Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Thanh - Báo Đời Sống & Pháp luật, Người đưa tin:

Dù áp dụng công nghệ nào, cốt lõi của truyền thông vẫn là nội dung

Thứ ba, 05/02/2019 02:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Chúng tôi vừa trải qua giai đoạn đứng ở ngã 3 đường. Hiện tại chúng tôi quyết định chuyển đổi mô hình, tập trung vào một tờ báo giấy chính và điện tử…” - TBT Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ với Báo NB&CL về câu chuyện co hẹp báo in và thay đổi tờ báo theo xu hướng báo chí mới.

Nếu duy trì các ấn phẩm phụ - chúng tôi không phát triển được xa hơn

+ Đồng thời đóng lại tất cả 14 phụ bản báo in của tờ ĐSPL, NĐT từ ngày 1/1/2019- hướng đi sắp tới của các anh sẽ là gì, sau quyết định táo bạo này, thưa Tổng biên tập?

- Chúng tôi chuyển hướng tập trung vào chiều sâu, tập trung vào ấn phẩm chính. Đóng hết các ấn phẩm phụ - đấy cũng là một quyết định đầy khó khăn.  Cho đến nay, các ấn phẩm phụ này vẫn có bạn đọc, có hiệu quả. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, các ấn phẩm đó không còn ở thời kỳ đỉnh cao, đồng thời, chúng tôi nhận thấy nếu mình tiếp tục duy trì, phát triển theo kiểu phân tán nguồn lực như vậy thì không phát triển được xa hơn, không tiếp cận được đích đến mà mình muốn hướng tới.

Ông Nguyễn Tiến Thanh.

Ông Nguyễn Tiến Thanh.

+ Áp lực của xu thế báo chí thời CMCN 4.0 có phải là lý do khiến các anh quyết định thu hẹp mảng báo in?

- Tôi quan niệm dù phát triển trên nền tảng công nghệ nào, giá trị cốt lõi của truyền thông vẫn là content - nội dung. Cần tiếp cận những trào lưu mới, nhưng không mù quáng chạy theo trào lưu. Không thể không nắm bắt xu hướng công nghệ mới, nhưng cũng không nên coi công nghệ là phép màu, là cứu cánh của báo chí hiện đại.

Chúng tôi thu hẹp báo in vì hiện tại một phần cách làm không phù hợp xu thế mới, một phần cũng vì cần cân đối và đào tạo lại lực lượng nhân sự, tập trung chuẩn bị cho mô hình mới.

Tại sao báo chí phải bỏ sở trường theo sở đoản

+ Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng nếu báo chí chỉ có nội dung tốt mà công nghệ không tương thích với công nghệ truyền thông mới cũng rất khó để nội dung ấy lan tỏa và giành được hiệu ứng cao nhất, thưa anh?

- Đúng vậy. Nhưng tôi cho rằng cần tiếp cận công nghệ mới song không chạy theo nó một cách mù quáng. Khoảng 7-8 năm trước, khi bắt đầu làm báo điện tử, cá nhân tôi và đồng sự trong tòa soạn bị choáng ngợp bởi hiệu quả của các thủ thuật công nghệ. Thay vì dày công tác nghiệp để có sản phẩm báo chí có nội dung tốt và hấp dẫn, phóng viên lại quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn SEO, đến việc chạy link trên Fanpage để tăng view. Họ rời xa và mai một những kỹ năng tối cần thiết của một người làm nội dung, trong đó có việc đầu tư chất xám để có cách tiếp cận đề tài theo một góc nhìn thú vị nhất, thể hiện đề tài bằng một ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn nhất để vùi đầu vào những thao tác kỹ thuật đơn thuần như gắn link, tag, từ khóa. Ban đầu, điều này có hiệu quả: một bài viết có thể tăng lượng truy cập nhiều lần. Tuy nhiên càng về sau càng lộ rõ bất cập. Nội dung tờ báo không hay thì view cao cũng không có uy tín  trong lòng độc giả.

+ Vậy tại báo ĐSPL và NĐT, câu chuyện nội dung và công nghệ đang được hiện thực hóa như thế nào, thưa anh?

- Với thương hiệu chính là báo Đời sống & Pháp luật, đích đến của chúng tôi là một tờ báo làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với bạn đọc một cách hấp dẫn, gần gũi với đời sống. Điều đó có nghĩa là tờ báo phải tích hợp được một cách hài hòa cả 2 yếu tố news (thông tin) và story (câu chuyện). Hướng đi này theo tôi nghĩ cũng phù hợp với báo in, vốn không có thế mạnh về tính thời sự và  đa phương tiện.

Về báo điện tử, chúng tôi định hướng báo Người đưa tin - như tên gọi của nó - không phải là một tờ tin tức thuần túy. Thông tin trên báo, nói cách khác là thông điệp nội dung của tờ báo đưa đến người đọc phải có dấu ấn quan điểm, góc nhìn riêng mang tính chính thống của tác giả - điều mà MXH không làm được.

TBT Nguyễn Tiến Thanh tại tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin.

TBT Nguyễn Tiến Thanh tại tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin.

+ Mất bao lâu để các anh nhận ra rằng ĐSPL và NĐT đã không đi đúng hướng?

- 7-8 năm trước, khi bước vào lĩnh vực làm báo điện tử mới mẻ, chúng tôi đã bị cuốn theo chỉ số đầy mê hoặc của công cụ đo Google Analytis(GA). Sự tăng trưởng của lượng truy cập được đo đếm một cách cụ thể mang đến những cảm xúc chưa từng có cho những người làm báo in truyền thống khi bước vào thế giới online. Hệ lụy là phóng viên say mê với thủ thuật để tăng view mà xa rời những kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của người làm báo - viết, quay, chụp, biên tập, tác nghiệp lấy thông tin hiện trường, phỏng vấn hay tường thuật.

Bên cạnh đó, về ý tưởng mới cho hướng đi nội dung của Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin tôi nhìn ra cách đây nhiều năm, nhưng phải nói là vẫn khá mơ hồ, chưa có hình hài rõ nét, chưa được sắp xếp, hình thành quan điểm nhất quán. Chúng tôi mất nhiều thời gian thoát ra cái cũ, đến 2018 con đường lựa chọn mới thật rõ ràng và không còn ở tình trạng ngã ba đường nữa. Hiện tại chúng tôi kiên định với lựa chọn mới, chỉ tập trung những điều cần làm và tìm cách đi con đường ngắn nhất.

Chúng tôi áp dụng... một nửa

+ Các anh đang áp dụng 4.0 và xu hướng làm báo mới ở ĐSPL và NĐT như thế nào?

- Tôi cho rằng phải chọn lọc. Nếu chưa đồng bộ thì không phải cái gì cũng đúng.Ví dụ như mô hình tòa soạn hội tụ, sau 7-8 năm xây dựng, hiện nay chúng tôi quay lại chỉ hội tụ… một nửa: chỉ có bộ phận phóng viên làm hội tụ, còn các bộ phận khác vẫn tách riêng. Ngay cả phóng viên cũng hội tụ… một nửa. Theo lý thuyết, phóng viên đa năng, đa nhiệm, có khả năng cung cấp những sản phẩm đa phương tiện 3 trong 1 (text, ảnh, clip), thậm chí 6 trong 1 như chuẩn của thế giới là giấc mơ của mọi tòa soạn. Nhưng trên thực tế, nếu nhân sự không đủ năng lực thì thà như cũ, sử dụng  phóng viên viết, phóng viên ảnh, phóng viên quay phim tách riêng còn hơn là một phóng viên đa năng nhưng không đáp ứng được công việc. Áp dụng mô hình mới nhưng nhân sự không đáp ứng được sẽ dẫn đến rối loạn trong vận hành hệ thống.

Đối với công nghệ 4.0, cá nhân tôi nghĩ rằng đây là một thuật ngữ mang tính định danh, đánh dấu mốc một giai đoạn phát triển mới của công nghệ hơn là một xu hướng. Công nghệ không thể thay thế con người, con người phải làm chủ công nghệ và không để công nghệ kéo đi. Cần phải tìm hiểu rõ công nghệ trước khi áp dụng nó.

Tổng biên tập cần là người truyền cảm hứng

+ Năm 2019 như anh nói sẽ là năm bản lề của ĐSPL và NĐT, nhân lực của báo đã chuẩn bị sẵn sàng chưa?

- Mới cách đây 4 năm, khi báo in phát triển, chúng tôi đi theo hướng phát triển bề rộng. Khi xu hướng thay đổi, báo in gặp khó khăn, chúng tôi xác định phải căn chỉnh lại hướng đi, tập trung phát triển chiều sâu. Năm 2015, chúng tôi bị tin tặc tấn công hệ thống, tổn thất nặng nề. Sau 3 năm xây dựng lại, tờ báo và cả tâm lý của những người làm báo vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Tuy nhiên, đội ngũ làm báo của chúng tôi có nhiều thế hệ khác nhau, chủ yếu người trẻ, có nguồn lực cơ bản để sẵn sàng vào một thời kỳ mới. Tòa soạn cần bổ sung thêm những cây bút có thể tạo ra nhiều bài viết mang tính thương hiệu cho tờ báo nhưng trên nền là xây dựng và đào tạo lại đội ngũ hiện có.

+ Anh vừa nói tâm lý của anh em lãnh đạo, phóng viên đến bây giờ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau sự cố… như vậy, có lẽ để tạo cú hích cho ĐSPL và NĐT trong thời kỳ phát triển mới, rất cần một liều “doping” hiệu quả?

- Tôi hay nói đùa: ở tòa soạn, TBT là người xa rời công việc thực tế nhất, nhưng trên thực tế đúng là vậy. Nhiều lúc rất cần phải bứt mình ra khỏi những công việc sự vụ và cụ thể, để hoạch định ý tưởng, để đề ra định hướng chiến lược phát triển cho tờ báo. Chỉ khi cần thiết trong những lĩnh vực nội dung nhạy cảm, TBT mới trực tiếp làm cụ thể.Tôi quan niệm rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của TBT là truyền cảm hứng cho tòa soạn. Chính vì vậy, dù họp trực tuyến rất tiện lợi, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì những buổi họp trực tiếp sinh hoạt chuyên môn, để đề xuất ý tưởng và truyền cảm hứng cho đội ngũ thực hiện ý tưởng.

+ Vâng! Xin cảm ơn ông!

Hằng Linh (Thực hiện)

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo