Gìn giữ giá trị văn hóa gia đình chính là xây dựng “hệ điều tiết” cho sự phát triển đất nước

Thứ hai, 23/01/2023 14:31 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Xây dựng “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời đại mới” chính là những yếu tố nền tảng để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững.

Có thể nói, việc xây dựng “hệ giá trị quốc gia” gồm các thành tố “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” là mục tiêu cao nhất, là khát vọng tốt đẹp của toàn dân tộc.

Vậy, làm thế nào để những khát vọng đó thực sự trở thành “mạch nguồn” cuộn chảy hết sức tự nhiên trong cuộc sống, chứ không chỉ là ước nguyện “đẹp trên lý thuyết”, để từ đó tạo thành sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc? Trong những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc gặp gỡ với Đại biểu Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để cùng mạn đàm về vấn đề này.

gin giu gia tri van hoa gia dinh chinh la xay dung he dieu tiet cho su phat trien dat nuoc hinh 1

Hệ giá trị quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, quy tụ các cộng đồng dân tộc, vùng miền, củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc. Ảnh minh họa.

Thế giới đã trở thành “ngôi làng toàn cầu”

+ Thưa Phó Giáo sư, hiện nay, chúng ta đang trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và đứng trước “cuộc đua” chiến lược về “quảng bá sức mạnh mềm văn hóa” của các quốc gia lớn trên thế giới, cùng với đó là sự “giao thoa” của các nền văn hóa du nhập… thì việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, giá trị văn hóa Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?

- Quá trình hội nhập quốc tế tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội. Giờ đây, thế giới đã thực sự “phẳng” và trở thành một “ngôi làng toàn cầu” khiến cho chúng ta có thể cập nhật thông tin, kiến thức nhanh hơn, nhiều hơn.

Tháng 12 vừa rồi, cả thế giới ngập tràn trong không khí World Cup chẳng hạn. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam không nhất thiết phải sang tận Qatar nhưng vẫn có thể “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” cùng với người hâm mộ trên toàn thế giới. Hay như chúng ta cũng vừa tận hưởng những dịp lễ hội Halloween, Giáng sinh và nhiều sự kiện khác chung với người dân thế giới… Đó là chưa kể các bộ phim bom tấn của Hollywood xuất hiện đồng thời cùng lúc ở cả các nước và ở Việt Nam. Tức là chúng ta đã cùng đồng thời tận hưởng, cập nhật, không bị lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật với mọi người dân trên thế giới.

Điều đó chứng minh quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước ta vào đời sống thế giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Như thế, đời sống văn hóa nghệ thuật cũng trở nên phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng và phong phú của nhân dân trong nước.

Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta đang gặp phải những vấn đề nhất định trong quá trình hội nhập đó, đặc biệt là việc chúng ta tiếp thu văn hóa nghệ thuật nước ngoài quá nhiều, chưa thực sự chọn lọc, trong khi đó, việc giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới còn hết sức hạn chế. Tức là chúng ta đang thua trên chính “sân nhà” của mình trong “cuộc đua” chiến lược “quảng bá sức mạnh mềm văn hóa”.

gin giu gia tri van hoa gia dinh chinh la xay dung he dieu tiet cho su phat trien dat nuoc hinh 2

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Điều này dẫn đến nguy cơ bị xâm lăng văn hóa khi người dân, đặc biệt là giới trẻ say mê với những bộ phim, câu chuyện, bài hát, thời trang hay các phong cách sống của nước ngoài, mà quên đi những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là xu thế hết sức đáng báo động, khi chúng ta biết điều này không chỉ dẫn đến việc sao nhãng văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 “văn hóa còn thì dân tộc còn”, chính việc thất thế trong mặt trận văn hóa nghệ thuật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của đất nước, trong nỗ lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà chúng ta đang theo đuổi.

Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng để chúng ta có thêm quyết tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa để tạo định hướng, thống nhất sự quan tâm, điều tiết hành động, nhằm xây dựng nên sức mạnh tổng hợp cho đất nước, tạo nên bản lĩnh, sự tự tin cho cả dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chuẩn mực con người Việt Nam cần thích ứng với bối cảnh đất nước

+ Giá trị quốc gia bắt nguồn từ mỗi con người, mỗi gia đình Việt. Sinh thời, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu cũng đã từng khẳng định: “Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ”. Gia đình có ấm no, hạnh phúc thì đất nước mới phồn vinh, hạnh phúc. Vậy, theo Phó giáo sư, giá trị văn hóa gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới có sự kế thừa và chuyển biến như thế nào?

- Đúng như vậy, logic chung của sự phát triển đất nước đi từ mỗi con người đến gia đình rồi từ đó đến cộng đồng và xã hội. Đối với người Việt Nam, điều này còn có ý nghĩa hơn nhiều khi chúng ta coi mỗi gia đình là tế bào xã hội. Mối quan hệ văn hóa gia đình - làng xã - đất nước đã giúp dân tộc ta trường tồn từ chính những tế bào văn hóa này. Gìn giữ giá trị văn hóa trong gia đình chính là cách chúng ta xây dựng hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước. Xét trong chiều kích như vậy, xây dựng hệ giá trị gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta thấy, gia đình Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng và hết sức phức tạp. Tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là của internet và mạng xã hội khiến cho gia đình biến đổi cả ở quy mô, chức năng và thậm chí cả ý nghĩa và vai trò của nó.

gin giu gia tri van hoa gia dinh chinh la xay dung he dieu tiet cho su phat trien dat nuoc hinh 3

Giữ lại hồn Tết cũng là giữ hồn dân tộc. Ảnh minh hoạ

Xây dựng hệ giá trị gia đình giờ đây cần phải chú ý cả việc kế thừa giá trị gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, phù hợp với bối cảnh hiện nay và định hướng xây dựng đất nước, cũng như cần có những nội hàm mới cho mỗi giá trị, để những giá trị này phù hợp hơn với từng gia đình cụ thể theo vùng miền, nhóm xã hội,... Như vậy, khi định hình hệ giá trị gia đình gồm ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, chúng ta kế thừa những khát vọng ấm no, hạnh phúc từ truyền thống; chọn lọc tiến bộ, văn minh từ những giá trị hiện đại, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước. Dù thế, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh cũng cần có nội hàm cụ thể, phù hợp với từng gia đình, giai đoạn, bối cảnh. Ví dụ như, ấm no giờ đây không chỉ còn là đầy đủ cơm áo như ăn no, mặc ấm, mà còn là ăn ngon, mặc đẹp hay ăn bổ, mặc mốt... Tiếp cận như vậy để chúng ta nhìn rõ hơn về các giá trị gia đình như một hệ điều tiết cho sự phát triển của mỗi gia đình, từ đó lan tỏa ý nghĩa tích cực sang sự phát triển đất nước.

Tương tự như vậy, chuẩn mực con người Việt Nam như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, vừa là sự cụ thể hóa của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, đồng thời cũng là những thành phần tạo nên các hệ giá trị đó. Những chuẩn mực con người Việt Nam cũng cần có sự thích ứng với bối cảnh đất nước, ở đó, ví dụ như tinh thần yêu nước của thời buổi kinh tế thị trường cần phải là một quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường bằng trí óc sáng tạo, lao động cần cù, tinh thần doanh nhân cao đẹp... để phát triển kinh tế không chỉ cho bản thân, mà còn cho cả cộng đồng và đất nước nói chung. Đó chính là sự kế thừa và biến đổi của các hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới.

Giữ lại hồn Tết, cũng là hồn dân tộc!

+ Thưa ông, trong những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc, có thể nói rằng, đây là dịp lễ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, luôn chứa đựng đầy đủ nhất những giá trị thiêng liêng mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần người Việt. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, Tết cổ truyền cũng có những thay đổi để phù hợp với nhịp sống, tuy nhiên, vẫn còn đó những giá trị “bất biến” về văn hóa và tinh thần. Theo ông, những giá trị đó là gì?

- Tết cổ truyền của dân tộc mang nhiều giá trị thiêng liêng. Dù vậy, cũng giống như mọi hiện tượng văn hóa khác, Tết cổ truyền cũng có những thay đổi nhất định. Đó cũng là điều không tránh được. Tôi nghĩ rằng, cách chúng ta ứng xử với Tết là giữ nguyên được tinh thần, giá trị, ý nghĩa nhân văn, thiêng liêng, gắn với bản sắc và truyền thống dân tộc qua thực hành nghi lễ, tổ chức Tết. Xét cho cùng, gìn giữ truyền thống là gìn giữ tinh thần của ngọn lửa chứ không phải đống tro tàn của nó. Vì thế, chúng ta cần xác định rõ những giá trị nào cần giữ gìn để giữ lại hồn Tết, cũng là hồn dân tộc.

Có thể có nhiều cách quan niệm khác nhau, riêng tôi, tôi cho rằng thực hành nghi lễ ngày Tết là cách để chúng ta tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cũng là cách chúng ta giáo dục thế hệ hiện tại về những giá trị như hiếu đễ, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, thương yêu trong gia đình; cách chúng ta tạo nên một tinh thần tích cực trong giai đoạn đầu năm, để từ đó có thêm quyết tâm, niềm tin thực hiện những công việc lớn trong năm. Tất cả những giá trị đó được ẩn chứa trong hình thức của bữa cơm tất niên, cúng giao thừa, mâm ngũ quả, trong tục tảo mộ, lì xì, trồng cây nêu, xông nhà, đi chùa, mua may bán đắt... Nhận thức đúng, đủ về những giá trị này sẽ giúp cho các gia đình thực hành tốt hơn nghi lễ ngày Tết, từ đó giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc từ chính những thực hành này.

gin giu gia tri van hoa gia dinh chinh la xay dung he dieu tiet cho su phat trien dat nuoc hinh 4

Hệ giá trị không thể xa vời mà cần gắn bó mật thiết với cuộc sống

+ Có ý kiến cho rằng, khi xây dựng các hệ giá trị cần bám sát điều kiện thực tiễn của nước ta, đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, đặc thù và phổ quát. Các hệ giá trị cũng không nên quá lý tưởng, xa vời, ít tính khả thi, phải có sự cân bằng giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo với điều kiện thực hiện, sự đồng thuận của người dân, phải xuất phát từ những mong đợi của nhân dân để họ tự giác chung tay thực hiện. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Đúng như vậy! Hệ giá trị không thể xa vời mà cần gắn bó mật thiết với cuộc sống, có tính khả thi để mọi người, mọi nhà, mọi cộng đồng có thể thực hiện được. Thực tiễn với cuộc sống có nghĩa là cần phải có sự cân đối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, đặc thù và phổ quát. Khi nói đến giá trị, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều giá trị khác nhau. Giá trị nào cũng có ý nghĩa và quan trọng cả. Tuy nhiên, nếu chúng ta định hướng quá nhiều giá trị, cũng như chúng ta có quá nhiều mục tiêu, có nghĩa chúng ta sẽ bị phân tán và không thực hiện được mục tiêu đặt ra.

Xuất phát từ mỗi người để ví dụ cho rõ: Nếu chúng ta có quá nhiều mục tiêu như phải giàu có, phải nhiều tri thức, hoàn thành công việc cơ quan nhưng cũng phải làm tốt luận án tiến sĩ, đi du lịch đến nhiều nơi, có nhiều bạn bè tâm giao và một danh sách dài những mong ước nữa, thì tôi nghĩ chẳng ai có thể làm được. Chính vì thế, chúng ta cũng phải giới hạn mơ ước của mình để nó khả thi với nguồn lực, năng lực và hoàn cảnh của bản thân.

Như vậy, mỗi một giai đoạn xã hội, chúng ta sẽ ưu tiên những giá trị nhất định, quan trọng, giúp chúng ta phát triển nhanh hơn. Một số những giá trị cũ nhưng không phù hợp với bối cảnh cuộc sống mới nên có những chỉnh sửa. Những giá trị mới, phù hợp thì phải nhanh chóng đưa vào thực thi. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn chúng ta: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Tôi nghĩ, đó cũng là cách xử lý biện chứng trong xây dựng các hệ giá trị hiện nay.

Cũng trên quan điểm như vậy, ở tầm mức quốc gia, các giá trị cần ngắn gọn, dễ hiểu để có thể tác động đến nhận thức của người dân, nhưng ở các quy mô vùng miền, địa phương, các nhóm xã hội cụ thể thì các giá trị cũng cần cụ thể. Giống như giá trị yêu nước mà chúng ta đã nói ở trên, các giá trị khác cũng cần thể hiện theo cách cụ thể hóa như thế. Bên cạnh một số những đặc điểm chung, cách thể hiện giá trị trách nhiệm của thủ trưởng khác với nhân viên, thầy giáo khác với học sinh, nghề nghiệp này khác nghề nghiệp khác. Khi chúng ta cụ thể hóa được như vậy thì mới tránh được các biểu hiện hình thức, phong trào, hô hào trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các giá trị, để các giá trị có ý nghĩa nhiều hơn trong việc dẫn dắt, định hướng, điều tiết hành vi của mọi người, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cả dân tộc.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư về những chia sẻ vừa rồi!

Nguyễn Hường 

Bình Luận

Tin khác

Tuần Du lịch Ninh Bình là sản phẩm du lịch thường niên, đặc sắc của tỉnh

Tuần Du lịch Ninh Bình là sản phẩm du lịch thường niên, đặc sắc của tỉnh

(CLO) Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định, Ninh Bình là địa phương có kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn mang tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế. Đặc biệt, sự kiện Tuần Du lịch Ninh Bình được tổ chức thường niên đã trở thành thương hiệu của du lịch Ninh Bình, mang ý nghĩa văn hóa nghệ thuật, hơi thở cuộc sống.

Đời sống văn hóa
TP HCM đề xuất bắn pháo hoa tại 3 điểm trong đêm khai mạc Lễ hội Sông nước lần 2

TP HCM đề xuất bắn pháo hoa tại 3 điểm trong đêm khai mạc Lễ hội Sông nước lần 2

(CLO) UBND TP HCM đề xuất tổ chức bắn pháo hoa 3 điểm tầm thấp trong lễ khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ 2 ở TP Thủ Đức, quận 1 và quận Bình Thạnh.

Đời sống văn hóa
Quảng Ninh: Để quần thể di tích Đền Cửa Ông - Cặp Tiên ngày càng hấp dẫn du khách

Quảng Ninh: Để quần thể di tích Đền Cửa Ông - Cặp Tiên ngày càng hấp dẫn du khách

(CLO) Di tích Đền Cửa Ông là quần thể di tích bao gồm Đền Cửa Ông và Đền Cặp Tiên được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2017; Lễ hội Đền Cửa Ông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất

(CLO) Tối 13/5, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất, năm 2024 chính thức khai mạc tại Nhà hát thành phố Hải Phòng.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình giành 2 giải tại cuộc thi Đầu bếp Vàng Hải Phòng 2024

Ninh Bình giành 2 giải tại cuộc thi Đầu bếp Vàng Hải Phòng 2024

(CLO) Hiệp hội Du lịch Hải Phòng vừa tổ chức thành công cuộc thi Đầu Bếp Vàng Hải Phòng 2024 với chủ đề Hương vị địa phương. Trong đó, đội Đầu bếp tỉnh Ninh Bình đã xuất sắc giành 2 giải: 1 giải Vàng và 1 giải món ăn sáng tạo.

Đời sống văn hóa