Kinh tế Việt Nam quý I/2022: Chính sách phục hồi đã tạo được động lực

Thứ năm, 31/03/2022 10:59 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mới đây, Tổng cục Thống kê (GSO) đã công bố tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2022 với rất nhiều thông tin tích cực. Theo các chuyên gia, chương trình phục hồi đã tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

5 động lực hỗ trợ kinh tế tăng trưởng trong năm 2022

Theo Tổng cục Thống kê, GDP trong quý I/2022 tăng 5,03%. Cho dù mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn thời điểm xuất hiện đại dịch COVID-19, thế nhưng đã tăng mạnh so với năm 2020 và năm 2021.

Nhận định về sự tăng trưởng 5,03% trong quý I/2022, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng: Tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý. Điều này cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả.

kinh te viet nam quy i 2022 chinh sach phuc hoi da tao duoc dong luc hinh 1

Họp báo về tình hình kinh tế quý I tại Tổng cục Thống kê ngày 29/3.

Theo bà Hương, một trong những lực đẩy cho nền kinh tế tăng trưởng đó là nhờ vào các chương trình phục hồi kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi đã tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

“Kinh tế - xã hội nước ta ba tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại”, bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết có 5 động lực giúp GDP quý I/2022 tăng 5,03%.

Thứ nhất, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%. Trong đó, nhiều ngành sản xuất tăng trưởng rất mạnh như, linh kiện điện thoại tăng 19%, bột ngọt tăng 15,7%, ô tô tăng 13,4%,...

Đặc biệt, ngành khai khoáng tăng trưởng 1,23%, đây là mức tăng trưởng dương kể từ quý I/2016, chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng đáp ứng thị trường tiêu thụ đang thuận lợi, giá cao. Riêng than đá xuất khẩu quý I/2022 tăng tới 216%.

Thứ hai, ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện là trụ đỡ nền kinh tế trong lúc khó khăn với mức tăng trưởng khá 2,45%. Kết quả đạt được do lúa vụ mùa Đồng bằng sông Cửu Long được mùa với năng suất tăng 7,4 tạ/ha; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, khu vực dịch vụ có tăng trưởng khởi sắc, khi nhiều hoạt động dịch vụ trước đây do ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19 đã sôi động trở lại như hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; ngành vận tải, kho bãi; ngành bán buôn và bán lẻ; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Thứ tư, hoạt động thương mại và dịch vụ dần sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước.

Quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn quý I năm 2020 và 2021: tăng 3,5% và 2,6%).

Thứ năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2022 đạt 176,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 809 triệu USD. Riêng nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 82,4 tỷ USD tăng 14% so cùng kỳ năm trước (chiếm đến 94% tổng kim ngạch nhập khẩu).

“Như vậy các doanh nghiệp đã chủ động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong các tháng tiếp theo phục vụ xuất khẩu”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Kiểm soát lạm phát tốt

Trước khi có thông tin chi tiết về tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội quý I/2022, một số dự báo lo ngại, lạm phát của Việt Nam sẽ gia tăng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo của GSO cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021. Tính chung quý I, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: Có nhiều lý do dẫn tới việc CPI của Việt Nam không tăng quá mạnh trong quý I/2022.

Bà Oanh nhấn mạnh: Sự xung đột tại Ukraine đã khiến nhóm hàng năng lượng, như dầu mỏ, khí đốt tăng cao trong thời gian qua. Thế nhưng, nhiều nhóm hàng hóa khác lại có xu hướng giảm.

Đơn cử, như nhóm ngành lương thực, thực phẩm sau Tết Nguyên đán có xu hướng giảm. Ví dụ như thịt lợn đã giảm 2,72%. Hoặc giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI giảm 0,23%.

Tương tự, giá thuê nhà ở giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,07%.

Theo bà Oanh, một lý do khác là sự chủ động trong điều hành giá của Chính phủ trong thời gian qua. Đơn cử, Chính phủ đã giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022.

“Công tác điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới, nguồn cung xăng dầu được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các địa phương tăng cường quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá”, bà Oanh nói.

Áp lực vẫn còn rất lớn

Tuy nhiên, bà Oanh dự báo, dù trong quý I kiểm soát lạm phát tương đối tốt, song áp lực về cuối năm vẫn còn rất lớn và việc đạt mục tiêu lạm phát khoảng 4% của Quốc hội là một thử thách không dễ dàng.

“Theo đánh giá của chúng tôi, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ rất lớn. CPI tháng 3 tăng khá cao so với tháng 2, đi ngược với quy luật tháng sau Tết Nguyên đán sẽ giảm so với tháng trong Tết”, bà Oanh nhận định.

Nhấn mạnh về điều này, bà Oanh cho biết: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong bối cảnh hàng hóa thế giới tăng cao, rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi.

“Xăng dầu chiếm tỷ trọng không cao trong rổ hàng hóa CPI của Việt Nam, nhưng với tốc độ hiện nay, đà tăng chắc chắn sẽ tạo ra áp lực chi phí ẩn, bởi đó là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết ngành công nghiệp”, bà nói thêm.

Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê dự báo, năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể xảy ra 2 kịch bản.Thứ nhất, với giả định chiến tranh Nga - Ukraine vẫn căng thẳng nhưng sớm kết thúc trong 6 tháng đầu năm; dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng mới nhưng cơ bản vẫn tăng trưởng quý II đạt khoảng 5,5%, quý III đạt khoảng 7,5% và quý IV tăng 6,1% và cả năm đạt 6,0% như kịch bản ban đầu.Thứ hai, với giả định chiến tranh Nga – Ukraine hạ nhiệt trong tháng 4; dịch COVID-19 được kiểm soát, biến chủng mới ảnh hưởng nhẹ hơn Omicron Tăng trưởng quý II đạt khoảng 6,1%; quý III và quý IV giữ nguyên theo Nghị quyết 01 và cả năm đạt 6,5% như kịch bản ban đầu.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

(CLO) Theo ADB, dân số châu Á đang già đi nhanh chóng. Vì vậy, các quốc gia châu Á cần chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn giúp hàng trăm triệu người dân già đi một cách lành mạnh.

Kinh tế vĩ mô
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn 'đổ tiền' vào thị trường bất động sản Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn "đổ tiền" vào thị trường bất động sản Việt Nam

(CLO) Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 tổng vốn đầu tư FDI, với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm gần 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78,2% so với cùng kỳ. 

Kinh tế vĩ mô
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(CLO) Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 1003 Ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.

Kinh tế vĩ mô
Không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia

Không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia

(CLO) Cục Điều tiết điện lực cho rằng, chỉ nên khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu, không nên khuyến khích (thậm chí nên hạn chế) phát loại điện này vào hệ thống.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ “ngược dòng chảy” với thế giới

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ “ngược dòng chảy” với thế giới

(NB&CL) Trái ngược với sự bi quan đối với nền kinh tế toàn cầu, các tổ chức nghiên cứu quốc tế lại lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô