Đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp vào trường học ngay từ bậc THCS

Thứ tư, 18/08/2021 12:39 PM - 0 Trả lời

(CLO) Giáo dục khởi nghiệp trở thành nội dung bắt buộc trong trường học từ bậc THCS khi tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh TL

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh TL

Phong trào khởi nghiệp trong nhà trường đang mang lại nhiều giá trị to lớn

Mấy năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường phát triển mạnh, đặc biệt ở bậc đại học. Phong trào này đang mở ra một hướng đi mới trong giáo dục, khi để học sinh, sinh viên tiếp cận sớm về hoạt động đổi mới, sáng tạo không chỉ giúp các em phát triển được năng lực, tố chất sớm của mỗi em, còn tạo ra được phong trào khởi nghiệp quốc gia.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, trong các năm gần đây phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh.

Theo ông Linh, trước đây, hoạt động khởi nghiệp tương đối xa lạ nhưng sau khi Chính phủ lấy năm 2016 làm năm đổi mới sáng tạo thì hoạt động này được đẩy mạnh trong các cơ sở giáo dục.

Các nội dung giáo dục khởi nghiệp sẽ đưa vào các nhà trường từ bậc THCS (ảnh minh họa- nguồn internet).

Các nội dung giáo dục khởi nghiệp sẽ đưa vào các nhà trường từ bậc THCS (ảnh minh họa- nguồn internet).

Các hoạt động của học sinh, sinh viên thời gian qua gắn với nội dung khởi nghiệp rất sôi động. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, “Ngày hội khởi nghiệp” diễn ra hàng năm. Đến năm 2020, Bộ đã tổ chức 3 lần. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây sẽ triển khai hoạt động này dưới các hoạt động chuyên môn, chuyên sâu tại các nhà  trường.

"Kết quả, trong nhiều năm qua, khi triển khai hoạt động khởi nghiệp trong học sinh sinh viên các phong trào ngày càng có chiều sâu. “Tỉ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tự khởi nghiệp cho mình tăng từ 5% mấy năm trước đây đến năm 2020 đã chiếm 10%”, ông Linh nói.

Hiện, có rất nhiều trường đại học đã có hội đồng để hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên như Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Hà Nội… Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chọn 3 trường, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh để thí điểm mô hình giáo dục đại học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để từ đó nhân rộng ra.

Trước sự phát triển của phong trào khởi nghiệp và tác động tích cực của phong trào này đối với học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung này vào dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Theo dự kiến, Thông tư này sẽ được thông quan vào đầu tháng 9/2021.

Ông Bùi Văn Linh cho rằng, Thông tư này cụ thể hóa nội dung tại Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hỗ trợ khởi nghiệp thành quy định, quy phạm phù hợp để triển khai trong nhà trường.

“Vấn đề việc làm, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên khi được ban hành dưới dạng Thông tư quy phạm pháp luật thì buộc các cơ sở giáo dục phải thực hiện.

Với ý nghĩa đó, các điều khoản trong Thông tư các nội dung này được triển khai rộng trong toàn quốc sẽ giúp người học đầy đủ các kỹ năng, đáp ứng giáo dục toàn diện cho học sinh, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới”.

Nội dung giáo dục khởi nghiệp trở thành hoạt động bắt buộc trong các nhà trường

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động khởi nghiệp đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp vào việc phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt thông qua việc tạo việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế.

Ngoài sự nổi tiếng gắn liền với các công ty công nghệ, khởi nghiệp luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh  tế toàn cầu. Thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu khởi nghiệp toàn cầu, những thành tố tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp gồm 12 chỉ số, trong đó có 2 chỉ số liên quan đến giáo dục đào tạo khởi nghiệp (GD&ĐTKN) là giáo dục khởi nghiệp ở bậc học phổ thông và sau bậc học phổ thông, đã cho thấy GD&ĐTKN quan trọng tới mức nào, có ảnh hưởng tương tác với các thành tố khác tạo ra một hệ sinh thái  khởi nghiệp hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên cho rằng: “Việc ban hành Thông tư này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, giải quyết được một số vấn đề tồn tại hạn chế trong việc triển khai công tác này trong các cơ sở giáo dục.

Có thể nói nếu triển khai tốt công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục bước đầu sẽ tạo được động lực cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, hình thành ý thức, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.

Về lâu dài khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Việc đưa công tác hỗ trợ khởi nghiệp vào nhà trường để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng và động lực trong học tập, rèn luyện giúp người học có tinh thần phục vụ cộng đồng, xã hội, xây dựng và phát triển đất nước”.

Ngoài ra, theo ông Bùi Văn Linh, việc đưa dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường để trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện.

Người học được thể hiện tư duy sáng tạo và thực hành, trải nghiệm với các dự án khởi nghiệp.

Thu hút các nguồn lực từ xã hội để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Trinh Phúc

Tin khác

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh của thí sinh trên hệ thống phải bảo đảm độ phân giải là 400x600 pixels, được chụp theo kiểu căn cước công dân và trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Giáo dục
Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục