Giới khoa học chao đảo vì kết quả luận án tiến sĩ từ đạt thành... rớt

Thứ sáu, 03/04/2015 16:59 PM - 0 Trả lời

Giới khoa học chao đảo vì kết quả luận án tiến sĩ từ đạt thành... rớt

(Congluan.vn) - Tại trường đại học KHXH&NV TP.HCM, Hội đồng khoa học chấm luận án tiến sĩ ra Quyết nghị đạt nhưng cơ sở đào tạo dùng mệnh lệnh hành chính đảo lộn kết quả từ đậu thành rớt làm nghiên cứu sinh và giới khoa học bị sốc gần hai năm trời.
 
Báo Công luận 
Từ đậu công khai thành rớt... miệng?
 
Nghiên cứu sinh Trương Thị Bích Tiên bảo vệ luận án tiến sĩ có chủ đề "Tổ chức sự kiện dưới góc nhìn văn hóa". Hội đồng khoa học đã chấm đạt và nhiệt liệt chào mừng nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, hội đồng yêu cầu nghiên cứu sinh chỉnh sửa những nội dung gì đề hoàn chỉnh luận án như: Viết lại phần lịch sử nghiên cứu vấn đề rõ rang mạch lạc hơn, lý thuyết văn hóa tổ chức, chỉnh sửa lại bố cục, rút gọn chương 2 và chương 3, chỉnh sửa lỗi chính tả, lỗi từ vựng, lỗi ngữ pháp...
 
Thế nhưng, sau một tuần, nghiên cứu sinh lại nhận được thông báo... rớt mà không có thông báo chính thức. Quá sốc, nghiên cứu sinh Tiên lang thang một mình trên đường phố đến hai giờ sáng và sau đó cô quyết định quên đi sự bất công này.
 
Thế nhưng do công việc chính là Giám đốc Công ty Dạ Khúc chuyên về tổ chức sự kiện, thường xuyên tiếp xúc với nội dung trong luận án nên sau 2 năm cô quyết tâm lật lại sự việc.
 
 Hội đồng khoa học chấm nhầm?
 
Theo hồ sơ kiến nghị của nghiên cứu sinh Trương Thị Bích Tiên (SN 1976, TP.HCM), sau buổi họp kín, Hội đồng chấm luận án cấp đơn vị chuyên môn diễn ra vào ngày 24/12/2012 đã ra quyết nghị: “Đề nghị cơ sở đào tạo cho phép nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường sau khi có chỉnh sửa theo khuyến nghị của hội đồng bộ môn và đưa lại cho hội đồng bộ môn đọc lại”. 
 
Sau khi công bố quyết nghị, chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án còn đến chúc mừng nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án cấp đơn vị chuyên môn và không quên đề nghị nghiên cứu sinh nên nhanh chóng chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của Hội đồng để làm hồ sơ bảo vệ cấp trường.
 
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, một tuần sau buổi bảo vệ nghiên cứu sinh được gọi điện mời lên khoa để nhận hồ sơ về chỉnh sửa rồi nộp lại xin bảo vệ cấp đơn vị chuyên môn lần 2. Lý do mà PGS.TS. Trần Thị Mai, Trưởng phòng Sau đại học và TS. Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng khoa Văn hóa học nêu ra là Hội đồng chấm luận án đưa ra kết quả nhầm, chứ kết quả buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn là rớt, không đạt (?)
 
Không chấp nhận đang đậu thành rớt, nghiên cứu sinh đã liên lạc với PSG -TS.Trần Thị Mai hỏi nguyên nhân. PSG -TS.Trần Thị Mai cho biết sở dĩ kết quả bảo vệ luận án rớt là vì có 3 phiếu nhận xét của 3 thành viên hội đồng không đồng ý thông qua, nên Quyết nghị của hội đồng không có giá trị. 
 
Sau khi xem lại nhận xét của tất cả các thành viên hội đồng vẫn không thấy bất kỳ nhận xét nào là “không thông qua”, nghiên cứu sinh đã tìm gặp PGS-TS. Nguyễn Tri Nguyên, Chủ tịch hội đồng để lắng nghe một lần nữa về nhận xét của hội đồng. Và một lần nữa PGS-TS. Nguyễn Tri Nguyên khẳng định: “Ý kiến của hội đồng chấm luận án cấp đơn vị chuyên môn về luận án của em là quá rõ ràng như trong quyết nghị đã công bố. Trong buổi họp kín trước khi đưa ra quyết nghị, tất cả các thành viên đều đồng ý với kết luận đã ghi trong quyết nghị và biên bản. Riêng câu điều kiện “đưa lại cho hội đồng bộ môn đọc lại” trong Quyết nghị này cũng đã được các thành viên thống nhất ý kiến là chủ tịch hội đồng sẽ thay mặt hội đồng thẩm định chất lượng luận án sau khi nghiên cứu sinh sửa chữa. Nếu chủ tịch hội đồng thấy đã chỉnh sửa tốt thì đồng ý, chưa tốt thì thôi”.
 
Theo đó, nghiên cứu sinh đã tích cực chỉnh sửa theo góp ý của từng thành viên hội đồng, cũng như trong Quyết nghị và trình lại cho chủ tịch hội đồng xem xét.
 
Mặc dù sau khi xem xong, chủ tịch hội đồng đã ký tên đồng ý với chất lượng nội dung luận án sau khi chỉnh sửa nhưng lãnh đạo khoa Văn hóa học và phòng sau đại học vẫn nhất quyết không công nhận mà buộc phải bảo vệ lần 2 trước cấp đơn vị chuyên môn với nhận định, quyết nghị của hội đồng chấm luận án lần 1 là… nhầm.
 
Báo Công luận
 
Trương Thị Bích Tiên (phải) đã sốc đến 2 năm sau mới lật lại sự việc  bị rớt tiến sĩ
 
Nghiên cứu sinh Trương Thị Bích Tiên bức xúc, phản ánh: "Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ gồm một tập thể hội đồng khoa học có học hàm học vị cao, làm việc theo đúng quy chế, đã chính thức tuyên bố luận án đã hoàn thành cấp đơn vị chuyên môn với quyết nghị rõ ràng. Nhưng sau đó lãnh đạo phòng sau đại học và khoa lại khẳng định là luận án không đạt. Sự đổi trắng thay đen này của trường ĐH KHXH và NV khiến tôi đau khổ, trầm uất hơn 2 năm qua…"
 
Giới khoa học lên tiếng
 
Mặc dù cho rằng Hội đồng đưa ra kết quả nhầm, nhưng gần hai năm qua Phòng sau đại học chưa có bất kỳ văn bản nào phủ nhận giá trị của Quyết nghị gửi cho Hội đồng khoa học này. Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch hội đồng đánh giá luận án, PGS-TS. Nguyễn Tri Nguyên cho biết: "Trong kết luận của hội đồng ghi rõ là đề nghị cơ sở đào tạo cho phép nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường sau khi có chỉnh sửa theo khuyến nghị của hội đồng bộ môn và đưa cho hội đồng bộ môn đọc lại chứ không dùng từ “bảo vệ lại”. Nhưng không hiểu vì sao khi nghiên cứu sinh đã chỉnh sửa theo đúng khuyến nghị của hội đồng và được người có trách nhiệm giám sát việc chỉnh sửa này xác nhận nhưng phòng Sau đại học và khoa buộc phải bảo vệ lại. Nếu nói có 3 phiếu không thông qua là không đúng, vì trong buổi họp kín các thành viên trong hội đồng đều thống nhất ý kiến trước khi ra quyết nghị. Và khi quyết nghị được đọc công khai cũng không nhận được bất kỳ phản đối nào của thành viên hội đồng."
 
Theo PGS-TS Nguyên, sau khi nhận được thông tin này, chủ tịch hội đồng đã có thư tay gửi cho khoa và phòng Sau đại học nhưng cả hai đơn vị này đều đổ cho quy chế. Như vậy điều này là chưa ổn, vì phải nói rằng chưa có nơi nào có quy chế lạ như vậy, chưa có nơi nào phòng chức năng lại can thiệp hành chính vào công việc của hội đồng chuyên môn. Vì hội đồng chuyên môn đã ký là “bút sa gà chết”! Vậy tại sao phòng sau đại học lại bác bỏ quyết nghị của hội đồng khoa học, phải chăng đây là quy chế riêng của trường ĐH KHXH & NV? 
 
Còn GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo của ĐHQG-HCM cho rằng, việc cấp quản lý là khoa và phòng Sau đại học có quyết định khác với kết luận của hội đồng chuyên môn là điều chưa từng thấy trong lịch sử đào tạo cả trong nước lẫn ngoài nước. Vì hội đồng đây là hội đồng đánh giá luận án, hội đồng chuyên môn chứ không phải là là hội đồng tư vấn. Kết luận của hội đồng chuyên môn sau khi đọc luận án, nghe NCS bảo vệ và thảo luận với nhau với sự nhất trí của ít nhất 6/7 (trong trường hợp này là 7/7) thành viên phải là tiếng nói cuối cùng, không có lãnh đạo nào có thể can thiệp vào được. Trong trường hợp nếu lãnh đạo hành chính có cơ sở nào đó để nghi ngờ kết luận của hội đồng chuyên môn thì động tác trước hết phải là gặp trao đổi với Chủ tịch Hội đồng, nếu vẫn không thỏa mãn thì có thể thành lập một hội đồng chuyên môn khác để đánh giá, và trong trường hợp hội đồng thứ hai này có kết luận khác hội đồng thứ nhất, hai hội đồng phải cùng ngồi lại để đối thoại với nhau chứ cấp quản lý hành chính không thể bác bỏ hội đồng chuyên môn, lại càng không thể bác bỏ một cách đơn giản bằng một quyết định miệng như vậy được.
 
TS. Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học và Sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng thật ra vụ việc xảy ra nằm ở khâu thủ tục, có lẽ là giữa phòng sau đại học và hội đồng khoa học chưa khớp quy chế với nhau. Nếu xét về trách nhiệm thì cả hai đều có lỗi, nhưng lỗi của bộ phận quản lý nhiều hơn vì vậy tôi đang yêu cầu PGS-TS.Trần Thị Mai giải trình sự không rõ ràng này để để đưa ra hướng xử lý cụ thể. Điều đáng tiếc là vụ việc đơn giản nhưng để kéo dài gần hai năm gây ra nhiều thiệt hại cho nghiên cứu sinh. Sau vụ việc này, sắp tới sẽ phải rà soát lại toàn bộ quy trình. Đặc biệt bản đánh giá phải có đủ định tính và định lượng, vì sau các đánh giá, góp ý, khuyến nghị các phần cần chỉnh sửa, mỗi thành viên hội đồng phải có kết luận rõ ràng là cho qua hay là không.
 
Về lùm xùm này, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH và NV – PGS.TS Võ Văn Sen cho biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của nghiên cứu sinh, Trường đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nguyên nhân xảy vụ việc đáng tiếc này là do lỗi văn bản chưa rõ ràng. Trường đã thống nhất theo quyết nghị của hội đồng khoa học là cho nghiên cứu sinh tiếp tục bảo vệ cấp trường. 
 
Đồng tình với nhận định của PGS.TS Võ Văn Sen, GS.TS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo cho rằng kết luận của Quyết nghị có nội dung không rõ ràng, rất dễ bị diễn đạt theo hướng sai lệch. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Giáo dục cho biết, trong suốt thời gian ông làm bộ trưởng, chưa có quyết nghị nào của hội đồng khoa học bị bác. Vì muốn bác quyết nghị của một hội đồng thì cần phải có một hội đồng khoa học khác cao hơn, phát hiện ra những sai sót trong quyết nghị. 
 
Nhóm PV Giáo dục 

Tin khác

Đột phá xây dựng trường chuẩn Quốc gia mức độ 2

Đột phá xây dựng trường chuẩn Quốc gia mức độ 2

(CLO) Trường Trung học cơ sở (THCS) Vân Sơn được thành lập năm 1992 trên cơ sở tách ra từ Trường Phổ thông cấp I - II Vân Sơn. Thời gian qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THCS Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) luôn nỗ lực, phấn đấu, phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác giảng dạy và các phong trào thi đua để xây dựng thành công trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Giáo dục
Tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội: 3 trường hợp được cộng điểm ưu tiên

Tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội: 3 trường hợp được cộng điểm ưu tiên

(CLO) Những trường hợp thí sinh là con thương binh, bệnh binh sẽ được cộng điểm ưu tiên, mức cao nhất là 1,5 điểm.

Giáo dục
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Luật Nhà giáo cần phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Luật Nhà giáo cần phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo

(CLO) Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị luật Nhà giáo cần thể chế hóa chủ trương “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp” một cách bền vững.

Giáo dục
Quảng Ninh: Trên 34.000 thí sinh dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Quảng Ninh: Trên 34.000 thí sinh dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Thông tin do lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh trình bày tại Hội nghị Thông tin Báo chí thường kỳ, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức vào chiều ngày 7/5.

Giáo dục
Hơn 13.000 học sinh TP HCM dự kiến không thi vào lớp 10

Hơn 13.000 học sinh TP HCM dự kiến không thi vào lớp 10

(CLO) Dự kiến có khoảng 102.349 học sinh lớp 9 tại TP HCM đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Có khoảng 13.410 học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh.

Giáo dục