Khát vọng nâng tầm làng nghề Việt!

Thứ năm, 01/09/2022 14:30 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 là một tin vui với các làng nghề, khi nó giúp vạch ra lộ trình, định hướng cho công tác bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam từ nay đến năm 2030, đồng thời hướng tới nâng cao giá trị của các làng nghề trên cả nước.

Mục tiêu đầy tham vọng

Ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định số 801/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Phải nói ngay rằng, ý tưởng về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam (gọi tắt là Chương trình) được các Bộ, Ban, ngành ấp ủ và đề xuất từ rất lâu, theo từng giai đoạn. Nhưng phải đến thời điểm hiện tại, đề án này mới được phê duyệt. Ban đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình lên Chính phủ “Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam”, nhưng sau khi xem xét, Chính phủ nhận thấy tầm quan trọng của đề án đã nâng thành Chương trình để có một kế hoạch tổng thể và dài hơi hơn. Bởi vì, phải là Chương trình mới thể hiện hết tầm quan trọng, quy mô của đề án, do làng nghề liên quan đến rất nhiều ngành trong xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông thôn.

khat vong nang tam lang nghe viet hinh 1

Tranh Đông Hồ đối diện với nguy cơ mai một, khi trong làng chỉ còn hai gia đình làm tranh truyền thống - Ảnh: Công Đạt

Mục tiêu của Chương trình hướng tới bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

Ngoài ra, Chương trình phấn đấu 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu.

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD. 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện gồm: Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát huy làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

khat vong nang tam lang nghe viet hinh 2

: Quyết định 801 được kỳ vọng sẽ là giải pháp, động lực để bảo tồn và phát triển làng nghề tại Việt Nam - Ảnh: Công Đạt

Thúc đẩy sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương

Đánh giá về “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa nhận định, “Chương trình có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhiều làng nghề. Nó thể hiện ý chí của Chính phủ trước thực trạng khó khăn của nhiều làng nghề tại Việt Nam. Mà điều này xuất phát từ tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, khả năng hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Những khó khăn của các làng nghề đang đối mặt có thể kể đến như là vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm… Từ hệ lụy sản xuất dẫn đến hệ lụy môi trường - những vấn đề mang tính nghiêm trọng mà các làng nghề gặp phải”.

Ông Hóa cho biết, một trong những “cái được” của Chương trình là hướng đến đối tượng chủ thể là các nghệ nhân, những người trực tiếp tham gia quá trình sáng tạo, sản xuất và duy trì giá trị văn hóa của làng nghề. Theo đó, Chương trình nhắm vào duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.

Ông cha ta xưa có câu “có bột mới gột nên hồ”, việc chăm lo, duy trì và phát triển lực lượng nghệ nhân chính là vấn đề quan trọng tạo nên sự ổn định, bền vững cho các làng nghề. Do đó, Chương trình này khi triển khai được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán nhân lực ở nhiều làng nghề có nguy cơ mai một.

khat vong nang tam lang nghe viet hinh 3

Bản khắc “Đám cưới chuột” của tranh Đông Hồ. Ảnh: Công Đạt

Thực tế, các làng nghề truyền thống như nghề làm tranh hiện tại rất khó phát triển. Có thể kể đến nghề làm tranh ở làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế), làng tranh Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Tại các làng này, số lượng gia đình làm tranh truyền thống còn lại rất ít. Việc truyền nghề và dạy nghề gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia đánh giá, vấn đề ở các làng tranh không dễ để cải thiện trong “một sớm một chiều”.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, “Chương trình như một hồi chuông để thúc đẩy sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Đối với các làng nghề, địa phương phải hiểu họ cần phải làm gì, phải đầu tư gì? Không chỉ đầu tư về tiền bạc, cơ sở vật chất, mà phải đầu tư cả về đào tạo”.

Theo ông Hóa, Chương trình như mở “nút thắt”, tạo ra cơ hội và động lực cho làng nghề, nhưng mỗi địa phương cần phải tìm hướng đi. Không thể có một đáp án chung cho tất cả làng nghề. Có những nghề không thể đi theo hướng sản xuất ồ ạt, mà chỉ nâng cao giá trị văn hóa của sản phẩm làng nghề, và làm sao để đưa các sản phẩm truyền thống đó vào đời sống xã hội nhanh và hiệu quả nhất.

Hiện tại, một số địa phương đang có một số cách làm mới để bảo tồn và phát triển làng nghề như ghép mô hình làng nghề với du lịch, hay còn gọi là du lịch trải nghiệm làng nghề. Việc kết hợp này phần nào giúp các làng nghề có thêm nguồn thu từ khách du lịch. Tuy nhiên, hiệu quả của việc khai thác này chưa cao do sự phối hợp còn thiếu đồng bộ giữa các lĩnh vực trong đời sống xã hội như văn hóa, du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải.

Điểm mới và sự khác biệt của Chương trình này chính là nhấn mạnh phát triển làng nghề theo hướng phát triển du lịch, chứ không đơn thuần là du lịch làng nghề hay du lịch cộng đồng theo các tour du lịch. Nó sẽ là căn cứ để các địa phương vạch kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề dựa trên sự kết hợp đồng bộ giữa các yếu tố từ quy hoạch, phân bổ nguồn lực, đào tạo nhân lực, đến cải tạo môi trường, chất lượng dịch vụ…

khat vong nang tam lang nghe viet hinh 4

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: Quang Hùng

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Những năm gần đây, Huế đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề bằng nhiều cách khác nhau.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Huế có hệ thống làng nghề gắn với đời sống sản xuất của bà con tại các địa phương. Đó là chất liệu để kết hợp với du lịch trải nghiệm. Đến nay, Huế cũng đã có một số sản phẩm rồi như làng cổ Phước tích, mây tre đan Bao La ở Quảng Điền, làng nón ở Hương Thủy… nhưng có điểm yếu là sự chuẩn bị bài bản cho nó thì đang thiếu”. Vì lẽ đó, Chương trình này được đánh giá có ý nghĩa lớn, nó giúp định hướng giải quyết những vấn đề đang còn vướng mắc, tồn tại ở các làng nghề.

Với mục tiêu bảo tồn các làng nghề có nguy cơ mai một, nhấn mạnh khía cạnh văn hóa, bảo hộ giá trị văn hóa của làng nghề, ông Hóa tin rằng, “Chương trình tác động đến sự quan tâm của các cấp chính quyền. Khi quan tâm thì người ta sẽ tìm mọi cách để vực dậy”.

Hoài Đức

Tin khác

Gia Lai: Cánh quạt điện gió bất ngờ bị gãy khi đang bảo dưỡng

Gia Lai: Cánh quạt điện gió bất ngờ bị gãy khi đang bảo dưỡng

(CLO) Trong quá trình hiệu chỉnh góc quay hướng gió đã gặp phải sấm sét, gió giật mạnh... khiến một cánh quạt bất ngờ bị gãy.

Đời sống
Gần 3.000 người bị tước Giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 nghỉ lễ 30/4

Gần 3.000 người bị tước Giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 nghỉ lễ 30/4

(CLO) Ngày thứ 3 kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 15.541 trường hợp, phạt 35 tỷ 136,4 triệu đồng, tước 2.929 Giấy phép lái xe các loại.

Đời sống
Biển Đông có gió giật cấp 7, cảnh báo sóng lớn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Biển Đông có gió giật cấp 7, cảnh báo sóng lớn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ngày và đêm 29/4 ở vịnh Bắc bộ và vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông có gió đông nam đến nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Đời sống
Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

(CLO) Phát hiện đám cháy bên trong cửa hàng FPT ở Gò Vấp (TP.HCM), các nhân viên cùng người dân nỗ lực dập tắt đám cháy nhưng bất thành. Rất may không có thương vong về người.

Đời sống
Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

(CLO) Khi tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi vi phạm nồng độ cồn, ông T. đã ký vào biên bản và đi ra ngoài, sau đó leo lên thùng xe Cảnh sát giật nắp bình xăng, châm lửa chiếc xe máy.

Đời sống