(NB&CL) Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng Delta nguy hiểm, lây lan nhanh đã khiến các đường bay thương mại quốc tế và cả nội địa phải tạm dừng khai thác. Doanh thu không có, dòng tiền bị đứt gãy,... ngành hàng không đang phải trải qua thời kỳ “đen tối” nhất từ trước đến nay.
Bước sang “năm Covid thứ 2”, sản lượng vận tải khách qua đường hàng không toàn thế giới được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo chỉ bằng 33% so với năm 2019. Mức lỗ của các hãng hàng không ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp hai lần so với dự báo hồi tháng 12/2020.
Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, đại dịch Covid-19 qua 4 đợt bùng phát đã khiến ngành hàng không Việt Nam phải trải qua thời kỳ “đen tối” nhất từ trước đến nay. Theo thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay khai thác trong tháng 7 vừa qua của các Hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 3.772 chuyến tương ứng với mức giảm tới 84,6% so với cùng kỳ. Thậm chí trong ngày 27/7, các hãng hàng không khai thác 11 chuyến bay nhưng chỉ vận chuyển vỏn vẹn 877 hành khách.
Từ đầu năm đến nay, trải qua 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát rơi đúng vào thời điểm Tết và kỳ nghỉ hè khi nhu cầu di chuyển của người dân cao nhất trong năm đã phá vỡ mọi kế hoạch kích cầu vận tải của các Hãng hàng không. Nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, dịch bệnh diễn biến phức tạp với biến chủng Delta đã khiến ngay cả những đường bay thương mại nội địa cũng phải tạm dừng khai thác.
Điển hình từ ngày 22/7, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các Hãng hàng không tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách giữa Cần Thơ/Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại. Với đường vốn nhộn nhịp nhất là TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội cũng chỉ khai thác tối đa hai chuyến bay chở hành khách/ngày.
Chia sẻ về những tác động tiêu cực của đại dịch, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng lên tới 80-90% máy bay phải nằm tại sân bay trong mùa cao điểm, doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%, điều hành bay 6 tháng đầu năm 2021 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020,...
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng của các Hãng hàng không. Đó là hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động dây chuyền, liên quan đến hàng không từ dịch vụ kỹ thuật, thương mại mặt đất, công nghiệp phụ trợ khác đều chịu tác động.
Trước những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp hàng không đang phải đối mặt, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như áp dụng “hộ chiếu vaccine”, nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Bất kỳ một nền kinh tế nào muốn tiến nhanh, tiến xa cũng phải dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng vững chắc, hiện đại. Trong đó, hạ tầng về giao thông đóng một vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và hành khách một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Với những ưu điểm nổi trội về tính thuận tiện, nhanh chóng, ngành hàng không cho thấy vai trò quan trọng của mình. Tuy nhiên toàn ngành hàng không đang phải chịu rất nhiều những tổn hại vì dịch Covid-19 và khó có thể phục hồi sớm nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Giải pháp tổng thể mang định hướng quốc gia
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng đại dịch Covid-19 đã gây rối loạn các hoạt động kinh tế, làm tê liệt các ngành dịch vụ mà đặc biệt là ngành hàng không và du lịch.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và trực tiếp Bộ GTVT cũng đã có những chính sách hỗ trợ và bản thân các doanh nghiệp trong ngành hàng không cũng cố gắng tìm những giải pháp để vượt qua khó khăn, phục hồi trở lại. Tuy nhiên, trong thời gian tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn và nghiêm trọng.
Nói về tầm quan trọng của ngành hàng không, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định, trong thế giới hội nhập bây giờ hàng không là công cụ trực tiếp để kết nối với thế giới nhanh nhất.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian qua chắc chắn đã làm cho các Hãng hàng không khó mà đứng dậy nhanh; thậm chí vẫn có nguy cơ sụp đổ nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài. Vì vậy, Chính phủ phải có chiến lược làm sao cứu được các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia chứ không phải để họ cố gắng thêm được ngày nào hay ngày đấy, phải hướng tới tương lai rõ ràng hơn.
Đưa ra những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, ông Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyên Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho rằng với vai trò quản lý, Nhà nước có thể tạo hành lang pháp lý, các cơ chế chính sách, nghị định, thông tư để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không cũng cần phải chủ động tái cơ cấu lại ngành nghề, phương tiện, nhất là đối với đội bay, chiếm một tỷ lệ vốn cực kỳ lớn. Ngoài ra khi phê duyệt chiến lược hàng không nói chung cũng như từng hãng bay, Nhà nước cần có cái nhìn tổng thể lâu dài, phải đề phòng kịch bản xấu có thể xảy ra để có giải pháp xử lý kịp thời, tránh bị động.
Ngày 8/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đại diện cho các doanh nghiệp hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, kéo thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ quy định tại Thông tư 03.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cơ cấu nợ theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ này sẽ chuyển thành nợ xấu. Không những khó khăn vì đại dịch Covid-19 bủa vây, các Hãng hàng không lại tiếp tục khó khăn vì bị nhóm nợ xấu, không được cơ cấu, trả nợ kịp thời và phân loại sai nhóm nợ.
Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet cũng đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các Hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam. Mục đích là nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động.
(CLO) Do ảnh hưởng bởi cơn bão, đến 14h ngày 7/9, gần như toàn bộ phụ tải của tỉnh Quảng Ninh bị mất điện do sự cố nhiều đường dây trung áp. Sau khi bão đi qua và gió mạnh giảm dần, việc khôi phục vận hành và cung cấp điện sẽ được khẩn trương triển khai.
(CLO) Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương vừa có báo cáo nhanh cập nhật tình hình cung ứng hàng hoá phục vụ người dân tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, đang đổ bộ vào nước ta trong ngày 7/9.
(CLO) Trái ngược với tình trạng “vét" sạch chợ để mua hàng tích trữ trước bão, đến sáng sớm ngày 7/9, nhu cầu mua sắm giảm sâu, lượng hàng hoá dồi dào, giá nhiều mặt hàng rau xanh, thịt đều tăng mạnh.
(CLO) Giá hợp đồng tương lai lithium của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp mới vào thứ Sáu (6/9) khi tâm lý kinh tế vĩ mô đáng lo ngại đẩy nhanh xu hướng giảm do nguồn cung kim loại chủ yếu được sử dụng trong xe điện tăng mạnh.