Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo hướng thân thiện, bền vững

Thứ tư, 28/10/2020 22:03 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều 28/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Ủy ban MTTQ Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam".

Phát biểu tại "Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam", TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, khi bàn về các lĩnh vực tiềm năng giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, các ý kiến đều đồng nhất xác định rằng năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng là hai lĩnh vực có cơ hội bùng nổ tới đây.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Trên thực tế, năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, điều này càng đúng và có ý nghĩa thiết thực hơn đối với các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước.

Theo báo cáo thống kê, nhu cầu điện trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn với tình trạng thiếu điện trầm trọng, dự báo năm 2023 có thể thiếu tới 13 tỷ kWh, trong khi đã phải phát điện dầu gần 11 tỷ kWh. Đến hết năm 2023, công suất nguồn điện bị thiếu hụt so với quy hoạch lên tới 12.690 MW. Tình trạng thiếu hụt nguồn điện sẽ được cải thiện trong các năm 2024 và 2025 do đưa vào vận hành một số nhà máy nhiệt điện, nhưng dự báo đến hết năm 2025, nguồn điện sẽ vẫn còn thiếu hụt khoảng 7.250 MW.

Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và Môi trường Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tổ chức, VCCI là đơn vị chỉ đạo chương trình.Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch VCCI cho biết, Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11/ 02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu hướng phát triển, đảm bảo nhu cầu năng lượng của khu vực. Nếu được thực hiện đúng hướng, có thể sẽ có cuộc “đổ bộ” lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đây thực sự là động lực cho phát triển nền kinh tế Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khi nền kinh tế tiếp tục mở rộng, nhu cầu nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng bình quân 4,6%/năm, từ 105 MTOE (triệu tấn dầu tương đương) năm 2020 lên 321 MTOE vào năm 2045. Chủ yếu là nhu cầu than và khí đốt trong lĩnh vực phát điện và các sản phẩm dầu trong ngành giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

“Trong gần mười năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kWh vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kWh vào năm 2019. Sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình là 5,6%/năm, từ 245 tỷ kWh năm 2020 lên 950 tỷ kWh vào năm 2045. Mặc dù tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện dự báo giảm nhưng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Do đó, việc phát triển NLTT cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới”, ông Vy chia sẻ.

Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh, ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Có thể nói, chủ trương định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là đúng đắn, được Bộ Chính trị ủng hộ, khuyến khích, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, doanh nghiệp tích cực vào cuộc và lộ trình phát triển đã có những khởi đầu đáng khích lệ.

Với cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo của Chính phủ, nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo. Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về số lượng và quy mô dự án Năng lượng tái tạo. Theo đó, đến nay, toàn quốc đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5.245MW).

Trong đó, chỉ riêng trong quý II/2019 có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.000MWp được đưa vào vận hành. Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành Điện Việt Nam và số lượng nhà máy được đưa vào vận hành cũng là kỷ lục từ trước đến nay.

Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhận định, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, công nghệ, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính.

“Đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ hủy bỏ. Việc quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương về thực thi chính sách trong một số trường hợp chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu quy hoạch và dự báo cung cầu còn yếu; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện triển khai còn nhiều vướng mắc”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, việc triển khai ngay một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là vô cùng cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các Bộ, ngành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV

Tin khác

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

(CLO) Một con tàu do hãng vận tải khổng lồ Sovcomflot (SCF) của Nga bị Mỹ trừng phạt đã xả dầu nhiên liệu tại một cảng phía tây Ấn Độ vào thứ Sáu (26/4), Reuters đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp
Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

(CLO) Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Lan, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trung tâm Thương mại Thế giới Leeuwarden tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại thành phố Leeuwarden, tỉnh Friesland. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chủ trì hội nghị.

Thị trường - Doanh nghiệp