Hà Nội cứ mưa lại ngập: Không nên chỉ đổ tại... trời!

Thứ năm, 02/06/2022 10:04 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhiều ý kiến cho rằng, việc cứ mỗi khi mưa lớn là nhiều khu vực của Thủ đô lại ngập úng nghiêm trọng bộc lộ hạn chế về hệ thống thoát nước, lỗ hổng trong quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội và đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Người dân “bơi” giữa dòng nước

Thời gian gần đây, thành phố Hà Nội liên tiếp phải đón nhận những trận mưa lớn gây ngập úng một số khu vực. Đặc biệt trận mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa từ 70 - 180mm, thời gian mưa tập trung từ thời điểm 13h45 - 16h ngày 29/5, đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân.

ha noi cu mua lai ngap khong nen chi do tai troi hinh 1

Mưa lớn, nhiều tuyến đường tại Hà Nội lại hóa thành sông.

Anh Duy Nghĩa (trú tại huyện Hoài Đức) cho biết, chỉ sau vài tiếng đồng hồ mưa lớn đã khiến khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn ngập như sông, con đường trở về nhà của anh gian nan hơn bao giờ hết. Do cố gắng di chuyển qua điểm ngập nặng khiến xe của anh chết máy và buộc phải gọi xe cải tiến đến kéo đi sửa.

Ngập một lúc, một nhát thì có thể thông cảm được nhưng ngập lâu và dai dẳng suốt từ năm này qua năm khác khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long mà các cơ quan quản lý nhà nước không thể tìm ra được giải pháp khắc phục thì thật là đáng buồn”,... anh Nghĩa ngán ngẩm.

Còn với chị Thanh (trú tại quận Đống Đa), trận mưa lớn vào chiều 29/5 thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh. Mưa xối xả trút xuống bất ngờ khiến người dân trở tay không kịp. Nước tràn hết vào nhà dân mang theo lá cây, rác thải cực kỳ ô nhiễm. Sau vài giờ kể từ khi mưa dứt, nước mới rút hết trong nhà và ngoài ngõ. Người dân rất vất vả lau dọn nhà cửa, đồ đạc với bùn đất đọng lại.

Còn tại quận Nam Từ Liêm, hàng loạt nhà dân ở khu Mỹ Đình rơi vào cảnh khốn khổ khi nước tràn vào nhà, ngập đồ đạc, hàng hóa... người dân nháo nhào be bờ, tát nước. Bà Tuyết - một tiểu thương kinh doanh gạo lo lắng khi nước tràn vào sâu trong nhà, nơi lưu trữ hàng tấn gạo. Dù cả nhà đã nhanh chóng khuân vác gạo lên giá nhưng mưa lớn, nước tràn vào nhà rất nhanh, một số bao vẫn bị ướt. 

Trong cơn mưa lớn là hình ảnh người dân vật lộn di chuyển trên những tuyến đường ngập sâu từ nội thành đến ngoại thành với dòng xe cộ kẹt cứng ở dưới chân cầu Vĩnh Tuy, “biển nước” ở đường Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn, Lương Thế Vinh, Lý Thường Kiệt,...; phương tiện nổi lềnh phềnh và thậm chí chìm hẳn trong nước ở tầng hầm nhiều khu đô thị.

Hà Nội đã chi kinh phí không nhỏ để khắc phục tình trạng ngập úng. Điển hình là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa triển khai từ năm 2015 (tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng) có chức năng bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, nhằm giảm ngập úng cho khu vực Hà Đông, Thanh Xuân.

Dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng thi công trong giai đoạn từ năm 2018-2020 nhằm giảm ngập úng cho khu vực Cầu Giấy, Nam - Bắc Từ Liêm và phụ cận. Tuy nhiên hầu hết các dự án trên vẫn đang trong quá trình thực hiện hoặc chậm tiến độ khiến nhiều khu vực tại Hà Nội tiếp tục chìm trong biển nước mỗi khi mưa lớn.

ha noi cu mua lai ngap khong nen chi do tai troi hinh 2

Mặc dù TP.Hà Nội đã bỏ ra kinh phí rất lớn để giảm thiểu tình trạng ngập úng nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng.

Hệ lụy từ quá trình đô thị hóa, quá tải hạ tầng

Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết dị thường thì hạn chế về hệ thống thoát nước, lỗ hổng trong quy hoạch phát triển đô thị, quá tải hạ tầng đã khiến thành phố Hà Nội ngập úng nghiêm trọng sau mưa lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, sự nóng lên toàn cầu thì cả thế giới biết rồi. Không chỉ ở Việt Nam, cả những quốc gia có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu... Câu chuyện thời tiết bất thường, lượng mưa lớn, tập trung vào một điểm nhất định thì không có hạ tầng nào “chống chịu” được.

Chúng ta cần phân biệt vấn đề dị thường của thời tiết, mưa lớn cực đoan với vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề nhưng nguy cơ khiến các vùng đô thị ngập lụt là như nhau.

Đề cập tới vấn đề Hà Nội “cứ mưa là ngập”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng cần phải nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị hiện nay. Mỗi một đô thị mang những đặc trưng riêng về địa hình, quan trọng nhất phải một hệ thống dự báo được tính cực đoan của khí hậu và thời tiết.

Thông tin từ KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, cốt nền khu vực tại các quận nội thành không phải thấp song vẫn xảy ra úng ngập. Nguyên nhân là tốc độ đô thị hóa khu vực này quá nhanh, song không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ.

Thành phố Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm…, KTS. Đào Ngọc Nghiêm đề cập.

ha noi cu mua lai ngap khong nen chi do tai troi hinh 3

Tình trạng ngập úng tại Hà Nội đã và đang trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Các chuyên gia cũng cho rằng trong quy hoạch đô thị hiện nay cần thực hiện theo hướng tích hợp, tức tất cả các loại quy hoạch được đặt trên cùng một hệ thống, như vậy sẽ tránh được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo. Thậm chí có dự án đầu tư hiện nay triển khai đến khi gần xong lại phát hiện vi phạm các quy hoạch khác dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Về tình trạng ngập lụt tại Hà Nội mới đây, bài toán đặt ra không chỉ là quy hoạch hệ thống thoát nước khi xây dựng đô thị mà còn cần quy hoạch các công trình thủy lợi. Nếu các hệ thống này không tích hợp với nhau thì các công trình có thể làm tốt quy hoạch xây dựng nhưng lại vi phạm quy hoạch về thoát nước hoặc thủy lợi dẫn đến không thực hiện được mục tiêu chung.

Yêu cầu đặt ra của quy hoạch tích hợp là không được đặt các giải pháp quy hoạch riêng lẻ mà cần thực hiện đồng bộ. Ví dụ quy hoạch công trình đô thị đồng thời phải có các vấn đề về cấp thoát nước xảy ra, kèm theo đó là vấn đề giao thông, dịch vụ.

Quy hoạch phải đồng bộ từ vấn đề hạ tầng. Từ các hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội phục vụ cho người dân. Khi xây dựng các quy hoạch cần phải tính toán được quy mô dân số, quy mô xây dựng nhà ở, chợ dân sinh, công viên vui chơi,...

Thực tế là thời gian qua chúng ta có làm quy hoạch nhưng chắp vá, manh mún và chất lượng kém. Việc này dẫn đến cứ đụng đến đâu, đến chỗ nào cũng có vấn đề. Gốc của vấn đề vẫn là chất lượng quy hoạch kém, tổ chức thực hiện quy hoạch không nghiêm.

Thế Anh

Bình Luận

Tin khác

“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với ngư dân Thanh Hóa

“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với ngư dân Thanh Hóa

(CLO) Chiều 26/4, Báo Pháp Luật TP HCM phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Đời sống
Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines kỷ niệm 65 năm thành lập

Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines kỷ niệm 65 năm thành lập

(CLO) Sáng 26/4, Đoàn bay 919 thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919, đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm thành lập.

Đời sống
EVNGENCO1 nỗ lực vận hành các nhà máy điện đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống

EVNGENCO1 nỗ lực vận hành các nhà máy điện đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống

(NB&CL) Trong tháng 3/2024, phụ tải hệ thống điện tăng 10,96% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 2,14% so với kế hoạch năm 2024 của Bộ Công Thương. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng, EVNGENCO1 đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2024, nỗ lực vận hành các nhà máy đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống điện quốc gia.

Đời sống
Đầu tháng 5, miền Bắc có thể đón không khí lạnh, mưa rào, giông lốc

Đầu tháng 5, miền Bắc có thể đón không khí lạnh, mưa rào, giông lốc

(CLO) Chuyên gia khí tượng dự báo, từ những ngày đầu tháng 5, miền Bắc sẽ có khả năng xuất hiện mưa rào và giông trở lại, còn miền Nam gió tây nam cũng có xu hướng xuất hiện, gây mưa giông.

Đời sống
Công an TP HCM cảnh báo chiêu thức lừa đảo dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè

Công an TP HCM cảnh báo chiêu thức lừa đảo dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè

(CLO) Theo Công an TP HCM, dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè, tội phạm sẽ dùng thủ đoạn lừa người dân mua các tour du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ để chiếm đoạt tiền.

Đời sống