Dự án chăn nuôi bò nghìn tỷ ở Hà Tĩnh nhiều năm bết bát: Có thể hồi sinh?

Thứ năm, 09/05/2024 11:05 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dù được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận điều chỉnh quy mô, tái cơ cấu giảm số đàn nhiều năm qua, song dự án chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà - ở Hà Tĩnh vẫn khó khăn, kém hiệu quả.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2015, điều chỉnh tại Quyết định số 99 vào tháng 1/2016.

Tổng vốn đầu tư 4.582 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 2.163 ha tại huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh với quy mô 254.200 con bò/năm. Tuy nhiên, dự án sau đó không hiệu quả, lãnh đạo công ty và một số cán bộ ngân hàng liên quan cho dự án vay vốn bị khởi tố. Vì vậy, từ cuối tháng 3/2017, dự án ngừng chăn nuôi bò, hệ thống chuồng trại bỏ không.

Tháng 5/2021, Công ty Bình Hà có chủ trương tái cơ cấu, khởi động lại dự án theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 11/5/2021. Theo đó, dự án được triển khai trên diện tích 1.227,54 ha (trong đó địa bàn Kỳ Anh là 538,56 ha và Cẩm Xuyên là 688,98 ha) để tái cơ cấu. Quy mô vật nuôi giảm xuống còn 35.000 con bò, đồng thời bổ sung thêm quy mô trồng các loại dứa, chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu với tổng vốn đầu tư giảm còn 1.800 tỷ đồng.

du an chan nuoi bo nghin ty o ha tinh nhieu nam bet bat co the hoi sinh hinh 1

Dù được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận điều chỉnh quy mô, tái cơ cấu giảm số đàn, song dự án chăn nuôi bò Bình Hà với hệ thống chuồng trại quy mô lớn vẫn bỏ hoang, xuống cấp theo thời gian.

Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp đã được tỉnh Hà Tĩnh cho thuê đất, bàn giao thực địa 819,87 ha, trong đó đất đã GPMB, khai hoang sử dụng để trồng cỏ và xây dựng chuồng trại là 633,81 ha.

Trong thời gian qua, Công ty Bình Hà và đối tác kinh doanh là Công ty CP thương mại đầu tư phát triển Do Holdings (TP Hồ Chí Minh) đã kết hợp chăn nuôi và trồng ngô, sắn nguyên liệu, cỏ, dứa và cây dược liệu song không hiệu quả nên từ ngày 31/3/2023, đối tác đã rút lui khỏi dự án. Đến nay, dự án đã nhập về nông trại 3.147 con bò và 607 con trâu, trồng các loại cây trên diện tích 298 ha.

Hiện, công ty đang hợp tác với hộ ông Trần Công Phú để trồng các loại cây dược liệu trên diện tích gần 10 ha. Ngoài việc kinh doanh gặp khó khăn, hiện nay thủ tục thuê đất cũng chưa hoàn thiện xong, cùng với đó một số diện tích chưa giải phóng xong mặt bằng, nhiều hộ dân nhận tiền đền bù rồi nhưng lại không bàn giao thực địa.

Ngày 16/11/2023, Công ty Bình Hà có Văn bản số 209BC/BHC gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, xin không thực hiện việc ký quỹ đầu tư dự án hoặc xin chậm thời gian thực hiện việc ký quỹ trong thời gian chờ thi hành án và tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng dự án, với số tiền 15,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 27/11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đã có văn bản bác yêu cầu nói trên. Bởi, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Dự án Chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã được tính giảm 50% tiền kỹ quỹ đầu tư theo quy định.

Theo lãnh đạo Phòng Doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, sau khi Sở này không chấp nhận kiến nghị của Công ty Bình Hà, hiện doanh nghiệp này đã nộp một phần tiền ký quỹ đầu tư dự án.

du an chan nuoi bo nghin ty o ha tinh nhieu nam bet bat co the hoi sinh hinh 2

Theo ghi nhận của PV, hiện phần đất dự án tại xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cả dãy dài tít tắp chuồng nuôi vẫn đang bỏ hoang, không nuôi một con bò nào. Nhiều chuồng mái tôn đã bị gió tốc mái, hư hỏng, hoen gỉ.

Theo một bảo vệ tại đây cho biết, hiện công ty có nuôi bò ở dãy chuồng thuộc huyện Kỳ Anh, tại huyện Cẩm Xuyên này chủ yếu chỉ trồng sắn và sắp sửa trồng dứa.

Qua quan sát, cả khu chăn nuôi rộng cả nghìn ha và khu vực nhà xưởng chỉ có một vài bảo vệ trông coi. Một số khu nhà công nhân, hành chính của công ty bỏ hoang, nhếch nhác, vương vãi phân gia súc.

Người dân địa phương cho biết, nhiều năm dự án không còn chăn nuôi, trồng trọt nên thấy đất bỏ hoang, họ tiếc nuối.

Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên cho hay, địa phương có hàng trăm ha đất rừng giao cho Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án của công ty này không có hiệu quả, đất đai bỏ hoang, dẫn đến tình trạng người dân địa phương chiếm đất trồng keo.

“Xã đã nhiều lần tuyên truyền, ngăn chặn việc người dân chiếm đất doanh nghiệp song Công ty Bình Hà cần có trách nhiệm hơn trong bảo vệ tài sản. Nhà nước đã giao đất cho nhưng dự án không hiệu quả, đất bỏ hoang rồi buông lỏng quản lý, người dân thấy tiếc đất nên vào lấn chiếm trồng keo” - ông Thành cho biết thêm.

Theo ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, hiện có một doanh nghiệp ở Ninh Bình đã khảo sát, phối hợp trồng nguyên liệu dứa với Công ty Chăn nuôi Bình Hà.

“Phần đất của Công ty Bình Hà trên địa bàn 2 xã Cẩm Mỹ và Cẩm Quan là rất lớn. Địa phương cũng từng nhiều lần đề xuất tỉnh xem xét nếu dự án không hiệu quả thì thu hồi, cắt chuyển phần diện tích đất để huyện phân bổ cho người dân sản xuất, song do vướng tài sản trên đất và các thủ tục cần thiết nên chưa thể xử lý” - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin thêm.

Thiết nghĩ, đại dự án nuôi bò tại Hà Tĩnh sau nhiều năm “đắp chiếu” đã được tái cơ cấu, điều chỉnh quy mô, dự án, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà cần nhanh chóng “hồi sinh” dự án này, nếu không chính quyền các cấp cũng cần có biện pháp mạnh để xử lý dự án hiện đang có dấu hiệu “chết yểu” này.

Trần Phong

Tin khác

Trực Ninh (Nam Định): Khắc phục thiếu sót trong công tác đấu thầu

Trực Ninh (Nam Định): Khắc phục thiếu sót trong công tác đấu thầu

(CLO) Ngay sau khi báo Nhà báo và Công luận phản ánh về việc doanh nghiệp gửi nhầm hồ sơ dự thầu nhưng vẫn trúng thầu, Ban quản lý dự án huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) đã có văn bản phản hồi lại thông tin Báo đã nêu.

Điều tra
Gia Lâm (Hà Nội): Phớt lờ lệnh cấm, các bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động trong mùa mưa bão?

Gia Lâm (Hà Nội): Phớt lờ lệnh cấm, các bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động trong mùa mưa bão?

(CLO) Theo quy định, các điểm trung chuyển kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông được yêu cầu dừng hoạt động từ tháng 6 đến hết 15/10 để đảm bảo an toàn hành lang đê. Tuy nhiên, tại huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) nhiều bến bãi vẫn hoạt động tấp nập, bất chấp lệnh cấm.

Điều tra
Thêm nhiều sai phạm tại các dự án do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bạc Liêu làm chủ đầu tư

Thêm nhiều sai phạm tại các dự án do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bạc Liêu làm chủ đầu tư

(NB&CL) Ngoài sai phạm tại dự án Gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu xác định thêm 2 dự án do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bạc Liêu làm chủ đầu tư mắc những hạn chế, thiếu sót.

Điều tra
Sống cạnh 2 nhà máy nước 14 tỷ đồng, hơn 300 hộ dân ở Hà Tĩnh vẫn chịu… khát

Sống cạnh 2 nhà máy nước 14 tỷ đồng, hơn 300 hộ dân ở Hà Tĩnh vẫn chịu… khát

(NB&CL) Hai nhà máy nước được đầu tư hơn 14 tỷ đồng để phục vụ cho hơn 300 hộ dân vùng tái định cư ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian rồi hư hỏng, xuống cấp và dừng hoạt động nhiều năm nay khiến người dân chịu… khát.

Điều tra
Hà Nội: Cần làm rõ việc kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc của chuỗi siêu thị LAMASON 10K?

Hà Nội: Cần làm rõ việc kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc của chuỗi siêu thị LAMASON 10K?

(CLO) Bên cạnh những hàng hóa có tem nhãn rõ ràng đúng quy định, thì không ít hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng ngoại nhập không dán tem nhãn phụ tiếng Việt,… Đó là những gì mà phóng viên ghi nhận được tại các cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị LAMASON 10K trên địa bàn TP. Hà Nội.

Điều tra