Hàng nghìn người biểu tình chống lại cảnh sát ở Yangon

Thứ bảy, 06/02/2021 19:43 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hàng chục nghìn người đã xuống các đường phố ở Yangon, Myanmar, để tố cáo cuộc đảo chính và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi, trong cuộc biểu tình lớn nhất trong tuần này kể từ khi các tướng lĩnh nắm quyền.

Người biểu tình Myanmar giơ ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Yangon vào thứ Bảy - Ảnh: AFP

Người biểu tình Myanmar giơ ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Yangon vào thứ Bảy - Ảnh: AFP

Bài liên quan

Cảnh sát phong tỏa một con phố chính ở cố đô Yangon khi những người biểu tình cố gắng tiến lên báo hiệu những bất ổn trên đường phố sau cuộc đảo chính.

Các biểu ngữ như “Chống lại chế độ độc tài quân sự” dẫn đầu các cuộc tuần hành ở Yangon. Nhiều người biểu tình mặc màu đỏ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), còn một số khác mang theo cờ đỏ.

“Nhà độc tài quân sự, thất bại, thất bại; Dân chủ, chiến thắng, chiến thắng”, những người biểu tình hô vang, kêu gọi quân đội trả tự do cho người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, những người đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính hôm thứ Hai (1/2).

Các hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội hôm thứ Bảy (6/2) cho thấy cảnh sát đang chặn một giao lộ chính giữa Đường Insein và ngã ba Hledan ở Yangon, khi những người biểu tình cố gắng tuần hành.

Đoàn người biểu tình tuần hành trong hòa bình đã hô vang khẩu hiệu và giơ tay chào bằng ba ngón tay để phản đối cuộc đảo chính. Các tài xế ô tô cá nhân và xe buýt công cộng cũng bấm còi khi tình trạng ùn tắc tiếp tục diễn ra, tạo nên một bầu không khí hỗn loạn tại Yangon.

Chính quyền quân sự của Myanmar đã cố gắng ngăn chặn những người bất đồng bằng cách tạm thời chặn Facebook và mở rộng cuộc đàn áp mạng xã hội lên Twitter và Instagram vào thứ Bảy (6/2) trước việc phong trào phản đối ngày càng tăng.

Các nhà chức trách đã ra lệnh cho các nhà cung cấp internet từ chối quyền truy cập vào Twitter và Instagram "cho đến khi có thông báo mới", công ty điện thoại di động Na Uy, Telenor Asa cho biết.

Nhu cầu về VPN (mạng riêng ảo) đã tăng vọt ở Myanmar, cho phép một số người tránh khỏi lệnh cấm từ chính phủ quân sự, nhưng người dùng cho biết dịch vụ dữ liệu di động bị gián đoạn nhiều hơn, thứ mà hầu hết người dân ở đất nước 54 triệu dân này cần và dựa vào để nhận tin tức và liên lạc.

Một người dùng Twitter cho biết: “Chúng tôi đã mất tự do, công lý và rất cần dân chủ. Hãy nghe tiếng nói của Myanmar".

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (6/2), Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tố cáo vụ mất điện là "kinh khủng và liều lĩnh".

Ming Yu Hah, một quan chức cấp cao của Tổ chức Ân xá ở châu Á cho biết: “Đóng cửa internet trong bối cảnh một cuộc đảo chính đầy biến động, một cuộc khủng hoảng nhân đạo và một đại dịch sức khỏe là một quyết định liều lĩnh và tàn ác”.

“Quân đội phải thiết lập lại tất cả các hệ thống viễn thông ngay lập tức và ngừng đặt quyền của người dân vào tình trạng nguy hiểm”, Ming Yu Hah nhấn mạnh.

Nhiều bác sỹ, y tá hưởng ứng phong trào Bất tuân dân sự, nhằm phản đối chính quyền quân sự mới được thành lập sau cuộc đảo chính - Ảnh: AFP

Nhiều bác sỹ, y tá hưởng ứng phong trào Bất tuân dân sự, nhằm phản đối chính quyền quân sự mới được thành lập sau cuộc đảo chính - Ảnh: AFP

Lên án cuộc đảo chính

Thượng tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Myanmar, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính ngày 1/2, với cáo buộc gian lận trong một cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 mà đảng NLD đã giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội.

Chính phủ quân sự đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và hứa sẽ bàn giao quyền lực sau cuộc bầu cử mới mà không đưa ra khung thời gian.

Việc quân đội giành lại quyền lực từ chính quyền dân sự đã chịu sự lên án của dư luận quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) cũng yêu cầu trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, trong khi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đang được Washington xem xét.

Bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc đảo chính hồi đầu tuần. Bà Chủ tịch đảng NLD từng bị quản thúc khoảng 15 năm trong một cuộc đấu tranh chống lại các chính phủ quân sự trước đây, trước khi quá trình chuyển đổi dân chủ bắt đầu vào năm 2011.

Luật sư của bà Suu Kyi và Tổng thống bị lật đổ Win Myint cho biết họ đang bị giam tại nhà riêng và ông không thể gặp họ vì họ vẫn đang bị thẩm vấn. Bà Suu Kyi phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp sáu máy bộ đàm trong khi ông Win Myint bị cáo buộc về các hạn chế virus Corona.

“Tất nhiên, chúng tôi muốn trả tự do vô điều kiện vì họ không vi phạm pháp luật”, Khin Maung Zaw, luật sư kỳ cựu đại diện cho cả hai người nói.

Ông Sean Turnell, cố vấn kinh tế người Australia của bà Aung San Suu Kyi, cho biết trong một tin nhắn gửi hãng tin Reuters hôm thứ Bảy rằng ông đang bị giam giữ.

"Tôi đoán bạn sẽ sớm nghe về nó, nhưng tôi đang bị giam giữ", ông nói với Reuters trước khi đường dây điện thoại bị cắt. “Bị buộc tội cái gì đó, nhưng không chắc cái gì. Tôi khỏe và mạnh mẽ, và không có tội gì cả”, ông cho biết.

Cảnh sát chặn một số tuyến phố ở Yangon nhằm ngăn chặn người biểu tình tuần hành phản đối cuộc đảo chính quân sự - Ảnh: Reuters

Cảnh sát chặn một số tuyến phố ở Yangon nhằm ngăn chặn người biểu tình tuần hành phản đối cuộc đảo chính quân sự - Ảnh: Reuters

Dấu hiệu đầu tiên của tình trạng bất ổn trên đường phố

Cuộc biểu tình hôm thứ Bảy (6/2) là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình trạng bất ổn trên đường phố ở một quốc gia có lịch sử đàn áp đẫm máu người biểu tình. Cũng có các cuộc biểu tình chống đảo chính đối với Myanmar ở Melbourne, Australia và Thủ phủ Đài Bắc của Đài Loan vào thứ Bảy.

Một phong trào bất tuân dân sự đã được lan truyền ở khắp Myanmar cả tuần nay, với các bác sĩ và giáo viên trong số những người từ chối làm việc, và hàng đêm mọi người đập xoong nồi để thể hiện sự tức giận.

Ngoài khoảng 150 vụ bắt giữ sau cuộc đảo chính do các nhóm nhân quyền báo cáo, truyền thông địa phương cho biết thêm khoảng 30 người đã bị bắt vì các cuộc biểu tình ồn ào.

Rất đông người biểu tình tham gia tuần hành ở Yangon. Myanmar vào ngày thứ Bảy (6/2) - Ảnh: Reuters

Rất đông người biểu tình tham gia tuần hành ở Yangon. Myanmar vào ngày thứ Bảy (6/2) - Ảnh: Reuters

Áp lực quốc tế

Hoa Kỳ đang xem xét các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các cá nhân và thực thể do quân đội Myanmar kiểm soát.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã thúc ép nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì trong một cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (5/2) để lên án cuộc đảo chính, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Các tướng lĩnh có ít lợi ích ở nước ngoài sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng các khoản đầu tư kinh doanh rộng rãi của quân đội có thể bị ảnh hưởng, nếu các đối tác nước ngoài rời đi - như công ty đồ uống Nhật Bản Kirin Holdings cho biết vào thứ Sáu.

Telenor, một công ty khác được thu hút đầu tư, cho biết họ có nghĩa vụ pháp lý tuân theo lệnh chặn một số phương tiện truyền thông xã hội, nhưng “nêu rõ sự mâu thuẫn của chỉ thị với luật nhân quyền quốc tế”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ đã kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế về internet, thả những người bị giam giữ và chấm dứt các mối đe dọa đối với các nhà báo.

Giám đốc Châu Á Brad Adams cho biết: “Tin tức và thông tin bị che đậy bởi các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính không thể che giấu các vụ bắt giữ có động cơ chính trị và các hành vi lạm dụng khác”.

Phan Nguyên

Tags:

Tin khác

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

(CLO) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc không nhằm mục đích kìm hãm nền kinh tế hoặc sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Thế giới 24h
Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

(CLO) Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học Mỹ đã bị bắt vào thứ Bảy (27/4), khi họ tuyên bố sẽ tiếp tục phong trào nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Israel với Hamas.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

(CLO) Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne sẽ thúc đẩy các đề xuất nhằm ngăn chặn sự leo thang trong xung đột giữa Israel và Hezbollah trong chuyến thăm Lebanon vào Chủ nhật (28/4).

Thế giới 24h
Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

(CLO) Quốc hội Iraq hôm thứ Bảy (27/4) đã thông qua luật hình sự hóa các mối quan hệ đồng giới với mức án tối đa 15 năm tù.

Thế giới 24h
Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

(CLO) Nếu Mỹ tịch thu tài sản và tiền mặt bị đóng băng của Nga ở phương Tây, Nga cũng sẽ tịch thu tài sản của các công dân và nhà đầu tư Mỹ ở Nga, theo ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, tuyên bố vào thứ Bảy (27/4).

Thế giới 24h