Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai

Thứ hai, 12/09/2022 08:13 AM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ TN&MT đang dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tài nguyên nước, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước cho cả hiện tại và tương lai.

Sửa đổi Luật tài nguyên nước theo xu hướng phát triển của đất nước

Theo Bộ TN&MT, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

du thao luat tai nguyen nuoc sua doi dam bao an ninh nguon nuoc cho hien tai va tuong lai hinh 1

Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

Một số quy định của pháp Luật Tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan, cần phải bổ sung như quy định về vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); quy hoạch tài nguyên nước; cấp giấy phép tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa phân bổ tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 có giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất. Thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như: phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp.

Bên cạnh đó, chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước. Điều này dẫn đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, sử dụng nước không xác định rõ vai trò, giá trị của nước; chưa có cơ sở tính toán đủ giá thành sản phẩm (vì chưa coi nước là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất); chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.

Việc phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước chưa có chính sách cụ thể để thực hiện…

Theo Bộ TN&MT, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tài nguyên nước mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về tài nguyên nước, đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đồng thời, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhận định: "Trước nhu cầu lớn về khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung như: quy định về vật thể chứa nước, quy hoạch tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia…".

Đảm bảo “an ninh nguồn nước”

Thực tế hiện nay cho thấy vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia chưa được quy định trong Luật, trong khi tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp.…

Do vậy, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo “an ninh nguồn nước” cho hiện tại và tương lai.

"Với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính, chúng tôi hy vọng sẽ huy động được các nguồn lực xã hội “chung tay” bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục được các dòng sông “chết,” bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước của các ngành; nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân Việt Nam" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ.

Sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn trong Luật Tài nguyên nước năm 2012

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, từ những tồn tại trên và định hướng của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn gồm:An ninh tài nguyên nước quốc gia; Xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; Tài chính về tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và các chính sách khác, đã được Chính phủ đồng ý. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện nghiên cứu các quy định, các định hướng của Đảng, Nhà nước liên quan đến 4 chính sách nêu trên, và nghiên cứu các kinh nghiệm một số nước trong khu vực như Trung Quốc (Luật Quản lý ô nhiễm, Luật Thủy lợi), Hàn Quốc (Luật nước dưới đất, Luật sông, Luật bảo toàn môi trường nước, Luật hệ thống thoát nước), Thái Lan (Luật tài nguyên nước), Nhật Bản (Luật sông), Hà Lan (Đạo luật nước), Pháp (Luật nước), EU. Đồng thời, xây dựng các sơ đồ, phương pháp luận để định hướng cho xây dựng dự thảo.

du thao luat tai nguyen nuoc sua doi dam bao an ninh nguon nuoc cho hien tai va tuong lai hinh 2

Luật bổ sung các quy định về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo nêu rõ những quy định cụ thể về: Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; điều hòa, phân phối và Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước; quan hệ quốc tề về tài nguyên nước…

Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết Luật tài nguyên nước sửa đổi lần này sẽ hướng tới một số chính sách lớn, gồm: Xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt là việc phục hồi các dòng sông suy thoái, cạn kiệt dòi hỏi phải chi ngân sách lớn, trong khi việc phục hồi các dòng sông hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức đối tác công tư đảm bảo lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp. Tăng nguồn thu cho ngân sách trên cơ sở “nước là tài sản công” được quy định tại Hiến pháp, tài sản này phải được tính đúng, tính đủ giá trị của nó, sử dụng tài sản nhà nước phải trả tiền, trả đúng trả đủ. Khái niệm về an ninh tài nguyên nước, hoạt động để đảm bảo an ninh tài nguyên nước cũng sẽ được bổ sung trong Luật sửa đổi này. Đối với việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy, bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, trong đó có cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy. Bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước. Đề xuất các giải pháp công trình “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô. Dự thảo Luật sửa đổi sẽ quy định rõ hơn các biện pháp, chế tài trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Bổ sung quy định về sử dụng nước hướng đến tiết kiệm nước trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước. Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN, Dự thảo Luật sửa đổi sẽ sửa đổi, bổ sung theo hướng tách bạch quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong khai thác TNN và sử dụng TNN. Về phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, Dự thảo Luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định chi tiết về quản lý đào, san lấp ao, hồ chứa nước. Bổ sung quy định, nguyên tắc việc áp dụng các biện pháp thu gom nước mưa, giảm ngập lụt ở các khu đô thị, khu tập trung dân cư;…

Cũng 5 nhóm chính sách trên, trong quá trình sửa đổi bổ sung, Bộ TN&MT cũng sẽ xem xét sửa đổi một số nội dung nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, chồng chéo, xung đột, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về tài nguyên nước dưới đây và các nội dung Luật Tài nguyên nước khác còn bất cập, thiếu khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn: đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh gồm vật thể/đối tượng chứa nước, dòng sông, tầng chứa nước; về thủ tục hành chính.

Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm trong quản lý tài nguyên nước theo hướng thống nhất phân công trách nhiệm, phân cấp trong quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn nước; tăng cường hiệu quả, hiệu lực, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức lưu vực sông; bổ sung các quy định, giải pháp quản lý, kỹ thuật để giảm thiểu tác động sụt lún đất, xâm nhập mặn trong hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất; tách bạch giữa quản lý khai thác với quản lý sử dụng; cơ chế, chính sách chi trả kinh phí đối với đơn vị khai thác, sử dụng nước thượng nguồn nếu gây thiệt hại cho công trình công ích ở hạ du thì phải hỗ trợ kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình công ích ở hạ du.

Dự thảo Luật bổ sung nội dung về xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,... tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực.

Quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, rà soát những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, hy vọng việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước sẽ có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực trong thi hành.

PV

Bình Luận

Tin khác

Gia Lai: Cánh quạt điện gió bất ngờ bị gãy khi đang bảo dưỡng

Gia Lai: Cánh quạt điện gió bất ngờ bị gãy khi đang bảo dưỡng

(CLO) Trong quá trình hiệu chỉnh góc quay hướng gió đã gặp phải sấm sét, gió giật mạnh... khiến một cánh quạt bất ngờ bị gãy.

Đời sống
Gần 3.000 người bị tước Giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 nghỉ lễ 30/4

Gần 3.000 người bị tước Giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 nghỉ lễ 30/4

(CLO) Ngày thứ 3 kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 15.541 trường hợp, phạt 35 tỷ 136,4 triệu đồng, tước 2.929 Giấy phép lái xe các loại.

Đời sống
Biển Đông có gió giật cấp 7, cảnh báo sóng lớn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Biển Đông có gió giật cấp 7, cảnh báo sóng lớn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ngày và đêm 29/4 ở vịnh Bắc bộ và vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông có gió đông nam đến nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Đời sống
Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

(CLO) Phát hiện đám cháy bên trong cửa hàng FPT ở Gò Vấp (TP.HCM), các nhân viên cùng người dân nỗ lực dập tắt đám cháy nhưng bất thành. Rất may không có thương vong về người.

Đời sống
Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

(CLO) Khi tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi vi phạm nồng độ cồn, ông T. đã ký vào biên bản và đi ra ngoài, sau đó leo lên thùng xe Cảnh sát giật nắp bình xăng, châm lửa chiếc xe máy.

Đời sống