Hàng loạt dự án nghìn tỷ “bỏ hoang” tại vùng ven biển Thừa Thiên Huế

Chủ nhật, 24/11/2019 10:39 AM - 0 Trả lời

(CLO) Các siêu dự án được đầu tư với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tưởng chừng đây sẽ là những dự án giúp tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển mạnh về du lịch. Tuy nhiên, những dự án này vẫn nằm “án binh bất động” nhiều năm nay gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Khu đất bỏ hoang trong vùng dự án ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Khu đất bỏ hoang trong vùng dự án ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Nhiều dự án đất vàng ven biển “trùm mền”

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô được khởi công xây dựng vào năm 2008 tại thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Hai năm sau, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú - Lăng Cô xin điều chỉnh quy mô dự án lên đến 5.230 tỷ đồng và diện tích đất sử dụng là 292 ha.

Dự án được thiết kế gồm 3 hạng mục công trình là khu resort ven biển 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên biểu tượng có diện tích lên đến 17.000m2.

Thế nhưng trên thực tế, đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy, mặc dù việc kiểm kê đền bù đất cho người dân địa phương vẫn chưa xong. Điều này khiến gần 100 hộ dân nằm trong vùng dự án phải luôn sống trong cảnh bất an, đồng thời nhà cửa của người dân đang xuống cấp, hư hỏng cũng bị cấm sửa chữa, xây dựng.

Vướng quy hoạch các dự án khiến nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn trong việc di dời, cũng như sửa chữa nhà cửa.

Vướng quy hoạch các dự án khiến nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn trong việc di dời, cũng như sửa chữa nhà cửa.

Anh Bùi Quang Hải (40 tuổi, trú thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) cho biết, gia đình anh nằm trong khu vực của dự án, thế nhưng đến hiện tại, anh chưa nhận được tiền đền bù đất đai, nhà cửa. Trong khi đó, cả gia đình anh phải sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì chính quyền không cho phép.

“Dãy nhà sau của gia đình cũng chưa biết đổ sập bất cứ lúc nào. Lo sợ tính mạng của con cái, đợt đó, tôi có mua 2 xe đất đến để gia cố bờ móng thì ngay sau đó, cán bộ xã đến kiểm tra. Bởi, cán bộ xã cho rằng, nhà tôi đã nằm trong diện thu hồi để giao cho dự án sân golf nên người dân không được sửa chữa. Giờ có triển khai hay không thì chính quyền cũng phải báo cho dân biết. Nếu dự án không làm thì Nhà nước cũng nên thu hồi và tạo điều kiện cho dân sửa chữa nhà cửa, tách thửa”- anh Hải cho biết thêm.

Cũng năm trong Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép lần đầu cho Cty TNHH Một thành viên Bãi Chuối Việt Nam đầu tư với vốn đầu tư đăng ký 1.636 tỷ đồng với diện tích 100 ha.

Dự án dự kiến xây dựng 100 villa - resort - khách sạn và 70 villa cao cấp. Điều đáng nói, ngay sau khi dự án Khu nghĩ dưỡng Bãi Chuối được cấp phép thì một con đường vào dự án dài 6 km chạy quanh núi Hải Vân được đầu tư với kinh phí 40 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Năm 2012, con đường này hoàn thành nhưng dự án thì vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang.

Ngoài dự án “bánh vẽ” Khu nghĩ dưỡng Bãi Chuối hiện còn nhiều dự án ở các khu đất vàng ven biển khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô vẫn tiếp tục “trùm mền”. Phải kể đến là dự án Khu Liên hợp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô được khởi công vào năm 2008. Dự án này cam kết sẽ hoàn thành vào tháng 12/2009 với quy mô 200 phòng khách sạn, 40 biệt thự đẳng cấp 5 sao, các phòng hội nghị tiêu chuẩn quốc tế và các dịch vụ cao cấp khác nhưng đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”.

Theo ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn vì thiếu công ăn việc làm mà lượng lớn diện tích đất của thị trấn lại bỏ hoang như thế thì hết sức lãng phí. Phía địa phương đã nhiều lần kiến nghị nếu nhà đầu tư nào có đủ năng lực thì tiếp tục đầu tư trở lại, còn dự án nào không triển khai thì nên trả lại đất để dân sản xuất”.

Ngoài những dự án tại khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, tại vùng ven biển huyện Phú Vang cũng dang dở những dự án du lịch với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec tại xã Phú Thuận huyện Phú Vang.

Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam vào năm 2008. Dự án có tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, bao gồm các khu chức năng như công trình công cộng, dịch vụ thương mại rộng hơn 36ha, khu resort rộng gần 26ha và 10ha còn lại được dành cho khu tái định cư và đất dự trữ phát triển.

Theo đó, dự án sẽ xây dựng 743 căn nhà thương mại có diện tích 150m²/căn, 91 căn nhà biệt thự ven biển,  53 căn nhà biệt thự ven phá Tam Giang và 4 tòa nhà là khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp, resort ven biển và khu tái định cư… và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Dự án từng được người dân nơi đây kỳ vọng là khu nghỉ dưỡng hiện đại bậc nhất vùng biển Thuận An. 

Thế nhưng, sau khi chủ đầu tư hoàn thành cơ bản phần thô 9 ngôi nhà kiểu mẫu tại đập eo Hòa Duân và 3 căn nhà giáp biển Xuân An thì dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp này “trùm mền” cho đến nay.

Các căn nhà kiểu mẫu của DA Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec tại xã Phú Thuận huyện Phú Vang đang bị bỏ hoang.

Các căn nhà kiểu mẫu của DA Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec tại xã Phú Thuận huyện Phú Vang đang bị bỏ hoang.

Sẽ chấm dứt hoạt động đối với các dự án nhà đầu tư không có năng lực thực hiện

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô.

Đến nay, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 88.600 tỷ đồng. Hiện, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 45 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 76.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 1.870ha; trong đó, có 21 dự án hoàn thành đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 46,6% tổng số dự án), 21 dự án đang triển khai (chiếm tỷ lệ 46,6% tổng số dự án) và 03 dự án chậm tiến độ (chiếm tỷ lệ 6,8% tổng số dự án).

Theo ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế cho biết, bên cạnh nhiều dự án được nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ, còn có một số dự án chậm tiến độ, đây là thực trạng chung của nhiều địa phương trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Nhìn chung, các dự án triển khai chậm tiến độ là do trong quá trình lập đề xuất dự án đầu tư, nhà đầu tư xây dựng tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư chưa phù hợp với thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thường kéo dài do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số nhà đầu tư có dự án được cấp phép trong giai đoạn này gặp khó khăn về tài chính nên không có khả năng triển khai thực hiện.

Theo UBND tỉnh, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiến hành rà soát, làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ và yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ, thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư dự án. Trường hợp đến thời điểm cam kết mà nhà đầu tư không hoàn thành dự án đưa vào hoạt động thì sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án. Qua triển khai các biện pháp này, đến nay tỉnh đã tiến hành chấm dứt hoạt động 18 dự án với vốn đầu tư khoảng 12.600 tỷ đồng, diện tích đất khoảng 730ha. Hiện tại, trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô còn 03 dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý và các sở, ngành liên quan rà soát hồ sơ và căn cứ pháp lý để tham mưu UBND tỉnh về chủ trương chấm dứt hoạt động dự án đối với các dự án này theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đối với các dự án chậm tiến độ, vượt thời gian gia hạn theo quy định nhưng có lý do khách quan (do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc lý do bất khả kháng theo quy định), sẽ xem xét giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đầu tư.

Đối với các dự án chậm tiến độ nhưng không có lý do khách quan, bất khả kháng theo quy định thì Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh làm việc với chủ đầu tư để xác định nội dung vi phạm đầu tư, đồng thời lập thủ tục thực hiện chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi chủ trương đầu tư theo quy định.

Đối với các dự án chủ đầu tư đã ký Hợp đồng thuê đất, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh phải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, lập văn bản xác định hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư do không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa.

Cái Văn Long

Tin khác

Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

(CLO) Khi tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi vi phạm nồng độ cồn, ông T. đã ký vào biên bản và đi ra ngoài, sau đó leo lên thùng xe Cảnh sát giật nắp bình xăng, châm lửa chiếc xe máy.

Đời sống
Quảng Ninh: Nét mới đặc sắc trong Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024

Quảng Ninh: Nét mới đặc sắc trong Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024

(CLO) Độc đáo, Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên tổ chức tại mép nước bãi tắm Công viên nước Đại Dương (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long) với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn. Sự kiện diễn ra vào 20h ngày 28/4.

Đời sống
Homestay ven Hà Nội cạn kiệt phòng trống, người dân kéo nhau cắm trại giữa trời

Homestay ven Hà Nội cạn kiệt phòng trống, người dân kéo nhau cắm trại giữa trời

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thay vì đi du lịch xa, người dân Hà Nội tận hưởng kỳ nghỉ tại các homestay ven Hà Nội khiến nhiều nơi cạn kiệt phòng trống. Dân tình chuyển hướng sang cắm trại cùng ven đô, tận hưởng không khí trong lành.

Đời sống
Cận cảnh vụ phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk

Cận cảnh vụ phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk

(CLO) Hàng nghìn cây gỗ lớn, nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc, tại hiện trường từng khoảnh rừng đã bị “hạ trắng”, đốt sạch. Vụ phá rừng thuộc khu vực giáp ranh huyện Chư Prông (Gia Lai) và huyện Ea Sup (Đăk Lăk).

Đời sống
Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây 'giải nhiệt'

Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây "giải nhiệt"

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết ở Hà Nội rất oi bức, nền nhiệt ngoài trời có lúc lên đến 40 độ C nên nhiều người dân đã đến Công viên nước Hồ Tây để "giải nhiệt" và vui chơi.

Đời sống