đó không có, chứ có thì ai cũng đầu tư cho học hành” – ông Quân tâm sự.

Còn với trường hợp của chị Nguyễn Thùy Trang (Hà Nội) trong hành trình… đi tìm sách cho con cũng không kém phần gian nan. Theo chị Trang, đây là cửa hàng thứ 4 mà chị phải đi “đào, bới” để tìm sách tham khảo cho con. Thời điểm hiện tại, chị Trang đã bỏ ra hơn một triệu đồng để mua sách và đồ dùng học tập cho con, nhưng vẫn… chưa đủ. Khi tham khảo từ một số phụ huynh khác thì con chị còn thiếu một cuốn sách bài tập môn Hoạt động trải nghiệm, do đó, chị Trang phải cố đi tìm mua bằng được. Trao đổi với PV, chị Trang cho biết, không hiểu vì sao mà sách cho học sinh lớp 1 lại nhiều đến thế? Với số lượng lớn như vậy, liệu học sinh có thể học được hết hay chỉ mua về rồi… bỏ đó?

Tâm lý của ông Quân và chị Trang cũng đều là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh khi vào đầu năm học mới, khi thấy con của phụ huynh khác có loại sách “nghe nói là tốt” thì cũng cố gắng tìm mua bằng được sách tham khảo, hướng dẫn… bài tập đó cho con của họ. Tuy nhiên, hiệu quả của những cuốn sách này đến đâu thì họ không hề hay biết.

Có cần phải dùng sách tham khảo?

Qua tìm hiểu thực tế của PV, có một nghịch lý là bậc học càng thấp thì số lượng sách bài tập, sách tham khảo được bày bán lại càng nhiều. Trong đó, số lượng các đầu sách nhiều nhất hiện nay vẫn là sách cho học sinh… lớp 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thực tế từ lâu khi nhiều nhà xuất bản,  ngoài sách giáo khoa còn xuất bản kèm theo các sách bài tập, sách hướng dẫn học tập, vở bài tập. Tất cả đều đánh đúng tâm lý phụ huynh và được khai thác triệt để nhằm kiếm lời. Do đó, danh sách 23 đầu sách, vở, dụng cụ học tập có giá hơn 800 nghìn đồng đã gây “bão” trong thời gian qua chỉ là một phần rất nhỏ trong các chiêu trò nhằm “móc ví” phụ huynh của các nhà xuất bản. Bởi lẽ, học sinh lớp 1, chưa biết đọc, biết viết thì liệu có cần dùng đến nhiều loại sách, vở như vậy hay không? Thậm chí đã có nhiều ý kiến đặt ra vấn đề này trên nhiều diễn đàn là nếu học sinh không mua các loại vở bài tập, sách tham khảo thì liệu có học tốt được hay không?

Báo Công luận

Về vấn đề này, trao đổi với PV báo Nhà báo & Công luận, nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội cho biết, tại trường Đoàn Thị Điểm, học sinh chỉ cần có sách giáo khoa là đủ. Học sinh lớp một được nhà trường tặng một bộ sách giáo khoa. Trường không khuyến khích phụ huynh mua sách tham khảo, sách và vở bài tập. Các hoạt động giáo dục do chính giáo viên thiết kế, giảng dạy.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thùy Chi, giáo viên ở Hà Tĩnh chia sẻ, không nhất thiết phải mua sách vở bài tập. Bởi các hoạt động học tập ở trường đã mất 2 buổi đối với học sinh lớp 1 là quá đủ. Một tiết học chỉ 35-40 phút, với những nơi sĩ số lên đến 50 hoặc 60 học sinh nhiều khi giáo viên chưa hướng dẫn xong cách viết vào vở đã hết giờ. Vì vậy, rất ít thầy cô có thời gian để quan tâm hay giao bài về nhà cho các em trong vở bài tập. Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, hiện nay bộ sách giáo khoa là bắt buộc học sinh mua có giá chưa đến 200 nghìn đồng. Còn các sách bài tập, sách tham khảo là mua tự nguyện. Học sinh có năng lực thì nên mua thêm sách bài tập, sách tham khảo còn không thì không nên.

Tuy nhiên thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh đối với học sinh lớp 1 thì không cần sách tham khảo. Bởi các em đọc chưa thông, viết chưa thạo thì làm sao có thể tự học sách tham khảo được. Đến cả cử nhân, tiến sĩ nhiều khi còn lười đọc sách tham khảo huống hồ là học sinh lớp một. Do vậy, không thể biến một đứa trẻ học lớp 1 lại có phong cách học tập, nghiên cứu của… một giáo sư. Việc các nhà xuất bản đua nhau xuất bản các ấn phẩm cho thấy họ đang đánh đúng vào tâm lý của phụ huynh để kiếm lời.

Một trong những lý do phụ huynh rơi vào bẫy của sách tham khảo đó chính là những lời ngon ngọt, tư vấn bán sách. Hiện nay sách giáo khoa được các đại lý chiết khấu 10% nhưng sách tham khảo và vở bài tập thì mức chiết khấu tăng gấp nhiều lần (ít thì 30% nhiều lên tới 40 đến 50%). Với mức chiết khấu cao như vậy, các nhà xuất bản đã lôi kéo được lực lượng hùng hậu từ các nhà trường, giáo viên, nhà sách tham gia quảng bá, bán sách. Vì thế, nhiều phụ huynh đã bị “mờ mắt” trước các gọi ý ngon ngọt từ các giáo viên và cách tiếp thị của các hiệu sách.

Báo Công luận

Trước tình trạng bát nháo trong việc bán sách tham khảo, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021. Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 7/7/2014 Quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.

Các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu sở GD&ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trinh Phúc

Tin khác

Nam Định thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Nam Định thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nam Định năm 2024 chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục
Tuyển sinh đại học năm 2024: Cách khai báo để được điểm ưu tiên

Tuyển sinh đại học năm 2024: Cách khai báo để được điểm ưu tiên

(CLO) Thí sinh căn cứ thời gian học tập tại cơ sở giáo dục trung học phổ thông chọn và điền đúng mã cơ sở giáo dục theo giai đoạn để được hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực.

Giáo dục
Bắc Ninh: Tập trung hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch năm học 2023-2024

Bắc Ninh: Tập trung hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch năm học 2023-2024

(CLO) Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu toàn ngành tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch năm học.

Giáo dục
Ninh Bình: Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10

Ninh Bình: Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10

(CLO) Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng Ban Chỉ đạo các kỳ thi năm 2024 nhấn mạnh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 2 kỳ thi quan trọng, cần được tổ chức công khai, minh bạch, công bằng, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.

Giáo dục
Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

(CLO) Tới đây, mọi thủ tục thực hiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sẽ thực hiện hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn.

Giáo dục