Hàng loạt mặt hàng đồng loạt tăng “sốc”, Bộ Tài chính nói “vẫn trong tầm kiểm soát”

Thứ năm, 03/06/2021 13:33 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, hàng loạt mặt hàng thiết yếu, sắt thép, xi măng, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi;... đều tăng giá chóng mặt, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về một chu kỳ lạm phát mới.

Trong thời gian qua, không chỉ có giá sắt thép, xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, mà hàng loạt phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường cũng tăng và dọa tăng. 

Ví dụ, vào đầu tháng 5/2021, giá thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM đã tăng 6.000 - 8.000 đồng/kg, lên ngưỡng 90.000 - 105.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp, giá thủy sản cũng đã tăng 3% - 5% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng giá.

Nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng giá.

Như giá thịt gà công nghiệp bán lẻ tại nhiều siêu thị cũng còn cao với cánh gà từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, đùi gà 70.000 - 78.000 đồng/kg. Giá bán cá ba sa ở mức 45.000 - 55.000 đồng/kg, cá điêu hồng (loại sống) 75.000 - 85.000 đồng/kg, mực và tôm 200.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại…

Trước hiện tượng mặt bằng giá cả tăng liên tục, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, giới chuyên gia lo ngại về nguy cơ lạm phát có thể xảy ra trong thời gian tới.

PGS-TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, lạm phát xảy ra khi việc tăng giá diễn ra trên tất cả các thị trường hàng hóa, dịch vụ...

Thực tế, nhìn qua đời sống, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng nhưng chỉ mang tính cục bộ. Cùng với đó, do sức mua chưa hồi phục nên mức độ tăng đang tạm thời được kìm hãm. Tuy xảy ra cục bộ nhưng tích lũy dần, khi xảy ra ở tất cả các nơi sẽ dẫn tới lạm phát.

Ông Thành cũng cho biết thêm, dư địa kiểm soát lạm phát hiện nay của Việt Nam không còn nhiều vì nếu như thừa nhận có lạm phát, Chính phủ buộc phải có chính sách thắt chặt tiền tệ và điều chỉnh giá cả thị trường của nhiều tuyến. Như vậy sẽ làm khó cho các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp”, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, vẫn buộc phải triển khai các chính sách vì nếu lạm phát bùng lên ở diện rộng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, càng để lâu càng khó chữa.

Nhận định về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020. 

Một số mặt hàng có giá tăng do nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu tăng như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép), có mặt hàng tăng theo giá thế giới như xăng dầu. 

Đối với mặt hàng do Nhà nước định giá, thời gian vừa qua dịch vụ vận chuyển hàng không có sự điều chỉnh kết cấu chi phí trong giá, tuy nhiên việc điều chỉnh này phải bảo đảm mức giá vé máy bay vẫn trong khung giá do cơ quan có thẩm quyền nhà nước quy định. 

Tuy đây là áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước nhưng đây là nhân tố đã được tính toán trong các kịch bản điều hành giá nên cũng đã có giải pháp để chủ động điều hành giá trong nước nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2021 bình quân ở mức dưới 4%.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. 

Do vậy, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. 

Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến, giá xăng dầu tiếp tục tăng tác động làm giá trong nước tăng theo.

Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương làm ảnh hưởng tâm lý chung, căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.

Để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá những tháng đầu năm và đề xuất giải pháp điều hành giá những tháng còn lại. 

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 về công tác quản lý, điều hành giá, trong đó đã đề các các biện pháp và giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Phó Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ quản lý ngành trong điều hành giá các mặt hàng cụ thể trong đó có việc quản lý giá thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, sách giáo khoa, đất đai, bất động sản...

Nguyệt Hồ

Tin khác

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

(CLO) Một con tàu do hãng vận tải khổng lồ Sovcomflot (SCF) của Nga bị Mỹ trừng phạt đã xả dầu nhiên liệu tại một cảng phía tây Ấn Độ vào thứ Sáu (26/4), Reuters đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp
Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

(CLO) Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Lan, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trung tâm Thương mại Thế giới Leeuwarden tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại thành phố Leeuwarden, tỉnh Friesland. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chủ trì hội nghị.

Thị trường - Doanh nghiệp