Đức và Pháp tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, bỏ qua lời kêu gọi của WHO

Thứ năm, 05/08/2021 20:20 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đức và Pháp sẽ tiến hành tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường từ tháng 9, bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc trì hoãn cho đến khi có nhiều người hơn được tiêm chủng trên toàn cầu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: AFP

Bài liên quan

Quan điểm của Pháp, Đức và Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp đang tiến hành triển khai liều vắc xin COVID-19 thứ ba cho người cao tuổi và dễ bị tổn thương từ tháng 9 tới.

"Liều thứ ba có thể sẽ cần thiết, không phải cho tất cả mọi người ngay lập tức, nhưng trong mọi trường hợp cho những người dễ bị tổn thương nhất và người già nhất", ông Macron nói trên tài khoản Instagram của mình.

Hiện chính phủ của Macron đang cố gắng đẩy mạnh chương trình tiêm chủng của Pháp khi nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ tư do biến thể Delta của virus Corona gây ra và các cuộc biểu tình trên đường phố để phản đối các chính sách COVID của chính phủ.

Trong khi đó, Bộ Y tế Đức cho biết chính phủ nước này dự định cung cấp mũi vắc xin COVID bổ sung nhằm tăng cường miễn dịch cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, người già và cư dân viện dưỡng lão từ tháng 9.

Đức bác bỏ những cáo buộc về tình trạng bất bình đẳng vắc xin, đồng thời cho biết họ cũng sẽ tặng ít nhất 30 triệu liều vắc xin cho các nước nghèo hơn.

Bộ Y tế Đức cho biết: “Chúng tôi muốn cung cấp cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Đức mũi vắc xin phòng ngừa thứ ba và đồng thời hỗ trợ việc tiêm chủng cho càng nhiều người trên thế giới càng tốt”.

Pháp và Đức cho đến nay đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 64,5% và 62% dân số tương ứng của họ, với 49% người Pháp và 53% người Đức được tiêm chủng đầy đủ.

Cùng có quan điểm với Pháp và Đức, hôm qua (4/8), chính quyền Mỹ đã lên tiếng phản bác lời kêu gọi hoãn tiêm liều tăng cường của WHO khi cho rằng họ vừa có thể tiêm liều tăng cường vừa giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn.

"Chúng tôi cảm thấy đó là sự giới hạn lựa chọn sai lầm, chúng tôi có thể làm cả hai", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên ở thủ đô Washington hôm thứ Tư (4/8), nhấn mạnh rằng Mỹ đã tặng nhiều vắc xin hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đang thúc giục những nước khác làm theo.

"Cũng tại quốc gia này, chúng tôi có đủ nguồn cung để đảm bảo rằng mọi người Mỹ đều có thể tiếp cận vắc xin", bà nói thêm.

"Chúng tôi sẽ có đủ nguồn cung để đảm bảo có thể triển khai nếu FDA khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho một phần dân số. Chúng tôi tin rằng có thể làm được cả hai và chúng tôi không cần phải lựa chọn một trong hai", bà Psaki nhấn mạnh.

Từ tháng trước, Israel đã bắt đầu tiêm liều thứ ba cho người trên 60 tuổi.

Những quyết định đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi vắc xin bổ sung bất chấp lời kêu gọi mạnh mẽ nhất từ ​​WHO nêu bật thách thức trong việc đối phó với đại dịch toàn cầu khi các quốc gia đang cố gắng bảo vệ công dân của mình khỏi biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn.

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các nước giàu có tạm dừng tiêm mũi vắc xin bổ sung để đảm bảo nguồn cung vắc xin cho những quốc gia nghèo hơn - Ảnh: AP

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các nước giàu có tạm dừng tiêm mũi vắc xin bổ sung để đảm bảo nguồn cung vắc xin cho những quốc gia nghèo hơn - Ảnh: AP

Lời kêu gọi của WHO

Hôm qua (4/8), Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vắc xin COVID-19 toàn cầu thay đổi kế hoạch tiêm mũi tăng cường, để đảm bảo nguồn cung vắc xin cho những quốc gia nghèo hơn.

Ông Tedros cho rằng các nước giàu có nên "hoãn tiêm liều tăng cường ít nhất tới cuối tháng 9, để ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia có thể được tiêm chủng".

Theo WHO, các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm khoảng 50 liều cho mỗi 100 người vào tháng Năm, và con số đó đã tăng gấp đôi. Các nước thu nhập thấp chỉ có thể tiêm 1,5 liều cho mỗi 100 người do thiếu nguồn cung.

"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu sử dụng nhiều hơn", ông Tedros nói.

WHO trong nhiều tháng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất cân bằng ngày càng rõ rệt trong nguồn cung cung chống lại đại dịch đã giết 4,2 triệu người trên thế giới.

Theo thống kê, khoảng 4,3 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu.

WHO muốn mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, ít nhất 40% vào cuối năm và 70% vào giữa năm 2022.

Ở nhóm nước có thu nhập cao theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tiêm chủng là 101 liều/100 người, trong khi ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, con số này là 1,7 liều /100 người.

Phan Nguyên

Bình Luận

Tin khác

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu (26/4) cho biết ông sẽ tham gia tranh luận với ông Donald Trump, đối thủ Đảng Cộng hòa của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Thế giới 24h
Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

(CLO) Hàng triệu người khắp Nam Á và Đông Nam Á tiếp tục phải chịu cái nóng gay gắt trong những ngày cuối tuần này.

Thế giới 24h
Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

(CLO) Triều Tiên hôm thứ Bảy (27/4) cáo buộc Mỹ chính trị hóa nhân quyền ở quốc gia Đông Á này, tố cáo cái mà họ gọi là âm mưu và khiêu khích chính trị.

Thế giới 24h
New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

(CLO) Các công tố viên New York hôm thứ Sáu (26/4) cho biết họ đã trả lại cho Campuchia và Indonesia 30 cổ vật bị cướp, bán hoặc chuyển nhượng trái phép bởi các mạng lưới ở Mỹ.

Thế giới 24h
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

(CLO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (26/4) nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên là "đối tác chứ không phải đối thủ", nhưng có "một số vấn đề" cần giải quyết trong mối quan hệ của giữa hai nước.

Thế giới 24h