Khi lạc nghiệp mà chẳng thể… an cư

Thứ năm, 03/11/2022 09:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thời thế đang khiến “an cư lạc nghiệp” - câu răn dạy con cháu của các cụ xưa ngày càng trở nên… không thể khả thi với phần đa những người làm công ăn lương.

Ước tính của các chuyên gia rằng cứ theo cơn sốt giá đất hiện nay, người lao động bình thường phải mất… 120 năm mới mua được nhà, có thể khiến vô số người choáng váng nhưng là sự thật chua chát không thể phủ nhận.

khi lac nghiep ma chang the an cu hinh 1

Câu hỏi “đi làm bao nhiêu năm mới mua được nhà?” đã là câu hỏi nhức nhối được người dân, báo chí đặt ra từ lâu. Ảnh: T.L

1. Theo chia sẻ của GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại diễn đàn “Nguồn cung thị trường bất động sản TP.HCM: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ” tổ chức ngày 28/10, một chỉ số rất quan trọng của thị trường bất động sản là tỷ số giữa giá nhà ở trung bình trên tiền lương trung bình theo năm. Tại các nước châu Âu, tỷ số này là từ 2 tới 4.

Giả sử, mỗi lao động có thể tiết kiệm được 25% tiền lương, có nghĩa là sau 4 năm sẽ tiết kiệm được 1 năm lương. Vậy tỷ số nói trên là 2 thì sau 8 năm làm việc, người lao động có thể mua được nhà. Nếu tỷ số là 4 thì sau 16 năm lao động họ sẽ mua được nhà. Tại Thái Lan, tỷ số này là 7, tức là sau 28 năm làm việc sẽ mua được nhà. Tại Việt Nam, trong cơn sốt giá 2007-2008, tỷ số này là 25, tức là phải lao động 100 năm mới mua được nhà. Trong cơn sốt đất hiện nay, nhiều người đã tính sơ bộ tỷ số này là 30, vậy phải lao động 120 năm mới mua được nhà.

Thực ra câu hỏi “đi làm bao nhiêu năm mới mua được nhà?” đã là câu hỏi nhức nhối được người dân, báo chí đặt ra từ lâu. Các chuyên gia cũng liên tục đặt ra vấn đề này. Thậm chí cả các đại biểu quốc hội cũng đã không ít lần đặt vấn đề này ra trước nghị trường quốc hội. Nhưng tất cả cho đến nay, thực sự vẫn chỉ dừng lại ở câu hỏi ngỏ. Trong khi đó, người dân, đặc biệt là những người trẻ đang vào độ lập thân, lập gia đình, ngày càng hoang mang, thậm chí sẽ không là quá lời nếu nói rằng, họ ngày càng… tuyệt vọng trước giá nhà, giá đất ngày càng tăng cao tới mức… phi lý và không tưởng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Đơn cử như tại Hà Nội, nếu như cách đây 2 năm, căn hộ khu vực trung tâm quận Cầu Giấy, Thanh Xuân… được chào bán ở khoảng 30 - 40 triệu/m2 thì đến nay mặt bằng giá đã tăng lên tới 45 - 60 triệu/m2. Giá nhà bình dân (khoảng 2 tỷ đồng trở lại, dưới 30 triệu đồng/m2) cũng đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. “Từ năm 2019 đến nay, đã xuất hiện dự án và căn hộ bất động sản “siêu sang” với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, cá biệt có mức giá đến 1 tỷ đồng/m2 – báo cáo của HoREA cho biết. 

Điều đáng quan ngại nhất, như lời ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Phát triển Nhà ở CBRE: “Hiện nay những phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực hiện nay không có nhiều, thậm chí các phân khúc sản phẩm tầm trung và bình dân gần như không còn”. Giấc mơ an cư của phần đa người dân, rõ ràng, đã xa vời nay ngày càng xa vời, mong manh. Với nhiều người Việt hiện nay, rõ ràng, lạc nghiệp rồi mà chẳng biết đến bao giờ, thậm chí hoàn toàn có thể chẳng thể nào… an cư.

2. Trong khi câu trả lời “bao giờ đi làm mới mua được nhà?” cho đến nay vẫn chẳng ai có thể mang lại đáp án khả dĩ nhất thì sự lý giải cho thực trạng “lạc nghiệp mà chẳng thể an cư” lại vô cùng đơn giản: cầu đã vượt qua cung quá nhiều lần.

Bằng chứng là tại buổi công bố báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam đầu năm 2022, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, có khoảng 92% người khảo sát, muốn mua nhà ở tại Việt Nam trong tương lai, trong đó có hơn một nửa đang tìm mua nhà trong vòng 2 năm tới. Trong đó, xu hướng tìm kiếm ở TP.HCM chiếm tới 45%, Hà Nội chiếm 34%; tiếp đến là các tỉnh, khu vực giáp ranh 2 thành phố lớn này.

Mới đây nhất, báo cáo mới nhất của Savills, trong quý 3 năm 2022, nguồn cung sơ cấp thị trường căn hộ TP.HCM giảm còn 6.600 căn, giảm 51% theo quý. Thêm nữa, nguồn cung căn hộ ở TP.HCM dự kiến sẽ tăng lên 133.400 căn trong năm 2025 nhưng con số này chỉ đáp ứng nổi khoảng 52% nhu cầu nhà ở theo kế hoạch.

Điều đáng nói nữa là trong khi trên tổng thể nguồn cầu lớn nhiều lần cung, trong đó lượng cung luôn ở mức thấp nhất so với nhu cầu là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Đây là hai loại nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị, thì có gọi là nghịch lý trái ngang hay không khi báo cáo của Savills cho biết tại địa bàn mua bán bất động sản sôi động như TP.HCM, lượng tồn kho căn hộ sơ cấp chiếm 66% nguồn cung, lớn nhất kể từ năm 2019, trong đó, 89% lượng hàng tồn kho này thuộc về các căn hộ hạng sang.

Lý giải cho thực tế này, cũng chẳng khó bởi trong số lượng nguồn cung mới, hơn 60% có giá hơn… 11 tỷ đồng/căn, và báo cáo Savills ghi nhận mức giá sơ cấp cao nhất từ trước đến nay là 124 triệu đồng/m2. Rõ ràng, chỗ cần đang rất cần, chỗ thừa vẫn thừa, còn giá vẫn… trên trời.

3. Vài ngày qua, dư luận đang xôn xao trước vụ việc cô con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ - ngôi nhà hai tầng khang trang ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên.

“Hôm 29/10/2022, mấy người con gái bà Đ. lại cãi nhau với mẹ của mình. Các cô ấy còn nói với bà Đ. là, nếu không chia lại tài sản (đất đai) thì sẽ đập tường, đốt cái nhà này... Không ngờ đến hôm sau, mấy người con bà Đ. làm thật. Khoảng 9h sáng ngày 30/10, mấy mẹ con bà Đ. đang cãi nhau ngoài sân thì mấy cô con gái bất ngờ kéo bà Đ. vào trong rồi đổ xăng xuống nền nhà đốt. Khi người dân khống chế được ngọn lửa, định đưa mấy mẹ con bà Đ. ra ngoài, nhưng cũng rất khó khăn. Nhiều người phải vần nạn nhân lên chiếc chăn bông, sau đó đưa lên ô-tô. Chứ dùng tay không, không bám được vào người, vì phần da các nạn nhân đều bị bong tróc do lửa cháy. Dùng tay không chạm vào bị trơn tuột... Giờ nghĩ lại cảnh đó tôi vẫn bủn rủn chân tay” - Bà H. (sinh sống gần căn nhà xảy ra sự việc) kể lại.

Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Thành Hưng (VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: “Việc 3 người con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức, trái với đạo nghĩa làm con, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, mà đây còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”

Những điều “phạm” phải đều hết sức khủng khiếp, ai cũng không thể không biết là trái đạo lý, trái pháp luật nhưng  lạ là họ vẫn cố tình làm. Lý giải cho điều này, có nhiều nguyên do, nhưng trong vô vàn nguyên do ấy, căn cốt vẫn là chuyện cái nhà, chuyện mảnh đất. Tranh chấp, kiện tụng về đất đai đã là dạng thức phổ biến nhất tại Việt Nam nhiều thập kỷ qua.

Những dòng tít đọc mà rùng mình, nhói buốt như: “Anh thảm sát cả gia đình em trai vì tranh chấp đất đai”, “Chém anh trai, chị dâu sau tranh chấp 23m2 đất”, “Mâu thuẫn về đất đai, em chém chết anh ruột”, “Đâm chết hàng xóm vì tranh chấp đất đai”… vẫn cứ xuất hiện liên tục trên mặt báo nhiều năm qua. Giá đất bị thổi bùng lên quá cao, quá giá trị thực, đến mức thành câu cửa miệng “tấc đất tấc vàng”… có phải là nguyên nhân chính gây nên vấn nạn đau lòng ấy không? Câu hỏi này có lẽ không khó có câu trả lời.

Câu hỏi “đi làm mới mua được nhà?”, thực ra không chỉ “nóng” ở Việt Nam. Tại nhiều nước, từ lâu rất nhiều người trẻ đã từ bỏ ý định mua nhà mà tạm bằng lòng với việc ở nhà thuê. Nhưng để từ câu chuyện “nóng” này “biến dạng” thành vấn nạn xã hội với những tranh chấp, kiện tụng, anh em, bố mẹ máu mủ ruột thịt trong một gia đình “nồi da nấu thịt” chém giết nhau vì miếng đất, thì có lẽ chẳng mấy nơi nào nhức nhối bằng xứ ta.

Thế nên, giải pháp nào để kìm hãm lại tình trạng “sốt” giá bất động sản vẫn phải là câu hỏi “nóng” cần có ngay câu trả lời thoả đáng từ các cơ quan chức năng có liên quan. Chừng nào mọi chuyện vẫn chỉ dừng ở thể “bàn thảo” thì nhiều vấn nạn xã hội đau lòng chắc chắn  sẽ còn xảy đến.

Nguyễn Hà

Bình Luận

Tin khác

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn