Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần sát thực tiễn ngành giáo dục, tránh chung chung

Thứ năm, 23/05/2024 11:33 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo chuyên gia trong dự thảo Luật Nhà giáo còn nhiều quy định chung chung, nhiều điều khoản không rõ ràng, cần viết lại cho tường minh tránh chung chung, gây khó khăn trong áp dụng.

Lần đầu tiên có một luật riêng về Nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo đang được đưa ra lấy ý kiến. Nếu được thông qua đây là lần đầu tiên nước ta có một luật riêng về Nhà giáo. Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, sở dĩ cần có Luật Nhà giáo xuất phát từ việc các quan điểm, chủ trương của Đảng cần được thể chế hóa thành luật để tạo cơ sở pháp lý, tạo đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như đáp ứng định hướng chiến lược phát triển đất nước đến 2030, 2045.

Bên cạnh đó, thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc quản lý đội ngũ nhà giáo đòi hỏi đổi mới quản lý, tạo điều kiện phù hợp. Tính đến cuối năm học 2021 - 2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Tuy những năm gần đây đã được quan tâm nhiều nhưng thực tế còn không ít bất cập cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng.

“Đặc biệt trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và yêu cầu xây dựng xã hội học tập, giáo dục suốt đời trong những năm tới đòi hỏi nhà giáo phải có những phẩm chất và năng lực mới để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc quản lý nhà giáo còn những khó khăn trong việc phân cấp, chưa đồng bộ giữa công lập và ngoài công lập, việc hợp tác quốc tế về nhà giáo còn hạn chế” – ông Vũ Minh Đức nêu. Ngoài ra, theo ông Vũ Minh Đức, các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng. Cần thiết phải quy định cụ thể, tường minh.

du thao luat nha giao can sat thuc tien nganh giao duc tranh chung chung hinh 1

Giáo viên cần được tạo điều kiện để làm việc một cách chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài với nghề. Ảnh: Internet

Hiện tại dự thảo Luật Nhà giáo có 9 chương, 72 điều. Mục đích, xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống. Trong Luật Nhà giáo đưa ra nhiều nội dung trong đó lần đầu tiên quy định nhà giáo muốn hành nghề phải có chứng chỉ nhà giáo… cùng nhiều nội dung khác liên quan đến công tác quản lý và các tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với nhà giáo.

Khi dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra lấy ý kiến nhanh chóng nhận được sự góp ý đến từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Có nhiều ý kiến ủng hộ. Cụ thể, bàn về chứng chỉ nghề giáo, ông Lê Thái Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.

“Tại Việt Nam, việc đưa ra quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp” - ông Lê Thái Hưng nhận định.

Trong khi đó, tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, khi công bố dạy học là một nghề thì đương nhiên sẽ đẩy vị thế của việc dạy học đi lên và buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề. Điều này khẳng định, nghề giáo không phải là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động chuyên nghiệp và giáo viên trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp.

Cần tiếp tục được thảo luận kỹ để điều chỉnh

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì hiện nay nhiều quy định đang cho thấy cần phải được thảo luận kỹ, để tránh việc luật quy định chung chung, quy định như Nghị quyết. Những nội dung quy định như lương giáo viên sẽ cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp hay ngành giáo dục được toàn quyền trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng giáo viên, vấn đề hợp đồng giáo viên trường công… Đó là những vấn đề đang nhận sự hoài nghi về tính khả thi của các nội dung này trong dự thảo. 

Bên cạnh đó, dự thảo luận cũng còn nhiều điểm mà theo các chuyên gia là cần phải điều chỉnh.

du thao luat nha giao can sat thuc tien nganh giao duc tranh chung chung hinh 2

Cho ý kiến về các vấn đề liên quan trong dự thảo Luật Nhà giáo, trao đổi với  phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam bày tỏ nhiều điểm trong dự thảo cần thiết phải làm rõ, tránh việc quy định chung chung. “Tôi cho rằng cần tránh việc Luật mà quy định như Nghị quyết. Dự thảo Luật Nhà giáo cần phải quy định tường minh, cụ thể từng điều” – ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, một điều mà ông quan tâm là các quy định trong tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Trong đó, việc giáo viên trường công làm việc theo hợp đồng lao động và chịu nhiều chế tài như đơn phương chấm dứt hợp đồng khi quy mô trường lớp giảm.

“Trong luật cần phân biệt rõ giáo viên hoạt động trong trường công và trường tư. Giáo viên trường công phải là viên chức giáo dục. Không thể ứng xử với giáo viên trường công như lao động tự do. Hiện nay, giáo viên trường tư sẽ bị sa thải nếu nhà trường không tuyển được học sinh. Trong khi nếu áp dụng việc này với giáo viên trường công lại là sai lầm. Giáo viên làm việc theo hợp đồng thì chúng ta đang biến trường công thành trường tư” – tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giáo viên trường công phải là viên chức mới ý nghĩa. Nếu giáo viên trường công như lao động tự do lúc trường này, mai trường khác còn có ý nghĩa gì. Quy định như vậy, không đúng. Giáo viên phải được tổ chức, công đoàn bảo vệ, có quyền lợi chứ không phải ứng xử như lao động động tự do.

“Giáo viên trường công như lao động tự do chả có ý nghĩa gì. Quy định như vậy là biến trường công thành trường tư. Chả có nước nào trên thế giới làm thế. Quy định như vậy giáo viên trường công trong Luật Nhà giáo không khác gì giáo viên ngoài công lập” – thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Một vấn đề thầy Nguyễn Tùng Lâm quan tâm đó là chứng chỉ nghề giáo. Ông cho rằng, đã làm thì làm nghiêm túc, còn nếu theo kiểu làm cho có thì nên bỏ. “Thời gian để cấp chứng chỉ, một năm không đủ mà cần quy định hai năm. Giáo viên cần hai năm thì mới có thể đánh giá, nhận xét. Nhưng phải làm theo quy trình khép kín. Sinh viên ra trường phải được tuyển, giai đoạn 2 năm đầu gọi là tạm tuyển. Trong giai đoạn này, họ làm việc cũng phải có lương, có cả giáo viên giỏi giúp đỡ, kèm cặp. Sau khi hết 2 năm, cần có hội đồng đánh giá khách quan thì mới được cấp chứng chỉ” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu.

Ngoài ra vị này còn trăn trở nhiều đến các quy định về lương giáo viên và công tác tuyển dụng và quản lý giáo viên. Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng không nên quy định lương giáo viên cao nhất trong hệ bậc lương hành chính sự nghiệp mà nên quy định lương giáo viên phải để giáo viên đủ sống, yên tâm công tác, không để tình trạng giáo viên làm nhiều nghề “chân ngoài dài hơn chân trong”. “Nếu quy định lương giáo viên cao nhất trong hệ bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ xảy ra việc hơn được một, hai nghìn. Điều đó không có ý nghĩa gì” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu.

Như vậy, qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy còn nhiều vấn đề phải được xem xét, quy định một cách rõ ràng, khoa học nhằm đảm bảo quyền của các nhà giáo, để nhà giáo yên tâm công tác và đóng góp lớn cho nghề. Tránh tình trạng quy định chung chung, gây khó khăn trong quản lý, tạo áp lực không đáng có lên giáo viên.

Luật Nhà giáo là xu thế quốc tế

Một số quốc gia thực hiện xây dựng và ban hành Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo từ khá sớm như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia... Một số nước có nhiều văn bản luật khác nhau về giáo dục trong đó có luật nhằm thể chế hóa một số chính sách đặc trưng của nhà giáo. Có những nước như Anh, Nhật Bản, Áo ban hành nhiều đạo luật khác nhau về nhà giáo; các đạo luật đó gộp lại thì thể chế hóa hầu hết mọi chính sách liên quan đến nhà giáo. Một trong những định hướng phát triển giáo dục được Đảng ta xác định là “hội nhập quốc tế”. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến xu hướng quốc tế hóa hoạt động giáo dục cũng như lựa chọn kinh nghiệm quốc tế phù hợp trong việc xây dựng pháp luật về đội ngũ nhà giáo.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Nam Định: Công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Nam Định: Công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(CLO) Theo lịch dự kiến, sáng nay (16/6), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định sẽ công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2024 – 2025.

Giáo dục
Bắc Ninh: Xác minh thông tin giám thị vào nhà vệ sinh chụp ảnh bài thi lớp 10 của thí sinh

Bắc Ninh: Xác minh thông tin giám thị vào nhà vệ sinh chụp ảnh bài thi lớp 10 của thí sinh

CLO) Ngày 15/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh cho biết, đã đề nghị, phối hợp cơ quan chức năng để xác minh làm rõ thông tin nghi giám thị chụp bài thi của một thí sinh.

Giáo dục
Hà Nội điều động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT

Hà Nội điều động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở dự kiến điều động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

Giáo dục
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên năm học 2024-2025 tại Hà Nam diễn ra an toàn, nghiêm túc

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên năm học 2024-2025 tại Hà Nam diễn ra an toàn, nghiêm túc

(CLO) Chiều 14/6, 10.756 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên tỉnh Hà Nam năm học 2024-2025 đã hoàn thành môn thi cuối cùng, kết thúc kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Giáo dục
Thi tốt nghiệp THPT 2024: Cần có phương án dự phòng nếu có thiên tai, mưa lũ!

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Cần có phương án dự phòng nếu có thiên tai, mưa lũ!

(CLO) Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý, trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 cần chú trọng phòng chống gian lận công nghệ cao, trong đó lấy tinh thần trách nhiệm của cán bộ coi thi để ứng phó.

Giáo dục