Hạn chế xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT: Thêm bất cập, thiếu công bằng!

Thứ năm, 19/05/2022 10:06 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo ghi nhận ý kiến từ chuyên gia và thí sinh thì việc các trường top đầu hạn chế phương thức tuyển sinh bằng việc lấy điểm thi tốt nghiệp sẽ dẫn tới thực trạng “30 điểm vẫn trượt đại học, thủ khoa vẫn không đủ điểm đầu vào đại học” thêm trầm trọng.

Lo lắng tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học trở nên phổ biến

Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo từng khuyến cáo các trường đại học “hot” nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Tuy nhiên trên thực tế, các trường đã hạn chế với phương thức xét tuyển này một cách đầy bất ngờ.

han che xet tuyen dai hoc bang diem thi tot nghiep thpt them bat cap thieu cong bang hinh 1

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Tâm/HUST

Điển hình như Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 sinh viên trong đó chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chiếm trên 10%. Trong khi năm 2021, tỷ lệ tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp chiếm gần 80%. Đây cũng là ngôi trường từng thu hút gần 80% số thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất khối A cả nước vào học. Vì vậy, nhiều người không hiểu tại sao với kết quả tuyển sinh cao như vậy nhưng năm nay nhà trường lại thay đổi cách thức tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác.

Giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thí sinh ở khu vực nông thôn thực tế đã được cộng điểm ưu tiên khu vực do điều kiện học tập khó khăn hơn ở khu vực đô thị. Với những thí sinh có mong muốn đăng ký vào các ngành “hot” sẽ phải chấp nhận sức cạnh tranh lớn hơn. Bên cạnh đó, những lo ngại về giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là chưa chính xác. Đối với mùa tuyển sinh năm nay phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ vẫn là phương thức cơ bản, chủ yếu ở nhiều trường.

Còn theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, trừ các trường thi năng khiếu, bên cạnh các phương thức xét tuyển khác, thì có đến 90% các trường đại học vẫn dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ, do đó cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn. “Hầu hết các cơ sở giáo dục Đại học vẫn dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức này có thể giảm đi nhưng hầu hết chỉ dịch chuyển giữa 2 phương thức là sử dụng kết quả học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này sẽ không ảnh hưởng lớn đến những thí sinh ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn” - bà Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Trái ngược với tâm lý của những người ban hành chính sách thì thí sinh và người dân lại lo lắng về những thay đổi trong phương  thức tuyển sinh năm nay. Theo anh Nguyễn Huy Trung ở Hà Tĩnh: “Năm ngoái có tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học. Thậm chí thí sinh thủ khoa cả nước vẫn trượt đại học ở những ngành hot. Nguyên nhân trong đó có việc các trường hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với tình trạng như năm nay khi các trường top “quay lưng” với phương thức tuyển sinh này thì chắc chắn tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn”.

Cùng chung nỗi niềm lo lắng, chị Lê Thị Thu ở Hà Đông, Hà Nội cũng cho rằng ở những ngành học “hot”, vốn từ trước đến nay đòi hỏi đầu vào chặt chẽ nên cần thống nhất một phương thức xét tuyển để tạo công bằng cho thí sinh. Nếu đã tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì cần thống nhất hoặc là dựa vào kết quả kỳ thi riêng, không nên có kiểu một ngành học nhiều phương thức tuyển sinh. Khi sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau sẽ tạo áp lực thi cử cho thí sinh lại vừa không đảm bảo công bằng. “Một bên thi gần 30 điểm vẫn trượt đại học, trong khi các phương thức như xét tuyển bằng học bạ lại được sử dụng là vô lý. Điều này, rất khó để giải thích về sự công bằng” – chị Thu nhấn mạnh.

Một điểm mới trong kỳ thi năm nay đó chính là việc các thí sinh nông thôn cảm thấy áp lực hơn. Theo em Nguyễn Trung Kiên ở Nghệ An: “Nếu các trường top đầu hạn chế tuyển sinh bằng phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp, điều đó đồng nghĩa cánh cửa đối với học sinh vùng nông thôn gần như đóng lại. Vì trong các năm gần đây, số thí sinh con em dân tộc được cộng gần 4 điểm nên rất khó để cạnh tranh với các thí sinh thuộc diện ưu tiên này. Do đó, muốn vào trường top đương nhiên phải chạy theo các phương thức tuyển sinh khác”.

Có nên tin vào điểm tổng kết học bạ?

Liên quan đến vấn đề này, theo nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An thì việc hạn chế phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chuyển sang xét học bạ, tổ chức các kỳ thi riêng, tuyển sinh đầu vào bằng chứng chỉ ngoại ngữ… khiến các thí sinh và phụ huynh lo lắng về sự công bằng là điều rất dễ hiểu.

han che xet tuyen dai hoc bang diem thi tot nghiep thpt them bat cap thieu cong bang hinh 2

Nhiều phương thức tuyển sinh chỉ phù hợp với những trường khó khăn trong thu hút thí sinh theo học.

“Chắc chắn, năm tới nhiều trường điểm chuẩn theo phương thức tuyển sinh lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp sẽ rất cao, thậm chí tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học sẽ có thể xảy ra và sự công bằng giữa các hình thức tuyển sinh rất khó để đảm bảo. Nếu việc thi 30 điểm vẫn trượt đại học mà xét tuyển bằng học bạ lại đậu là điều phi lý” - bà Bùi Thị An lo lắng.

Vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao là mục tiêu rất quan trọng. Đầu vào để đào tạo làm sao phải chuẩn, trên cơ sở nào thì cũng phải đảm bảo tính khoa học, công bằng. Nếu dựa vào điểm học bạ thì rất khó để công bằng vì thực tế trường này tổng kết sẽ khác trường kia. “Nếu căn cứ vào việc xét học bạ đã là không công bằng giữa trường này, trường kia, giữa vùng này, vùng khác. Vấn đề tuyển sinh không thể “khoán trắng” cho các trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc, có tiêu chí chung để chọn đầu vào, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với công dân” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, nếu chỉ xét tuyển sinh theo học bạ trong khi một lớp, một trường cách chấm điểm trong học bạ đã chưa chắc đảm bảo được công bằng. Ngay trong nhà trường đã khác thì trong một quận, một huyện, một địa phương chắc chắn sẽ khác nhau “một trời một vực”. Do đó, xét tuyển sinh bằng điểm học bạ là không chuẩn. Khi thi cử có barem điểm, công tác thi cử, chấm thi có nhiều quy trình nghiêm ngặt mà còn gian lận thì sao có thể tin vào chấm điểm hằng ngày mỗi nơi một kiểu.

“Nếu chỉ xét tuyển dựa vào học bạ thì sẽ không công bằng, không lấy được người giỏi. Do đó, đề nghị  Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cách nào đó để theo tiêu chí chung, nền chung lựa chọn thí sinh. Mọi người cần phải bình đẳng và nền giáo dục cần đạt được mục tiêu chọn được người tài” – bà Bùi Thị An nêu ý kiến.

han che xet tuyen dai hoc bang diem thi tot nghiep thpt them bat cap thieu cong bang hinh 3

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam từng nêu ý kiến việc tuyển sinh lấy điểm học bạ gây mất công bằng cho thí sinh. Hiện việc đánh giá học sinh có trường chặt chẽ, có trường lỏng lẻo, đấy là chưa nói đến các tệ nạn xin điểm, mua điểm… các tiêu cực còn dữ dội hơn rất nhiều so với thi tốt nghiệp THPT.

“Rõ ràng, phương án tuyển sinh hiện nay không ổn, không công bằng, gây phiền hà. Việc muốn vào trường nào phải thi trường đó. Thí sinh thi một lúc nhiều trường là quá phiền hà chưa kể độ tin cậy của các kỳ thi vẫn còn bỏ ngỏ. Chất lượng kỳ thi chưa biết tốt xấu thế nào” - ông Lê Viết Khuyến khẳng định.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục