Hậu động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria: Nỗi đau những di tích lịch sử bị tàn phá

Thứ ba, 28/02/2023 14:28 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bên cạnh thiệt hại thảm khốc về con người, trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 còn tàn phá hàng nghìn công trình văn hóa, tôn giáo và cả những di sản UNESCO ở hai đất nước này.

Gần 1 tháng sau vụ động đất, Antakya, thủ phủ của tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn ngổn ngang đổ nát. Không ai còn nhận ra thành phố du lịch nổi tiếng này, khi cơn giận dữ của tự nhiên đã xóa sạch các di sản văn hóa và tôn giáo nơi đây.

hau dong dat tho nhi ky  syria noi dau nhung di tich lich su bi tan pha hinh 1

Ngọn tháp và mái vòm của nhà thờ Habib-i Najjar (thành phố Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ) đã đổ sập sau trận động đất. Ảnh: CNN

Antakya vốn tọa lạc một phần trên địa điểm của Antiochia, thành phố cổ đại được lập nên vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên dưới thời Đế chế Seleukos và sau này trở thành một trong những thành phố lớn nhất của Đế chế La Mã - thủ phủ của các tỉnh Syria và Coele-Syria .

Nằm ở ngã tư của các nền văn minh, Antakya là điểm đến hành hương tôn giáo và du lịch hàng đầu ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, khi hàng nghìn năm giao thoa văn hóa đã đem lại cho thành phố này một kho tàng di sản đồ độ. Vậy nhưng, những công trình nghìn năm tuổi ở đây giờ chỉ còn là gạch vụn.

Bénédicte de Montlaur, chủ tịch và giám đốc điều hành của Quỹ Di tích Thế giới, nói với báo giới: “Trận động đất đã làm hư hại các công trình kiến trúc trải dài hàng thế kỷ và nhiều nền văn hóa, từ pháo đài La Mã, nhà thờ Hồi giáo lịch sử đến nhà thờ linh thiêng của một số giáo phái Cơ đốc giáo. Chúng tôi chắc chắn rằng di sản bị mất trong những sự kiện bi thảm này sẽ mất nhiều năm để sửa chữa”.

Yusuf Kocaoglu, một hướng dẫn viên chuyên nghiệp và là dân Antakya chính gốc, đã hướng dẫn hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới thăm quan thành phố này trước khi xảy ra động đất. Nhưng giờ, anh cho biết: “Tôi không biết còn có thể đưa các bạn đi đâu nữa vì tất cả các công trình đã bị phá hủy”.

Theo Kocaoglu, nhà thờ Hồi giáo Habib-i Najjar mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là lâu đời nhất ở vùng Anatolia là một trong những di tích quý giá bậc nhất bị phá hủy. Nhà thờ này từng bị tàn phá trong một trận động đất năm 1853 và được xây dựng lại trong thời kỳ Ottoman, nhưng ngọn tháp từ thế kỷ 17 của nó vẫn còn. Sau trận động đất hồi đầu tháng này, ngọn tháp và mái vòm của nhà thờ Habib-i Najjar cũng đã biến mất.

Các nhà thờ Hồi giáo khác ở Antakya cũng hoàn toàn đổ nát. Chẳng hạn như nhà thờ Hồi giáo Sermaye, được xây dựng vào đầu những năm 1700, là nhà thờ Hồi giáo độc đáo với lối vào được xây xuyên qua ngọn tháp. Bây giờ ngọn tháp chỉ còn lại một gốc cây!

Nhà thờ Hồi giáo Ulu, được xây dựng vào thế kỷ 18, từng phát đi lời cầu nguyện năm lần một ngày vang vọng ở trung tâm thành phố như một biểu tượng cho cuộc sống thường nhật tại Antakya. Bây giờ nó đã hoàn toàn biến mất.

Sứ đồ Peter đã mang Cơ đốc giáo đến Antioch trong vài thập kỷ đầu tiên sau cái chết của Chúa Giê-su. Kinh Tân ước cho biết thành phố này là nơi những người theo đạo Cơ đốc lần đầu tiên được gọi là Cơ đốc nhân. Song những công trình cơ đốc giáo quan trọng nhất tại đây cũng tan tành.

Nhà thờ Chính thống giáo ở Antakya, trụ sở của tòa thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp cho đến thế kỷ 14, đã bị tàn phá trong trận động đất - mặt tiền của nó bây giờ là một đống đổ nát của sắt và xi-măng. Jennifer Stager, một nhà nghiên cứu về Antioch cổ đại tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Antakya và khu vực xung quanh có một lịch sử sâu sắc và đa dạng tôn giáo. Những di tích bị phá hủy này là một phần rất quan trọng trong lịch sử và cuộc sống đương đại của khu vực”.

… tới danh sách di sản tan tành của một vùng đất lịch sử

Antakya không phải là nơi duy nhất chứng kiến những công trình nghìn năm tuổi biến dạng hoặc biến mất sau trận động đất thảm khốc đầu tháng 2. Trên khắp miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria, có hàng chục thành phố đang bất lực nhìn lịch sử của chính mình biến thành đống gạch vụn.

Bên cạnh các đội tình nguyện tham gia cứu hộ nạn nhân của trận động đất thì thời gian qua, các chuyên gia của UNESCO cũng đã lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ và một số nơi ở Syria để kiểm tra, đánh giá các thiệt hại của những di tích lịch sử. Có thể kể ra đây một số địa điểm có ý nghĩa nhất và bị hư hại nặng nề nhất đang được UNESCO đặc biệt quan tâm, ngoài Antakya, nơi mà chúng tôi nhắc đến ở đầu bài viết này.

Thành cổ Aleppo (Syria)

Aleppo là một trong những thành phố có người ở liên tục lâu đời nhất trên thế giới, ước tính từ thiên niên kỷ thứ 6 trước Công nguyên tới nay. Trong nhiều thế kỷ, Aleppo là thành phố lớn nhất ở Syria và là thành phố lớn thứ ba của Đế chế Ottoman sau Constantinople (nay là Istanbul) và Cairo (Ai Cập).

hau dong dat tho nhi ky  syria noi dau nhung di tich lich su bi tan pha hinh 2

Một góc thành cổ Aleppo (Syria) tan hoang. Ảnh: CNN

Ý nghĩa của thành phố trong lịch sử là vị trí của nó nằm ở một đầu của Con đường Tơ lụa, đi qua Trung Á và Lưỡng Hà. Aleppo đã giành được danh hiệu Thủ đô Văn hóa Hồi giáo năm 2006 và cũng được đưa vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO nhờ những di tích thành cổ, phố cổ có niên đại 2000 năm.

Aleppo đã bị hư hại đáng kể khi nằm trong khu vực giao tranh ác liệt của cuộc nội chiến Syria suốt từ năm 2013 đến nay. Trận động đất hôm 6/2 vì thế góp phần đẩy nhanh việc tàn phá di tích vô giá này. Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria cho biết một xưởng xay sát có từ thời Ottoman bên trong thành cổ Aleppo, một phần của bức tường thành phía đông bắc và ngọn tháp của nhà thờ Hồi giáo Ayyubid bên trong thành cổ Aleppo đã đổ sập vì trận động đất.

Thành phố lịch sử Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ)

Cũng có giá trị văn hóa đặc biệt như Aleppo là thành phố lịch sử Gaziantep ở trung nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số những địa điểm bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại thành phố này là lâu đài Gaziantep.

hau dong dat tho nhi ky  syria noi dau nhung di tich lich su bi tan pha hinh 3

Lâu đài Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) trước và sau động đất - Ảnh: Yahoo

Được xây dựng bởi Kilij Arslan II, một sultan Seljuk, vào thế kỷ 11 và sau đó Sultan Orhan Gazi mở rộng lâu đài như hiện có vào năm 1396, đây được coi là một trong những lâu đài lớn nhất và tinh tế nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nằm trên một ngọn đồi cao 25-30 mét ở trung tâm thành phố, công trình này là biểu tượng của Gaziantep trong hàng thế kỷ qua.

Lâu đài Gaziantep đã được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 2003 và từng là nhà tù trong thời của Đế chế Ottoman. Theo ghi nhận, một số pháo đài ở phía đông, nam và đông nam của lâu đài Gaziantep đã bị phá hủy bởi trận động đất hôm 6/2.

Nhà thờ Hồi giáo Sirvani, nằm gần lâu đài Gaziantep, là một công trình lịch sử khác bị hư hại do trận động đất. Nhà thờ này được xây dựng từ năm 1225 đến 1254 bởi Sultan Alaeddin Keykubat II và là một trong những công trình lịch sử quan trọng nhất ở Gaziantep.

Nhà thờ Sirvani có bốn ngọn tháp cao 110 mét, một mái vòm phủ bằng gạch vàng và các phòng cầu nguyện riêng biệt cho nam và nữ. Nhưng sau trận động đất hôm 6/2, mái vòm của nhà thờ Sirvani và bức tường ở mặt tiền phía đông đã bị phá hủy.

Lâu đài Al-Marqab (Syria)

Tại tỉnh Hama của Syria, các cuộc khảo sát của Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng nước này cho thấy “một số tòa nhà bên trong lâu đài cổ Al-Marqab” ở thành phố Baniyas đã bị hư hại, trong khi các phần của công sự và một tòa tháp của công trình lịch sử có hơn 1000 năm tuổi đã bị đổ.

hau dong dat tho nhi ky  syria noi dau nhung di tich lich su bi tan pha hinh 4

Lâu đài Al-Marqab ở tỉnh Hama của Syria từng là pháo đài quan trọng của các hiệp sĩ thập tự chinh. Ảnh: Yahoo

Al-Marqab, tiếng Arab là “Lâu đài tháp canh”, được xây dựng lần đầu vào năm 1062 trên một ngọn đồi cao 360 m vốn hình thành từ miệng núi lửa đã tắt. Nằm trên con đường giữa Tripoli và Latakia, nhìn ra biển Địa Trung Hải, Al-Marqab từng là pháo đài của quân Thập tự chinh và là một trong những thành trì chính của các Hiệp sĩ Hospitaller. Nhà sử học Hugh Kennedy đánh giá đây Al-Marqab "được thiết kế một cách khoa học, đạt đến đỉnh cao về công năng phòng thủ trong thời kỳ Thập tự chinh”.

Thành cổ Anazarbus và pháo đài Diyarbakır (Thổ Nhĩ Kỳ)

Ngoài ra, còn những địa điểm khác bị hư hại nhẹ, như thành phố cổ Anazarbus, với lịch sử kéo dài 7.500 năm, nằm ở phía nam tỉnh Adana (Thổ Nhĩ Kỳ) hay Pháo đài cổ Diyarbakır nằm ở tỉnh Diyarbakır (Thổ Nhĩ Kỳ).

hau dong dat tho nhi ky  syria noi dau nhung di tich lich su bi tan pha hinh 5

Khải hoàn môn ở thành phố cổ Anazarbus (Thổ Nhĩ Kỳ) bị nứt sau động đất - Ảnh: Sabah Daily

Thành phố cổ Anazarbus nổi tiếng với các công trình khai quật và phục hồi ở quận Dilekkaya, và nó được coi là một trong những thành phố kiên cường nhất thế giới khi đứng vững qua rất nhiều trận động đất và các cuộc chiến tranh.

Anazarbus nằm trong Danh sách Dự kiến Di sản Thế giới của UNESCO, là nơi có nhiều công trình kiến trúc hoành tráng bao gồm khải hoàn môn tuyệt đẹp, con đường hai làn đầu tiên trên thế giới và những bức tường thành cổ nghìn năm tuổi.

May mắn thay, các bức tường lâu đài và các công trình kiến trúc cổ của thành phố, bao gồm cả cổng khải hoàn môn, chỉ bị nứt nhẹ và vẫn đứng vững, không giống như 11 tòa nhà bị phá hủy và hàng chục tòa nhà bị hư hại trong khu vực.

Pháo đài Diyarbakir, Sur, được xây dựng vào năm 1522 và hiện là Di sản Thế giới của UNESCO. Tường thành của pháo đài những bức tường phòng thủ hoàn chỉnh rộng nhất và dài nhất trên thế giới chỉ sau Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Có thông tin cho rằng không có thiệt hại nghiêm trọng nào đối với các bức tường, nhưng có các mảnh vỡ ở một số nơi.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế