Giáo dục phổ thông: Cần bình đẳng về cơ hội

Thứ năm, 05/11/2020 10:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Xu hướng giáo dục ở bậc phổ thông là bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, không phân biệt đầu vào. Tuy nhiên, ở nước ta việc phân biệt đầu vào còn rất nặng nề, mà điển hình là phát triển mạnh hệ thống trường chuyên, lớp chọn.

Tất cả mọi người đều được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục

Đối với giáo dục phổ thông, vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là một xu thế tiến bộ của nhân loại. Xu hướng này bắt nguồn từ nguyên lý, “giáo dục cho mọi người” hay quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ở nước ta, nhiều năm qua giáo dục đã có những bước tiến mới, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều vấn đề đi trái ngược với xu hướng của nhân loại.

Tình trạng trường điểm, trường chuyên, lớp chọn, tuyển sinh đầu vào hà khắc đã tạo nên sự bất bình đẳng lớn trong tiếp cận giáo dục giữa các em học sinh. Vấn đề bất bình đẳng này đã được nhiều chuyên gia đặt ra, đơn cử như Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành từng cho rằng, mô hình trường THPT chuyên Hà Nội -  Amterdam là bất bình đẳng và kêu gọi xóa bỏ mô hình trường này thông qua việc đưa nó về thành một trường công bình thường hoặc bán đấu giá cho tư nhân để biến nó thành một trường tư.

Mô hình trường chuyên cần được xem xét lại để phù hợp với xu thế phát triển giáo dục tiến bộ.

Mô hình trường chuyên cần được xem xét lại để phù hợp với xu thế phát triển giáo dục tiến bộ.

Cũng liên quan đến sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục phổ thông, mới đây, tại Hội nghị trực tuyến ngành giáo dục 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một nguyên lý rất quan trọng mà Việt Nam đã nói rồi nhưng chưa làm mà tới đây phải đổi mới kịch liệt, kiên trì, đổi mới bắt đầu từ nhận thức trong ngành giáo dục đó là đã giáo dục phổ thông thì bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào.

Theo Phó Thủ tướng, ở nước ta đầu cấp là thi đầu vào kịch liệt, đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với thế giới. Đây là vấn đề đã từng nói rồi, nhưng mấy năm qua chưa tập trung làm được. Hiện, Hà Nội chỉ có Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng là không lựa chọn đầu vào, còn lại các trường khác đều thi tuyển đầu vào.

Bàn luận về xu hướng giáo dục mới và sự lỗi thời của mô hình các trường chuyên, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thầy Hoàng Hữu Niềm - Hiệu trưởng Trường THPT Kinh Đô, Hà Nội cho rằng, giáo dục phổ thông cần thiết đi theo xu hướng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Tránh việc nơi đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nơi đầu tư nhỏ giọt.

Không nên phát triển trường chuyên, lớp chọn vì không chỉ bất bình đẳng trong đầu tư mà đi ngược lại với nhiều nguyên lý giáo dục “học thầy không tày học bạn”. Khi tất cả học sinh giỏi được chọn vào một trường, một lớp, còn lại những học sinh yếu kém tập trung lại với nhau thì làm sao có môi trường tốt cho các em đó phát triển. Do đó, không nên phát triển trường chuyên, lớp chọn một cách tràn lan.

 “Bỏ trường chuyên nhưng phải có trường năng khiếu. Điều này là phù hợp vì cần có các trường năng khiếu về thể thao, âm nhạc, toán học dành cho những em có tố chất vượt trội. Trong những lĩnh vực mang tính đặc thù không có trường năng khiếu sẽ không phát triển được. Không có môi trường tốt thì sẽ thui chột tài năng. Còn hiện nay đang lạm dụng trường chuyên, lớp chọn tạo nên sự bất bình đẳng rất rõ rệt. Điều này cần thiết được loại trừ” - thầy Niềm nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Niềm, muốn không xét tuyển đầu vào thì cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để học phí trường tư thấp, học sinh được dễ dàng tiếp cận thì sẽ không tạo áp lực lên các trường công.

Cũng liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, giáo dục bình đẳng xuất phát từ mấy lý do thứ nhất là quan niệm “giáo dục cho mọi người”. Tất cả mọi người đều được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục. Không phân biệt trường chất lượng cao, trường này, trường kia mà thực ra trường nào cũng phải có chất lượng. Còn việc Nhà nước chỉ tạo điều kiện cho một số trường đặc biệt nhưng các trường khác không có điều kiện như vậy là không đúng.

Bình đẳng chứ không phải cào bằng

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục giữa học sinh này với học sinh khác là không phân biệt trong đầu tư. Các em phải được cùng bình đẳng và giúp nhau cùng phát triển chứ không phải chỉ tuyển một số người có năng lực vượt trội rồi ưu tiên đầu tư. Xu hướng thế giới là Nhà nước tạo ra điều kiện cho các trường như nhau.

Tức là Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, con người như nhau. Từ đó, mỗi trường có một cách phát triển riêng mà không phải cầm chân nhau phát triển hàng ngang. Mô hình trường không chọn lọc đầu vào là mang tính chất nhân văn và ở đẳng cấp cao. Chứ không phải ai có tiền thì học chỗ sang, chỗ tốt, còn không có tiền thì không được hưởng những tiến bộ đó.

Xu hướng giáo dục ở bậc phổ thông là bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, không phân biệt đầu vào. Ảnh minh họa.

Xu hướng giáo dục ở bậc phổ thông là bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, không phân biệt đầu vào. Ảnh minh họa.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm lập luận, hiện trường chuyên, lớp chọn ở các nước không phát triển như nước ta. Bởi, họ quan niệm học sinh nào cũng như nhau. Em nào có nỗ lực, năng khiếu thì sẽ được tạo điều kiện để phát triển. Ví dụ như ở Mỹ, để tuyển chọn thi quốc tế họ không xây dựng thành trường, lớp để ôn luyện, mà học sinh nào có khả năng thì đăng ký ghi tên vào thi. Trong khi ở Việt Nam, hệ thống trường chuyên tràn lan, đào tạo hàng trăm nghìn học sinh. Tất cả các trường đều học lệch, chỉ tập trung vào học thi còn tất cả các môn khác bỏ qua nên không đảm bảo yếu tố phổ thông. “Giáo dục như vậy là phát triển chạy theo thành tích, hơn thua mà không xuất phát từ nhu cầu phát triển bản thân của mỗi học sinh. Giáo dục là phải để cho mỗi người tự phát triển bản thân” - thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Có thể hiểu, để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng là một thách thức lớn vì đó là một nền giáo dục ở đẳng cấp cao. Không phải biến trường chất lượng thành các trường bình thường như nhau mà phải nâng các trường bình thường trở thành các trường chất lượng. 

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, việc xây dựng môi trường giáo dục bình đẳng sẽ còn nhiều thách thức. Trước hết, người dân phải nhận thức được làm sao tạo điều kiện cho con mình phát triển. Bản thân học sinh phải ý thức được không chỉ trường chuyên, lớp chọn mới cố gắng mà trường khác cũng phải cố gắng.

Thách thức khó nhất là xây dựng đội ngũ giáo viên. Giáo viên hiện nay vẫn dạy theo kiểu quyền uy thích chọn những học sinh ngoan, dễ bảo còn những học sinh cá tính, cá biệt tìm cách đẩy đi, hay ép buộc. Các nhà giáo phải thấy được sứ mệnh của mình là giáo dục học sinh. Em nào cũng đều được tạo điều kiện để phát triển chứ không chỉ chọn những em giỏi, ngoan. Nhà giáo phải có quan điểm giáo dục, phải có năng lực sư phạm mới đảm bảo được nhiệm vụ giáo dục. Hiện các giáo viên quen dạy kiểu chọn lọc học sinh thì nay phải được đào tạo, huấn luyện một cách đầy đủ. Ngoài ra cần trả lương giáo viên thỏa đáng, không để giáo viên sống lay lắt, sống không được bằng sức lao động của mình. Đầu tư sự nghiệp giáo dục ngoài đầu tư cơ sở vật chất trường lớp thì phải đầu tư vào các ông thầy. 

Thêm nữa, muốn không tuyển chọn đầu vào thì trong xây dựng các chính sách giáo dục cần tạo sự bình đẳng giữa trường công và trường tư. Học sinh học ở trường tư cũng được hưởng các chế độ như trường công. Đội ngũ nhà giáo cũng vậy, được quyền như các giáo viên trường công. Khi đó, học sinh mới không đổ xô thi tuyển vào các trường công.

Cuối cùng thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: “Để có một nền giáo dục bình đẳng không thể một sớm, một chiều. Đây là một sự nghiệp lâu dài. Vì thế cần sự điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thực tiễn. Cứ để phát triển tự do, không đúng với xu hướng phát triển là không được. Trong khi nếu xếp hàng chờ nhau cũng không được. Nhưng đầu tư theo kiểu mấy trăm tỷ đồng cho một ngôi trường nhưng trường khác không được đầu tư đúng mức thì cũng không xong”.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng cần sự đầu tư và chuẩn bị lâu dài về con người, cơ sở vật chất. Không thể một sớm, một chiều mới thành công. Tuy nhiên, cần thiết phải có chiến lược cụ thể, không để phát triển tự do tràn lan đi ngược lại với xu thế thế giới như phát triển mô hình trường chuyên, lớp chọn hiện nay.

Trinh Phúc

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục