Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo.
ACV đã chuẩn bị đủ đối ứng 36.000 tỷ đồng sẵn sàng cho dự án
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư Sân bay Long Thành cho biết, sau khi hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng ngày 16/3/2022, ACV đã tổ chức khởi công ngày 30/3/2022 hạng mục cọc, nền móng nhà ga hành khách, công trình quan trọng nằm trên đường găng chính quyết định tiến độ của toàn bộ đại dự án.

Quang cảnh cuộc họp.
Sau hơn một tháng thi công, công tác san nền đã hoàn thành toàn bộ các vị trí khoan cọc thử, song song với việc cập nhật tiến độ tại các báo trước tổng khối lượng đạt được đến hết tháng 3/2022 đạt 2,5 triệu khối đào đắp vượt 500.000 khối so với kế hoạch.
Việc huy động công suất tối đa thi công 3 ca có thể đạt 12.000 khối/dây chuyền/ngày với 32 dây chuyền tổng công suất thi công 3 ca máy/ngày đêm có thể đạt gần 400.000 khối một ngày đêm. Tuy nhiên, do hiện trạng mặt bằng còn nhiều hạn chế "xôi đỗ" và thiếu mặt bằng tại các khu đắp, lu lèn, đắp đất dự trữ nên chưa phát huy hết công suất, một sổ dây chuyền còn hoạt động 1 ca, cầm chừng đợi mặt bằng.
ACV đã chuẩn bị đủ đối ứng 36.000 tỷ đồng sẵn sàng cho dự án. Năm 2022, dự kiến ACV sẽ giải ngân khoảng 8.500 tỷ đồng cho Dự án thành phần 3, chủ yếu cho các gói thi công san nền (từ cuối tháng 1/2022), thi công nhà ga hành khách (phần móng cọc từ tháng 3, phần thân từ tháng 10/2022), thi công khu bay (từ tháng 12/2022), cũng như thiết kế kỹ thuật cho các hạng mục này, và giải ngân giải phóng mặt bằng hệ thống giao thông kết nối.
Giá trị giải ngân sẽ tăng dần lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2023, khi tất cả các hạng mục đều được triển khai thi công đồng loạt, và đạt giá trị lớn nhất vào năm 2024-2025, dự kiến trên 25.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cam kết trong tháng 4, sẽ giải quyết xong tình trạng "xôi đỗ" đối với phần mặt bằng 2.500 ha. Phấn đấu trong tháng 6/2022 sẽ bàn giao toàn bộ 5.000 ha mặt bằng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Liên tục chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong dự án
Kết luận cuộc họp, đánh giá cao tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh mục tiêu: Phải triển khai bằng được, khánh thành dự án vào năm 2025; chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Phải luôn luôn chú trọng biện pháp phòng, chống lãng phí, tiêu cực đối với công trình có số vốn khoảng 5 tỷ USD này.
"Tiến độ phải chốt, chất lượng công trình phải được đặt lên hàng đầu, và phải đi đôi với các giải pháp thường xuyên, liên tục chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong dự án", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng lưu ý các công trình phải được triển khai đồng bộ nhằm bảo đảm tính kết nối, liên hoàn. "Trên công trường, ACV, Ban quản lý Dự án, các nhà thầu đã khởi động tốt rồi thì bây giờ giữ đà này, giữ không khí thi công như thế này, duy trì tốc độ thi công 3 ca liên tục cho tất cả các hạng mục để tạo chuyển biến đáng kể với các công trình, hạng mục đang thi công", Phó Thủ tướng nói.
Đối với tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm rốt ráo, quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm mục tiêu bàn giao toàn bộ 1.810 ha khu vực xây dựng Cảng Hàng không giai đoạn 1 và khu vực dự trữ đất dôi dư (722 ha) trước ngày 30/4/2022; bàn giao 5.000 ha của cả dự án vào tháng 6/2022.
Đối với hạng mục nhà ga, đường băng, hai công trình "hồn cốt" của Cảng Hàng không, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, ACV chủ động phối hợp chặt chẽ để bảo đảm mục tiêu hoàn thành phê duyệt thiết kế trong tháng 7/2022, để có thể khởi công nhà ga trong tháng 10/2022, khởi công đường băng vào tháng 12/2022.
Đối với các công trình của ngành hải quan, thuế, công an, y tế, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và địa phương để hoàn tất quá trình chuẩn bị đầu tư, bảo đảm khởi công đồng bộ từ đầu năm 2023.
Về các công trình giao thông kết nối, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, bảo đảm có tầm nhìn xa, đáp ứng nhu cầu giao thông nội bộ và khả năng kết nối cảng hàng không quốc tế quy mô đến 100 triệu khách/năm với TPHCM và các địa phương, tránh tình trạng nhỏ lẻ, manh mún. Trên cơ sở quy hoạch, có kế hoạch phân kỳ đầu tư phù hợp.
Quốc Trần