Không chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tai nạn trong dịp Tết

Thứ năm, 25/01/2024 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tết là dịp người dân đi lại, giao lưu nhiều nên nguy cơ lây lan dịch bệnh và tai nạn sẽ cao hơn bình thường, chính vì vậy phương án điều trị, cấp cứu y tế luôn được ngành y chủ động tính toán từ trước.

Sự kiện: COVID-19

Nguy cơ dịch bệnh gia tăng

Thời điểm càng gần Tết nguy cơ dịch bệnh bùng phát càng nhiều, đặc biệt các bệnh liên quan đến đường hô hấp như các loại cúm, COVID-19. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhi, người nhà nhập viện điều trị vì mắc các bệnh truyền nhiễm tăng.

Đặc biệt, khi miền Bắc bước vào đợt rét đậm, rét hại nên tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, cùng với đó người dân di chuyển về quê ăn Tết, đi du lịch, lễ hội nên việc lây lan bệnh tật truyền nhiễm là điều rất dễ xảy ra.

Đánh giá về việc này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, việc tăng nguy cơ người mắc bệnh là khó tránh khỏi. Vì dịp Tết do việc đi lại, giao lưu nên xảy ra việc người không mắc bệnh tiếp xúc với người bệnh. Đối tượng dễ bị mắc bệnh là trẻ em, người già và người bị bệnh nền. “Các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người mắc bệnh nền. Do đó, những người này cần chủ động trong phòng bệnh, tránh nhiễm bệnh” – ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

khong chu quan truoc nguy co dich benh tai nan trong dip tet hinh 1

Ngành y tế sẽ trực 24/24h để ứng phó với các sự cố tai nạn, cấp cứu xảy ra. Ảnh minh họa.

Một trong những vấn đề nhiều người quan tâm chính là việc COVID-19 có thể lây lan mạnh trong dịp Tết. Mối lo này không hề thừa khi tại nhiều quốc gia số người mắc COVID-19 cũng tăng lên vào dịp cuối năm 2023 và đầu năm mới 2024.

Ông Trần Đắc Phu cho rằng, mặc dù Tổ chức y tế thế giới công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng họ cũng khẳng định COVID-19 không mất đi. Đây là bệnh lưu hành và đề nghị các nước chuyển sang quản lý bền vững.

Mặc dù COVID-19 không còn là tình trạng khẩn nhưng chúng ta không được chủ quan, chúng ta lưu ý các biến chủng mới có thể nguy hiểm” – ông Trần Đắc Phu chia sẻ. Cũng theo chuyên gia này, trong tháng 12, Tổ chức Y tế thế giới có báo cáo giám sát tình hình dịch COVID-19 tại 50 quốc gia, kết quả có 850 nghìn trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3 nghìn trường hợp tử vong. Số người bệnh đã tăng 52% so với tháng 11.

Ở Việt Nam hiện chưa có báo cáo chính xác. Nhiều người nhiễm COVID-19 nhưng không xét nghiệm, đặc biệt khi bị các triệu chứng sốt, ho thì lại nghĩ đến bệnh khác. “COVID-19 có xu hướng gia tăng nên cần tiếp tục theo dõi xem biến chủng thế nào. Nhưng hiện nay chủng COVID-19 gây bệnh chưa phải biến chủng đáng quan ngại” - vị này nêu.

Ông Trần Đắc Phu nhận định, trong dịp Tết nguyên Đán, lễ hội thì bệnh truyền nhiễm sẽ gia tăng. Biện pháp dự phòng tốt nhất vẫn là đeo khẩu trang. Người dân khi đi xe buýt, đi lễ hội, tiếp xúc với người có triệu chứng cần bảo vệ mình bằng khẩu trang y tế. “Nhóm người già, người mắc bệnh nền khi nhiễm COVID-19 diễn biến nặng nên cần phải đề phòng” – vị này nêu.

Sẵn sàng phương án cấp cứu khi tai nạn xảy ra

Dịp cuối năm và đón Tết nguyên đán không chỉ dịch bệnh xảy ra mà nguy cơ tai nạn, cháy nổ, ngộ độc, đâm chém nhau cũng tăng lên. Nhiều năm qua, với những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai thì vấn đề phân công trực Tết, dự phòng cấp cứu ngoại viện luôn được lên kế hoạch chi tiết để có việc là triển khai ngay.

khong chu quan truoc nguy co dich benh tai nan trong dip tet hinh 2

Thông tin với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có phương án cho việc ứng trực trong Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, dịp nghỉ Tết, bệnh viện sẽ không mổ phiên mà tập trung cho mổ cấp cứu. “Bệnh viện sẽ lên phương án trực cấp cứu và chăm sóc những bệnh nhân đang nằm viện. Khi người bệnh đến cấp cứu, bệnh viện sẽ đảm bảo cứu chữa, không để công tác cấp cứu ảnh hưởng bởi Tết” – ông Dương Đức Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đội ngũ trực cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu, điều động sẽ luôn luôn sẵn sàng. “Bệnh viện sẽ lên danh sách kỹ, ngày nào, ai được phân công trực để dự phòng trường hợp có đột xuất như tai nạn, cháy nổ. Bệnh viện luôn luôn xây dựng các e-kip để cấp cứu ngoại viện khi được điều động nếu sự cố xảy ra” – ông Dương Đức Hùng chia sẻ.

Bên cạnh lo công tác chuyên môn, việc tổ chức cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên Bệnh viện đón Tết ấm cúng khi ứng trực là điều Bệnh viện cũng quan tâm, chú trọng. Đối với người bệnh, Bệnh viện cũng đã có chuẩn bị chu đáo về các gói dinh dưỡng dành cho người bệnh. Bên cạnh đó, công tác xã hội có phương án trình giám đốc, có hỗ trợ cho người bệnh như các món quà do các nhà hảo tâm đóng góp. “Bệnh viện mong muốn người bệnh, người nhà và đội ngũ y bác sĩ có một cái Tết ấm cúng trong những ngày ở bệnh viện” – bác sĩ Dương Đức Hùng tâm sự.

Ngoài công tác chuyên môn, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhiều năm qua đã có những chuyến xe miễn phí đưa người ra viện về nhà ăn Tết. Các xe này hoàn toàn tự nguyện để hỗ trợ cho người bệnh. Đặc biệt, không vì Tết mà sao nhãng công tác chuyên môn. “Chúng tôi sẽ làm rất chu đáo, kỹ lưỡng cân đối hài hòa trên nguyên tắc hoạt động chuyên môn không bị ảnh hưởng do Tết” – ông Dương Đức Hùng nêu.

Có thể nói, công tác phòng bệnh và ứng cứu dự phòng rủi ro trong dịp Tết Nguyên đán là điều hết sức cần thiết. Sự chuẩn bị chu đáo từ phía các bệnh viện sẽ là điểm tựa để người dân yên tâm ăn Tết.

Đảm bảo ứng trực 24/24h không để thiếu thuốc

Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Các Sở Y tế phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết. Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, oxy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe