Hát xẩm - Từ góc chợ đến hàn lâm

Thứ năm, 01/04/2021 10:08 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhân Lễ Giỗ Tổ Nghề Hát xẩm cổ truyền Việt Nam (sẽ được tổ chức vào ngày 03/4/2021), cùng nhìn lại hành trình xẩm, từ lối diễn xướng dân gian, dạy truyền khẩu trở nên một môn học được dạy bài bản trong trường nghệ thuật.

Chuyện dân gian kể, vào đời nhà Trần có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Hai anh em được vua cha giao cho đi tìm của báu. Người em Trần Quốc Đĩnh đã bị anh hãm hại, làm mù hai mắt, vứt trong rừng sâu hòng cướp công.

Ở trong rừng, hoàng tử Đĩnh quá đau buồn, chỉ còn cách than vãn với muông thú. Người hiền nên muông thú không nỡ giết, hằng ngày mang hoa quả để ông ăn đỡ đói lòng. Ông lần mò, tìm được cây vầu và dây rừng, làm thành cây đàn bầu. Từ đó, lời than vãn thành điệu nhạc. Những khúc nhạc tự sự, ai oán cất lên kể về thân phận của mình.

Một ngày, một toán thợ săn đi rừng, nghe tiếng hát mà tìm thấy ông. Về làng, hoàng tử Đĩnh tiếp tục hát và dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của chàng lan đến tận hoàng cung, vua mời chàng vào hát và nhận ra con mình. Về cung rồi, nhưng hoàng tử Đĩnh vẫn theo nếp cũ, tiếp tục dạy nhân gian đàn hát để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông Tổ Nghề hát xẩm.

Hát xẩm trên phố đi bộ Tam Bạc.

Hát xẩm trên phố đi bộ Tam Bạc.

Để ghi nhớ công ơn của ông Tổ Nghề, người dân lấy ngày 22/2 âm lịch làm ngày giỗ ông (có nơi lấy ngày 22/8 âm lịch).

Hàng trăm năm qua, người hát xẩm hầu hết đều là người khiếm thị, lấy nơi đông đúc như cổng chợ, bến thuyền... làm nơi diễn xướng, thế nên nghĩ đến xẩm, phần đông người ta vẫn hay nhầm nghề hát xẩm thành nghề ăn mày.

Trò chuyện với Nghệ nhân Đào Bạch Linh - “ông Trùm” của Chiếu xẩm Hải Phòng, anh cho biết, sau này, đến thời xã hội “cải cách”, những người khiếm thị được cho đi học chẻ tăm, đan chổi... hát xẩm mai một đi. Duy có bà Hà Thị Cầu (1928 - 2013) thì nhờ “chỉ biết hát xẩm mà không biết làm gì” mà giữ lại được nghề. Nhiều người tôn xưng bà là “nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20”. Bắt đầu bằng một tình yêu hồn nhiên, chàng thanh niên Đào Bạch Linh đã đi theo cụ Hà Thị Cầu và học được của cụ tất cả những “ngón nghề” của xẩm.

Linh Xẩm kể, năm 1978, nhân sự kiện một chương trình giao lưu văn hóa giữa các nước ở khu vực châu Á, Nhà nước đi tìm và đã tìm ra nhiều cụ còn giữ được nghề xẩm như cụ Hà Thị Cầu ở Ninh Bình, cụ trùm Nguyên ở Hà Nội, cụ Thân Đức Chinh ở Hà Bắc, cụ Thìn ở Hải Hưng... May mắn thay, cũng nhờ “chỉ biết hát xẩm mà không biết làm gì”, cụ Cầu hát tốt nhất. Cụ được mời lên Đài tiếng nói Việt Nam thu âm bài “Theo Đảng trọn đời”. Từ đây, nhiều người đã sửng sốt về một hình thức diễn xướng dân gian mà chỉ thiếu chút nữa đã biến mất.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Ngữ, hát xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ; Xẩm xoan (Chênh bong); Huê tình (riềm huê); Xẩm nhà trò (ba bậc); Nữ oán (Phồn huê); Hò bốn mùa; Hát ai; Thập ân.

Riêng tại Hà Nội, còn có một dòng Xẩm mang đặc trưng riêng, đó là “xẩm tàu điện” vì nó thường được hát trên tàu điện. Khi xưa, các nghệ nhân Xẩm từ chốn thôn quê khi ra Hà Nội biểu diễn. Để làm vừa lòng nhu cầu thẩm mỹ của người dân chốn đô thị có trình độ. Nên các gánh Xẩm đã khéo léo lồng những bài thơ như: “Anh khóa”, “Cô hàng nước” (của Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang”, “Vui nhất Hà thành”, “Mục hạ vô nhân”, “Lơ lửng con cá vàng”… Xẩm tàu điện còn có một phần rất thú vị là hát để...quảng cáo như các bài xẩm “Tăm tre”, “Thuốc cam Hàng Bạc”, quảng cáo thuốc ho, dầu cù là... với vần điệu và ca từ dí dỏm.

Nội dung của hát xẩm ban đầu vốn là chuyện kể lể của bản thân, sau trở thành những bài đề cập đến các vấn đề, tình huống của cuộc sống như tình cảm gia đình, công cha nghĩa mẹ, tình yêu đôi lứa, tình anh em, chồng vợ. Xẩm cũng đề cập đến các vấn đề đương thời như cách phê phán các thói hư tật xấu, dạy những bài học về đối nhân xử thế.

Xã hội càng văn minh, con người càng có xu hướng tìm kiếm, khôi phục lại những giá trị riêng của cộng đồng mình. Xẩm mỗi ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều chiếu xẩm đã ra đời, hoạt động thường xuyên, liên tục như Câu lạc bộ xẩm Hà Thành (Hà Nội), Câu lạc bộ xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Câu lạc bộ xẩm chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Câu lạc bộ xẩm Yên Nhân (Yên Mô, Ninh Bình), Câu lạc bộ xẩm xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình) và nhiều chiếu xẩm khác tại các vùng Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa...

Các ghi chép, thống kê về xẩm cũng được làm bài bản hơn. Nghệ nhân Linh Xẩm cho biết, thời kỳ mới bắt đầu học xẩm, anh khá loay hoay với việc ghi chép, ký âm bài hát bởi chưa được học nhạc lý. Nhưng từ dân gian đến dân gian, anh tự sáng tạo ra một phép ghi lời bài hát để tự mình dễ nhớ. Sau này, học nhạc lý, việc ghi chép để lưu giữ, phổ biến lại được dễ dàng hơn.

Học viên bộ môn Hát Xẩm – Trường Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng.

Học viên bộ môn Hát Xẩm – Trường Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng.

Một dấu mốc quan trọng đối với xẩm để từ lối diễn xướng dân gian, dạy truyền khẩu trở nên bài bản là từ năm 2018, xẩm chính thức trở thành một bộ môn, được cấp mã ngành đào tạo, tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp tại Trường Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng.

Đến nay, trường đã đào tạo được ba khóa, trong đó có một khóa đã tốt nghiệp. Nghệ nhân Đào Bạch Linh – giáo viên thỉnh giảng của trường, rất phẩn khởi nói: “Với cách thức học tập trung, bài bản, các em sau hai năm học trong trường hoàn toàn có đủ kiến thức, kỹ năng để có thể ra đời và hành nghề”. Anh tâm sự: “Sân khấu của xẩm không phải chốn hào hoa, cung đình. Đấy chỉ mang tính chất trình diễn. Sân khấu của nghề hát xẩm chính là nơi chợ búa, bến nước, gốc đa, là nơi đậm hơi thở của đời sống. Gìn giữ xẩm phải là những nơi ấy chứ không phải là nơi sân khấu ánh đèn rực rỡ”.

Và cứ như thế, sau một thời gian dài, xẩm – thứ văn nghệ mộc mạc, nôm na tưởng chừng sẽ mai một, lại được hồi sinh mạnh mẽ như mạch nguồn không cạn.

LỄ GIỖ TỔ NGHỀ HÁT XẨM CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Thực hiện kế hoạch hoạt động thường niên - năm 2021, được sự đồng ý của Sở Văn hoá & Thể thao, Trung tâm Văn hóa Thành phố, Hội Văn nghệ Dân gian và Ban Quản lý di tích đình Hào Khê, Chiếu Xẩm Hải Phòng theo lệ, trọng thể tổ chức “Lễ Giỗ Tổ Nghề Hát xẩm cổ truyền Việt Nam” (Xuân kỳ chính kỵ) nhằm tri ân đến Tổ Nghề và liệt vị tiền nhân của “Nghề Hát Xẩm”, vào 08h:00 - 15h00, thứ Bảy ngày 03/4/2021 (tức 22/2/Tân Sửu) tại Đình Hào Khê, số 180 ngõ 292 Lạch Tray (ngõ Hào Khê), phường Kênh Dương, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.

Tử Hưng

Tin khác

Lần đầu tổ chức Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

Lần đầu tổ chức Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

(CLO) Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu phục vụ đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Tổ chức Liên hoan 'Chiến sĩ nhỏ Điện Biên' năm 2024

Ninh Bình: Tổ chức Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" năm 2024

(CLO) Chương trình Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" tỉnh Ninh Bình năm 2024 do Tỉnh đoàn Ninh Bình, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Tam Điệp tổ chức vào chiều ngày hôm nay (6/5/2024).

Đời sống văn hóa
Một lần được hầu chuyện nhạc sỹ Đỗ Nhuận

Một lần được hầu chuyện nhạc sỹ Đỗ Nhuận

(CLO) Tôi nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV ( Đài Tiếng nói Việt Nam ) nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân (con trai của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận) cho biết: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi lần gặp cha mình, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường nhắc ông chuẩn bị viết một bài ca để mừng chiến thắng. Vì thế với ông, đây không chỉ là một lời nhắc nhở, mà còn là ‘mệnh lệnh’...

Đời sống văn hóa
Cuộc thi 'Tôi yêu du lịch Ninh Bình' tìm kiếm những đại sứ du lịch

Cuộc thi "Tôi yêu du lịch Ninh Bình" tìm kiếm những đại sứ du lịch

(CLO) Cuộc thi "Tôi yêu du lịch Ninh Bình" lần thứ 3 năm 2024 là một trong những hoạt chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Đời sống văn hóa
Các họa sĩ nhí nhận giải thưởng vẽ tranh về Điện Biên Phủ

Các họa sĩ nhí nhận giải thưởng vẽ tranh về Điện Biên Phủ

(CLO) Tối 5/5, Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hà Nội.

Đời sống văn hóa